Hành trình “Diễn xướng Nam Bộ” tái ngộ khán giả với Hò – Lý Phương Nam

Tối ngày 04.08.2018, Hành trình “Diễn xướng Nam Bộ” với kỳ 2 Hò – Lý Phương Nam sẽ tái ngộ khán giả yêu văn hóa dân gian Nam Bộ tại Soul Live Project Complex (216 Pasteur, quận 3, TP.HCM).

Chương trình do Amberstone Media kết hợp thực hiện với Cultural Community Discourse (CCD) - Đối thoại Văn hoá Cộng đồng sẽ đưa khán giả xuôivề miềnđất phương Nam qua những câu hò, điệu lý ngọt ngào, thắm đượm tình quê.

Ban nhạc đờn ca tài tử Sáu Hưng

Ra mắt giới yêu văn nghệvào tháng 4.2018, SLP SERIES - chuỗi dự án nghệ thuật kết nối cộng đồng thuộc Soul Live Project đã giới thiệu Hành trình “Diễn xướng Nam Bộ” – Kỳ 1: Khảy Nhịp Tang Tình, chương trình đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn và khán giả khi tái hiện những kiến thức tổng quan của 400 năm lịch sử hình thành và phát triển của văn hoá Nam Bộ. Tiếp nối thành công đó, Kỳ 2:“Hò - Lý Phương Nam” sẽ mang đến cho khán giả những trải nghiệm chân thực hơn về hò và lý – hai hình thức diễn xướng gắn liền với người dân miền Nam từ bao đời nay. Đan xen trong những chia sẻ có tính nghiên cứu của diễn giả, người xem không chỉ có dịp thưởng thức những điệu hò – lý đặc sắc được trình diễn bởi cácnghệ sĩ dân gian, mà còn tham gia vào nhiều trò chơi dân gian thú vị.

 Ngọt ngào câu hò, điệu lý phương Nam 

Từ bao đời nay, câu hò điệu lý đã trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân Nam Bộ và trở thành một nét văn hoá đặc trưng của nơi đây. Xuất phát từ đời sống lao động, hò đã len lỏi vào cuộc sống hàng ngày của người dân Nam bộ. Trong những ngày dài lao động trên đồng ruộng hay lúc thảnh thơi chèo ghe trên sóng nước, ông bà ta lại cất lên điệu hò đối qua đáp lại như một cách để vơi bớt nỗi nhọc nhằn đồng áng, một lời ngỏ giao duyên, hay thay cho một áng thơ khi tức cảnh sinh tình.

Bên cạnh những câu hò ngọt ngào là những điệu lý vui tươi, dí dỏm phác thảo nên cuộc sống của bà con miền Nam: lý hát trên đồng, lý hát dưới nước, lý lúc vui chơi, lý khi có nghi lễ, lý lúc trút bầu tâm sự. Không chỉ giúp tăng thêm sự hứng khởi khi lao động mà những câu hát còn là chiếc cầu nối mối duyên tình trai gái sắt son.

“Hò... ơi... ơ... Thân anh như tấm da trời... ớ mình ơi...

Bốn mùa sương lạnh... anh không rời vì sao... ơi... ơ...”

Hát lý không gắn liền với động tác lao động hay ứng tác giao duyên trữ tình như hò. Hò bản chất trợ hứng nên chủ yếu giữ nhịp, đôn đốc, tạo không khí lao động đông vui trong lúc làm việc. Lý là hát chung với nhau, gần giống như hợp xướng. Lý cũng có nhạc tính cố định hơn hò, câu hát đều đặn, trong khi hò có thể thêm câu dài câu ngắn, tùy người hát. 

 “Còn nhiều người trăn trở với âm nhạc dân tộc thì nó chắc chắn sẽ tồn tại

Những năm giữa thế kỷ XX, do phải chịu những hậu quả từ chiến tranh để lại, bối cảnh lao động với không khí hò – lý cũng dần mất đi ở miền đất phương Nam. Tuy nhiên, với âm hưởng phóng khoáng, tự do, mang ít nhiều nhân tố “tự sự”, chất liệu ca từ đơn giản, mộc mạc, vui tươi mà thấm đẫm tình yêu gia đình, quê hương, ca ngợi đức tính tốt đẹp… hò, lý đã được nhiều nhạc sĩ sử dụng làm chất liệu khi sáng tác các ca khúc về Nam Bộ. Dù hò – lý đã góp phần làm dày dặn thêm kho tàng âm nhạc mang âm hưởng dân gian Việt Nam, nhưng hò – lý cũng đang dần mất đi vị trí của nó trong đời sống thường nhật của miền sông nước Nam Bộ.

Ca sĩ Tánh Linh

Mang trong mình những nỗi trăn trở về tương lai của hai hình thức diễn xướng này, diễn giả của chương trình - PGS/TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm chia sẻ: “Về tương lai của âm nhạc cổ truyền, tôi nghĩ chúng ta nên cùng trăn trở. Bởi vì khi có nhiều trăn trở, có nghĩa là nhiều người vẫn còn tình yêu với di sản, với âm nhạc dân tộc,thì nó không thể nào mất đi được. Chừng nào người ta quay lưng lại với nó, không ai cảm thấy đau đớn vì nó hay không thương nó nữa thì nó sẽ không thể tồn tại được. Còn bây giờ, vẫn còn nhiều người trăn trở với âm nhạc dân tộc thì nó chắc chắn sẽ tồn tại”.

 Trải nghiệm một thoáng hò – lý miền sông nướcNam Bộ trong không gian văn hóa phố thị

PGS - TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm

Để đưa khán giả đến gần hơn với văn hóa nghệ thuật dân gian, chương trình “Hò – Lý phương Nam” sẽ trực tiếp đối thoại với quá khứ, giãi bày những nỗi niềm của âm nhạc truyền thống trong bối cảnh hiện đại và mong muốn đem hơi thở âm nhạc dân gian hòa vào dòng chảy nghệ thuật đương đại thông qua những chia sẻ mang tích phân tích của diễn giả PGS - TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm.

Đặc biệt, chương trình còn có sự góp mặt của ban nhạc Đờn Ca Tài Tử Sáu Hưng và nữ ca sĩ Tánh Linh với giọng ca “ngọt lịm như mía lùi”. Tuy thời gian bén duyên với âm nhạc nghệ thuật dân tộc khác nhau nhưng cả hai đều mong muốn được chia sẻ những giá trị bản sắc dân tộc, cũng như truyền cảm hứng và tình yêu âm nhạc dân tộc đến với khán giả.

Tái hiện cảnh chợ quê

Ngoài những câu hò, điệu lý, người tham gia còn có cơ hội trải nghiệm văn hóa Nam Bộ với những gian hàng chợ quê, trở về tuổi thơ với các trò chơi dân gian như ô ăn quan, nhảy lò cò, banh đũa,… 

Đặc biệt hơn, 20 khán giả khoác lên mình bộ áo bà ba hoặc áo dài Nam Bộ và đến sớm nhất còn có cơ hội nhận một phần quà cực kỳ hấp dẫn từ ban tổ chức. 

THÔNG TIN CHƯƠNG TRÌNH

Địa điểm: Soul Live Project Complex, 216 Pasteur, Q. 3, TP.HCM

Thời gian: 19:00 - 21:00, ngày 04 tháng 08 năm 2018

Giá vé: 195,000 VNĐ. 

Vé học sinh - sinh viên: 160,000 VNĐ

Thông tin chi tiết và đặt vé online: http://bit.ly/dxnb-holyphuongnam

Minh Minh

Diễn xướng Nam Bộ , Hò – Lý Phương Nam