Anh đã về với những nẻo đường phù sa

Lớp nghệ sĩ cùng thời và đàn em của Châu Huế sẽ mãi nhớ về anh, một con người có trái tim nhân hậu, dữ dội trên trường quay nhưng bình dị, mộc mạc giữa đời thường

Đạo diễn Châu Huế ra đi đột ngột khi đang làm hậu kỳ cho bộ phim “Giữa đôi bờ thiện ác”. Rạng sáng 4-3, con trai anh (quay phim Châu Việt Huy) vào phòng đánh thức bố mới hay trái tim anh đã ngừng đập...

Đạo diễn Châu HuếẢnh: tư liệu
Đạo diễn Châu HuếẢnh: tư liệu

Rồi sẽ có nhiều người nhắc đến Châu Huế với những tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình đồ sộ trong gia tài nghề nghiệp đạo diễn của anh, sẽ nhiều đồng nghiệp và các diễn viên tên tuổi đi lên từ vai diễn trong những bộ phim anh làm, nói về anh với những tình cảm tốt đẹp trong sự tiếc nuối... vì anh là một con người có trái tim nhân hậu, nhiệt huyết với nghề, dữ dội trên trường quay nhưng bình dị, mộc mạc giữa đời thường... Còn với tôi, anh là một người thầy đúng nghĩa, một người anh thân thiết và là một ân nhân trong nghề nghiệp.

Anh Hai Nhất hồi đó là một nhà sản xuất phim, vào một ngày đẹp trời đã giới thiệu tôi với anh với vai trò phó đạo diễn cho anh trong bộ phim “Trọn kiếp lênh đênh” mà ông sản xuất. Tôi đã biết tên anh khi xem những bộ phim điện ảnh của anh mà tôi rất thích như “Vụ án viên đạn lạc”, “Đời hát rong”, “Kế hoạch P76”... Nào ngờ cuộc đời đạo diễn của tôi bắt đầu từ phút giây định mệnh đó vì sau những ngày “lênh đênh” gian khổ với bộ phim, khi kết thúc những mét dựng cuối cùng, anh nhoẻn miệng cười và nói: “Ngọc Phong à, mày nghĩ sao nếu anh để tên mày đồng đạo diễn với anh trong bộ phim này?”. Tôi hỏi lại trong trạng thái hoang mang: “Anh nói thật không? Nhưng tại sao anh lại...”. Anh cười ha hả và nói tỉnh bơ: “Tại anh thấy mày xứng đáng làm đạo diễn chứ sao?”. Anh gọi anh Hai Nhất lại và nói: “Ông để tên nó đồng đạo diễn với tôi nhé!”. Thế là tôi trở thành đạo diễn cho đến bây giờ, sau 2 bộ phim truyền hình dài tập: “Những nẻo đường phù sa” và “Bình minh châu thổ”, cái tên đạo diễn Châu Huế - Ngọc Phong đứng bên nhau... Truyền thống đó được anh tiếp tục nuôi dưỡng cho đến sau này với các đạo diễn trẻ khác: Nguyễn Phương Điền, Vũ Huân, Đỗ Lệnh Hùng Vỹ... Tuy đã vào độ tuổi 70 nhưng anh luôn trẻ trung và tác phẩm của anh luôn đồng hành với lớp trẻ.

Những ngày đi làm phim với Châu Huế, tôi học được biết bao điều trong nghề đạo diễn, nhất là về hình ảnh và Miencenll (chuyển động trong khung hình) vì anh là một học viên quay phim đầu tiên của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Việt Nam và là một nhà quay phim cứng cựa của Điện ảnh Công an Nhân dân trong những ngày đầu mới thành lập, trước khi chuyển sang làm đạo diễn.Cho đến sau này, anh là một đạo diễn mát tay trong thể loại phim truyền hình nhiều tập như “Ký túc xá”, “Hướng nghiệp”, "Ám ảnh xanh”..., ghi dấu ấn và nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng khán giả cả nước.

