Nhạc sĩ Nguyễn Từ nói về thơ trong âm nhạc

Nhạc sĩ Nguyễn Từ viết rất nhiều thể loại: Dân ca, tình ca, du ca, đạo ca… Anh cũng phổ thơ của rất nhiều nhà thơ và đặc biệt mới đây anh phổ rất nhiều bài thơ của nhà thơ Hồ Tịnh Văn…

Nhạc sĩ Nguyễn Từ bắt đầu sáng tác nhạc trong phong trào Thanh Niên Xung Phong từ những năm 1979-1980 được nhiều người yêu mến qua các ca khúc phong trào, từ đó về sau anh viết rất nhiều ca khúc trải dài theo năm tháng và những buồn vui trong cuộc đời của anh. Anh được công chúng biết đến nhiều qua các ca khúc về dân ca tình yêu quê hương của các vùng miền như Về Thăm Quảng Nam, Ân Tình Ví Giặm, Huế Trong Lòng Ai, Lấy Chồng Xa, Chiều Bên Cù Lao Phố, Nhổ Mạ Cùng Em

Nhạc sĩ Nguyễn Từ

 Nhạc sĩ Nguyễn Từ viết rất nhiều thể loại: Dân ca, tình ca, du ca, đạo ca… Anh cũng phổ thơ của rất nhiều nhà thơ và đặc biệt mới đây anh phổ rất nhiều bài thơ của nhà thơ Hồ Tịnh Văn…

Theo anh thì phổ thơ khó hơn hay là sáng tác nhạc và lời khó hơn…?

 Mỗi cái đều có cái khó riêng, sáng tác là cảm xúc của riêng mình, nhạc và lời hòa quyện theo suy nghĩ, và cảm xúc của mình lúc ấy. Phổ thơ thì mình phải hiểu tâm trạng và cảm xúc của nhà thơ và khi viết nhạc vào thì phải viết theo cảm xúc của họ chứ không phải theo mình.

Theo anh thì thể loại thơ nào dễ phổ nhạc nhất…?

Không có dễ hay khó ở đây, mà là cảm được hay không cảm được, khi đã cảm được cái hồn của bài thơ, thì vào nhạc rất dễ, âm nhạc sẽ theo dòng cảm xúc ấy mà tự nó phát ra, tôi chỉ viết lại mà thôi. Còn khi không cảm được mà cứ cố gắng muốn làm, thì dù có cố gắng đến đâu cũng sẽ không hay, mình nghe còn không được thì huống hồ gì là công chúng…

Mỗi thể loại thơ cũng cho ta biết tánh ý, suy nghĩ của tác giả, nên khi tôi đọc thơ của một ai thì tôi hay nhắm mắt đễ suy nghĩ về ý nghĩa mà tác giả muốn gởi gắm, rồi tác giả quê ở đâu, hoàn cảnh sống như thế nào… Những điều tưởng như không liên quan ấy lại rất cần, vì từ đó ta dễ hiểu được tác giả và thơ của họ hơn… Thơ mỗi câu 3 chữ, mỗi câu 4 chữ, mỗi câu 5 chữ… Hay thơ lục bát, thất ngôn bát cú, thơ tự do… mỗi thể loại cho ta có một cảm giác khác nhau, nhưng quan trọng là khi ra một bản nhạc… thì đó là một bản nhạc chứ nó không còn là một bài thơ nữa… Đôi khi có những bài thơ mà bản thân nó đã quá hay rồi thì ta không nên phổ làm gì nữa, vì phổ thì chỉ làm xấu đi bài thơ mà thôi chứ không bao giờ làm bài thơ đó hay lên được, điển hình như bài Hai sắc hoa ti gôn của TTKH…

Anh nói mỗi tác giả sẽ cho ta cảm xúc khác nhau vậy thì sao thơ Hồ Tịnh Văn anh lại phổ trên 20 bài…?

Đây là tác giả nữ, những bài thơ cô ấy làm là bất chợt, vì vậy thơ của cô ấy có rất nhiều tính cách, lúc thì dữ dội như bão tố, lúc thì dịu dàng như một người thiếu phụ ngoan hiền, vì hoàn cảnh sống của cô ấy rất đặc biệt, vừa là cô giáo dạy văn, vừa là người vợ, vừa là người mẹ, lại là người hoạt động xã hội nữa… nên thơ cô ấy cũng nhiều loại cảm xúc như vậy, trong mấy chục bài thơ tôi phổ của cô ấy… không có bài nào giống bài nào… ( cười tươi)

Nhà thơ Hồ Tịnh Văn

Anh nghĩ như thế nào về chữ ”Nhạc trong thơ, thơ trong nhạc “…?

Có những bài thơ mà nhạc đã có sẵn, tôi hay đùa là tôi chỉ có việc chép lại thôi chứ đâu có làm gì đâu, và có những bài nhạc tôi viết, nếu bỏ nhạc ra thì đó lại là một bài thơ. Vì vậy, thơ và nhạc là sự hôn nhân rất đặc biệt nếu nhà thơ và nhạc sĩ có đồng một cảm xúc, còn nếu không thì giữa hai thực thể đó sẽ không liên quan gì đến nhau, giống như dầu với nước, có lắc mạnh đến mấy mà khi để nó yên một lúc thì nước là nước mà dầu là dầu…

Vừa rồi, biết anh về Đà Nẵng chịu tang mẹ, anh cho biết ca khúc “ Em sẽ theo về “ anh viết riêng tặng mẹ mà lại không có chữ mẹ nào, lại không hề nói về công ơn sinh thành, dưỡng dục gì cả…?

Đây là một trường hợp đặc biệt, ba tôi mất lúc tôi 8 tuổi, bà 35 tuổi, một nách 4 đứa con, lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất mới 5 tuổi, hồi nhỏ đi học thiếu thốn, có những lúc tôi trách bà vì tôi không có được đầy đủ như các bạn đồng trang lứa… Lớn lên, có gia đình rồi, tôi mới hiểu được nỗi khổ của bà, vừa làm mẹ, vừa làm cha nuôi 4 con ăn học nên người không phải là dễ, đôi lúc cũng ao ước được dựa vào lòng một người đàn ông rắn rỏi, nhưng lại sợ con mình khổ, bà là người có nhan sắc, sau khi ba tôi mất thì cũng có mấy người đàn ông đến, nhưng bà từ chối tất cả… Vì vậy, tôi viết ca khúc này như một lời cảm ơn của anh em chúng tôi gởi đến bà, ca khúc như một lời tự sự của bà muốn giải bày với ba tôi, tình yêu lớn nhất của đời bà…!

Xin cảm ơn anh rất nhiều!

Thanh Nam ( Theo Đời Sống Văn Hóa)

Nhạc sĩ Nguyễn Từ