Bộ ba giám khảo “Học viện Cải lương” diện áo dài rực rỡ đón năm mới

NSND Bạch Tuyết, danh ca Châu Thanh và NS Thanh Hằng là 3 thành viên chủ chốt của Học viện Cải lương, chương trình truyền hình thực tế về đào tạo nghệ sĩ cải lương thế hệ mới do NSND Bạch Tuyết và cộng sự tổ chức.

Trong đó, NSND Bạch Tuyết đóng vai trò viện trưởng. Nghệ sĩ cải lương Châu Thanh, Thanh Hằng cùng “thầy đờn” - nhạc sĩ, NSND Thanh Hải đồng hành xuyên suốt với thí sinh trong chương trình. Nhà sáng tạo nội dung Thầy Beo U40 đảm nhận vai trò dẫn dắt chương trình.

Bộ ba giám khảo “Học viện Cải lương” diện áo dài rực rỡ đón năm mới

Khi những ngày tết đang cận kề, bộ ba nghệ sĩ tài danh hội ngộ, diện áo dài, lưu lại những khoảnh khắc đẹp trong không gian được bày trí đẹp mắt, đậm chất xuân. Các nghệ sĩ diện những thiết kế áo dài mới được NTK Tâm Huỳnh thực hiện theo các số đo riêng. Trang phục có tông màu rực rỡ, bắt mắt kết hợp với những chi tiết đính kết kỳ công, phù hợp với không khí của mùa xuân.

NSND Bạch Tuyết và nghệ sĩ Thanh Hằng cũng được trải nghiệm phong cách trang điểm thời thượng, hợp mốt mang đến hình ảnh trẻ trung hơn. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà NSND Bạch Tuyết mong đạt được qua quá trình đào tạo các nghệ sĩ cải lương thế hệ mới trong Học viện Cải lương: biết làm đẹp theo mốt, thích nghi với thời đại.

Hiện, chương trình Học viện Cải lương đang trong quá trình sản xuất để lên sóng vào tháng 4/2024. Mùa tết cũng là dịp các nghệ sĩ được nghỉ ngơi để chuẩn bị cho hành trình đầy thú vị sắp tới với các thí sinh. 

NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết ôn kỷ niệm với cố NSND Phùng Há, cố nghệ sĩ Hùng Cường

Vui tết nay, nhưng kỷ niệm những ngày tết xưa vẫn vương vấn các nghệ sĩ, dẫu buồn hay vui. NSND Bạch Tuyết bồi hồi nhớ lại, trầm ngâm đôi chút: “Mẹ tôi mất vào đêm Mùng 6 Tết. Một cuộc chia ly đầy bất ngờ, vội vã. Giỗ mẹ thường vào chiều Mùng 6 Tết và ngày Mùng 7 Tết. Vì thế, tôi cũng khó hoà vào niềm vui chung của mọi người. Mỗi lần gần Tết tôi lại nhớ mẹ nhiều hơn. Ấn tượng của một đứa trẻ đối diện với chuyện đau thương như thế khó phai mờ”.

Nhưng được trở thành nghệ sĩ cải lương đã phần nào giúp bà khoả lấp nỗi buồn đó. NSND Bạch Tuyết cho biết thời trước mỗi ngày tết, nghệ sĩ thường hát đến 3 suất, sống trong hậu trường, với khán giả, được khóc - cười, được hưởng những cay đắng - hạnh phúc… Vì thế, cuộc đời bà được tô điểm thêm những gia vị mới. 

“Tình yêu thương của khán giả và lòng biết ơn tôi dành cho khán giả mới giúp tôi thấy vui, hạnh phúc. Cải lương cứu sống đời tôi. Hát xong mỗi suất, tôi chỉ đi quanh quẩn ở đoàn hát, tìm gặp các thầy như: thầy Ba Vân, thầy Năm Châu, thầy Kim Cúc và má bảy Phùng Há. Tôi muốn biết, học sâu về cải lương. Tôi được nghe, học nhiều điều không có trong sách. Những người sống thật, làm thật cho tôi kinh nghiệm, niềm vui, hy vọng của một người nghệ sĩ đối với dân tộc, đất nước”, NSND Bạch Tuyết nói.

NSND Bạch Tuyết nhớ những ngày NSND Phùng Há - người thầy kính yêu của bà - đến nhà, đề nghị “Hai má con mình đi chơi đi con”. Cả hai được tài xế đưa đi lòng vòng Sài Gòn. “Má kể nhiều kỷ niệm đi hát thuở trước. Má nhớ về thời đất nước còn chia đôi, đi đến sông Bến Hải (Quảng Trị), đi quá địa phận lại bị bắn. Dân mình thì không thể gặp nhau, thậm chí họ bị khích để thù hằn nhau. 