Vĩnh biệt Châu Huế, một đạo diễn tài ba, nhân hậu và là một người thầy lớn đã hướng nghiệp cho những đạo diễn thế hệ sau anh và nhiều lớp diễn viên tạo  được chỗ đứng trong làng điện ảnh - truyền hình do chính bàn tay anh ươm mầm và nuôi dưỡng.

Đạo diễn Châu Huế sinh năm 1944 tại Đà Lạt. Ông theo bố tập kết ra Bắc lúc 10 tuổi. Năm 1976, ông vào Nam và thực hiện nhiều phim truyền hình danh tiếng như: “Những nẻo đường phù sa” (cùng đạo diễn Ngọc Phong), “Chúa Tàu Kim Quy”, “Chuyện tình bên dòng kênh Xáng”, “Bình minh châu thổ”, “Dòng sông định mệnh”, “Ám ảnh xanh”... Ông mất ngày 4-3 tại nhà riêng ở quận Gò Vấp, TP HCM, hưởng thọ 72 tuổi. Lễ viếng được tổ chức tại nhà riêng số 162/93 đường Cây Trâm, phường 8, quận Gò Vấp bắt đầu từ 21 giờ ngày 4-3, động quan lúc 14 giờ ngày 7-3, hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TP HCM.

 

Diễn viên KINH QUỐC:

Chú xem tôi là “đệ tử ruột”

Tôi coi chú như cha còn chú coi tôi như “đệ tử ruột” vì chú cháu gắn bó từ những ngày tôi mới chập chững vào nghề đã được theo chú đóng phim khắp nơi. Chú là người đã tạo nên danh tiếng cho tôi, từ phim “Cô thư ký xinh đẹp”, “Hướng nghiệp 1, 2”, “Ký túc xá” cho đến “Chuyện tình bên dòng kênh Xáng”... Chú là một đạo diễn hài hước, vui tính, không thích náo nhiệt nên phim của chú thường rất tình cảm, sâu lắng!.

Diễn viên Quyền Linh:

Từng đồng cam cộng khổ

Đạo diễn Châu Huế là một người anh đồng cam cộng khổ với tôi từ những năm làm phim truyền hình còn rất khó khăn. Thời đóng phim “Những nẻo đường phù sa”, chúng tôi băng rừng vượt núi để quay, chia nhau từng gói mì tôm... Đạo diễn Châu Huế rất “mát tay”, không ít diễn viên trẻ sau khi đóng xong phim của anh trở nên nổi tiếng như Kinh Quốc, Như Phúc, Thiệu Ánh Dương... Sống tình cảm nên anh được rất nhiều thế hệ diễn viên yêu mến. Sự ra đi của anh là một mất mát lớn cho nền điện ảnh Việt.

Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi:

Nhớ mãi bài học diễn bằng mắt

Tôi luôn nhớ ơn đạo diễn Châu Huế đã hỗ trợ tận tình trong những ngày đầu vào nghề. Lúc đó, tôi mới ra trường, mọi thứ còn bỡ ngỡ thì được đạo diễn Châu Huế mời vào vai Thư trong phim “Những nẻo đường phù sa”. Đối với một nữ diễn viên trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm diễn xuất như tôi, khó tránh khỏi những lúc lóng ngóng nhưng đạo diễn Châu Huế không bao giờ la mắng, quát tháo.

Nhớ mãi bài học đạo diễn Châu Huế chỉ dẫn khi tôi vào vai Thư đó là phải cố gắng diễn bằng đôi mắt. Đôi mắt diễn viên có khả năng truyền tải cảm xúc đến khán giả rất nhiều so với ngôn ngữ hình thể khác, nếu diễn được bằng đôi mắt, câu chuyện, tính cách... của nhân vật sẽ được lột tả chân thật hơn.M.Nga ghi

 

Theo TRẦN NGỌC PHONG/ Người Lao Động
Châu Huế