Kim Ngân, con gái cố nghệ sĩ Kim Ngọc: “Giữ mãi đam mê” cùng tình yêu của mẹ

Chương trình Giữ mãi đam mê của NS Kim Ngân, con gái cố nghệ sĩ Kim Ngọc (đạo diễn Hoa Hạ) thực hiện sẽ trình diễn vào tối 28/4 tại rạp Công Nhân. Chị đã dành cho chúng tôi những giây phút tâm tình trước giờ G.

Chào chị, là con nhà nòi, ba là nghệ sĩ Hoàng Long, mẹ là cố nghệ sĩ Kim Ngọc, vì sao mãi đến nay chị mới chịu xuất hiện với tư cách một đào chánh của một chương trình lớn như: Giữ mãi đam mê?

Với tôi, nghề sân khấu luôn có tổ nghiệp, tổ cho ai, cho lúc nào người đó sẽ được hưởng. Không phải ai cũng may mắn được theo nghề và toả sáng với nghề. Duyên nghiệp đến với mình tuy trể, nhưng mình cứ cố gắng tối đa, trước thoả sức mộng ước của mình, sau làm thoả mãn khán giả, và quan trọng nhất là được cùng anh em yêu nghề, tung hoành trên sân khấu là một hạnh phúc khó nói nên lời với một người “ngoại đạo” như tôi.

Kim Ngân là con của nghệ sĩ Hoàng Long và cố nghệ sĩ Kim Ngọc

Thành công trong kinh doanh, nhưng kém may mắn trên sân khấu dù chị là con của một nghệ sĩ nổi tiếng, điều gì khiến chị quan tâm nhất khi bước lên sân khấu?

Với tôi khi đã chấp nhận chơi là chơi hết sức, lảnh vai diễn nào phải tận sức tối đa. Vì lỡ có sơ suất điều gì, khán giả nhận thấy sự cố gắng của mình cũng sẽ bỏ qua. Còn hời hợt theo kiểu cỡi ngựa xem hoa, tôi không thuộc tuýp người “chơi” cho có.

Chính vì quan niệm phải nghiêm túc với nghề, nên chị mới đầu tư để có một chương trình hoành tráng như Giữ mãi đam mê?

Thật ra, tôi biết lượng sức mình lắm, cố gắng đầu sao coi cho được. Nếu đúng một chương trình cho tôi thoả sức cùng anh em co khì phải lên tới tiền tỷ, chứ không phải giỡn chơi. Nhưng với nghệ thuật vốn là đam mê, mình không thể tính toán được. Và trước tình sân khấu như hiện giờ, mình không biết lượng sức mình, để cuộc chơi còn kéo dài được với anh em. 

Tiết mục nào chị dành cho khán giả trong đêm trình diễn có dấu ấn cá nhân của mình?

Tôi sẽ xuất hiện hai trích đoạn: Võ Tắc ThiênTriệu Tử Long... song song đó còn có trích đoạn Bức ngôn đồ Đại ViệtTần Thuỷ Hoàng. Chỉ là bốn trích đoạn cùng một số tiết mục ca nhạc, anh em chúng tôi đã quần quật suốt cả tháng nay, nhằm đem đến những gì tốt đẹp nhất cho khán giả. Tôi muốn khán giả được thưởng thức những gì đặc sắc nhất của cải lương... tuồng cổ. 

Vậy giải pháp nào theo chị là tốt nhất để lửa đam mê của mình vẫn sáng và phát huy một cách hữu hiệu nhất?

Với tôi, cứ mỗi lần nhìn anh chị em hết lòng với nghề là tim mình như nhoi nhói. Thương lắm những tấm lòng đã trót đam mê nhưng không phải ai cũng toả sáng được. Thôi thì, mình có bao nhiêu, chơi hết lòng, tận tâm với nghề cùng anh em thắp sáng đam mê cải lương để không phải hối tiếc cũng là một hạnh phúc lắm rồi. 

Điều gì chị luôn nghĩ đến trong hoàn cảnh hiện nay?

Tôi nghĩ, nếu đúng là chương trình của mình, sân khấu của mình thì tôi sẽ đầu tư mạnh hơn, sẽ chơi tới bến luôn, bán nhà tôi vẫn dám chơi. Nhưng đằng này, hát xong một chương trình không lẻ toàn bộ cảnh trí, trang phục lại bỏ trong... kho? Rồi anh em đi trôi dạt về đâu? Đây là điều tôi luôn nghĩ đến để tìm một giải pháp tốt nhất.

