Lắng lại tâm hồn với ‘Mùa thu của cây dương’

Tác phẩm của Yumoto Kazumi thôi thúc người đọc của nó phải nói ra, phải chia sẻ với người khác khi trôi qua những cảm thức đẹp, đầy ắp thương yêu và vị tha.

Ngay ở những trang mở đầu, người đọc đã được thông báo về một cái chết, nhưng cả cuốn sách lại không nhuốm màu buồn đau. Sự ra đi của bà cụ chủ khu căn hộ cho thuê Cây Dương đã đưa Chiaki – nhân vật chính trở về với những ký ức trong trẻo khi cô 6 tuổi, và để những màu sắc ấm áp, tươi sáng phủ dọc những trang sách.

Yumoto Kazumi, Mùa thu của cây dương

Cuốn sách Mùa thu của cây dương bản tiếng Việt.

Bà cụ móm mém, xấu xí trong ký ức của Chiaki là người đã giúp cô lúc lên 6 bước ra khỏi những khủng hoảng tinh thần sau khi bố qua đời. Chiaki lúc đó luôn bị bủa vây bởi những nỗi sợ hãi, sự chênh vênh, lo lắng, bất định không thể chia sẻ với mẹ. Cô bé gói ghém bản thân lại trong những suy nghĩ của riêng mình, tự lý giải những gì xảy ra xung quanh bằng trí tưởng tượng phong phú và giành cái nhìn đầy cảnh giác về phía tất cả mọi người.

Nếu nhìn lại và nhận định điều may mắn nhất trong cuộc đời Chiaki là gì, đó chắc chắn là việc được cùng mẹ chuyển đến sống tại Trang viên Cây Dương vào năm 6 tuổi. Từ những gì Chiaki trải qua thuở ấu thơ, và cả một cô gái đang cô đơn giữa hiện tại, người ta sẽ hiểu nếu không nhờ bà cụ chủ nhà. Khoảng thời gian “tốt đẹp” ở đây, có lẽ Chiaki sẽ phải trưởng thành trong sự đau đớn, bức bối.

Bà cụ chủ Trang Viên là một nhân vật vô cùng đặc biệt, bà sống một mình, không người thân thích, bà khó tính, ưa sạch sẽ, nấu ăn dở và… hay dọa trẻ con. Tuy có vẻ lạnh lùng nhưng bà quan tâm đến mọi người một cách thầm lặng. Bà hứa giúp Chiaki gửi những lá thư tới người bố đã mất, khéo léo gây cho cô bé sự tò mò, giúp Chiaki có thể mở ra cánh cửa tâm hồn đang đóng chặt.

Để rồi, cô bé không còn phải khiếp sợ những hố đen trên đường tới lớp, nói chuyện nhiều hơn với bà cụ, làm quen với những người bạn mới ở lớp, với Osamu, với “ông Jesus”… Chính Chiaki sau này khi lớn lên cũng nhận ra rằng 3 năm sống tại Trang viên Cây Dương là quãng thời gian “tốt đẹp”, dù lúc đó cô chưa thực sự hiểu.

Đám tang khép lại cuộc đời bà nhưng đã giúp mở ra cho những người xung quanh chút ít bí mật về con người bà cụ. Ngoài Chiaki, bà cụ cũng nhận lời giúp nhiều người khác gửi thư đến những người thân của họ đã mất. Với mỗi người, bà lại có một cách dẫn dắt khác nhau, kể một câu chuyện khác nhau, nhưng tất cả có một điểm chung là đều viết thư để nhờ bà cụ gửi hộ.

Những lá thư ấy chất chứa những lời tự sự mà họ đáng nhẽ đã chôn chặt trong lòng, không thể nói với ai. Có người gửi một lá, còn người gửi rất nhiều. Hành trang bà cụ bước sang thế giới bên kia là những bức thư bà hứa với họ để gửi họ.

Có lẽ bà cụ của trang viên Cây Dương hiểu được nỗi đau của việc phải đè nén những tâm sự trong lòng. Chính vì vậy, qua lời hứa gửi đi những lá thư, thôi thúc họ viết thư cho người thân đã khuất bà đã giúp những người xung quanh cảm nhận niềm hạnh phúc của việc được tâm sự, được nói lên tiếng lòng mình.

Cũng giống như Khu vườn mùa hạ, Mùa thu của cây dương là một thế giới giản dị, gần gũi nhưng lại luôn chứa bầu không khí đầy yêu thương che chở.

Giọng văn của Kazumi Yomoto trong Mùa thu của cây dương trong sáng và nhẹ nhàng qua từng trang sách. Câu chuyện không có sự kịch tính của thắt nút, mở nút nhưng lại khiến độc giả cảm thấy ham muốn phải đi đến hết câu truyện. Toàn bộ cuốn sách là những câu văn đơn giản, không cầu kì, đậm chất ngây thơ khi Chiaki còn 6 tuổi hay pha chút hoài niệm buồn man mác khi cô bé đã trưởng thành.

Không có bất cứ lời chiêm nghiệm nào được Kazumi đưa ra, nhưng qua những câu chuyện nhẹ nhàng, tưởng chừng có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, qua những gì diễn xung quanh Chiaki, những người sống ở Trang viên Cây Dương và bà cụ chủ nhà, người đọc có thể dễ dàng nhận ra nhiều điều về ý nghĩa của cuộc sống.

Theo Zing

sách