Nhà thơ – cô giáo Hồ Tịnh Văn: Mùa hạ và những vần thơ tuổi học trò!

Với nhà thơ – cô giáo Hồ Tịnh Văn , mùa hạ luôn khiến cô dâng trào những cảm xúc để từ đó, những vần thơ tuổi học trò ra đời làm xao xuyến độc giả mọi lứa tuổi. Những vần thơ ấy lại nhẹ nhàng đi vào âm nhạc, nhẹ nhàng ở lại trong mỗi trái tim của người yêu nhạc...

“Những nỗi buồn không thể gọi tên”  của Hồ Tịnh Văn

Nói về nhà thơ – cô giáo Hồ Tịnh Văn, Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân dành cho những tình cảm thật đong đầy: “Với những nỗi buồn không thể gọi tên, Hồ Tịnh Văn làm thơ đã lâu và có khá nhiều bài thơ được bạn bè, người thân trân trọng lưu giữ. Như giọt sương khát nhớ là tập thơ đầu tay được trích từ những sáng tác trong mấy năm gần đây của chị. Vốn là người con của núi Hồng sông La, khi rời đất mẹ đi xa hình ảnh thân thuộc của quê hương Hà Tĩnh luôn là chỗ để những nhung nhớ quay về. Kỷ niệm ngày ấu thơ dữ dội luôn tiềm tàng trong tâm trí: chị leo rú Hồng Lĩnh, lội suối Tiên, kiếm củi, chăn bò; thăm chùa Thiên Tượng, kênh nhà Lê, đêm trăng cùng bạn bầu tụ hội trao nhau câu ví dặm, ngắm sao trời... tất cả tưởng như vừa mới đâu đây, đều được tái hiện trong thơ chị. Nhưng có thể nói, trường cảm xúc được mở rộng từ kỷ niệm tuổi học trò ấm nắng sân trường, đẹp như những cánh bướm ép bằng hoa phượng trong trang vở.... đến những bài thơ mùa hạ nhẹ nhàng mà da diết…”

Nhà thơ – cô giáo Hồ Tịnh Văn

Minh chứng cho lời nhận xét của Tiến sĩ văn học Hà Thanh Vân là bài thơ Ánh mắt thuở ban đầu của Hồ Tịnh Văn:

Có một lần anh thủ thỉ với tôi

Phượng vĩ cháy lòng anh xao xuyến lạ

Ve râm ran bản tình ca mùa hạ

Xa nhau rồi, em có nhớ anh không?

Tôi nhớ lại ngày đến lớp cuối cùng

Hai đứa nhìn sân trường buồn não nuột

Ngày mai thôi ... đây chỉ là kí ức

Góc bảng thân quen, ô cửa ngày nào…

Và thế rồi năm tháng cũng qua mau

Chúng tôi chia tay, mỗi người một ngả

Để lại sau lưng kỷ niệm buồn trắng xóa

Gió hanh hao xao xác cả khung trời...

Bạn bè tôi giờ mỗi đứa một nơi

Kí ức xưa hiện về trong miền nhớ

Lớp học năm nao vẫn còn mãi đó

Lưu lại đây kỉ niệm của một thời ...

Hạ lại về, lòng tôi lại chơi vơi

Tôi muốn nói một điều gì khó nói

Tuổi học trò trải qua thời nông nổi

Mãi trong nhau ánh mắt thuở ban đầu…

Về Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh ( TP.Biên Hòa, Đồng Nai), hỏi cô giáo Hồ Tịnh Văn thì hầu hết các học sinh đều biết. Bởi lẽ, Hồ Tịnh Văn vừa xinh đẹp, hiền lành, dạy Văn thu hút, luôn làm thơ tặng cho học trò của mình.

Hồ Tịnh Văn vừa xinh đẹp, hiền lành, dạy Văn thu hút

Mỗi mùa hạ đến với Hồ Tịnh Văn là một lần khiến cô có nhiều nỗi buồn khó nói. Nếu mùa thu mang đến niềm vui của ngày tựu trường thì mùa hạ với Hồ Tịnh Văn  lại là giây phút biệt ly. Nhìn hình ảnh học trò chia tay nhau mà lòng cô không thể nào kìm nén cảm xúc,  vì thế những bài thơ mùa hạ cứ thế ra đời. Bắt đầu khi tiếng ve râm ran dạo bản tình ca đầu tiên, bắt đầu trên những tán cây phượng già cháy lên chùm phượng vỹ thì cũng là lúc cảm xúc trong Hồ Tịnh Văn lại dâng trào:

