Hạnh phúc…hỏng giống ai của Lữ Đắc Long

Sự thành công của Cascadeur – nhà báo Lữ Đắc Long hôm nay không thể không nhắc đến bà xã Nguyễn Thị Thuỷ, từng là “bếp trưởng” của căn tin bệnh viện 7A, hiện là một thợ may giỏi nghề.

Từ kiện tướng nhào lộn trở thành Cascaduer, nhà báo

Lữ Đắc Long đến với nghề Cascadeur và nghề báo như một duyên phận, giúp anh gặt hái được nhiều thành công như ngày hôm nay. Bên cạnh duyên nghề, anh còn có một duyên tình bền vững.

Lữ Đắc Long sinh năm 1965 trong một gia đình đông anh em ở khu chợ An Đông Quận 5, TPHCM. Cha anh là một tài xế kiêm thợ điện cho một công ty Dược. Mẹ anh đảm đang phần nội trợ, kiêm luôn phần bếp để các con đi bán chuối, khoai, bắp…phụ giúp gia đình. Thấy ngoại hình của mình hơi khiêm tốn nên anh lén gia đình đi học võ. Từ việc học võ thuật của thầy Bảo Hồng – môn phái Karate Bảo Truyền rất danh tiếng, anh được thầy dẫn dắt qua bộ môn nhào lộn, rồi kiêm luôn học may, để đảm bảo kinh tế cho phần đam mê võ thuật của mình. Nhờ đó, anh nhanh chóng trở thành tuyển thủ chính của đội tuyển nhào lộn thuộc Trung tâm TDTT Quận 1, đoạt nhiều huy chương vàng ở cấp dự bị kiện tướng qua các phần nhào lộn đơn, đôi, tập thể.  Sau đó, anh chuyển sang vị trí huấn luyện viên, anh thọ giáo thầy Lê Văn Quan, giảng viên Trường Đại học TDTT trong từng giáo án. Anh đã theo nghề này suốt 16 năm với thành tích vô địch toàn đoàn liên tục 16 năm không có đối thủ. Anh được xem là nhân tố tích cực tạo dựng phong trào thể dục nhào lộn phát triểu mạnh nhất ở những năm thập niên 1990. Đến khi nhận thấy thể thao không phải là con đường tốt tạo kinh tế ổn định cho gia đình một vợ hai con, anh rẻ qua con đường cascadeur, chuyên thế thân và đóng các pha mạo hiểm cho các diễn viên ngôi sao thời bấy giờ. Trong các phim Thanh gươm để lại, Võ sĩ bất đắc dĩ, Sơn Thần Thủy quái…anh thế vai cho cả đoàn phim gần 20 nhân vật. Không chỉ thế cho Lý Hùng, Công Hậu, Hoàng Phúc, Lý Huỳnh mà anh còn thế luôn cho Diễm Hương, Thu Nga, Mộng Vân và sau này là Minh Tuyết, Cẩm Ly, Lam Trường, Quang Linh, Cảnh Hàn... ở các phim ca nhạc do Kim Lợi studio sản xuất.

Cũng từ môi trường cascaduer này, anh được làm phim với nhiều hãng phim nước ngoài từ các bộ phim: Hồng hải tặc, Kế hoạch 99, Người Mỹ trầm lặng, Miền Nam xa xăm…Với chức vụ Phó chủ nhiệm cascadeur thuộc Hội điện ảnh TPHCM, Lữ Đắc Long cùng các anh em nhanh chóng tiếp cận nhiều kỷ thuật tân tiến của cascaduer nước bạn, đây là những cơ hội tuyệt vời giúp cascadeur non trẻ của Việt Nam phát triển mạnh như ngày nay. 