Lúc đó cải lương cũng đi liền với hơi thở của thời đại, dân tộc. Chẳng hạn, khi đoàn Kim Thoa hát tuồng Lấp sông Gianh, hai tấm bản đồ gắn lên biểu trưng cho nam bắc hoà hợp thì bọn xấu ném lựu đạn khiến nghệ sĩ Duy Lân cụt chân. Trong đoàn cũng nhiều người hy sinh. Má dạy: “Khi con hát cải lương con phải yêu đất nước, dân tộc mình. Bây giờ mình đi được từ miền bắc đến miền nam, con đừng quên công ơn của tổ tiên mình, các anh hùng, liệt sĩ”. 

Tôi thấy mình hạnh phúc khi được bà con khán giả thương. Tết đậm đà hương vị với má Bảy, với nghệ sĩ chúng tôi là như thế”.

NSND  Bạch Tuyết cùng nghệ sĩ Hùng Cường đã tạo nên “cặp đôi sóng thần” trên sân khấu cải lương. Đến nay, khán giả vẫn nhắc đến như một cặp đào kép đi vào huyền thoại. Trong những ngày xuân của hiện tại, NSND Bạch Tuyết cũng nhớ về tết xưa với nghệ sĩ Hùng Cường.

“Tôi và anh Hùng Cường có nhiều kỷ niệm khi đi hát ở đoàn Dạ Lý Hương. Mùa tết, mỗi ngày chúng tôi đều hát 3 suất. Hát xong, đứa nào cũng như chiếc mềnh rách. Lúc đó đói lắm nên ăn gì cũng thấy ngon. Anh Hùng Cường thích ăn vặt, rất chu đáo. Còn tôi thì không có thói quen này, rất ít biết mua đồ ăn vặt. Những gì để ăn sau giờ hát, trong khi chuẩn bị lên hát đều do anh Hùng Cường cung cấp. Vì rất thân nhau nên có khi anh ấy cũng xưng mày tao thân mật. Anh ấy hay nói với tôi rằng: “Ủa, mày là con gái sao mày không mua, mà mày cứ để tao mua rồi mày ăn”. Tôi chỉ cười, chọc lại anh ấy rằng: “Ai biểu anh ngu thì ráng chịu”. 

Chúng tôi đùa thế nhưng thương nhau vô cùng. Tình thương của đồng nghiệp, của sự cảm thông. Anh Cường cũng hay nói: “Tao có đủ hết, từ cha mẹ, vợ con. Còn mày mồ côi nên tao thương, lo cho mày”. Những điều này thật khó quên”, NSND Bạch Tuyết kể lại với giọng điệu vui vẻ. 

NSND Bạch Tuyết cho biết các anh em, cô chú ở hậu đài đều rất thương bà vì hiểu hoàn cảnh bà mồ côi. Nữ nghệ sĩ nói bà luôn biết ơn vì điều này. “Những ngày tết của cải lương giúp tôi lớn lên từ những vở hát, cách hành xử với nhau”, bà tâm sự.

Một cái tết khác cũng rất khó quên với NSND Bạch Tuyết là vào năm 1979. Sau khi cố NSƯT Thanh Nga qua đời vào tháng 11/1978 thì sau đó NSND Bạch Tuyết được chọn để đóng Thái hậu Dương Vân Nga trong vở cải lương cùng tên, do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dựng. Đây là vở nói lên tình yêu nước, tinh thần chiến đấu kiên trung. 

Bộ ba giám khảo “Học viện Cải lương” và NTK Tâm Huỳnh

NSND Bạch Tuyết xin nghỉ hát, đi học từ năm 1975 đến năm 1979. Đại diện nhà hát, tác giả Lê Duy Hạnh, ông Sáu Thảo (Dương Đình Thảo, Giám đốc Sở VH-TT lúc bấy giờ) tìm đến nhà, cho rằng NSND Bạch Tuyết đã nghỉ ngơi đủ. Bà trở lại sân khấu, cùng NSND Ngọc Giàu chia vai Thái hậu Dương Vân Nga. Khi đi tập tuồng, bà được xe của công an đưa đi, rước về, trong bầu không khí căng thẳng. 