Tháng tư về xôn xao mùa hạ đỏ

Ve ru buồn, cho héo hắt lòng ai

Cánh phượng hồng bay ngang trời lộng gió

Mối tình đầu cứ ngỡ đã nhạt phai…

Ta trở lại sân trường thời vụng dại

 Ánh mắt nào bỏng cháy những đam mê

Bao kỉ niệm tình đầu ngày xa ngái

 Ngọt ngào ơi bất chợt lại quay về

Bàn ghế cũ, hàng cây xưa thầm thĩ

Mái tóc thầy bạc trắng những âu lo

Còn trơ trọi chiếc trống trường thuở đó

Tiếng giòn tan cuối mỗi buổi gọi trò

 Mùa phượng ấy mỗi người về một ngả

Mãi xa rồi thời hái sấu, trèo me

Bỏ lại sau lưng một khoảng trời nắng hạ

Tiếng ve ngân rộn rã những trưa hè

Tất bật quá trên con đường sóng gió

Hơn nửa đời một đứa - chốn đôi quê

Giờ trở lại nơi sân trường xưa cũ

Yêu thương ơi!...da diết gọi ta về...

Mỗi mùa hạ đến với Hồ Tịnh Văn là một lần khiến cô có nhiều nỗi buồn khó nói.

Như vậy đó, Hồ Tịnh Văn nặng lòng với mái trường yêu dấu nặng tình với bè bạn thầy cô và nhất là với học trò thân yêu. Những vần thơ của Văn luôn gióng lên dàn hợp xướng mùa hè của loài ve, đỏ rực trời màu hoa phượng vĩ, trang sách học trò, dòng lưu bút với bao kỉ niệm thân thương... Bao mùa thi đi qua là bao nỗi niềm khắc khoải trong thơ Hồ Tịnh Văn. Cô nhớ rõ những ngày tháng cuối cùng của đời học sinh và những câu thơ đầu tiên đó cũng như chính định mệnh cuộc đời gắn bó với mái trường yêu dấu:

Nếu ngày mai ta không thành đạt

Cuộc đời ta sẽ phiêu dạt về đâu

Hỡi mái trường thân yêu hãy chỉ dùm ta lối đi với nhé

Nếu không hãy cho ta làm con chim sẻ

Bám mái trường xây tổ sống qua ngày...

Hồ Tịnh Văn cùng các học trò trong những ngày đầu hạ 

Trải qua bao sóng gió cuộc đời, Hồ Tịnh Văn vẫn giữ được bản lĩnh đứng trên bục giảng như cô từng mong ước. Tuổi mười sáu mơn mởn bước vào đời với bao ước vọng, tuổi hồn nhiên nhưng không giấu được sự khát khao của mình theo nghiệp trồng người: “Em ngây thơ tuổi 16 trăng tròn/ Nỗi ước mơ được làm cô giáo”. Hay: “Má lúm đồng tiền cái duyên xinh của thời con gái / Đôi môi hồng xinh xinh quá đi thôi / Gặp lại em anh lại bồi hồi / Em xinh quá hơn lần đầu anh mới gặp/ Cô giáo tương lai tuổi hồng thắm đỏ / Nhỡ anh mến rồi cô giáo nghĩ sao đây?”

Những thước phim tuổi thần tiên luôn hiện về trong thơ Hồ Tịnh Văn. Những mùa hạ cuối đến nao lòng cháy ruột. Giờ đây đã là một cô giáo Văn lại trãi lòng với học sinh qua những buổi liên hoan chia tay, cái khắc khoải ưu tư lo lắng cho học sinh không dứt trong trái tim cô giáo – Người lái đò:

Nhớ lắm các trò ơi buổi học cuối cùng

Ngày mai chia tay mỗi người về mỗi ngả

Trên con đường chông gai bụi mờ trắng xoá

Có phút giây nào trò nghĩ đến cô không?

Cô chỉ là người lái đò trên một khúc sông

Khách sang sông tràn đầy kỉ niệm

Những buổi học chan chứa niềm thương mến

Những giây phút vui cùng, lưu luyến lắm trò ơi!

Cô, người lái đò tảo tần trên mặt nước đầy vơi

Khách qua sông còn ai người trở lại

Trên dòng sông cuộc đời đôi lần trò lạc mái

Chợt nhớ người lái đò xa ngái tuổi học sinh

Cảm ơn đời vẫn còn đó niềm tin

 Trò tìm lại chuyến đò thời đi học

Dù còn đó nhiều khó khăn cực nhọc

Thương lắm chuyến đò chuyên chở những ước mơ

Kỉ niệm vui buồn cô góp nhặt thành thơ

Những trở trăn của người làm nghề giáo

Chuyến đò tiếp theo khách sang sông có hiểu

Người lái đò thầm lặng đã hi sinh...

Sự nghiệp trồng người cô mãi một niềm tin...

Dạy Văn từ 1997, cô giáo Hồ Tịnh Văn cũng luôn mong muốn học trò có thể cảm nhận được những cái hay, cái đẹp của văn chương. Thông qua lăng kính văn chương, đặc biệt là thơ mà giáo dục tâm hồn, tình yêu cuộc sống đối với giới trẻ, và chị cảm thấy phấn khởi với sự nghiệp trồng người của mình. Chưa bao giờ, Hồ Tịnh Văn la mắng học trò, dù trong bất kỳ tình huống nào, chị chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo, rèn luyện.