Lữ Đắc Long trong một pha thế thân

Từ nhu cầu ghi lại những hình ảnh đóng thế để lưu niệm đến ghi lại tin tức các hoạt động gian khổ của anh em làm phim, Lữ Đắc Long trở thành phóng viên nhiếp ảnh, một nhà báo lúc nào không hay. Ngoài hàng trăm bằng khen, giải thưởng dành cho anh ở lãnh vực cascadeur, anh còn chứng minh khả năng làm báo chuyên nghiệp của mình bằng các giải thưởng báo chí: Giải ảnh xuất sắc Lễ hội mùa xuân 2005, Giải nhất báo chí thể loại văn hoá nghệ thuật 2006 dành cho phóng sự dài 10 kỳ Phim Việt trong vòng xoáy thị trường, giải xuất sắc ảnh Chân dung đồng nghiệp 2007.

Lữ Đắc Long nhận giải báo chí

Lữ Đắc Long và một thí sinh dự thi Hoa hậu Hoàn Vũ

Trưởng thành hơn từ ngày có… vợ 

Để có những thành công tạo nên một tên tuổi Lữ Đắc Long như bây giờ, phải kể đến bà xã Nguyễn Thị Thủy của anh, một thôn nữ vùng Mõ Cày – Bến Tre. Nhớ lại ngày đầu biết nhau, anh cho biết: “ Thủy là một công nhân chuối sấy của xí nghiệp Quân khu 7, chỉ một lần hội ngộ, tôi thích ngay sự chân chất của nàng, cách nói chuyện nhỏ nhẹ cũng như nhiều hoài bảo tìm việc làm đề giúp đỡ gia đình còn rất nghèo ở quê, Vì thế, tôi chủ động làm quen, chủ động định hướng để Thủy trở thành một cô thợ may khéo tay” 

Cả anh và chị đều lớn lên trong cuộc sống khó, nên rất dễ hiểu nhau. Ngày cha mẹ đồng ý cho hai người kết hôn, là ngày anh cảm thấy mình nghèo nhất. Hai chiếc nhẫn trong ngày cưới vừa đúng 2 phân rưỡi vàng. Ảnh chụp trong ngày cưới, anh cũng chỉ dám thuê thợ chụp ảnh đúng 10 tấm hình bởi sợ không đủ tiền chi phí. Cả nhà trai 10 người đi xe đò từ TPHCM xuống rước dâu, họ hàng hai bên đang tưng bừng làm lễ thì  anh xe lôi chạy vào báo là phải về ngay vì sắp hết… phà Rạch Miễu. Thế là cô dâu chỉ kịp thay đồ cưới, rồi lên xe lôi đạp, cùng nhà trai về nhà chồng để kịp chuyến phà, để lại cả họ nhà gái đang “linh đình” ăn cưới mà không có… chú rể...”. Chuyện này xảy ra cũng bởi thời điểm đó, anh không đủ tiền để thuê khách sạn ở lại, cũng không đủ tiền thuê xe hơi để rước dâu cho… thư thả. Cái nghèo như ám ảnh vợ chồng anh ngay từ những ngày đầu góp gạo thổi cơm chung.

Đến nay, nhờ sự cần cù chịu khó, hai vợ chồng Long đã có 25 năm hạnh phúc với nhà cửa ổn định cùng hai ngon trai ngoan ngoãn. Lữ Bá Phúc,  con trai lớn của anh chị vừa hoàn thành 2 năm nghĩa vụ quân sự với với chức vụ Phó đội trưởng bộ binh, hiện đang miệt mài với nghề sửa xe gắn máy. Riêng Lữ Bá Thịnh đang nối nghiệp anh, lăn lộn trên các phim trường với nghề chụp ảnh và quay phim.

Lữ Đắc Long bên bà xã xinh đẹp

Càng được thả lỏng, càng phải giữ mình

Hầu như  ít ai biết đến bà xã Lữ Đắc Long bởi chị không bao giờ “xuất đầu lộ diện” trước đám đông, chỉ âm thầm vun vén cho tổ ấm hạnh phúc của mình. Chị rất chịu khó, chịu thương, cơm nước tươm tất cho chồng con, tất bật với với nghề thợ may nhằm tạo kinh tế cho gia đình. Còn ở anh là sự lăn xã và đam mê công việc đến tận cùng, có lẽ đây là hai yếu tố cơ bản giúp cho vợ chồng anh luôn tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau.

