Những thất bại thê thảm trên truyền hình Việt

Chọn bài quá sức, bài hit, nhạc của giám khảo… là những lỗi chọn bài thường thấy của thí sinh truyền hình thực tế.

Chọn bài quá sức

Đây là một trong những kiểu chọn bài phổ biến nhất của những thí sinh truyền hình thực tế. Việc chọn bài phù hợp luôn là thử thách rất lớn vì ngay cả ca sĩ chuyên nghiệp đôi khi còn ‘lỡ’ chọn một bài không vừa vặn với giọng hát. 

Chọn bài quá an toàn thì không tạo được đột phá còn chọn bài quá khó thì xác suất cầm chiếc vé ra về gần như là tuyệt đối. Lỗi thường thấy là chọn bài quá khó hát, có tone quá cao, âm vực trải dài; chọn bài thuộc dòng nhạc có màu sắc quá đặc biệt.

Một trường hợp đáng tiếc gần đây là Thế Phương phải ra về ở Top 10 Vietnam Idol 2015 vì chọn sai bài. Con cò là một ca khúc có những nốt treo cao liên tiếp ở đoạn điệp khúc đòi hỏi người hát phải có kỹ thuật nền thật ổn, kèm trong cách hát một chút ma mị, quai quái và thống thiết, đậm chất dân gian đương đại. Vì thế, chất giọng mỏng, nông và hơi ‘khào khào’ của Thế Phương đã không kham nổi một ca khúc quá sức lại vô tình ‘phá’ đi bài hát gắn liền với tên tuổi của Tùng Dương

Chọn ca khúc đang 'hot'

Chọn ca khúc đang ‘làm mưa làm gió’ trên thị trường để thể hiện được ví như con dao hai lưỡi. Vì lẽ, một ca khúc đang hot thường có độ ‘phủ sóng’ mạnh, được phát với tuần suất dày đặc ở mọi lúc, mọi nơi. Chính vì thế mà cả khán giả lẫn những người ‘cầm cân nảy mực’ sẽ khó tính hơn, đòi hỏi cao hơn chứ thí sinh không chỉ đơn thuần hát ‘sạch’ bài là được. Tuy nhiên, nếu vượt qua được thử thách này thì đây lại là cú đột phá hoàn hảo trong cuộc thi. Điều này đòi hỏi thí sinh phải có đủ thực lực.
thất bại, thê thảm, gameshow việt, thí sinh, giáp lê tuấn, song luân


Nhật Thủy bứt phá nhờ hát bài hit.

Đây là trường hợp của quán quân Vietnam Idol 2014 Nhật Thủy và ca sĩ Trung Quân. Mạo hiểm chọn những ca khúc hit như Trót yêu, Vết mưa đang rất được lòng giới trẻ nhưng với giọng hát đầy cảm xúc, cách xử lý mới mẻ hay những nốt falsetto ‘nổi da gà’, Nhật Thủy đã tạo được những bước nhảy vọt đưa cô tới ngôi vị cao nhất của Thần tượng âm nhạc Việt Nam. Trong khi đó, chàng trai giàu tiềm năng Bùi Nguyễn Trung Quân của Vietnam Idol 2010 phải dừng chân tại Top 8 vì phần thể hiện hit một thời Đôi mắt chưa đủ thuyết phục. 

Chọn bài hit của giám khảo

Ông bầu Dũng Taylor – chồng ca sĩ Thu Phương – từng nhận định việc thí sinh đi thi chọn thể hiện lại hit của giám khảo là quyết định thiếu khôn ngoan. Vì sự chọn lựa này cũng đồng nghĩa với việc tự đặt mình lên bàn cân so sánh trực tiếp với bản gốc của vị giám khảo đang ngồi trước mặt. 

Giám khảo, người trực tiếp nghe và đánh giá phần trình diễn của thí sinh, là người hiểu hơn ai hết ca khúc đã làm nên tên tuổi của họ. Từ đó họ nhanh chóng nhìn ra trong tiết mục của thí sinh phạm bao nhiêu lỗi kỹ thuật, chỗ này chênh mấy nốt, chỗ kia bị ‘non’ cảm xúc ra sao …

Đặc biệt với cuộc thi Giọng hát Việt, một số thí sinh như NTK Giáp Lê Tuấn, ca sĩ Song Luân vừa ‘rớt đài’ oan uổng vì chọn hát hit của HLV. Chủ nhân của bài hát rất khó lòng bấm xoay ghế vì sợ bị cho là thiên vị, trong khi 3 HLV còn lại, phần vì tâm lý ‘hát nhạc ai để người đấy chọn’, phần vì tin rằng thí sinh đó đã có lựa chọn HLV của riêng mình nên cũng không bấm chọn.

Chọn bài ‘nhẵn mặt’

Đừng ngoảnh lại, Khi giấc mơ về, Trót yêu, Nơi tình yêu bắt đầu, Thu cạn, Anh, Chỉ là giấc mơ, Chạy mưa, Yêu mình anh, All by myself, I will always love you, Run to you, Ain’t no sunshine … là một vài bài tiêu biểu trong loạt ‘ca khúc thân quen’ được thí sinh truyền hình thực tế ưa chọn. Lý do được ‘sủng ái’ là vì những bài này phổ biến, dễ hát hoặc đã trở thành kinh điển. Ưu điểm của kiểu chọn bài này là an toàn, dễ chiếm được cảm tình người nghe. Thực tế không ít thí sinh còn chọn ca khúc ‘nhẵn mặt’ để dễ dàng ‘qua ải’ vòng loại trong các cuộc thi hát.

Khi các cuộc thi hát truyền hình thực tế nở rộ được phát đan xen chồng chéo nhau tại khung giờ vàng, việc khán giả thỉnh thoảng phải nghe đến nhàm tai một bài hát liên tục được thể hiện bởi thí sinh của các sân chơi khác nhau cũng là chuyện hiển nhiên. Vì thế những tiết mục này rất khó tạo được sự thu hút ngay cả khi người hát có cá tính âm nhạc mới mẻ, thậm chí còn dễ bị mang ra so sánh. Hơn nữa, việc làm mới một ca khúc lâu đời, kinh điển lại càng trở nên vô phương. Điều này lý giải tại sao việc chọn ‘ca khúc thân quen’ là lợi bất cập hại.

Theo Vietnamnet

truyền hình thực tế