“Anh Đinh La Thăng làm nghệ sỹ thì Chí Trung không có đất sống”

“Ở đâu anh Thăng cũng cháy hết mình trong cả công việc lẫn vui chơi, ca hát, anh kể chuyện tiếu lâm thì duyên lắm. Nếu anh Thăng làm nghệ sỹ thì Chí Trung không có đất sống”, NSƯT Chí Trung lần đầu tâm sự dài hơi về người anh thân thiết đã hơn 30 năm.

“Lâu nay chúng ta vốn đã nghi ngờ lòng tốt”

Vừa qua, anh đăng tải những bức ảnh chụp chung cùng dòng trạng thái gây chú ý trên trang Facebook cá nhân sau khi chia tay ông Đinh La Thăng lên đường nhận nhiệm vụ mới. Câu chuyện về tình bạn thân thiết hơn 30 năm ấy đến bây giờ vẫn khiến khán giả tò mò.

Tôi gặp anh Đinh La Thăng từ năm 1983, khi Nhà hát Tuổi trẻ lên Hoà Bình diễn tại sân khấu ngoài trời, lúc đó anh đang là Bí thư Đoàn của Tổng Công ty Sông Đà. Tôi đã vô cùng ấn tượng bởi nhiệt huyết, ánh mắt luôn nhìn thẳng và tài ca hát của anh.

Gia đình chúng tôi biết và thân nhau từ lâu lắm rồi, những ngày lễ, giỗ tết của hai bên gia đình đều có nhau. Khi tôi bị tai nạn giao thông thì anh Thăng là người đến thăm đầu tiên, một lần tôi uống rượu bị say phải đi cấp cứu ở BV Việt Xô, anh đến mắng: “Cho mày chết đi, ai bảo mày uống nhiều thế”.

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng và NSƯT Chí Trung đã có tình bạn thân thiết hơn 30 năm.

Nghệ sỹ đánh giá như thế nào về bước đầu nhập cuộc ở cương vị mới của người anh thân thiết?

Bí thư Đinh La Thăng chỉ mới nhận nhiệm vụ, còn quá sớm để khẳng định điều gì. Nhưng tôi có thể khẳng định, tôi hiểu anh đến từng chân tơ kẽ tóc.

Tôi không ngạc nhiên những việc làm của anh Thăng, điều khiến tôi ngạc nhiên là sự tiếp nhận nồng hậu của TPHCM dành cho anh. Bởi vì lâu nay chúng ta vốn đã nghi ngờ lòng tốt, mọi việc làm tốt chúng ta lại đánh giá là cơ hội.

Việc huyện Củ Chi xây nhà, làm đường dành tặng mẹ Việt Nam anh hùng sau 4 ngày chỉ đạo của anh Đinh La Thăng đã bước đầu lấy lại giá trị của niềm tin.

Anh cũng phúc đáp nhanh chóng một số đơn, thư trình bày của người dân, mỗi ngày anh Thăng lại hiểu thêm về TP HCM. Anh Thăng sẽ thêu những việc nhỏ ấy như những bông hoa để kết lại thành một vương miện khoác lên thành phố. Tôi mừng không phải vì anh Đinh La Thăng trở thành hiện tượng mà mừng vì sức lan toả trong từng việc làm của anh.

NSƯT Chí Trung đề đạt với tân Bí thư Thành ủy TP HCM rằng, diện mạo của một TP phải là những công trình văn hóa.

Trước khi anh Thăng đi, tôi chỉ nói với anh ấy một câu: “Tất cả các mảng em nghĩ anh sẽ làm được nhưng riêng mảng văn hóa của TPHCM là chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi Hà Nội có rất nhiều rạp hát thì TPHCM còn thiếu”. Tôi góp ý với anh diện mạo của một TP phải là công trình văn hóa chứ không phải mọc lên thật nhiều những tòa nhà chung cư.

