Dấu ấn đậm tính nhân văn “Gọi yêu thương giữa đại ngàn” của sinh viên ĐH Văn hoá TPHCM

Chương trình “Gọi yêu thương giữa đại ngàn” đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng những người dân giữa đại ngàn và nhiều bài học bổ ích cho các sinh viên.

Sau hơn 6 tháng học tập, lên kế hoạch và 1 tháng chuẩn bị chu đáo, sự kiện “Gọi yêu thương giữa đại ngàn” đã được tổ chức thành công tại xã Ia grăng, thu hút sự quan tâm của truyền thông, các mạnh thường quân, lãnh đạo các cấp chính quyền cùng đông đảo bà con tai địa phương vào những ngày cuối tháng 6. Chương trình đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng những người dân giữa đại ngàn và nhiều bài học bổ ích cho các sinh viên.

PGS.TS Nguyễn Thế Dũng - Hiệu trưởng Đại học văn hóa TP.HCM,  ông Tống Thới Mốc - Phó Ban tuyên giáo tỉnh ủy Gia Lai chụp hình lưu niệm cùng các giảng viên, sinh viên.

Sự kiện “Gọi yêu thương giữa đại ngàn” là chương trình thi kết thúc học phần Tổ chức sự kiện của tập thể lớp Đại học Quản lý văn hóa 3K, Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật Trường Đại học Văn hoá TP.HCM. Tất cả các công tác tổ chức, chuẩn bị, viết kịch bản, dàn dựng, tập luyện, truyền thông, thiết kế, vận động tài trợ điều do tập thể lớp tự thực hiện với sự cố vấn của thạc sĩ - đạo diễn - nhà biên kịch Hoàng Duẩn (giảng viên học phần Tổ chức sự kiện). Với ý nghĩa tốt đẹp của chương trình, cùng với công tác tổ chức được thực hiện bài bản, kịp thời nên chương trình đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng xã hội, các mạnh thường quân, và đông đảo người dân, học sinh…

Đạo diễn Hoàng Duẩn và sinh viên trong chuyến khảo sát đến nhà Anh Rơ Ma Phí 

Anh Rơ Ma Phi và đạo diễn Hoàng Duẩn trước căn nhà mới

Đến tham dự sự kiện có ông: Tống Thới Mốc-Phó Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ và đại diện của Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Gia lai, Bà Nguyễn Thị Lành-Phó Bí thư thuờng trực huyện uỷ Gia Lai, lãnh đạo xã Ia grăng, đại diện lãnh đạo Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Đặc biệt sư có mặt của PGS.TS Nguyễn Thế Dũng Hiệu trưởng trường Đại hoc Văn hoá TPHCM, các thầy cô giảng viên khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật (QLVH,NT) đã động viên tinh thần kịp thời cho tập thể sinh viên tổ chức thành công sự kiện đầy ý nghĩa nhân văn và đậm chất thực tiễn này.

Chuỗi sự kiện gồm các hoạt động: bàn giao 1 căn nhà tình thương cho gia đình anh chị  Rơ Ma Phí với kinh phí 70 triệu đồng gồm1 phòng khách, 1 phòng bếp, 2 phòng ngủ, tổng diện tích hơn 40m vuông, mái hiên trước ốp gạch nền, ốp gạch mặt tiền; 3 của sổ, 2 của đi bằng sắt. Ngoài ra các mạnh thường quân cũng đã trao tặng một số vật dụng trong gia đình như: Ban biên tập truyền hình cáp HTVC - Đài truyền hình TP.HCM đã tặng nồi cơm điện, các mạnh thuờng quân tặng quạt máy, bộ chén, dĩa… giá trị hiện vật tặng kèm cho gia đình anh chị trị giá khoảng 20 triệu đồng.

Vợ chồng anh Rơ Ma Phí trong niềm vui nhà mới với giảng viên và sinh viên tập thể lớp ĐHQLVH 3K

(Gia đình Anh Rơ Ma Phí và chị là Puih Hương ở làng Châm là một trong những gia đình nghèo nhất xã Ia Grăng, một trong những xã nghèo nhất của huyện huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Gia đình anh chị có 3 người con, bé đầu 11 tuổi không được đi học, phải ở nhà đi chăn bò thuê phụ cha mẹ, bé thứ hai 8 tuổi đang học lớp 2, còn bé thứ ba chỉ mới 2 tuổi. Hằng ngày phải đi làm rẫy thuê, hết mùa vụ là không có việc làm, thất nghiệp, không có thu nhập, thiếu cả lương thực để ăn. Cả gia đình sống trong một ngôi nhà 30m2 được ghép tạm bằng tôn cũ và không thể cũ hơn được nữa. Trời nắng thì nóng như đổ lửa, trời mưa thì dột ước hết cả người, quần áo, nền nhà toàn sình lầy lội, không có chỗ để nhóm bếp. Cả nhà nằm ngủ trên một “chiếc gường” vì chiếc kia đã sụp. Gọi là gường vì là nơi để nằm…chứ thật ra chiếu cũng chẳng còn ra chiếu, mền cũng chẳng ra là mền… )