Kim Ngân vào vai Võ Tắc Thiên

Có bao nhiêu phần trăm trong sự đam mê của chị với nghề cải lương để nhớ tới Mẹ Kim Ngọc của mình? Và lý do gì chị không theo nghề ngay từ lúc cái tuổi thanh xuân nhất của mình?

Nói tới điều này mình thấy phải có tới một ngàn phần trăm. Tại máu cải lương của tôi đã nhiễm ngay từ ngày lọt lòng Mẹ rồi. Có lẽ hồi xưa mình phải lo mưu sinh. Mà nếu đi theo nghề kể từ lúc đó thì bây giờ mình đã rơi vào cảnh “gạo chợ nước sông” như bao anh chị em nghệ sĩ nghèo cũng nên, chứ không có điều kiện kinh tế như bây giờ đâu. Đó là lý do vì sao tôi thương các nghệ sĩ nghèo là như vậy, họ đã yêu nghề đến bất cần thân thể, sự nghiệp cho riêng mình. Cho nên bây giờ mỗi khi có dịp giúp họ điều gì, tôi đều cố gắng tối đa với sức của mình.

Có người nói chị đang bao bọc môt số nghệ sĩ nghèo?

Một mình tôi không bao bọc gì nỗi đâu, vì ngay cả nhà nước to lớn hùng mạnh như thế còn không bao bọc nỗi nữa mà. Nếu so ra, tôi chỉ là hạt cát nhỏ trong sa mạc mà thôi!

Cơ duyên nào mà chị không đến với nghề được?

Nhiều lúc đâu phải muốn là được, nhất là cái nghề cải lương này phải nói đến ... tổ nghiệp. Tổ thương thì cho, còn mình không duyên thì đến không được đâu. Nếu cố gắng “đu” theo nghề thì lúc đó chắc cũng chỉ được thành tỳ nữ, cung nữ hoặc cao làm là ma nữ mà thôi! Làm sao dám mơ ước tới công chúa hay nữ hoàng.

Nghề nghiệp lúc ở tuổi thanh xuân đối với chị chắc khắc nghiệt lắm?

Cũng không hẳn như vậy, lúc đó nếu so sánh với dàn sao lúc bấy giờ như: Bạch Tuyết, Lệ Thuỷ, Ngọc Giàu, Phượng Liên tôi chỉ là một con nhóc sau hậu đài... Còn so với lứa nhỏ hơn một chút là: Thanh Thanh Tâm, Thoại Mỹ, Vân Hà... tôi không hề có cửa để thể hiện được điều mình ước, tôi luôn biết lượng sức mình và đến giờ nhớ lại ngán ngẫm gì đâu.

 Nhớ lại cái mất của Mẹ mình, chị thấy có điều gì ấn tượng nhất?

Mẹ tôi cả đời hết lòng với sân khấu, đến lúc tắt thở cũng ở ngay bên cánh gà sân khấu, giống như tổ nghiệp đưa đi vậy. Thanh thản và nhẹ nhàng lắm. Đôi lúc chết như thế mình cũng không cần phải tìm lý do: đứt gân máu, hay lên tăng xông. Chỉ biết Mẹ ra đi như vậy là do... tổ rước. Hiện giờ mấy anh trên Công An Huyện Long Thành ở ngay cái nơi mẹ tôi mất, cứ đến ngày giổ là họ tổ chức để nhớ đến ngày mất của nghệ sĩ Kim Ngọc. Tôi nghĩ, đây là điều hạnh phúc của Mẹ tôi, tôi đã trọn đời theo nghiệp tổ. Sống thì đi sô, đến chết cũng chạy hết chổ này đến chổ kia để ăn giổ, nghĩ lại thấy cũng là lạ.

Ngày Mẹ Kim Ngọc mất, có vẻ như đám tang lớn lắm?

Đám tang lớn của Mẹ không có tổ chức lớn, mà khán giả đến viếng mẹ quá đông, đây là tình thương của khán giả dành cho Mẹ, và cũng là phúc của người làm nghề. Thậm chí có báo đăng Mẹ là... nghệ sĩ ưu tú, dù mẹ chưa được phong bao giờ. Tôi nghĩ, không phải nghệ sĩ nào cũng có phước như Mẹ tôi.

Xin cảm ơn chị

Lữ Đắc Long ( Thực hiện)

 

Kim Ngân