NSND Trọng Phúc ôn kỷ niệm cùng NSƯT Vũ Linh

Sau vòng Tuyển chọn, có 25 thí sinh được chọn đi tiếp tại Học viện Cải lương. Trong tập 4 mang tên Thử thách, 21 thí sinh tiếp tục thi đấu để có cơ hội tiến sâu hơn. 4 thí sinh đạt vé vàng ở vòng tuyển chọn: Huỳnh Nguyễn Duy, Trương Lê Tuấn Kiệt, Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Minh Thái được tuyển thẳng vào vòng Đào tạo.

21 thí sinh sẽ trải qua thử thách thi (hoặc ngâm thơ, hò, hát thơ) - ca (hát 1 bài bản tổ của cải lương) - vũ  (thực hiện vũ đạo trên nền nhạc) - nhạc (hát một đoạn nhạc nhẹ) - kịch (diễn xuất với đạo cụ) theo từng bộ đề. Họ bốc thăm ngẫu nhiên trong phần thi này. 

Thử thách gây khó khăn không ít cho thí sinh bởi thời gian rất ngắn, buộc họ phải ứng phó linh hoạt, thích nghi nhanh chóng. Cải lương là loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp cao. Vì vậy, NSX mong muốn mang đến thử thách này để khơi gợi tiềm năng, chọn lọc thí sinh có tố chất phù hợp. 

“Cải lương không chỉ là đứng ca mấy câu vọng cổ. Cải lương là một chỉnh thể nghệ thuật với thi - ca - vũ - nhạc - kịch, chúng ta cần nắm rõ những kỹ năng này để đủ sức chuyển tải đời sống nhân vật, đưa đến khán giả nhân vật hồn lẫn phách một cách “thật và đẹp”. Đó là điều tôi mong muốn thực hiện”, NSND Bạch Tuyết chia sẻ.

NSND Trọng Phúc là giám khảo khách mời trong vòng Thử thách, để cùng NSND Bạch Tuyết, danh ca Châu Thanh và quái kiệt Thanh Hằng chọn ra những thí sinh xuất sắc đi tiếp. 

Trước khi thành danh với cải lương, nghệ sĩ Trọng Phúc từng là ca sĩ hát tân nhạc, rất thành công. Vì lẽ đó, anh cũng có những trải nghiệm để thích nghi giữa các loại hình. Không chỉ chấm chọn, những kinh nghiệm của anh cũng giúp thí sinh thêm vững vàng trong hành trình phía trước.

Theo NSND Trọng Phúc, điều quan trọng nhất là phải học, hiểu để khi chuyển từ tân nhạc sang ca cải lương không bị gãy. Anh kỳ vọng các thí sinh của Học viện Cải lương sẽ học các kỹ năng thi - ca - vũ - nhạc - kịch ở mức trung bình - khá trở lên để sau này có thể áp dụng cho các vai diễn. 

“Nghệ thuật muôn màu muôn vẻ. Nghệ sĩ hát cải lương thì không chỉ hát cải lương. Chúng ta cũng cần biết hát dân ca, chèo, múa… Càng biết nhiều, chúng ta lại có cơ hội áp dụng vào các vai diễn, góp phần nâng cấp cải lương càng đẹp hơn. Bây giờ, nếu nói hát cải lương mà chỉ ca vọng cổ thôi thì chưa đủ. Chúng ta cần cải cách. Chẳng hạn, một câu vọng cổ có thể kết hợp thêm tân nhạc, ca làm sao cho uyển chuyển, thật đẹp. Cách xử lý trong âm nhạc ngũ cung hết sức quan trọng”, NSND Trọng Phúc nói. 

NSND Trọng Phúc cho biết việc anh chuyển sang làm kép cải lương hết sức tình cờ. Nghệ sĩ gọi vui đây là “nghề ngang hông”. Anh không học ca cải lương chuyên nghiệp, mà có tố chất từ nhỏ. NSND Trọng Phúc cũng tin Tổ nghề đã chọn anh.  

Nam nghệ sĩ nhớ lại: “Năm 2002 có cuộc thi Liên hoan Sân khấu Đồng bằng, tôi nhận lời tham gia vở Nhảy múa với quỷ dữ, do NSND Doãn Hoàng Giang dựng. Đến khi về Cần Thơ thi, nhiều đồng nghiệp hỏi tôi đi cổ vũ cho ai, ủng hộ đội nào. Tôi nói đi cổ vũ cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Đến khi tôi bước lên thi, hát vai chính, mọi người vỡ oà. Cũng sau vai chính đó, khán giả ủng hộ rất nhiệt liệt, phải gọi là bùng nổ. Năm đó, tôi đạt huy chương vàng, rồi liên tục được nhận vai chính sau đó”.

