NSƯT Trọng Phúc sợ nhất khi không được là chính mình

Trong mắt đồng nghiệp, khán giả, NSƯT Trọng Phúc không chỉ mang vẻ đẹp nam tính, giọng ca ấm áp, giàu cảm xúc... mà anh còn tạo ấn tượng ở thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc và hết lòng với vai diễn.

Bạn diễn của NSƯT Trọng Phúc đã quá quen với kiểu “mè nheo” của anh kép chánh mỗi khi luyện tập: “Cho xin thêm một lần nữa đi” hay “Tranh thủ tập lại lần nữa đi cho chắc”. Có lẽ vì “một lần” của NSƯT Trọng Phúc luôn “đính kèm” với “nữa” nên nói “một lần” nhưng có khi thành “một… chục lần”!

Không chỉ lo cho riêng mình, NSƯT Trọng Phúc còn chăm chút cho những diễn viên trẻ tập tuồng chung. Nhiều lần anh “ép” bạn diễn phải ca cho thật nhuyễn một câu vọng cổ trước khi chuyển sang tập lớp diễn khác. Có người nóng ruột, thấy anh mất công cho lớp diễn không phải của mình nên giục: “Vậy được rồi, cho qua đi!”. Nhưng anh kiên quyết không chịu: “Qua sao được, phải tập cho tới nơi tới chốn. Hát tuồng này rồi còn tuồng khác nữa chớ!”. Trọng Phúc là vậy, dường như chưa ai có thể bắt lỗi vì anh thiếu tập trung trong tập luyện.

NSƯT Trọng Phúc nhận giải HTV Award 2010 dành cho Nghệ sĩ cải lương được yêu thích nhất

* Có bao giờ anh bị đồng nghiệp giận vì yêu cầu tập lại một lần, rồi một lần nữa…?

- May mắn là đến giờ tôi chưa bị ai giận vì chuyện này, trái lại các bạn diễn và đạo diễn đều hợp tác và hỗ trợ hết mình. Nếu mình tập luyện nghiêm túc, chú tâm vào vai diễn thì việc tập đi tập lại là bình thường. Hơn nữa, tập kỹ thì cả tôi và bạn diễn đều cùng có lợi. Không riêng tôi, những nghệ sĩ (NS) yêu thương, quyết tâm gắn bó với nghiệp tổ sẽ luôn biết tôn trọng nghề nghiệp của mình. Nếu không trân trọng, yêu quý nghề, không trăn trở “sống chết” cùng nó thì mình khó có thể đi được đường dài.

* Có vẻ anh luôn may mắn trong nghề nghiệp khi mọi thứ dường như được sắp đặt sẵn, từ đường vào nghề đến lúc lấn sân cải lương rồi những huy chương, giải thưởng và danh hiệu NSƯT?

- Tôi biết mình may mắn hơn nhiều bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng tất cả những gì tôi có hôm nay không hề dễ dàng. Tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi rời Cao Lãnh lên TP.HCM mang theo ước mơ đổi đời để đỡ đần gia đình và khởi nghiệp bằng những nghề cực nhọc nhất: bốc vác, làm thuê… Mỗi chiều, sau một ngày làm việc rã rời, tôi tiếp tục lội bộ từ nhà trọ ở bến xe Chợ Lớn đến đường Lý Chiêu Hoàng (Q.6) để học thanh nhạc. Được nhận vào làm ca sĩ lót ở Thảo Cầm Viên nhưng một thời gian dài, công việc chính của tôi vẫn là xếp ghế trước giờ diễn.

Ngay cả khi trở thành ca sĩ độc quyền của Trung tâm Rạng Đông, rồi “lấn sân” ở sân khấu cải lương, không phải mọi chuyện lúc nào cũng thuận lợi. Nhiều lần tôi phải ngậm ngùi trả vai vì không biết thoại lời, không tự tin trong diễn xuất. Được một số NS giúp đỡ, tôi lại bị một số NS khác nhìn như kẻ “lạc loài”, “quấy rối”, ngang nhiên tranh giành “thị phần”. Tôi biết ơn những NS đi trước đã dang tay bảo bọc, chỉ dạy tôi vào thời điểm đó. Chính họ đã tiếp thêm tôi sự mạnh mẽ, quyết tâm không bỏ cuộc dù phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách.