“Chúng tôi không được tỏ ra sợ hãi, phải cố gắng hết sức để tập tuồng. Khi Thái hậu Dương Vân Nga của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang xuất hiện thì không khí của cải lương khác hẳn. Chúng tôi hát từ Sài Gòn, ra Huế, đến Hà Nội. Chị Ngọc Giàu không thể đi Hà Nội vì con còn nhỏ. Vì thế, tôi phải tập luôn 2 cảnh trước do chị ấy đảm nhận. Có suất hát đó cả đời tôi không thể có lần thứ hai. Tôi hát ở Nhà hát Lớn Hà Nội, có 100 chiến sĩ được gắn huy chương anh hùng ngồi xem, cả đại diện Đại sứ quán, Lãnh sự quán… Khán giả của suất diễn này rất đặc biệt. Khi tôi vào câu vọng cổ: “Lê Hoàng khi vừa mới đến đây, ông đã chào hỏi Nguyễn Lưu trần đệ. Trong khi ta cùng bá quan lơ là với họ…” thì các chiến sĩ đứng lên, vỗ tay suốt. Còn chúng tôi đứng trên sân khấu nước mắt chảy ròng ròng. Tổ quốc là đây, dân tộc là đây. Cải lương đã góp phần nâng cao tình yêu nước, giúp các chiến sĩ bình thường thấy được tôn trọng, được nhớ, được ghi công. 

Sau đó, tôi được hát ở biên giới. Một thiếu tướng tư lệnh biên phòng gắn cho tôi 1 huy chương. Ông ấy nói: “Cô Bạch Tuyết biết không, huy chương này các chiến sĩ phải gắng sức, hết lòng, không phạm lỗi gì trong 3 năm thì mới được”. Tôi chỉ biết cảm ơn, vì họ cho chúng tôi thấy nghệ sĩ, cải lương cũng có đóng góp trong tình hình đất nước nguy biến”, NSND Bạch Tuyết kể lại.

NS Thanh Hằng kể kỷ niệm với cố NSƯT Vũ Linh

Thập niên 1980, nghệ sĩ Thanh Hằng đi theo các đoàn hát tỉnh. Chị xúc động, bồi hồi khi nhớ lại ký ức ăn tết với khán giả. “Khán giả đến xem mỗi ngày 3-4 suất. Thường dịp tết mọi người đều kiêng kỵ người lạ đến nhà. Nhưng khán giả rất thương. Anh chị em nghệ sĩ nào nếu không có chỗ ngủ trong đoàn hát có thể đến xin ở nhờ nhà dân. Họ chừa chỗ sẵn cho nghệ sĩ nghỉ ngơi, ấm cúng. Tôi hát xong đêm giao thừa sẽ về nhà khán giả cùng cúng giao thừa. Mùng 1, mùng 2 chủ nhà cúng kiến tôi cũng tham gia, sau đó lại sang đoàn hát”, quái kiệt Thanh Hằng kể.

Sau này, chị vẫn đi hát vào đêm giao thừa, nhưng hát xong sẽ về nhà. Nghệ sĩ nói hạnh phúc khi xe chạy nhìn sang hai bên đường thấy nhà nào cũng trang hoàng lộng lẫy, cúng kiến nghiêm trang. “Thường, mọi người chỉ được cúng, tận hưởng giao thừa ở một nhà, còn tôi, các anh chị em nghệ sĩ thì được trải nghiệm với rất nhiều gia đình”, nghệ sĩ cười chia sẻ.

Từ năm 1976 đến năm 1986, nghệ sĩ Thanh Hằng đi theo 3 đoàn của tỉnh Vĩnh Long, rồi sang 3 đoàn ở Hậu Giang. Năm 1982, chị đạt giải A1 tại hội diễn toàn quốc, sau đó có cơ hội gặp NSƯT Vũ Linh, rồi kết giao. 

Năm 1984-1985, nghệ sĩ Thanh Hằng theo đoàn cải lương Hồng Nhung của NSƯT Vũ Linh, hoạt động tại tỉnh Lâm Đồng. “Sáng mùng 1, chúng tôi chuẩn bị hát vở Truyền thuyết về tình yêu. Tôi cũng chuẩn bị sẵn nồi thịt kho, dưa giá. Tôi nấu ăn phù hợp khẩu vị của anh Vũ Linh lắm. Tôi nói hát xong sẽ dọn ra để anh em ăn cùng. 

Khi tôi đang hoá trang, anh Vũ Linh nói ăn thịt kho hoài ngán quá, muốn ăn giò heo hầm nước dừa. Chúng tôi hát 3 suất/ngày nên mệt lắm. Lúc đó cũng không thể tìm mua giò heo được. Nhưng khán giả rất thương nghệ sĩ. Lúc đó có khán giả xin vào hậu trường gặp gỡ, trò chuyện. Tôi thuật lại câu chuyện này. 

