Hoài Phú – Ca hát là nỗi đam mê!

Gặp anh trong một buổi sáng tại quán cafe trung tâm TPHCM. Giọng nói nhẹ nhàng nhưng đầy sôi động của anh chàng tỉnh lẻ Đăk Lăk ngày nào giờ đã là ca sĩ kiêm doanh nhân của công ty may mặc tại TPHCM.

Tốt nghiệp trường văn hoá nghệ thuật ĐắK Lắk năm 2002, sau 4 năm “dùi mài kinh sử” tại trường nhạc, anh đậu vào hàng thủ khoa của trường. Với ưu thế hát cực tốt dòng nhạc tiền chiến và nhạc Trịnh, Hoài Phú rất dễ “ru hồn” bạn bè trong những buổi giao lưu và cả những buổi trình diễn trên các sân khấu quê nhà.

Ngày tốt nghiệp ra trường, với sự hiểu biết nhất định về âm nhạc, cộng với tính tình rất “sư phạm” nhà trường đã nhiều lần thuyết phục anh nên làm anh thầy giáo nhạc ở làng quê. Nhưng với sự đam mê được hát cao hơn, anh mạnh dạn từ chối và quyết chí khăn gói lên đường vào đất Sài Gòn lập thân. Những tưởng sẽ phát huy được sở học của mình. Nhưng, đời không màu hồng như anh tưởng, mọi thứ đều rất khó khăn trong việc đi xin hát ở các tụ điểm chứ đừng nói là được tham gia ở các chương trình lớn. Rồi việc ăn, ở, tiêu xài, các mối quan hệ trong nghề... cứ hiện dần trong mỗi ngày khiến anh mệt mõi, lắm lúc tưởng chừng bế tắc.

Sau đó, may mắn anh được tham gia ở phòng trà Ánh Tuyết, rồi lân la các sân khấu lớn nhỏ, thoả mãn được chút ít về ước mơ của nghề hát. Nhưng chí nguyện của chàng trai tỉnh lẻ Đắk Lắc không muốn dừng lại ở vị trí hát lót hàng đêm, anh đăng ký học thêm lớp nhạc và MC ở nhà văn hoá thanh niên, với một mong ước khát khao được chính thức làm nghề. Tại đây, anh là bạn chung lớp nhạc với Minh Hằng, Tóc Tiên, Lương Bằng Quang. MC thì có Xuân Hiếu, Hồng Phượng, Diễm Loan, Thảo Nguyên...  Giờ đây những tên tuổi này đã vụt sáng trên làng show biz, nhưng với Võ Phước Hoài Phú vẫn lặng thầm với người trong làng nhạc và dường như cuộc sống tất bật trong cương vị giám đốc một công ty may mặc vẫn không làm anh quên đi cái cảm giác... thèm được hát.

Những ngày cuối năm 2017, khán giả dần quen với tới cái tên ca sĩ Hoài Phú qua các chương trình: Góp lá mùa xuân, Giấc mơ hồi hương, Một thời để nhớ... được đứng chung sân khấu với danh ca Khánh Ly, Quang Thành, Thanh Thuỷ, Kim Khánh... và song ca cùng ông hoàng nhạc rock Tuấn Paolo... Với Hoài Phú, đây là một niềm vinh hạnh, một động lực thôi thúc anh quyết tâm trở lại nghề sau một thời gian dài nhớ nhung sân khấu.

Hoài Phú và ca sĩ Khánh Ly

Tự lên phương án tổ chức một đêm nhạc Anh đến thăm em đêm 30 cho chính mình. Được sự tiếp sức của hai bạn diễn Thuý Huyền, Lưu Ánh Loan hai cô ca sĩ xinh đẹp với sở trường hát dòng nhạc Bolero đầy duyên dáng ngọt ngào. Hoài Phú như được chấp thêm niềm tin và sức mạnh, hát liên tục trên 20 bài trong một đêm nhạc “kỷ lục” cho chính mình. Những tràng vỗ tay, những bó hoa tươi thắm từ khán giả tặng như để chúc mừng anh trong đêm nhạc, khiến đôi lúc anh rơi vào trạng thái lúng túng, hồi hộp nhưng... tràn đầy hạnh phúc.

