Trần Lê Khánh với sức hút ngôn từ trong thơ “Lục bát múa”…

Nhận xét về tập thơ đầu tay của Trần Lê Khánh, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho biết: “Trần Lê Khánh mê lục bát và muốn nó nhảy múa. Trông như một điệu luân vũ là lục bát của Khánh. Ở đấy, ngôn từ muốn làm ngọn gió, bay theo một vòng tròn, ra đi rồi trở về trên tụ điểm quen thuộc, thân thiết. Cứ thế, ngọn gió ấy tự nhân mình lên, tự là nhân duyên cho mình”…

Trong buổi giao lưu với sinh viên CLB Sách và Đời tại Trường Đại Học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh (ĐHSP TP.HCM) vừa qua, tác giả tập thơ Lục bát múa là doanh nhân Trần Lê Khánh cho biết chính anh đã bị thu hút bởi sức mạnh ngôn từ trong thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc Việt Nam. Anh xúc động khi nghiên cứu vẻ đẹp ngôn từ lung linh, huyền diệu trong thơ lục bát của các bậc tiền nhân như: Đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ Bùi Giáng, nhà thơ Phạm Phú Hải…

Tác giả tập thơ "Lục bát múa" là doanh nhân Trần Lê Khánh

 Trong buổi giao lưu chiều 12/5/2018, nhiều sinh viên khoa văn đã hào hứng đặt câu hỏi “chất vấn” về hình tượng nhân quả, tính triết lý và chất thiền trong thơ Trần Lê Khánh… Đặc biệt, PGS.TS Lê Thu Yến – giảng viên thâm niên Khoa Văn của Trường Đại Học Sư Phạm TP. HCM cũng có những câu hỏi dành cho tác giả Trần Lê Khánh như sau: Vì sao tác giả Trần Lê Khánh lại đặt nhan đề tập thơ là “Lục bát múa” ? Tác giả có thể giải thích về những hình tròn, nét vẽ minh họa không hình tượng trong tập thơ này? Nhiều người nói thơ Trần Lê Khánh có chất thiền, tác giả nghĩ sao về điều này?

Tác giả – doanh nhân Trần Lê Khánh chia sẻ về cảm hứng sáng tác tập thơ “Lục bát múa” của mình.   

Tác giả - doanh nhân Trần Lê Khánh đã chia sẻ thật tình về bản thân mình là một người làm kinh tế, chỉ mới làm thơ trong mấy năm nay nhưng anh yêu thể thơ lục bát của dân tộc và rất ấn tượng, tâm đắc về từ “múa” trong một bài thơ mang tên “Lục bát múa” của nhà thơ Phạm Phú Hải trước kia (bạn của nhà thơ Bùi Giáng). Với anh, ngôn từ “múa” rất đẹp, như gợi nên những sự chuyển động linh hoạt, đầy chất thơ, rất đẹp và ẩn, hiện nhiều hình tượng lung linh, biến hóa đa chiều trong thơ… Vì thế, khi cảm xúc tuôn trào, Trần Lê Khánh đã làm những vần thơ lục bát theo góc nhìn riêng của anh về sự - đời và anh đã khấn trong tâm tưởng của mình khi nghĩ về nhà thơ Phạm Phú Hải, xin nhà thơ cho phép anh được để tên tập thơ đầu tay là “Lục bát múa” bằng tất cả sự trân trọng đối với nhà thơ Phạm Phú Hải…  

PGS.TS Lê Thu Yến đặt câu hỏi giao lưu với tác giả thơ Lục bát múa Trần Lê Khánh 

 Về hình tranh minh họa cho tập thơ này là do họa sĩ Lã Quý Tùng thực hiện một cách tự do vì tác giả Trần Lê Khánh muốn họa sĩ vẽ trong mạch cảm hứng sáng tạo bay bổng, không bị gò bó trong khuôn khổ hình tượng cụ thể nào cả. Trần Lê Khánh cũng cho biết mình rất yêu thiên nhiên, không bao giờ nghĩ mình làm thơ thiền nhưng chính những lời thơ của anh luôn mang cảm thức từ những điều cao đẹp, trăn trở về nhân sinh, hướng thượng trong cuộc sống rất tự nhiên…

Sinh viên khoa văn trong CLB Sách và Đời đặt câu hỏi giao lưu với Tác giả Trần Lê Khánh về chất thiền trong thơ “Lục bát múa”.

Có thể nói, khi Trần Lê Khánh sáng tác tập thơ “lục bát múa” của mình, bạn đọc sẽ cảm nhận được bút lực của anh khá tinh thông, uyển chuyển khi múa những con chữ, những câu thơ lục bát một cách hóm hỉnh mà sâu sắc, kiểu như: “Tình là quả hay là nhân / Nếu là quả thì tình nhân là gì?”, “Hương tình cắm phập mũi tên / Nguệch tay vẽ đại tâm lên sự rồi”, “Giọt sương cởi áo trắng tinh /Cuộc đời là lúc một mình đơn sơ”, “Trời mây chải chuốt điệu đà / Cởi đi mặc lại, giặt là thiên thu”, “Trần gian, hạt bụi bay xa / Khoác lá vàng nhỏ tưởng là đi tu”, “Ai là kiếp trước của ai / Giống nhau chiếc bóng đổ dài từ chân”, “Một hạt mưa đứng ngoài hiên / Đi chơi trong cõi hiện tiền qua loa”…

Nhận xét về tập thơ đầu tay của Trần Lê Khánh, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho biết: “Trần Lê Khánh mê lục bát và muốn nó nhảy múa. Trông như một điệu luân vũ là lục bát của Khánh. Ở đấy, ngôn từ muốn làm ngọn gió, bay theo một vòng tròn, ra đi rồi trở về trên tụ điểm quen thuộc, thân thiết. Cứ thế, ngọn gió ấy tự nhân mình lên, tự là nhân duyên cho mình”…

 

Nhà thơ Trần Lê Khánh cùng các khách mời tham dự chương trình giao lưu thơ và sinh viên CLB Sách và Đời trong khoa Văn trường ĐHSP TP.HCM.  

Nhà thơ Trần Lê Khánh sinh năm 1971, ở Bắc Ninh, hiện đang làm việc và sống tại TP. Hồ Chí Minh. Anh tốt nghiệp CFA về phân tích Tài chính hàng đầu của Hoa Kỳ, về lại Việt Nam làm quản lý, là chuyên gia tư vấn tài chính. Nhưng anh lại rất yêu văn chương và khoa học, đặc biệt là sáng tác thơ.

Từ năm 2016 đến nay, anh đã xuất bản được 2 tập thơ: “Lục bát múa” và “Dòng sông không vội”, được nhạc sĩ Trần Bình phổ thành nhiều ca khúc đi vào lòng người. Các chương trình giao lưu thơ – nhạc “Ngày như chiếc lá” về Tác giả Trần Lê Khánh và Nhạc sĩ Trần Bình đã được tổ chức ở nhiều nơi như: Book City – PNC (Phương Nam Books), tại Cà phê Bản Sonat, Cà phê 1985, Phòng trà ca nhạc We, Hội Văn học – Nghệ thuật TP.HCM, CLB Cây Bút Trẻ của trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, CLB Sách & Đời trong trường ĐH Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh có nhiều khán giả, thầy cô và sinh viên yêu thích…

Minh Thi

Ảnh:  Mễ Thuận

Trần Lê Khánh