Khi một chú cóc chia sẻ với chúng ta về sự lựa chọn

“Đối xử bằng tình yêu thương và sự trân trọng, bạn sẽ chẳng bao giờ biết được một chú cóc đang nghĩ gì đâu".

Bụng lửa - cuốn tiểu thuyết của tác giả người Mỹ J.C. Michaels – không được dịch và xuất bản bằng 10 thứ tiếng bởi một lý do ngẫu nhiên.

Cuốn sách gần 300 trang này, nói một cách hoa mỹ, có thể được coi là kết quả của một tình bạn giữa văn chương và triết học. Tôi sẽ không gọi đó là thứ tình bạn hòa thuận một cách dễ dãi. Trái lại, tình bạn giữa hai cá tính nhiều tương đồng nhưng cũng lắm khác biệt này không thiếu mâu thuẫn và sóng gió.

Nhưng điều quan trọng nhất là họ (văn chương và triết học) cuối cùng đã ở lại được bên nhau, và cùng dẫn dắt độc giả bước vào một “hành trình khám phá tư duy con người”. Với hai người dẫn đường độc đáo, độc giả lý tưởng nhất của cuốn sách chính là những người thích suy nghĩ và lựa chọn.

Bụng lửa trao cho độc giả quyền lựa chọn ngay từ trang đầu tiên – Mục lục. Cuốn sách đưa ra ba phần mở đầu Dành tặng các bạn thiếu nhi, Dành tặng các bạn tuổi mới lớn và Dành tặng các bậc phụ huynh, tiếp đó là Phần I, Phần II, Phần II, Lời kết và Tái bút. Bạn có thể đọc phần mình thích, hoặc đọc tất cả, hoặc xáo trộn thứ tự các phần, rồi lại kết nối chúng lại với nhau theo cách riêng của bạn.

Xét về mặt “câu chuyện”, cuốn tiểu thuyết được tạo nên từ ba câu chuyện vừa có thể được đọc một cách độc lập, lại vừa có thể kết nối với nhau: câu chuyện về cô bé 10 tuổi Caroline có bố mẹ ly dị đã lớn lên cùng những “sự thay đổi trong suy nghĩ và quan điểm” dưới sự quan sát của chú cóc Bụng Lửa được cô nuôi như thú cưng trong bể kính, câu chuyện về cô gái tuổi teen nổi loạn Claire loay hoay mắc kẹt trong hành trình khám phá chính bản thân mình, đã bỏ nhà đi trên một chiếc xe mà tình cờ Bụng Lửa đang trú ẩn, và tìm lại được đường về nhà từ một “cú nhảy ngoạn mục” của chú cóc, và cuối cùng là câu chuyện về nhân vật chính của chúng ta: chú cóc Bụng Lửa (Firebelly).

Tác phẩm Bụng lửa của tác giả J.C.Michaels.

Tác giả J.C Michaels, người dành nhiều thời gian sống ở châu Á, đã có một sự lựa chọn độc đáo khi xây dựng tác phẩm xung quanh nhân vật chú cóc tía phương Đông, hay còn gọi là cóc Bụng Lửa. Tên gọi bắt nguồn từ một tập tính của loài cóc này: khi cảm thấy bị đe dọa, chúng sẽ nằm ngửa ra, để lộ cái bụng đỏ rực như lửa.

Tuy nhiên, Bụng Lửa trong tác phẩm không phải là bất kỳ chú cóc cùng loài nào, bởi lẽ thay vì có bốn chân như những con cóc bình thường khác, chú lại chỉ có hai chân. Mặc cảm về sự bất toàn và khác thường của bản thân vừa là rào cản, lại vừa là cú hích đẩy chú cóc đến với một sự lựa chọn lớn lao: lựa chọn giữa cuộc sống an toàn và êm ả của một chú cóc cảnh với ý tưởng “được sống cuộc đời hoang dã” bên ngoài cuộc sống của một thú cưng trong lồng kính.

Cuối cùng, như chúng ta thấy, mặc dù chưa hề đọc triết học hiện sinh, Bụng Lửa đã thực hiện đúng như tinh thần mà họ theo đuổi: “Với các nhà triết học hiện sinh, bước đầu tiên để sống một cuộc đời đích thực, đúng với bản ngã, là sẵn sàng từ bỏ việc tìm kiếm sự chắc chắn, gạt bỏ những toan tính về thiệt hơn, và thực hiện cú nhảy tới một kết quả bất định.” (trích từ mục Những câu hỏi lớn nằm ở cuối cuốn sách).

Và điều thú vị nhất, trên cuộc hành trình bất tận của sự tìm kiếm và lựa chọn, cả Caroline, Claire, và Bụng Lửa đều nhận ra rằng “thứ cần sự tận tâm và tình yêu của ta” rốt cuộc là thứ nằm ở đâu đó bên ngoài chúng ta. Sự lựa chọn mà cá nhân mỗi chúng ta thực hiện lại chỉ có ý nghĩa khi nó bắt nguồn từ sự quan tâm, tình yêu thương và khát khao chia sẻ của mỗi cá nhân với những sinh vật/con người xung quanh.

Bản dịch tiếng Việt của Bụng lửa, được chuyển ngữ bởi dịch giả Hoàng Thị Thùy và xuất bản bởi NXB Kim Đồng, vừa ra mắt độc giả là bản dịch tiếng nước ngoài mới nhất của tác phẩm. Cuốn sách, đúng như tác giả Michaels đã viết trong lời đề từ, là một món quà “Dành tặng những người luôn tự hỏi liệu mình có thể sống một cuộc đời khác biệt.” Còn câu trả lời, đương nhiên nằm ở phía chúng ta. Chính chúng ta sẽ phải lựa chọn xem mình có muốn đón nhận món quà đó hay không.

theo Zing

sách