Nhạc sĩ Trịnh Việt Cường: “Mỗi ca sĩ đều có cách học khác nhau, không phân biệt vùng miền…”

Đứng trước nhiều quan điểm trái chiều, phản ứng gay gắt với phát ngôn của ca sĩ Thanh Lam trong thời gian gần đây. Ca nhạc sĩ Trịnh Việt Cường có cái nhìn đầy mới mẻ, thú vị rất xác đáng nhằm giúp mỗi người chúng ta chiêm nghiệm, rút ra bài học cho riêng mình…

Ca sĩ được đào tạo bài bản chưa chắc đã hát cảm xúc

Ca- nhạc sĩ Trịnh Việt Cường cho biết, không chỉ riêng lĩnh vực nghệ thuật mà bất cứ ngành nghề nào muốn thành tài đều phải trải qua những ngày gian khó, khổ luyện mới nên. Để trở thành ca sĩ, nhất định bạn phải dành thời gian rèn luyện, tìm hiểu, học hỏi. Tuy nhiên, không nhất thiết cứ phải học qua trường lớp bài bản. Đơn giản nghệ thuật đòi hỏi luôn luôn sáng tạo ra những cái mới. Nếu bạn khô cứng tuân thủ cách luyến láy đúng kỹ thuật mà quên đi mất cảm xúc. E rằng dù được đào tạo từ những trường học thanh nhạc danh tiếng cũng không chạm được đến với trái tim người nghe.

Ca nhạc sĩ Trịnh Việt Cường

Ca nhạc sĩ Trịnh Việt Cường cũng nhấn mạnh, thực tế không có sự phân biệt giữa ca sĩ miền Nam hay miền Bắc trong vấn đề học để thành nghề. Ở miền nào cũng xuất hiện những nhân tài kiệt xuất, đáng ngưỡng mộ.

Đơn cử trường hợp của chính ca nhạc sĩ Trịnh Việt Cường,  tuy không được học tập tại các trường chính quy nhưng may mắn được tiếp xúc với những giọng ca vàng của âm nhạc Việt như Nhật Trường (Trần Thiện Thanh), nghệ sĩ Nguyển Đức ( Ban Việt Nhi ) – đều là những ca sĩ miền Nam chỉ dạy. Nhờ thế ông mới có được danh tiếng, sự yêu mến của khán thính giả trong và ngoài nước suốt thời gian dài vừa qua. Qua đây, ca nhạc sĩ Trịnh Việt Cường khẳng định, để trở thành ca sĩ, yếu tố đầu tiên chính là sự đam mê. Từ đó, họ sẽ tìm ra những cách học khác nhau để trau dồi khả năng , kinh nghiệm của mình.

MV ca khúc "Trăng nước chia lìa" qua tiếng hát Trịnh Việt Cường

Ca sĩ nào cũng cần phải học, nhưng mỗi người có cách học khác nhau

Ngoài những chia sẻ trên, ca nhạc sĩ Trịnh Việt Cường cho rằng không riêng gì ca sĩ miền Nam mà bất cứ ca sĩ nào cùng cần phải học. Không thể nói ca sĩ miền Nam không có học chỉ vì họ có kinh nghiệm, kỹ năng từ đời thường chứ không qua các trường đào tạo.

Ông tâm sự thêm: “Tôi may mắn được gặp một người anh khi cộng tác với Đoàn ca nhạc kịch Bông Hồng của chị Thẩm Thúy Hằng. Sau một vài lần được anh ấy kêu về nhà để hướng dẫn cách lấy hơi và luyện thanh, tôi đã có được chất giọng khỏe không thua kém gì các ca sĩ được luyện tập ở trường thanh nhạc. Đây cũng là dấu mốc giúp ca khúc Hồ Trên Núi của tôi được khán thính giả khắp nơi biết đến. Vì thế, một ca sĩ cần biết cách áp dụng kỹ thuật và truyền tải được cảm xúc đến với người nghe mới thực sự thành công”.

Nói về phát ngôn của ca sĩ Thanh Lam, ca nhạc sĩ Trịnh Việt Cường cho rằng: “Theo tôi, để thành công bất cứ ca sĩ nào cũng cần học về âm nhạc. Ở trường hay ở  bất cứ đâu trong thực tế cuộc sống”. Bản thân ông cũng cho rằng, ca sĩ Thanh Lam có một giọng hát rất nội lực, khác biệt. Ngoài phát ngôn “Miền Nam nổi lên nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông. Tôi đặt dấu hỏi về điều này" của Thanh Lam gây sốc trong thời gian vừa qua còn có Tùng Dương. Ca sĩ Tùng Dương cho rằng: "Bolero có giá trị về mặt hoài niệm nhưng nếu người già, trẻ, lớn, bé đều đắm đuối với dòng nhạc này thì đó thực sự là sự thụt lùi trong âm nhạc". Sau quan điểm kể trên, Tùng Dương đã nhận được những lời chỉ trích rất nặng nề từ phía người yêu dòng nhạc này cũng như các ca sĩ - nghệ sĩ nhiều năm gắn bó với Bolero. Ca nhạc sĩ Trịnh Việt Cường cũng muốn nhắn nhủ đến Thanh Lam và Tùng Dương, ông đánh giá rất cao kỹ thuật về âm nhạc của hai ca sĩ này. Tuy nhiên, cả Thanh Lam và Tùng Dương nên khéo léo hơn một chút, để không “động chạm” vào lòng tự ái của những người yêu âm nhạc. Như vậy chắc rằng dư luận sẽ không có những phản ứng gay gắn, khó chịu và tốn nhiều giấy mực của báo chí như thời gian gần đây.

Ca khúc "Nhật ký cho con" - Sáng tác và trình bày Trịnh Việt Cường

Minh Nguyên

Nhạc sĩ Trịnh Việt Cường