Cái hay của chị là chưa bao giờ hỏi anh về tiền lương, cũng chưa bao giờ chị hỏi anh đi đâu, đang làm gì, đi với ai?. Nhiều người sẽ cho đó là sự vô tình, riêng anh hiểu và và luôn thầm cảm ơn vợ vì đó là sự thông cảm sâu sắc, một điều mà không phải ai cũng có thể làm được.

Bạn bè anh, người giám đốc, kỹ sư, nhà giáo cho đến chạy xe ôm, bán vé số… ai cũng ít nhiều bị vợ cằn nhằn chuyện tiền bạc, quan hệ bạn bè, cấm đoán chuyện đi sớm về khuya. Với anh thì ngược lại, anh như một “ông hoàng” trong việc tự do giờ giấc đi và ở, kể cả việc quan hệ với bất cứ ai… Cả ngàn bài báo anh viết, chị chưa đọc một cái tít bài. Hàng triệu bức ảnh, chị cũng chưa một lần… thưởng thức. Anh thường nói đùa: “ Mỗi lần tôi đi vắng, vợ không buồn. Khi tôi về vợ cũng chẳng vui.Có lẻ cô ấy đã quá hiểu công việc của chồng quá phức tạp và không có tên, rất cần có sự đồng cảm nên chị cứ lẳng lặng để chồng... yên tâm.  Lữ Đắc Long chia sẻ: “ Tôi không biết đó có phải là sự vô tâm hay không nữa, nhưng bản tính của cô ấy là như thế, không quen khen, cũng không chê, nhưng lúc nào cũng hài lòng với một cuộc sống rất bình thường…và hỏng giống ai này. Càng được thả lỏng, tôi càng phải giữ mình”

Năm 2005, được Hội Nhà Báo đứng ra tổ chức triễn lảm ảnh các nhân Nghệ sĩ và phim trường, anh “mời” chị đi dự. Chị cứ tưởng như đi dự một buổi sinh nhật bình thường, không một ai biết đó là một cái…lễ triển lãm “to đùng”, có các vị quan chức, có Tổng lãnh sự quán, nhiều nghệ sĩ tên tuổi, Đài truyền hình, nhà báo đến tham quan và đưa tin. Lần đầu tiên chị mặc chiếc đầm mới do chính anh đưa… tiền mua, và cũng là lần đầu tiên chị thấy chồng mình trở thành một nhân vật trung tâm được nhiều người… chú ý. Anh thấy chị vui lắm, nhưng cũng chỉ đứng sau những khung hình và lặng lẽ cười thầm, bao nhiêu năm rồi chị vẫn vậy, chấp nhận đứng sau và luôn… tin chồng. 

Gia đình hạnh phúc của Lữ Đắc Long

Quan niệm hạnh phúc gia đình của anh cũng cực kỳ đơn giản: Cố gắng làm và làm hết mình, tránh những xung đột không cần thiết. Đặc biệt yếu tố hài hước luôn xuất hiện trong nhà, có nó mọi việc căng thẳng dường như biến mất.

 Riêng với hai con trai đang tuổi trưởng thành, với tâm lý nhiều bất biến. Anh quan niệm, cần phải có thời gian để trở thành… bạn của con. Khuyến khích con học tập, định hướng nghề nghiệp một cách sòng phẳng, để con hiểu và phát huy sở trường. Với anh, sự chân thật, khiêm tốn, lễ phép, chịu khó và sự cầu tiến luôn là những tiêu chí hàng đầu các con phải nắm thật kỷ, để khi ra đời ứng dụng linh hoạt nhằm trở thành người hữu ích cho bạn bè, người thân và xã hội.

Lữ Đắc Long cùng vợ và hai con trai

NGUYỄN PHÚC

lữ đắc long