'Cô gái đến từ hôm qua' gây bàn tán vì vay mượn phim Mỹ

Cảnh ca hát của nam chính tạo tranh cãi về việc đạo diễn sao chép hay tái hiện phim cũ có dụng ý.

Cô gái đến từ hôm qua là phim điện ảnh do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, chuyển thể từ truyện cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh. Phim xoay quanh cuộc tình của cậu học trò Thư (Ngô Kiến Huy) và cô bạn học Việt An (Miu Lê). Phim có trích đoạn Thư nằm mơ thấy mình tán tỉnh Việt An bằng một màn ca hát kết hợp vũ đạo.

co-gai-den-tu-hom-qua-gay-ban-tan-vi-vay-muon-phim-my

Cảnh ca hát của Ngô Kiến Huy.

Sau các buổi chiếu đầu tiên, nhiều khán giả nhận ra cảnh này giống với phân đoạn trong 10 Things I Hate About You (1999) - phim hài tình cảm của Mỹ. Trong phim Mỹ, ngôi sao quá cố Heath Ledger ngẫu hứng bày tỏ tình cảm bằng ca khúc Can't Take My Eyes Off You, còn ở phim Việt, Ngô Kiến Huy hát Tình thôi xót xa.

Diễn biến của cảnh quay cũng tương tự. Cô gái đang tập thể dục trong sân trường, chàng trai xuất hiện, biểu diễn khiến cô bật cười, sau đó anh bị bảo vệ rượt chạy.

* Trích đoạn trong "10 Things I Hate About You"

 
 

Trên trang cá nhân, khán giả Hoàng Cương nhận xét tình huống trong Cô gái đến từ hôm qua được vay mượn lộ liễu. Một số ý kiến đồng tình với quan điểm này và cho rằng đạo diễn bắt chước ý tưởng phim Mỹ mà không có sự sáng tạo. Hai trích đoạn giống đến nhiều chi tiết nhỏ như tay chỉnh âm lượng, vũ đạo trên cầu thang, nét mặt cô gái và động tác nam chính trêu chọc ông bảo vệ.

Trao đổi với VnExpress, Phan Gia Nhật Linh cho biết việc làm giống phim Mỹ là ý đồ của anh. Đạo diễn nói: "Trong Cô gái đến từ hôm qua, tôi muốn tôn vinh các tác phẩm học trò tôi lớn lên cùng. Thế giới tưởng tượng của nhân vật Thư trong phim là phương tiện để lồng vào những cảnh 'tribute' (tri ân) cho các bộ phim học trò nổi tiếng".

* Phim "Cô gái đến từ hôm qua"

 
 

Sự tri ân (bắt chước các phim cũ có dụng ý) là thủ pháp quen thuộc trong điện ảnh. Trong kiệt tác The Shining (1980) của đạo diễn Stanley Kubrick, cảnh nhân vật chính dùng rìu phá cửa được lấy từ phim kinh dị The Phantom Carriage (1921). Cảnh chiếc nôi có em bé trượt xuống cầu thang trong The Untouchables (1987) lấy cảm hứng từ Battleship Potemkin (1925) - phim câm kinh điển của Nga .

Tuy nhiên, ranh giới giữa tri ân và đạo nhái đến nay vẫn còn mờ nhạt.Không có nhà làm phim hay tổ chức điện ảnh nào đưa ra định nghĩa chính xác được mọi người thừa nhận về vấn đề này. Ngay cả Quentin Tarantino - quái kiệt của điện ảnh Mỹ - cũng bị một số người chỉ trích vì thường xuyên sử dụng lại tình tiết từ các phim kinh điển dưới danh nghĩa "tri ân".

co-gai-den-tu-hom-qua-gay-ban-tan-vi-vay-muon-phim-my-1

Phan Gia Nhật Linh trên trường quay "Cô gái đến từ hôm qua".

Phan Gia Nhật Linh chia sẻ: "Về cảnh phim trong Cô gái đến từ hôm qua, tôi muốn mượn ý của Tarantino: ai yêu thích tôi thì xem đó là tri ân, ai ghét thì cho đó là đạo nhái. Các phim gần đây của Tarantino hay La La Land - tác phẩm nhạc kịch năm ngoái - cũng bị một số người xem là 'đạo phim' nhưng vẫn được đánh giá cao".

Hiện tượng phim Việt giống với tác phẩm nước ngoài không hiếm gặp. Giao lộ định mệnh (2010) của Victor Vũ bị cho là quá giống phim Shattered của Mỹ. Đường dây kịch bản của Bụi đời chợ Lớn - phim bị cấm chiếu của Charlie Nguyễn - tương tự Troy (2004) dù bối cảnh hai phim khác xa nhau. Năm 2016, Nắng có vài đoạn khiến khán giả liên tưởng đến Điều kỳ diệu trong phòng giam số 7 của điện ảnh Hàn.

( Theo VNE)

 
Cô gái đến từ hôm qua