Đạo diễn Thanh Hiệp xúc động tại Hội thảo đàn tranh Seattle

Nhận lời mời của Đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt tại Seattle - Mỹ, đạo diễn Thanh Hiệp và NS đàn tỳ bà Nguyễn Thanh, NS Vũ Kim Yến (HTV) đã đến Shorecrest Performing Arts Center SEATTLE tham dự Hội thảo Đàn Tranh lần 1 và chương trình “Việt Nam sắc hương xưa lần 10”.

Anh đã mang đến Hội thảo bài tham luận Vị trí cây đàn tranh trong dàn nhạc Đờn ca tài tử và sân khấu cải lương.

Đạo diễn Thanh Hiệp tại hội thảo đàn tranh Seattle

Theo đạo diễn Thanh Hiệp, hội thảo về đàn tranh tại Seattle rất ý nghĩa. Các nghệ sĩ, giáo sư, các nhà nghiên cứu đã có nhiều nhận định khác nhau về tính năng, hiệu quả, hiệu ứng của đàn tranh cũng như kỹ thuật thể hiện để âm sắc Đàn Tranh trong trẻo, sáng sủa thể hiện tốt các điệu nhạc vui tươi, trong sáng và những giai điệu đầy cảm xúc.

Qua phần trao đổi của mình, đạo diễn Thanh Hiệp đã nhắc lại một số nhận định về vị trí của cây đàn tranh Đàn Tranh trong dàn nhạc Đờn ca tài tử Nam Bộ và sân khấu cải lương, bởi anh đã may mắn có dịp làm việc với soạn giả NSND Viễn Châu, tức nhạc sĩ đàn tranh Bảy Bá và GSTS Trần Văn Khê về vấn đề này.

Đạo diễn Thanh Hiệp và GS Nguyễn Châu, NS đàn tranh Vũ Kim Yến (HTV)

Đạo diễn Thanh Hiệp và các thành viên nhí của đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt

Đạo diễn Thanh Hiệp và 2 em bé người Mỹ đến tham dự hội thảo về đàn tranh tại Seattle

“Theo nhạc sĩ Bảy Bá, đàn tranh ban đầu được nhận xét là ít thích hợp với những tính cách trầm hùng, khoẻ mạnh. Bởi vì tầm âm của đàn Tranh rộng 3 quãng 8, từ Dô lên Dô3 nên đàn Tranh thường được sử dụng để độc tấu, hòa tấu, đệm cho ngâm thơ, hát, tham gia trong các dàn nhạc Tài Tử, phường Bát Âm, dàn Nhã Nhạc và các dàn nhạc dân tộc tổng hợp. Nhưng với dàn nhạc ĐCTT Nam Bộ thì tiếng đàn tranh mang lại sự cộng hưởng nâng cao cảm xúc thăng hoa, nhất là chuyển tải được tiếng lòng phấn khởi, vui tươi. Mà theo ông khi áp dụng vào việc thể hiện nỗi niềm phấn chấn, cảm xúc dạt dào của lứa tôi yêu nhau, thì tiếng đàn tranh trong dàn nhạc ĐCTT Nam Bộ và sau này áp dụng trên sân khấu cải lương thì đàn tranh ở vị trí độc tôn. Chỉ cần một tiếng ngâm thơ của nhân vật nữ sau hậu trường, khái quát về không gian, bối cảnh câu chuyện, sẽ khiến khán giả cảm thấy lâng lâng tâm hồn. Hòa điệu cùng tâm tư, tình cảm của nhân vật” - đạo diễn Thanh Hiệp nói.

Đạo diễn Thanh Hiệp và NS David - người Mỹ học đàn tranh Việt Nam

Nhắc đến người thầy đáng kính - GSTS Trần Văn Khê, đạo diễn Thanh Hiệp cho biết: “Theo giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê, người Việt dùng đàn tranh tạo một phong cách đặc thù trong thủ pháp, ngón đàn, tay nhấn nhá, trong thang âm điệu thức. Đàn tranh đã thành nhạc cụ hoàn toàn mang tính dân tộc Việt Nam vì đã được ông cha ta truyền từ đời này đến đời khác hằng 7-8 trǎm nǎm, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Việt, và nói rõ ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam. Nên khi đưa vào dàn nhạc ĐCTT Nam Bộ hoặc sau này áp dụng vào dàn nhạc cải lương, đàn tranh đóng vai trò số 1 ở những lớp cần thể hiện sự nhấn nhá thăng hoa cảm xúc. Mà theo dẫn chứng của nhạc sĩ Bảy Bá, thì những đoạn ngâm thơ, thể hiện nỗi niềm của nhân vật, chỉ cần tiếng đàn tranh nói lên tất cả không gian, nỗi niềm”.

