Khôi Nguyên và cuộc gặp gỡ với tác giả “Nỗi Buồn Hoa Phượng” - Nhạc sĩ Thanh Sơn

Kỳ 3: Phải đến khi gặp gỡ tác giả Nỗi Buồn Hoa Phượng – nhạc sĩ Thanh Sơn, Khôi Nguyên mới thật sự bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp.

Khôi Nguyên cùng nhạc sĩ Thanh Sơn ở Miền Tây

Một năm sau, trong một lần đọc báo, Khôi Nguyên đã làm gan tìm đến gặp nhạc sĩ Thanh Sơn - tác giả nổi tiếng với ca khúc Nỗi Buồn Hoa Phượng và rất nhiều ca khúc khác. Anh tìm đến Trung tâm văn hóa Quận Bình Thạnh vì theo bài báo, nhạc sĩ Thanh Sơn đang làm biên tập ca nhạc tại đó. Tuy nhiên, khi đến nơi thì biết tin nhạc sĩ Thanh Sơn đã nghỉ hưu. Năn nỉ lắm nhưng một chú làm việc trong trung tâm vẫn không chịu cho số điện thoại của nhạc sĩ Thanh Sơn. Tuy nhiên, cuối cùng, chú ấy chỉ nhà, tiếc là cũng không cho số nhà cụ thể, chỉ nói hẻm 100 trên đường Đinh Tiên Hoàng. Phải mất nguyên ngày, cuối cùng tới chiều tối, Khôi Nguyên mới tìm gặp được nhạc sĩ Thanh Sơn. Và gửi cho ông cái đĩa có thu 2 bài Tình Thắm Duyên QuêChiều Qua Phố Cũ. Nhạc sĩ Thanh Sơn hẹn tuần sau sẽ trả lời.

Khôi Nguyên cùng nhạc sĩ Thanh Sơn ở Đà Lạt

Khôi Nguyên cùng nhạc sĩ Thanh Sơn và danh ca Giao Linh

Cuối cùng, ông đồng ý nhận Khôi Nguyên làm học trò cuối cùng của ông. Và sau này, ông cho biết, lí do chính vì ông cảm thương hình ảnh của một chàng sinh viên hiền lành, quê mùa, quá đam mê nghề. Hình ảnh Khôi Nguyên với đôi chân mang dép, đầu tóc rối tìm đến nhà làm ông xúc động. Lúc đó, về kĩ thuật, Khôi Nguyên chưa có nhiều, còn non nớt nhưng ông thấy được trong chất giọng có cách rung giọng mang đặc trưng riêng. Nếu có người định hướng, chỉ dẫn sẽ phát triển được thành một giọng ca khi nghe sẽ nhận ra ngay.

Ca khúc "Màu Áo Hoa Phượng"

Như một cái duyên định mệnh, Khôi Nguyên đã có những ngày gắn bó với nhạc sĩ Thanh Sơn. Ông hướng dẫn từng cái nhỏ nhất và chính ông cũng là người định hướng cho Khôi Nguyên để có cách hát riêng cho mình vì theo ông, ca sĩ cần nhất là cách hát không lẫn vào ai. Muốn thế, phải chịu khó tìm tòi, suy nghĩ dựa trên những điểm mạnh của mình. Ông đã khuyên Khôi Nguyên rèn luyện hát theo trường phái luyến láy, nhấn nhá và rung giọng, hát đúng chất theo kiểu những ca sĩ trước 1975 như Thanh Tuyền, Hoàng Oanh vì đó là những chuẩn mực. Còn nhỏ thì cứ tập dần dần sẽ tiến bộ. Một năm sau, ông đưa cho Khôi Nguyên ca khúc “đo ni đóng giày” đầu tiên là Màu Áo Hoa Phượng. Ngay thời điểm đó, chưa có ca sĩ nào trình bày, trên mạng onlie cũng không phổ biến nên cũng không tìm ra bản thu trước 1975. Ông độc quyền ca khúc này cho Khôi Nguyên là ca sĩ đầu tiên thu thanh, thu hình. Chính ông đã đưa Khôi Nguyên vào phòng thu, tìm bối cảnh có hoa phượng thật đẹp để quay hình. Và ông cũng đã có những lời phát biểu thật chân tình, hết lòng. Nhạc sĩ Thanh Sơn cũng đã giới thiệu Khôi Nguyên với danh ca Giao Linh. Và Giao Linh cũng đã có những hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm của mình lại cho Khôi Nguyên.

Ca khúc "Tình thắm duyên quê"

 Sau đó, nhạc sĩ Thanh Sơn dành độc quyền cho Khôi Nguyên ca khúc tiếp theo là Ve Sầu Mùa Phượng  (Thật ra, ca khúc này được nhạc sĩ viết trước 1975, nhưng theo ông, lúc ấy, ông còn khá trẻ nên về phần lời, ông cảm thấy còn non, rất nhiều câu ông chưa hài lòng, nên ông đã đặt lời mới lại và trao cho Khôi Nguyên độc quyền). Đây là món quà, tấm lòng của một người chú, người thầy với thế hệ con cháu, không vụ lợi. Tuy nhiên, số phận ca khúc này khá long đong. Vừa thu thanh xong, chưa kịp quay hình thì nhạc sĩ Thanh Sơn bệnh nặng và qua đời. Ca khúc Ve Sầu Mùa Phượng với phần lời mới viết được nhạc sĩ Thanh Sơn rất tâm đắc chỉ được phát hành CD với tiếng hát Khôi Nguyên. Khi Khôi Nguyên tốt nghiệp thanh nhạc trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật cũng là lúc nhạc sĩ Thanh Sơn ra đi. Mãi đến khoảng 6 năm sau, năm 2019, Khôi Nguyên mới trở lại và thực hiện quay hình ca khúc này với những hình ảnh và tư liệu cảm động về sự gắn bó giữa hai thầy trò. Anh chia sẻ: đó là nén nhang, là tấm lòng anh dành cho nhạc sĩ Thanh Sơn

Đón đọc kỳ 4: Khôi Nguyên và nguyên nhân dừng hát 3 năm

Hoa Dã Qùy/Theo GD

Ca sĩ Khôi Nguyên , chuyện đời ca sĩ