Vị khán giả bỏ luôn suất hát đó, ra chợ tìm mua cho được giò heo thật ngon, đúng ý anh Vũ Linh. Nước dừa tôi lấy từ mâm cúng đêm giao thừa trước đó. Hát xong suất đầu, tôi nấu liền, nên xong suất thứ hai là có để anh Linh ăn”, nghệ sĩ Thanh Hằng kể.

Trong thời gian cộng tác với đoàn Hồng Nhung, có lúc nghệ sĩ Thanh Hằng xảy ra vấn đề với gia đình, rời đoàn về nhà người thân, đi hát tăng cường cho đoàn của nghệ sĩ Phương Bình. 

“Tôi hát ở Tầm Vu, Long An vào buổi sáng. Tôi đang ngồi học tuồng để chuẩn bị cho suất hát buổi tối thì thấy một chiếc xe máy chạy đến. Hoá ra, anh Vũ Linh chạy từ Lâm Đồng về để tìm tôi. Anh nói tôi thu xếp để về lại đoàn. Bởi lúc bấy giờ Sở Văn hoá tỉnh Lâm Đồng chỉ biết tôi đóng vai nữ vương trong Truyền thuyết về tình yêu. Như thế họ mới đồng ý cấp phép tiếp tục cho đoàn. Tôi nói chuyện với chú Phương Bình và trở lại đoàn. Giữa anh em chúng tôi có nhiều kỷ niệm vui, buồn. Nhớ lại chỉ thấy thương nhau nhiều hơn” nghệ sĩ Thanh Hằng nhớ lại. 

Nghệ sĩ Châu Thanh thích không khí quây quần gói bánh cùng gia đình ngày tết

Nghệ sĩ Châu Thanh cũng bồi hồi nhớ lại những ngày tết xưa. Ông cho biết theo đoàn hát từ năm 1979. Ngày 25 tết, ông thường về quê để thăm, tảo mộ ông bà, sau đó lên đường đi hát tiếp. Nhiều năm ông đều ăn tết sớm với gia đình.

“Mỗi năm tôi đều thích cha mẹ mang đến hương vị mùa xuân. Bánh tét, bánh ít có thể mua ngoài chợ. Nhưng tôi thích không khí gia đình quây quần để cùng gói bánh với ngoại. Ông bà tôi sẽ kể về ký ức xưa nữa, rất vui, thú vị. Ngày tết trước đây đậm đà lắm vì gia đình lúc nào cũng bên cạnh nhau. Tôi thích những mâm cơm ăn cùng gia đình, hay cùng dâng bánh cúng ông bà”, nghệ sĩ Châu Thanh chia sẻ. 

Cách đây hơn chục năm, cha nghệ sĩ Châu Thanh qua đời. Vì thế, những năm sau này khi ông về quê chỉ còn nhìn thấy hình bóng của mẹ. “Năm nào, tôi cũng chúc tết, nhận lì xì từ mẹ. Khoảnh khắc này bình dị nhưng với tôi hạnh phúc lắm. Năm nay, tôi vẫn về đón tết sớm cùng mẹ, đưa mẹ đi thăm mồ mã ông bà”, nghệ sĩ Châu Thanh nói. 

Theo nghệ sĩ Châu Thanh, ngày trước nghệ sĩ đều vui khi mỗi ngày được hát 3 suất,  nhận quà tết, lì xì từ khán giả. Nghệ sĩ Châu Thanh tâm sự: “Những cặp bánh tét, cặp dưa, thịt kho… nhận từ khán giả tôi không thể quên. Tôi cảm ơn khán giả yêu thương tôi những năm qua. Có lẽ khó có thể dùng từ nào để nói được hết tình cảm này”

Khi mới theo nghề, cuộc sống của ông khá khó khăn. Nhưng khi nghệ sĩ Châu Thanh được đóng vai chính, đưa cuộc đời ông sang trang. Năm đó, ông lãnh tiền xong về lì xì cho ông bà, cha mẹ… “Dùng tiền kiếm được từ lời ca tiếng hát để tặng người thân khiến tôi hạnh phúc lắm. Để có được điều này cũng nhờ tình yêu thương của khán giả”, ông chia sẻ. 

MM

Ảnh: Tiêu Phàm

Địa điểm: Gray Studio

Trang điểm: team Quân Nguyễn - Pu Lê

Trang phục: NTK Tâm Huỳnh

 

Bộ ba giám khảo Học viện Cải lương , diện áo dài rực rỡ đón năm mới , Học viện Cải lương