Từng thành công với nhiều đơn đặt hàng thu về lợi nhuận “khủng”, nhưng với anh, cái cảm giác được hát, được truyền tải những cảm xúc dạt dào qua lời ca tiếng hát đến với những khán giả mộ điệu âm nhạc quả là một cảm giác khó tả thành lời.

Suốt ba tiếng đồng hồ, khán giả đã đi từ bất ngờ này đến nhiều thú vị khác. Chính giọng hát trầm ấm đầy nội lực của anh, chính phong cách tưởng chừng đơn giản nhưng nó cứ ngấm và ngấm theo từng ca từ. Anh không luyến láy du dương, cũng không nhấn nhá trình diễn kỷ thuật như bao ca sĩ khác. Cách Hoài Phú hát, cứ như một lời tâm sự, một sự thổn thức từ con tim của người hát tải đến con tim của người nghe. Sự mộc mạc trong cách trình diễn của anh đã hoàn toàn thuyết phục người nghe.

Hoài Phú song ca cùng ca sĩ Paolo Tuấn

Với Hoài Phú, để được hát, không đơn giản chỉ là cầm micro nhã giọng, mà còn phải toan tính đủ đường, từ việc thu âm, đầu tư trang phục, chuẩn bị song ca cùng bạn diễn... Hầu hết các điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy, Hoài Phú gần như là người chu toàn tất cả.. Lắm lúc đuối dần vì công việc quá nhiều, nhưng để chia sẻ phần nặng gánh này thì không phải ai cũng đảm đương được. Thế là, cũng chỉ mình Hoài Phú giám đốc bao sân trong vai trò ca sĩ.

Trong đêm nhạc đáng nhớ của anh, khán giả đến đầy cả khán phòng. Chương trình không có màn hình, bài hát không có minh hoạ. Có chăng là một ban nhạc chuyên nghiệp với đủ đàn piano, trống, giuta Bass, kèn... và chỉ duy nhất tiếng hát của Võ Phước Hoài Phú và cả phần giới thiệu cũng chính là anh.

Hoài Phú và Lưu Ánh Loan

Với hàng loạt ca khúc: Anh đến thăm em đêm 30, Một mình, Xin còn gọi tên nhau, Chiều một mình qua phố, Xin mặt trời ngủ yên, Dấu chân địa đàng, Hãy yêu nhau đi... Đây là các ca khúc nổi tiếng của hàng loạt nhạc sĩ đình đám như: Lam Phương, Thanh Sơn, Trịnh Công Sơn... đã được anh trình diễn một cách nồng nàn sâu lắng. Một lần nghe anh hát trọn 3 giờ đồng hồ, cứ ngỡ như Hoài Phú đang lẻ loi, cô đơn với những bài tình ca của các nhạc sĩ tiền bối, lần nào vào kết thúc của mỗi bài hát, anh cũng nhận được những tràng vỗ tay vô tận, mới biết được anh đang hạnh phúc với dòng nhạc “cô đơn” của mình.

Hoài Phú và Thúy Huyền

Hỏi anh cảm giác gì sau đêm diễn, anh cười duyên rồi nói: “Tôi nghĩ mình đã quá may mắn, dù cơ hội vàng đã trôi qua ở cái tuổi thanh xuân, nhưng giờ đây tôi vẫn được sống trong nỗi đam mê của mình. Chỉ tiếc, còn rất nhiều chi tiết nhỏ trong chương trình tôi chương phát huy hết, chỉ sợ sơ suất này làm buồn lòng khán giả. Tiếc là tôi hơi tham khi “cả gan” hát luôn dòng nhạc Bolero trái sở trường với hai nàng xinh đẹp Thuý Huyền, Lưu Ánh Loan nên bị sai nhịp vài lần... Tôi vẫn biết khán giả thương mình sẽ bỏ qua, nhưng tôi tin lần sau mình sẽ hát tốt hơn, tổ chức chỉnh chu hơn để không phụ lòng thương mến của khán giả…”

Diệp Y Nhân

 

Hoài Phú