Trần Lê Khánh và những vần thơ giàu tính gợi hình siêu thực

Có một điều rất lạ là những bài thơ mang hương vị thiền của Trần Lê Khánh rất hàm súc, có những ngôn từ “khó hiểu”, nhưng khi được phổ nhạc thì người nghe vẫn cảm nhận được những giai điệu du dương, thanh thoát và làm xao xuyến lòng người…

Vừa qua, tại Cơ sở Linh Trung – Q. Thủ Đức của Trường ĐHKHXH & NV TP.HCM, chương trình thơ nhạc “Ngày như chiếc lá” gặp gỡ nhạc sĩ Trần Bình và nhà thơ – doanh nhân Trần Lê Khánh đã diễn ra thật sôi động, hào hứng với sự tham dự của đông đảo các bạn sinh viên, cùng các anh chị em nghệ sĩ, ca sĩ khách mời giao lưu…

Nhạc sĩ Trần Bình (trái) và vợ là ca sĩ Việt Linh (giữa) cùng ban nhạc Mộc Sài Gòn trình diễn ca khúc Ngày như chiếc lá của Trần Lê Khánh

Tác giả Trần Lê Khánh giao lưu với sinh viên trong CLB Cây Bút Trẻ

Nhạc sĩ Trần Bình (tức Bình 13) là người đã phổ nhạc thành công một số bài thơ của Trần Lê Khánh cũng tâm sự về lần đầu tiên khi tình cờ đọc được mấy câu thơ của Trần Lê Khánh, anh cũng thấy “khó hiểu”, nhưng sau một thời gian, chính anh tìm được những giai điệu “xuất thần” cho mạch thơ thiền của Trần Lê Khánh, đang được khán giả yêu thích như các bài: Cõi không, Đôi hoa tuyết (ca sĩ Kiều Oanh trình bày); Cởi áo cô đơn, Tình là sợi tóc trong mơ (ca sĩ – diễn viên điện ảnh Kiến An trình bày); Mùa đông mỏng, Ngày như chiếc lá (ca sĩ Việt Linh trình bày)...

 Tác giả Trần Lê Khánh ký tặng tập thơ cho các em sinh viên

Họa sĩ Đỗ Thiên Hương và sinh viên Phạm Thị Thái Hà (Chủ nhiệm CLB Cây Bút Trẻ).

Theo hoạ sĩ Đỗ Thiên Hương, ngôn từ trong thơ Trần Lê Khánh không phải theo cách chơi chữ khó hiểu - mơ hồ, bởi ai cũng biết đó là những bài thơ anh làm về thiên nhiên, vạn vật và tình yêu đôi lứa…Nhưng để cảm nhận được chất “dị biệt”, hương vị thiền sâu lắng trong thơ của tác giả Trần Lê Khánh, người đọc cần có thời gian suy nghiệm, cho tâm hồn nhẹ nhàng, lắng đọng…Thiên Hương cho biết: “Tôi cũng phải dùng tâm để cảm, dùng thị giác cùng thính giác trong tâm để chạm đến từng âm thanh, con chữ mà tác giả muốn thể hiện trong hai tập thơ “Lục bát múa” và “Dòng sông không vội”.  Tôi nhận thấy anh đã vẽ hai tập thơ này bằng ngôn ngữ “thi ca siêu thực” và “bán trừu tượng” (một nửa trừu tượng), nên muốn cảm được thơ của anh cần phải có thời gian để thẩm thấu, giống như cách anh đã chầm chậm thưởng thức cuộc sống qua từng giọt thời gian, từng giọt sương rơi, từng khoảnh khắc sinh diệt của “ngày như chiếc lá”, qua vạn vật hay linh hồn, bóng trăng trong cõi không… Tự trong từng ý - tứ, những câu chữ gợi hình của tập thơ “Lục bát múa” đã hiện lên thành những bức tranh đồng quê với nhiều “cảnh giới đa chiều” về miền thiên nhiên dài vô tận, theo phong cách riêng của anh…”.

Tác giả Trần Lê Khánh với các thi hữu khách mời và sinh viên.

Nhà thơ Ngô Thị Hạnh – Chánh Văn phòng Hội Điện Ảnh TP.HCM – nhận xét về tập thơ Lục bát múa của tác giả Trần Lê Khánh là một tập thơ được viết toàn bộ bằng thể thơ lục bát – thể thơ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt hơn, thể thơ lục bát hai câu – thể thơ được dùng rất nhiều trong ca dao - cũng được sử dụng rất nhiều trong tập thơ này. Hình ảnh thơ bay bổng, ngữ cảnh không gian sống động, bao la – mênh mông được thể hiện rất tinh tế trong “lục bát múa”. Tập Lục bát múa đồng thời cũng là bản trường ca về chiếc lá, con kiến, dòng sông, biển và đất trời vô tận… đem đến cho người đọc cảm nhận về sự linh hoạt, đa nghĩa và vi diệu của tiếng Việt.

Sinh viên Nguyễn Bảo Trân phát biểu về thơ Trần Lê Khánh  

Sinh viên Nguyễn Bảo Trân trong CLB Cây Bút Trẻ cảm nhận: “Khi đọc “Dòng sông không vội” có nhiều bài thơ buộc ta phải huy động mọi giác quan cùng với sự liên tưởng tinh tế để nhận ra cái hay, cái đẹp của nó. Cứ như thế, gấp lại tập thơ rồi, dòng sông vẫn chảy chầm chậm, miên man, lắng sâu trong tâm hồn mình...”.

Được biết, Nhà thơ Trần Lê Khánh sinh năm 1971 ở Bắc Ninh, hiện sống và làm việc tại TP.HCM. Anh từng tốt nghiệp CFA về phân tích tài chính hàng đầu của Hoa Kỳ, về Việt Nam làm quản lý, chuyên gia tư vấn tài chính. Là một doanh nhân nhưng rất yêu văn chương nghệ thuật, anh chọn thi ca để tâm sự và làm bạn tâm hồn của mình. Từ năm 2016 đến nay, anh đã xuất bản được 2 tập thơ “Lục bát múa” và “Dòng sông không vội”, được nhạc sĩ Trần Bình phổ thành nhiều ca khúc trang trọng, đi vào lòng người. Ngoài ra, các buổi chương trình giao lưu thơ – nhạc “Ngày như chiếc lá” của anh và nhạc sĩ Trần Bình đã được tổ chức ở nhiều nơi như:  Book city PNC (Bình Dương), Bản Sonat (Đặng Dung , Q.1), Cà phê 1985, phòng trà ca nhạc We, tại Hội Văn học – Nghệ thuật TP.HCM  (81 Trần Quốc Thảo, Q.3) và Cơ sở Linh Trung – Thủ Đức (ĐH KHXH & NV TP.HCM), có nhiều sinh viên và khán giả yêu thích.

 Minh Thi

Ảnh:  Mễ Thuận

 

Trần Lê Khánh