Đạo diễn Thanh Hiệp và GS Nguyễn Châu

Trao đổi thêm về tham luận của mình, các NS và giáo sư đến Hội thảo đàn tranh tại Seattle đều đồng tình với nhận định của đạo diễn Thanh Hiệp:”Còn khi hòa quyện với các nhạc cụ khác, theo hình thức hòa đàn Tài tử là lối chơi theo thẩm mỹ: hoà sắc không hoà thanh, không theo lối ba, bốn bè ở các âm vực cao, trung, trầm... như âm nhạc phương Tây. Ngoài hình thức độc tấu, những hình thức song tấu, tam tấu, tứ tấu, hoà ca … thường thấy trong hình thức hoà đờn, hoà ca Tài tử. Những nghệ sĩ Tài tử đàn thích kết hợp hai hay nhiều nhạc cụ có âm sắc khác nhau. Ví dụ nhữ Đàn Kìm hòa với tranh – tiếng tơ với tiếng sắt, hoặc  kìm hoà với  cò – nhạc cụ dây gẩy với nhạc cụ dây kéo. Câu nói cửa miệng của nhạc sĩ vẫn luôn nói là “sắt cầm hảo hiệp” để chỉ song tấu đàn cò – đàn tranh, đàn kìm – đàn tranh, hoặc câu nói “Tam chi liên hoàn pháp” để chỉ lối hoà tấu ba nhạc cụ: đàn kìm – đàn tranh – đàn cò, đàn kìm - đàn tranh - đàn độc huyền (đàn bầu), đàn tranh – đàn cò – đàn độc huyền... Hoặc, đơn giản hơn, nhạc giới có cách liệt kê và kết hợp pha trộn các nhạc cụ hòa tấu theo thứ tự: “kìm – cò – tranh – độc - tiêu”...

Từ đó sẽ thấy cách hòa đàn “tâm đắc” nhất của nhạc giới Tài tử luôn cần phải có đàn tranh là:

- Song tấu: đàn kìm và đàn tranh; đàn kìm – đàn cò; đàn kìm – đàn bầu

- Tam tấu: đàn kìm – đàn tranh - đàn cò, đàn kìm – đàn cò – đàn bầu

- Tứ tấu: đàn kìm – đàn tranh – đàn cò – đàn tam hoặc tứ tấu đàn kìm – đàn tranh – đàn cò – đàn tỳ bà

Đạo diễn Thanh Hiệp và NS Nguyễn Thanh, David, GS Nguyễn Châu

Đạo diễn Thanh Hiệp và các NS nhóm Tre Việt

Trong hoà tấu ĐCTT xưa không thấy xuất hiện những nhóm đàn có hai hoặc ba nhạc cụ cùng âm sắc. Xu hướng đưa vào dàn hòa tấu nhiều loại nhạc cụ như kìm, guitare phím lõm, sến, đoản,... của một số ban nhạc cải lương và ĐCTT Nam bộ ngày nay chỉ làm cho xôm tụ chứ không thể hiện được đặc điểm hoà sắc các nhạc cụ của lối Tài tử xưa.”

Đạo diễn Thanh Hiệp và NS Thuý Loan, Thuỳ Trang

NS Hồng Việt Hải trai kỷ niệm chương Hội thảo đàn tranh cho Đạo diễn Thanh Hiệp

Đạo diễn Thanh Hiệp nhấn mạnh, nhận định của hai bậc thầy: GSTS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Bảy Bá, đã đóng góp cho âm nhạc truyền thống dân tộc VN rất nhiều thành tựu. Từ đó đã gieo mầm cho ám nhạc truyền thống phát triển và các thế hệ tiếp nối đều trân quý cây đàn tranh của dân tộc VN.

Nam Vinh

Ảnh: Hướng Việt

 

Đạo diễn Thanh Hiệp , Hội thảo đàn tranh Seattle