Cuộc sống bệnh tật về già của đạo diễn 'Đời cô Lựu'

NSND Huỳnh Nga gần như không nhớ vai mình đã đóng, tuồng mình từng dựng hay các nghệ sĩ cùng thời. Ông giao tiếp khó khăn, thường thở dốc lúc trò chuyện.

Huỳnh Nga là đạo diễn của nhiều vở cải lương nổi tiếng. Ông góp phần đào tạo, dẫn dắt nhiều nghệ sĩ tài danh như Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thanh Tòng, Minh Vương... Vài năm nay, do tuổi già và gặp nhiều bệnh tật, đạo diễn vắng bóng.

Huỳnh Nga là đạo diễn của nhiều vở cải lương nổi tiếng. Ông góp phần đào tạo, dẫn dắt nhiều nghệ sĩ tài danh như Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thanh Tòng, Minh Vương... Vài năm nay, do tuổi già và gặp nhiều bệnh tật, đạo diễn vắng bóng.

NSND Huỳnh Nga và vợ

Bà Nguyệt - vợ đạo diễn Huỳnh Nga - chia sẻ từ cuối 2012, nghệ sĩ nhập viện trong tình trạng rối loạn tiêu hóa sau đó chuyển sang trạng thái không điều khiển được vệ sinh cá nhân. Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện, giữa năm 2013, ông được phẫu thuật cắt bỏ ung thư trực tràng. Bệnh tật từ đó khiến ông ngày càng suy sụp.

Đạo diễn Huỳnh Nga gầy rộc đi, giao tiếp khó khăn do thường xuyên thở dốc. Trí nhớ ông cũng giảm sút rõ rệt. Ngoài vài người bạn đến thăm được ông nhớ mặt như nghệ sĩ Lệ Thủy, Ngọc Giàu... đạo diễn hầu như không nhớ bất kỳ ai từng cộng tác cùng mình. Cả những tác phẩm làm nên tên tuổi của ông như Đời cô Lựu, Tấm Cám... ông cũng không nhớ. "Có khi vừa ăn cơm xong, ông ấy vẫn nói là chưa ăn. Ăn ba bát cơm nói là ăn một bát", vợ nghệ sĩ cho biết.

Gia đình thường xuyên phải để mắt tới đạo diễn, chỉ để ông tự đi lại trong nhà. "Có lúc ra khỏi cầu thang, xuống đến ngõ, cha tôi đã không nhớ đường về", con gái nghệ sĩ kể.

Giường ngủ và bàn làm việc trong phòng riêng đạo diễn Huỳnh Nga

Bệnh tật và sống trong cảnh nhà chật chội, người nghệ sĩ già nhận được sự chăm sóc chu đáo của gia đình, sự quan tâm chia sẻ của đồng nghiệp.

Vợ đạo diễn Huỳnh Nga chuyển về chung sống với ông sau khi nghệ sĩ trải qua một đời vợ. Vốn là diễn viên của đoàn kịch Công an, lấy ông, bà từ bỏ nghiệp diễn, chọn công việc hành chính để có thời gian lo cho gia đình. Từ số lương ít ỏi của hai vợ chồng, một tay bà lo thu vén cuộc sống, nuôi ba con chung và một con riêng của ông trưởng thành. Những ngày đạo diễn Huỳnh Nga nằm viện, tự tay bà chăm sóc. Đạo diễn thừa nhận, ông chuyên tâm làm nghệ thuật nên ít có thời gian cho gia đình. Ngoài chuyện đưa hết thu nhập cho vợ, ông giao phó toàn bộ việc nhà, chăm sóc con cái cho bà.

Nhiều năm nay, gia đình 13 thành viên (bao gồm vợ chồng nghệ sĩ, vợ chồng ba người con trai cùng 5 người cháu) chung sống trong một căn hộ tập thể rộng hơn 60 m2. Nơi ngủ và làm việc của nghệ sĩ là một căn phòng nhỏ chừng 7 m2 với đồ đạc đơn sơ. Phòng nằm ngay cạnh bếp nấu ăn và chỗ phơi quần áo nên khá nóng bức và ngột ngạt. Sau khi xuất viện, gia đình đã làm thêm nhà vệ sinh khép kín ở trong phòng để nghệ sĩ tiện sinh hoạt. 

Đạo diễn cũng bộc bạch, từ khi bị bệnh nằm nhà, ông mới mềm mỏng và từ tốn với các con. Trước kia ông khá nóng tính và nghiêm khắc khi giao tiếp khiến cha con khó gần gũi. Vợ chính là cầu nối giúp ông và các con hiểu nhau hơn. "Tôi trân trọng vợ ở chỗ cô ấy không biết ghen với công việc của tôi, là người có trách nhiệm với gia đình, yêu thương con cái hết mực", ông nói.

Trong câu chuyện ngắt quãng, đạo diễn Huỳnh Nga tâm sự ông ý thức được tình trạng bệnh của mình và nhẹ nhàng đón nhận cái chết. Ông chỉ mong gia đình có không gian sống tốt hơn, còn mình khi chết được chôn cất tại chùa nghệ sĩ để gần gũi với nghệ sĩ Phùng Há - người ông gọi là mẹ nuôi.

Khi biết thông tin NSND Huỳnh Nga nhập viện, giới nghệ sĩ, đạo diễn cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên. Với họ, Huỳnh Nga là người thầy, người anh lớn trong nghề. Tháng 4/2014, một đêm văn nghệ với những trích đoạn cải lương nổi tiếng, có sự tham gia của nghệ sĩ Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Hùng Minh, Minh Vương, Bảo Quốc, Hồng Tơ đã được tổ chức để tri ân người đạo diễn có nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương miền Nam.

"Anh Huỳnh Nga có dấu ấn mạnh mẽ trong cuộc đời mỗi chúng tôi. Mỗi khi giới sân khấu có chuyện, có anh xuất hiện là mọi việc được giải quyết ổn thỏa. Trong công việc, anh chỉ đúc kết, gợi ý, thậm chí là thị phạm diễn xuất nhưng không khi nào áp đặt khiến nghệ sĩ luôn cảm thấy thoải mái và được kích thích sáng tạo", nghệ sĩ Ngọc Giàu chia sẻ.

Nghệ sĩ Ngọc Giàu (trái) đến thăm Huỳnh Nga khi ông nằm viện

NSND Huỳnh Nga tên thật là Huỳnh Văn Thạch, sinh ngày 15/11/1932 tại huyện Mộc Hóa - Long An. Ông nhập ngũ từ sớm, tập kết ra Bắc năm 1954 rồi gia nhập Đoàn cải lương Nam bộ. Huỳnh Nga là một trong những nghệ sĩ đầu tiên có công thành lập đoàn kịch nói Nam bộ trên đất Bắc.

Được đào tạo bài bản về kịch nhưng khi trở lại miền Nam sau năm 1975, Huỳnh Nga bén duyên và thành danh với nhiều vở cải lương làm nức lòng khán giả một thời. Trong gần 300 vở cải lương ông từng dàn dựng, có nhiều vở để lại dấu ấn sâu đậm với giới làm nghề và công chúng như Đời cô Lựu, Tiếng sáo đêm trăng, Hoa độc trong vườn, Người giữ mộ, khách sạn hào hoa... NSND Bạch Tuyết chia sẻ Đời cô Lựu là một vở diễn đầy tính nhân văn, tạo vị trí lớn mạnh cho sân khấu cải lương thời hoàng kim và góp phần đưa nghệ thuật nước nhà hội nhập với nghệ thuật thế giới.

Châu Mỹ | Theo Vnexpress

Đời cô Lựu