Biến thể trở lại sau hai nghìn không trăm mười một năm
Một tác phẩm kinh điển vừa đến với bạn đọc Việt Nam sau hai nghìn không trăm mười một năm kể từ khi ra đời. Đó là Biến thể của Ovid - nhà thơ La Mã sinh năm 43 trước Công nguyên và chết năm 17 sau Công nguyên.
Biến thể - bản dịch của Quế Sơn, Nhật Chiêu giới thiệu, NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành - Ảnh: L.ĐIỀN
Biến thể của Ovid với 15 thiên, tổng cộng hơn 12.000 dòng thơ kể lại trên 250 truyện được chọn lọc từ các huyền thoại Hy-La.
Kể từ khi xuất hiện và lưu hành vào năm thứ 8, tầm vóc và ảnh hưởng của Biến thể đối với các thế hệ văn nhân tài tử, độc giả Đông Tây trong suốt hơn hai nghìn năm qua thật không kể xiết.
Nhà văn Nhật Chiêu, với tư cách người đọc và yêu thích Biến thể của Ovid từ khi tác phẩm này chưa dịch ra Việt ngữ, đã dành cho tác phẩm này lời nhận xét như một tiếng reo vui khi thấy rốt cuộc một áng văn chương kinh điển của nhân loại cũng được dịch sang tiếng Việt:
"Đọc Biến thể (Metamorphoses) của Ovid sau hơn hai nghìn năm, ta vẫn còn cảm thấy cái tươi tắn mới mẻ lạ thường của nó như thể nó viết cho ngày hôm nay hay nó viết cho bất kỳ ngày nào khi con người vẫn còn là con người, chứ chưa phải là cái máy, khi con người còn sống trong dòng biến dịch luân lưu vô tận như tư tưởng biến thể của Ovid".
Điều đặc biệt chính là sau hai thiên niên kỷ, một tác phẩm vẫn còn sức sống, cảm xúc văn chương và ngôn từ của Ovid vẫn còn đập nhịp cùng trái tim của bạn đọc hôm nay.
Nhất là trong cảm hứng suy tư về không gian sống, người ta nhận ra "có một niềm thân thiết vũ trụ lạ lùng trong thơ Ovid" - nhà văn Nhật Chiêu chỉ ra thêm, "...đá có thể thành người hay nam nữ hoàn chuyển hoặc hòa làm một... tất cả biến đổi liên tục. Từ hình thể này sang hình thể kia. Không có hữu thể bất dịch, chỉ có biến thể".
Thế nhưng, khi Biến thể ra đời, tác giả Ovid đã bị hoàng đế Augustus ra lệnh lưu đày đến tận Biển Đen. Ovid bị cách ly với cuộc sống tráng lệ của kinh thành và phải chết trong đau buồn mà chưa một lần trở lại La Mã. Tác giả vì tâm trạng bất an đã tự tay đốt bản thảo này, nhưng may mắn là nhiều phiên bản chép lại đã lưu hành trong số bạn bè và người hâm mộ.
Và để có một bản dịch tiếng Việt cho tác phẩm kinh điển vốn được viết bằng văn tự Latin từ hơn hai nghìn năm trước, là câu chuyện thú vị theo chiều hướng khác. Vị dịch giả "lớn gan" ấy chính là Quế Sơn, người đã lập chí dịch toàn văn Biến thể bản tiếng Anh, có tham khảo bản tiếng Pháp.
Đây thực sự là một kỳ công, bởi không chỉ độ khó của văn bản và các khái niệm văn hóa có dấu ấn lịch sử cần chuyển ngữ, mà ngôn từ giữa khoảng cách Đông - Tây cộng với hố ngăn thời gian hơn hai nghìn năm đòi hỏi phải chọn lọc thế nào để "người nay hiểu trọn ý người xưa" là cả một hành trình đánh vật quyết liệt với văn bản.
Mất ba năm ròng dịch một tác phẩm có dung lượng gấp ba lần Truyện Kiều, đến nay dịch giả Quế Sơn có thể thở phào nhìn một kiệt tác của nhân loại thông qua hành trình lao động cật lực của mình, đến được với bạn đọc Việt Nam.
https://tuoitre.vn/bien-the-tro-lai-sau-hai-nghin-khong-tram-muoi-mot-nam-20191013102517658.htm
Có thể bạn quan tâm
- Dàn diễn viên Đất Phương Nam ngày ấy, bây giờ
- Vừa ra MV Sốc nhiệt, Hoàng Yến Chibi bất ngờ công bố sẽ phát hành EP
- Chân dung nam ca sĩ "đông vợ con nhất làng nhạc Việt", 82 tuổi vẫn phong độ