Với NSƯT Thoại Miêu trong vở Cội nguồn

* Anh có từng trải qua cảm giác bị coi thường vì chỉ là “kép tay ngang”?

- Làm sao tránh khỏi! Nhưng chắc tại tính tôi hay tự ái. Càng bị coi thường thì càng phải ráng hết sức để khẳng định bản thân. Trong cuộc sống, người thương kẻ ghét là chuyện khó tránh, nhưng ai đó có thể không thích tôi, còn tôi không bao giờ chấp nhận để người khác coi thường mình.

* Hai huy chương vàng trong hai mùa hội diễn chuyên nghiệp liên tiếp (2003, 2005), giải thưởng HTV Award 2010 và danh hiệu NSƯT năm 2012, anh có còn nhắm tới mục tiêu nào khác để tiếp tục khẳng định mình?

- Tôi chưa bao giờ đặt cho mình đích ngắm phải đạt giải thưởng nào, danh hiệu gì, chỉ biết dặn lòng cố gắng bằng tất cả khả năng, dồn hết tâm trí của mình cho một vai diễn mới. Điều quan trọng nhất là mình xuất hiện ra sao trên sân khấu, trước khán giả; mình có làm được điều gì mới mẻ hơn, tạo được dấu ấn khác biệt hơn so với những lần xuất hiện trước, hay vẫn cứ “mười lần như một”? Có được giải thưởng nào đó là hạnh phúc của người NS, nhưng không vì vậy mà mình mất quá nhiều tâm trí để suy nghĩ về nó.

* Từ tân nhạc chuyển sang cải lương, dù có lợi thế về giọng ca nhưng nhiều NS vẫn nhắc chuyện anh không biết thoại lời, non diễn xuất. Đó là “bí mật” không nhiều người biết khi xem NSƯT Trọng Phúc ca diễn hôm nay?

- Đó là sự thật. Gốc miền Tây, lớn lên cùng những bài bản của đờn ca tài tử, cải lương; cũng từng đi theo một số đoàn hát ở miền Tây nên ca cổ khó cỡ nào tôi cũng ca được, luyến láy sao cho là của riêng mình tôi cũng luyện được. Nhưng mỗi khi tôi thoại lời, nhiều người muốn “xỉu”! Có lúc tôi nghĩ chắc mình không đủ khả năng theo đuổi cải lương. Nhưng rồi tự ái nổi lên: Không lẽ chỉ thoại lời thôi mà mình chịu thua?

Tôi nghe băng, xem tuồng, học cách thoại lời của các NS. Tôi thu âm lời thoại của mình để nghe lại coi nó “kỳ” chỗ nào và tập sửa dần dần. Phần nào tự tập được thì “tự lực cánh sinh”, phần nào khó quá thì nhờ các NS có nhiều kinh nghiệm giúp đỡ. Lâu dần thành thói quen. Tập ca tôi cũng thu âm lại để nghe, tập luyến láy để giọng ca, cách nhả chữ, luyến láy là của riêng mình. Đến giờ tôi vẫn giữ thói quen thu âm bài ca của mình, nghe lại và luyện tập, chỉnh sửa những chỗ luyến láy cho hay, lối ca cho truyền cảm, phù hợp với tâm lý, hoàn cảnh… của nhân vật.

Với diễn viên Hà Linh trong vở Bên cầu dệt lụa

* Nhiều đồng nghiệp “nể” anh khi đã làm là hết mình, chấp nhận bỏ show hàng tháng trời để tập trung cho một vở diễn. Anh có nản khi mình hy sinh rất nhiều cho một vai diễn, nhưng vở chỉ diễn được vài suất?

- Buồn thì có, nhưng nản thì không. Tôi hiểu những khó khăn hiện tại của sân khấu cải lương để xác định tư tưởng cho mình. Tôi có nhiều cơ hội để kiếm tiền, nhưng cơ hội để có được vai diễn hay, để được tập luyện nâng cao nghề nghiệp không phải lúc nào cũng đến với mình. Tôi cũng không nghĩ đó là sự hy sinh. Từ ngày mới bước chân vào nghề, tôi xác định đã nhận lời làm gì thì phải làm hết sức. Mình vốn không được đào tạo bài bản nên lại càng phải nỗ lực gấp bội, càng không thể ôm đồm mà phải biết lựa chọn đâu là điều quan trọng hơn. Tôi cũng rất dị ứng với kiểu làm việc bắt người khác phải chờ đợi vì mình còn đang bận chạy show.