Anh Thăng là người hát hay hơn tôi, là đầu tàu hát những bài nối vòng tay lớn trong những dịp liên hoan, văn nghệ, chuyện tiếu lâm kể thì duyên lắm.

Tôi là nghệ sỹ hài thật đấy nhưng tự nhận kém duyên hơn anh ấy 1.000 lần. Các nghệ sỹ như Xuân Bắc, Tự Long, ca sỹ Thái Bảo hay giới cầu thủ như: Đức Thắng, Triệu Quang Hà,… đều rất thân thiết, quý mến anh… Nếu anh Thăng làm nghệ sỹ thì Chí Trung không có đất sống.

“Đóng cửa trong nhà thì mời bạn tự ăn mâm cỗ”

Chăm chỉ sử dụng mạng xã hội, tìm tòi cách tiếp cận với khán giả thời đại công nghệ, phải chăng anh đã nhận biết được thị trường đang có sự thay đổi và cần nhiều động thái hơn nữa để kéo khán giả đến gần sân khấu kịch?

Từ khi còn là Trưởng đoàn Kịch 2 của Nhà hát Tuổi trẻ (từ năm 1997 đến năm 2013), tôi đã rất chú ý đến truyền thông, quảng bá các vở diễn nhưng mới ở mức độ hạn chế.

Từ năm 2013 khi được nhận nhiệm vụ mới là Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, tôi đã nhìn nhận lại cách tiếp cận công chúng, bởi vì khi mình có một mâm cỗ đầy nhưng bạn đóng cửa trong nhà thì mời bạn tự ăn mâm cỗ, bạn phải nghĩ cách để mang giá trị mâm cỗ đến xã hội.

Truyền thông chính là thông tin trên báo chí, là các trang mạng xã hội… Có người hỏi sao tôi thừa thời gian ngồi like hết các bình luận của khán giả. Cá nhân tôi nghĩ đó là một cổng thông tin quan trọng để tiếp nhận ý kiến đa chiều để người nghệ sỹ sàng lọc, tự hoàn thiện mình.

Điều quan trọng hơn cả là phải chăm lo đến chất lượng vở diễn. Chỉ cần ngồi 2 đêm công diễn với khán giả bạn sẽ biết mình đang ở đâu. Đêm đầu có thể còn hoang tưởng nhưng đêm thứ 2 là biết ngay bạn đang mang đến cho khán giả niềm vui hay nỗi khổ đau. Khi khán giả đi vào là phải nhớ mặt, khi khán giả ra về lẫn vào dòng người để nghe khán giả nói gì.

Bạn hãy xứng đáng với niềm tin yêu của khán giả trước đã rồi hãy mong chờ tình cảm của khán giả đáp lại. Để nâng cao chất lượng phục vụ, chúng tôi cũng xây dựng văn hóa Nhà hát, yêu cầu từ bộ phận bảo vệ, lễ tân, đều phải chuyên nghiệp, tôn trọng khán giả.

Vấn nạn tham nhũng dưới góc nhìn hài kịch

Quan Thanh tra là tác phẩm kinh điển trong 100 kiệt tác sân khấu thế giới.

Sau chương trình Táo quân 2016, NSƯT Chí Trung đang dồn tâm huyết cho dự án nghệ thuật gì mới?

Ngày 27/2 tới đây, vở hài kịch Quan Thanh tra do Chí Trung làm Đạo diễn sẽ công diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ. Vở hài kịch do Giám đốc Trương Nhuận chỉ đạo thực hiện. Chủ trương của nhà hát muốn dựng lại một tác phẩm kinh điển trong 100 kiệt tác sân khấu thế giới nói về đề tài tham nhũng - một trong những vấn đề nhức nhối.

Quan thanh tra là một vở kịch trào phúng của nhà văn Nikolai Gogol (được viết năm 1835, hiệu đính năm 1841). Quan thanh tra thật và giả chỉ là cái cớ của kịch để lộ ra bộ máy chính quyền nước Nga Sa hoàng bị mục ruỗng, sống hà khắc nhưng rất thối nát.