Anh tự ví mình như con ong hút mật, sẽ lấy mỗi nơi một ít vị ngọt để làm hành trang cho mình. Tuy nhiên, anh nhấn mạnh phải biến cái học được từ các tiền bối trở thành “vốn” của riêng mình, chứ không sao chép nguyên bản. Điều gì áp dụng được sẽ tiếp tục phát triển chuyên sâu hơn, còn điều gì chưa phù hợp sẽ dừng lại. 

 

“Tôi rất nhạy bén. Khi nghe một nghệ sĩ hát, tôi sẽ liệt kê ra cái hay nhất, từ đó chọn lọc để học. Tôi cũng hay gọi vui là “ăn cắp” (cười). Tôi là kép nhưng đều phải học một chút từ má Út Bạch Lan, cô ba Bạch Tuyết, má Ngọc Giàu, cô Diệu Hiền, cô hai Lệ Thuỷ… Tôi lấy tinh hoa chứ không gom hết vì sẽ vô tình biến mình thành bản sao. Nếu vậy, khán giả đâu còn cần nghe mình ca nữa”, anh tâm sự. 

Theo anh, việc học những điều hay, cái mới phải diễn ra hằng ngày. Thậm chí khi đã làm giám khảo cho nhiều chương trình, cuộc thi, anh vẫn phải học, tìm hiểu thêm về Hò - Xự - Xang - Xê - Cống. Theo anh khi hiểu sâu sẽ sinh ra nhiều điều hay nữa. “Ngoài tố chất, các cuộc thi, tôi mong các bạn trẻ phải luôn nêu cao tinh thần học hỏi”, anh nhắn nhủ hậu bối. 

Nghệ sĩ cho biết thêm ngoài học nhạc lí, chuyên môn thì các thầy ngày xưa rất chú trọng giáo dục đạo đức cho hậu bối. Đó cũng là điều anh mong các bạn trẻ tiếp thu, thực hiện thật tốt. Nói về thế hệ kế cận, NSND Trọng Phúc kỳ vọng họ có lối sống trong sạch, đạo đức tốt…nhưng vẫn luôn thoải mái để làm nghề, sáng tạo. Anh mong thế hệ đi sau sẽ lấy những yếu tố gốc của cải lương để tô đậm, làm đẹp hơn nữa, chứ không nên cắt bỏ.

Tại đây, NSND Trọng Phúc cũng có dịp ôn lại kỷ niệm với cố NSƯT Vũ Linh, tiền bối đồng thời cũng là người cho anh nhiều ấn tượng, kinh nghiệm trên sân khấu. NSND Trọng Phúc từng đóng nhiều vai kép chính trong các tuồng cải lương. Tuy nhiên, khi đóng cùng NSƯT Vũ Linh, anh phải đóng vai phụ.

“Hình ảnh anh năm Vũ Linh trong tôi lúc nào cũng rất lớn. Anh là tiền bối, là người thầy, là tượng đài. Thậm chí, ở sân khấu, khi anh ấy đứng ca ngoài sân khấu, tôi đứng nép vào cánh gà xem để học từng bước đi, biểu cảm… Quay video chung với anh ấy lại càng là cơ hội tốt để học. Lúc đó, tôi nghĩ đóng cùng anh thì vai kép nhì, vai con gì cũng đều được. Tôi nhớ mãi anh năm từng hỏi: “Sao tui hát mà thằng Phúc nó cứ ngồi nhìn miết vậy?”. Tôi mới đáp dí dỏm: “Anh ca hay em mới coi chứ ca dở em coi làm gì. Em coi để học anh””, NSND Trọng Phúc kể lại.

Trong ký ức của anh, NSƯT Vũ Linh rất quan tâm, chăm chút cho đồng nghiệp. Bình thường, ông rất dễ tính, vui vẻ. Tuy nhiên, khi vào việc, lên sân khấu, NSƯT Vũ Linh rất nghiêm, khó tính. Ông thường nhắc nhở, động viên mọi người.

“Đêm nào đi hát về hai anh em cũng ngồi nói chuyện, chia sẻ rất nhiều. Anh ấy khó, nhưng có lý, để mong mọi người tốt hơn, công việc thuận lợi, khiến khán giả hài lòng. Mọi người cũng thấu hiểu, và thấy thoải mái”, NSND Trọng Phúc nói.

Tập 4 của Học viện Cải lương lên sóng lúc 19g trên Today TV, YouTV và 20g trên kênh YouTube của NSND Bạch Tuyết.

MM

 Ảnh: Tiêu Phàm, Sĩ Tính

 

 

NSND Trọng Phúc ôn kỷ niệm cùng NSƯT Vũ Linh , Học viện cải lương