* Có ý kiến cho rằng anh là người rất khéo lấy lòng những NS trẻ, nhất là NS ở các địa phương, bằng thói quen tặng quà?

- Chuyện này hơi... ngộ! Tôi không hiểu vì sao mình phải lấy lòng những NS trẻ? Đúng là tôi hay tặng anh em NS, diễn viên ở các tỉnh những bộ vest mình may trước đó. Vì đặc thù của công việc, tôi may rất nhiều đồ vest. Có bộ chỉ mặc vài lần, thậm chí duy nhất một lần rồi thôi. Từng trải qua cuộc sống khó khăn, từng thèm thuồng một bộ vest... tôi hiểu được nỗi niềm của những người cùng cảnh ngộ. Thay vì cất giữ những bộ vest không biết bao giờ sẽ lại dùng tới, sao không tặng cho những người thật sự cần. Họ vui mà tôi cũng thấy vui. Sao gọi là lấy lòng? Dù có ý kiến gì, tôi cũng không vì vậy mà thay đổi cách suy nghĩ của mình.

Với DV Lê Tứ trong vở Chiến binh

* Từng chia sẻ có lúc anh hệt như con “sâu rượu”; có lúc cũng sa chân vào chuyện “đỏ đen”, điều gì giúp anh từ bỏ những thói hư ấy?

- Làm ca sĩ lót mà 100.000đ mua bộ quần áo “vía” cũng không có. Làm CD mất 500.000đ mà chạy vay mượn khắp nơi. Mình đâu lười biếng, ham chơi?! Thời gian đó cuộc đời thằng thanh niên hơn 20 tuổi là tôi sao bế tắc quá, chỉ biết tìm quên trong men rượu. Tôi nhớ năm 1994, giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông phải mất ba - bốn ngày mới gặp được tôi, vì ngoài những ngày cuối tuần làm nhiệm vụ xếp ghế ở Thảo Cầm Viên, cả tuần tôi say cho “quên chuyện đời”. Tôi phải cám ơn chị ấy vì đã không nản mà bỏ cuộc giữa chừng.

“Đổi đời” chỉ sau một đêm, tôi bỏ rượu vì không muốn mất tất cả. Ngày mới có chút tên tuổi, tôi lại sa vào cờ bạc. Nhiều lần thua cháy túi số tiền mình đã cực khổ đi hát trước đó, “tỉnh ra”, tôi tự răn phải thôi cờ bạc. Nhưng chỉ thực sự “tỉnh trí” sau lần má nói với tôi giọng buồn buồn: “Con cũng là NS có chút tên tuổi mà sao vẫn không có được cái nhà?”. Nghe má nói, tôi xót xa ân hận. Má đã quá cực vì con cái, sao tôi không thể làm cho má vui vẻ tuổi già? Và tôi quyết tâm bỏ cờ bạc.

Với DV Hồ Ngọc Trinh trong vở Lan và Điệp

* Má anh có sức ảnh hưởng rất lớn tới anh?

- Ba mất sớm, mình má bươn chải nuôi năm đứa con. Tôi lên Sài Gòn cũng từ ước mơ có thể “đổi đời”, giúp má lo cho gia đình. Giúp đâu chưa thấy, chỉ thấy má phải về quê hốt hụi, chạy vạy thêm để mua cho tôi chiếc xe máy cũ vì thấy thằng con trai ở thành phố, tiếng là ca sĩ mà chỉ có chiếc xe đạp cà tàng. Má đâu biết con của má lúc đó chỉ là ca sĩ lót, xe má mua dựng ở góc nhà nhiều hơn “ra đường” vì tôi không có tiền đổ xăng. Năm năm trước má mất, tôi tưởng mình ngã quỵ. Tôi ân hận vì mình vẫn chưa báo hiếu, má chưa kịp hưởng an nhàn thì đã đi xa. Tôi đã hứa sẽ không bao giờ làm điều gì để má phải buồn phiền.

* Đẹp trai, tài hoa, công danh sự nghiệp có đủ nhưng anh vẫn “đi về một bóng?”

- Duyên phận do trời định. Thôi thì cứ để thuận theo lẽ tự nhiên, điều gì đến, đúng thời điểm ắt sẽ phải đến.

* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.

THẢO VÂN ( Thực hiện)

Trong Phuc