Bất ngờ với cách chàng gay da màu phản ứng khi bị kỳ thị tại trường học

Xuất hiện với phong cách unisex, chàng gay đến từ Nam Phi đã trải lòng về tuổi thơ bị kỳ thị vì da màu và... đồng tính!

Ở Việt Nam, cộng đồng đồng tính nam thường truyền nhau câu nói: "Nếu đã xấu thì đừng là gay" bởi sẽ rất lận đận trong tình duyên và cả cuộc sống. Thế nhưng, khi lắng nghe câu chuyện của Sean Dorning (25 tuổi) đến từ South Africa thì đó vẫn chưa là gì, khi anh chàng phải đối diện cả nạn phân biệt chủng tộc lẫn kỳ thị đồng tính.

Hơn 9 tháng sinh sống và làm việc tại Việt Nam, Seanie cũng gặp khá nhiều rắc rối với làn da màu và ngoại hình unisex - dáng người mảnh khảnh, mái tóc dài và cách make-up chỉn chu. Là một giáo viên tiếng Anh nhưng anh chia sẻ: "Nhiều phụ huynh Việt Nam không thoải mái khi thuê người da màu dạy tiếng Anh cho con họ". Anh chàng còn khiến nhiều người bối rối vì không biết "gọi anh hay kêu chị" vì ngoại hình của mình. Tuy nhiên, anh đã dễ dàng đối diện với tất cả và tận hưởng cuộc sống của mình, vì Seanie thậm chí từng trải qua những điều kinh khủng hơn!

Sinh ra trong một "mixed-family" (một nửa là người da đen, một nửa là người da trắng) luôn hạnh phúc, Seanie luôn được mọi người yêu thương. Mọi thứ bất ngờ giống như "địa ngục" khi anh bắt đầu đến trường. Trong suốt 7 năm đầu, anh là người da màu duy nhất tại trường - dấu hiệu của chuỗi ngày kinh khủng. "Ở đó, không ai giống mình khiến mình rất bối rối. Những đứa trẻ khác đối xử với mình rất tệ". Sau một giờ học vẽ, bạn bè thậm chí còn cố tẩy rửa da Seanie như cách mọi người rửa những vết màu loang lổ.

Mọi thứ dần tồi tệ khi lên cấp 3, Seanie không thể hoà nhập với tập thể vì hoá ra anh là đứa con lai: "Da không đủ đen so với người da đen". Anh trở nên cô độc và càng bị bắt nạt khi công khai mình là người đồng tính nam: "Họ không gọi mình bằng tên thật mà bằng nhiều từ ngữ tồi tệ dành cho gay". Nhiều cuộc ẩu đả xảy ra. Một ngày, khi trở về với đôi mắt bầm tím thì mẹ anh thẳng thắn: "Con phải biết tự đứng lên bảo vệ bản thân". Từ đó, Seanie có xu hướng bạo lực hơn và gặp khá nhiều rắc rối, nhưng anh đã biết cách "chiến đấu" để biết yêu bản thân hơn.

Cũng giống như Seanie, người thuộc cộng đồng LGBT ở bất cứ đâu đều phải trải qua nhiều khó khăn: những ánh mắt dè chừng, những hành động gây hại đến tinh thần cũng như thể xác chỉ vì sống đúng với bản ngã của mình. Có người học được cách đứng dậy để tự bảo vệ mình; có người sợ lời gièm pha, kỳ thị của người khác để che giấu bản thân mình. Nhưng chỉ khi trải qua đau khổ, bạn mới tìm thấy hạnh phúc. Còn e ngại đối diện, bạn sẽ mãi ở trong bóng tối.

"Dù bạn thuộc giới tính nào, bạn cũng xứng đáng được hạnh phúc" - Đó là những gì Seanie và "Come Out - Bước ra ánh sáng" ở bất kỳ phiên bản nào cũng muốn khán giả, đặc biệt là những người thuộc cộng đồng LGBT luôn ý thức được điều đó. Những câu chuyện tại "Come Out" luôn cố truyền tải những thông điệp nhân văn và ý nghĩa, để cộng đồng LGBT luôn tự hào với phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình khi chọn sống thật và sống tử tế.

Câu chuyện của Seanie tại "Come Out - Step into the light" còn gây nhức nhối về vấn đề "Gay có tình cảm với trai thẳng?" khi mối tình đầu "ngổ ngáo" của anh chàng lại bắt đầu với trai thẳng có "body" cực hot. Với sự dẫn dắt của bộ đôi MC: soái ca điển trai Lê Minh Tuân và cô nàng Nam Phi hài hước Alushka, "Come Out - Step into the light" sẽ là một làn gió mới khi còn là talkshow thực tế đầu tiên nói tiếng Anh 100% tại Việt Nam dành cho cộng đồng LGBT.

Khán giả có thể tiếp tục lắng nghe những câu chuyện "come out" của các nhân vật thuộc cộng đồng LGBT nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam vào 09h00 thứ Bảy hàng tuần trên kênh YouTube MCV Media, kể từ ngày 17/08.

Minh Minh/ Nguồn MCV

 

Come Out