Ths-đạo diễn Hoàng Duẩn, NSƯT Giang Quốc Cơ cùng con trai là những vị khách được mời xông đất nhà mới

Buổi tối trong chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hát lời yêu thương” chương trình đã trao tặng 100 phần quà cho bà con nghèo, trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Ia Grăng tổng trị giá 30 triệu đồng; tặng 1 chiếc trống trường cho Điểm trường làng Châm; Ngoài những phần quà trên trước khi diễn ra chương nghệ thuật Ban tổ chức còn tặng 30 phần quà gồm tập, viết, sữa và bánh, kẹo cho các em thiếu nhi đến xem và cổ vũ chuơng trình.

Trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Ngoài những giá trị hiện vật, hiện kim, món quà ý nghĩa của tập thể lớp mang đến cho đồng bào tại một trong những địa phương nghèo nhất tỉnh Gia Lại đó chính chính là món quà về tinh thần giúp người dân có điều kiện giải trí sau những ngày lên rẫy, làm đồng. Chương trình nghệ thuật “Hát lời yêu thương” được thực hiện dưới sự phối hợp của tập thể Lớp cùng Ban Tuyên giáo tỉnh Gia Lai với sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ Đoàn ca múa tổng hợp Đam  San - Gia Lai, nghệ sĩ xiếc Hoàng Dũng đến từ đến từ Nhà hát nghệ thuật Phương Nam - TPHCM, sinh viên và giảng viên Đại học văn hóa TPHCM.

NSƯT Giang Quốc Cơ hỗ trợ Nghệ sĩ xiếc Hoàng Dũng (nhà hát nghệ thuật Phương Nam) biểu diễn phục vụ mang đến niềm vui cho trẻ em và khán giả

Đoàn Nghệ thuật ca múa tổng hợp Đam San biểu diễn

Anh Nguyễn Thanh Nhàn – Trưởng Ban tổ chức chia sẻ: “qua chuyến đi này mới thấy những bài học đúng là không chỉ từ trên những trang giấy. Đó là bài học về sự yêu thương, đoàn kết, sự sẻ chia và đồng cảm. Thay mặt tập thể lớp anh Nhàn cũng gửi lời cám ơn chân thành tới lãnh đạo chính quyền, các mạnh thường quân và đặc biệt cám ơn các thầy cô trong khoa QLVH,NT đã tạo điều kiện, huớng dẫn để lớp có được sự kiện ý nghĩa này”.

Tặng quà cho đồng bào dân tộc khó khăn

Bạn Dương Tuyền thành viên BTC tâm sự “Tôi càng nhớ và ấn tượng sâu sắc với hình ảnh vợ chồng anh Rơ Ma Phí, niềm hạnh phúc vỡ oà khi anh được trao tặng căn nhà, anh cười mà rưng rưng nước mắt, anh xúc động đến nỗi không nói được tròn câu. Nụ cười và nước mắt của anh đã hoà quyện vào nhau để nói lên rằng có những giọt nước mắt mang tên là hạnh phúc. Có những nụ cười bình dị thoả ước mong…Sự kiện "Gọi yêu thương giữa Đại Ngàn" đã khép lại với sự dẫn dắt của Ths. Hoàng Duẩn - người thầy đã  tận tình hướng dẫn và truyền lửa cho chúng tôi, theo dõi từng bước tiến của chúng tôi trong suốt quá trình xây dựng và  diễn ra sự kiện. Tôi vẫn nhớ như in lời thầy dạy "các anh chị làm gì cũng phải để cái tâm mình vào trong đó. Đây không chỉ là để các anh chị thi kết thúc môn, mà cái sâu xa hơn nữa là các anh chị đã làm được điều có ích cho xã hội. Những bài học Tổ chức sự kiện thực sự đã thoát ra khỏi những trang sách, những slide trình chiếu trên lớp, và chúng tôi cần những thực tiến sống động cho tương lai của mình”.

Anh Anh

 

Gọi yêu thương giữa đại ngàn , ĐH Văn hoá TPHCM