Vở kịch được dàn dựng với ý tưởng các nhân vật ban ngày là quần là áo lượt, tiệc tùng liên miên nhưng tắt đèn, chuyển cảnh lại biến thành một bầy chuột chạy để chuyển tải thông điệp nước Nga thời đó rất đẹp nhưng bị “lũ chuột” phá hoại từ đó có sự liên hệ sang đất nước mình, vấn đề tham nhũng cũng đang là một quốc nạn nhức nhối.

Nếu tôi, bạn, chúng ta không nói không với tham nhũng thì sẽ tự biến mình thành chuột. Một khi đã thành chuột thì sẽ gặm nát miếng bánh, bức tranh tươi đẹp về đất nước.

Chúng tôi muốn thử sức ở một đề tài thời sự mà trước giờ báo chí đưa rất nhiều các bài xã luận nhưng trên phim ảnh không nhiều và trên sân khấu thì còn rất hiếm. Đây là vở diễn hiếm hoi về đề tài tham nhũng dưới góc nhìn của các nghệ sỹ hài.

Phải chăng các nghệ sỹ còn chưa dám xông pha hết mình?

Nghệ thuật không thể lại với báo chí được đâu, ví von thế này cho dễ hiểu, trên báo hôm nay có thể thấy tin bắt được ông tham nhũng 100 tỷ thì ngày mai là 200 tỷ, ngày mốt 1.000 tỷ. Điện ảnh, sân khấu chỉ có thể lôi ra ở bề nổi chứ cũng không thể biết hết được bề chìm vì đâu có chứng cứ.

Thực tế đời sống phim ảnh có đề cập đến đề tài chống tham nhũng nhưng chủ yếu xây dựng bối cảnh ở các làng quê như Gió làng Kình, Ma làng, chuyện làng Nhô,… đề cập ở góc độ nhỏ lẻ, dùng câu chuyện ngày xưa nói chuyện ngày nay. Trên sân khấu hiện nay cũng mới chỉ dừng ở một số hài Tết dân gian của anh Phạm Đông Hồng nói về nạn mua quan, bán chức.

Nó hiện hữu ở đó mà không chất liệu nào có thể thi vị hóa được. Trên báo chí cũng đầy rẫy số liệu nhưng con số thì không thể viết thành kịch.

Lần đầu tiên Vân Dung đóng hài kịch dài hơi

Vân Dung đóng vai vợ Thị trưởng bị Quan Thanh tra giả tán tỉnh.

Một số điểm nhấn thú vị của vở diễn là gì, thưa nghệ sỹ?

Đây là lần đầu tiên nghệ sỹ hài Vân Dung đóng hài kịch kinh điển một cách dài hơi. Trước đây Vân Dung chỉ quen đóng hài kịch, những tiểu phẩm ngắn. Phong cách của Vân Dung là dùng diễn viên áp chế nhân vật. Lần này cô ấy được yêu cầu nhân vật phải bao trùm Vân Dung.

Đảm nhiệm nhân vật chính Anton Antonovich là nghệ sỹ Sỹ Tiến và Anh Tuấn. Vân Dung đóng vai vợ Thị trưởng, con gái Thị trưởng do Diệu Hoa diễn xuất…

Trong vở kịch, có nhiều lời thoại gắn với những vấn đề thời sự được đưa vào như Giám đốc Sở Giáo dục, sau khi nịnh Quan Thanh tra đã nói rằng: “Thế là đã nộp xong tiền cho hắn, từ nay ta sẽ quyết định bỏ môn Sử”. Giám đốc bệnh viện thì lớn tiếng: “Tất cả bệnh nhân của tôi, tôi lệnh cho người nhà về hết, khi có quan thanh tra đến tôi cấm bệnh nhân không được ngủ dưới gầm giường, những bệnh nhân nào sắp chết tôi cho chết hẳn thế là xong bệnh nhân”…

Cảm ơn NSƯT Chí Trung về cuộc trò chuyện!

Theo Dân trí

Chí Trung