Hồ Tịnh Văn cùng đồng nghiệp và các học trò thân yêu.

Duyên thơ nhạc và “định mệnh” của “Nhớ mùa hạ cuối”

Trong số những bài thơ của Hồ Tịnh Văn được phổ nhạc thì có lẽ bài “Nhớ mùa hạ cuối” là một kỷ niệm không bao giờ phai mờ đối với Hồ Tịnh Văn. Bởi lẽ nó gắn liền kỷ niệm với cố nhạc sĩ Phạm Anh Cường – Duyên thơ nhạc như một “định mệnh”…

Có những “định mệnh” kỳ lạ mà người ta luôn muốn đi tìm lời giải thích. Trong nghệ thuật nói chung, trong âm nhạc nói riêng, tác phẩm đã vận vào cuộc đời của người sáng tác đã trở thành những câu chuyện, những giai thoại không có hồi kết. Hồ Tịnh Văn – Phạm Anh Cường là một minh chứng.

Nhạc sĩ Phạm Anh Cường, (1968-2014) là một nhạc sĩ trẻ, anh vốn là người vui tính, hòa hoa phong nhã, đa tài nhưng lại rất lận đận trong tình duyên. Sau nhiều năm sáng tác, Phạm Anh Cường đã có nhiều ca khúc được nhiều người yêu thích phần lớn là những ca khúc trữ tình như Tìm lại người xưa, Xuân bơ vơ, Ánh trăng đêm buồn, Ôi quá là yêu, Mưa gọi tên anh,... Nhạc của anh được các ca sĩ Giao Linh, Tuấn Vũ, Xuân Phú, Hà Vân… chọn hát. 

Vào tháng 2 năm 2014 nhạc sĩ Phạm Anh Cường sáng tác bài Nhớ mùa hạ cuối (phổ thơ Hồ Thanh Tịnh, còn có bút danh khác là Hồ Tịnh Văn). Ít ai ngờ đây là sáng tác cuối cùng của anh được công chúng biết đến qua giọng hát của ca sĩ Dương Hồng Loan.  Vào ngày 26 tháng 6 năm 2014 đúng vào mùa Hạ anh đã ra đi mãi mãi như một định mệnh kỳ lạ rằng đây là Nhớ mùa hạ cuối  của một đời người. Bài hát như hồi chuông báo tử vào giờ "định mệnh"...

Hồ Tịnh Văn và cố nhạc sĩ Phạm Anh Cường

Không ai biết trước được khi nào mình phải vĩnh biệt thế gian để bước qua thế giới bên kia. Tuy nhiên, với những người nghệ sĩ tài hoa họ có một tâm hồn rất nhạy cảm. Điều đó đã vận vào mỗi tác phẩm của họ bằng những tiên liệu hoàn toàn có thật. Câu chuyện về những định mệnh kỳ lạ trong tác phẩm âm nhạc vẫn là câu hỏi bí ẩn không có câu trả lời...

Cố nhạc sĩ Phạm Anh Cường cùng ca sĩ Hà Vân

NHỚ MÙA HẠ CUỐI

Ve dạo tình ca kỉ niệm lại ùa về

Mùa thi ấy phượng buồn li biệt

Dòng lưu bút nói hộ điều tha thiết

Ra đi rồi vĩnh biệt tuổi ngây ngô...

Trang vở ngày nào chép vội những vần thơ

Cánh phượng hồng ép thành cánh bướm

Ánh mắt ai cháy hoài mộng tưởng

Kỉ niệm ơi! góp nhặt đốt lửa lòng

Mai xa rồi anh còn nhớ tôi không

Với ước mong được một lần trở lại

Chép tặng anh bài thơ hạ cuối

Tìm lại trong nhau kỉ niệm của một thời...

Hồ Tịnh Văn cùng nhà báo Hồng Sơn trong ngày giỗ đầu của nhạc sĩ Phạm Anh Cường

Hai lần giỗ của nhạc sĩ Phạm Anh Cường đã đi qua. Mỗi lần đứng trước bàn thờ của nhạc sĩ này, Hồ Tịnh Văn luôn khấn: “Hãy ngủ yên nhé Phạm Anh Cường, cho dù có nhiều năm nữa đi qua, bạn bè, đồng nghiệp, người thân vẫn luôn nhớ đến anh, nhớ mùa hạ cuối da diết, nhớ một nhạc sĩ tài hoa với những sáng tác làm đẹp cho cuộc đời…”

Cùng thưởng thức ca khúc "Nhớ mùa hạ cuối"

Minh Nguyên

Hồ Tịnh Văn