Chuyện chưa bao giờ kể về nhạc sĩ Thanh Tùng
Lần đầu tiên, giọng ca trầm buồn nổi tiếng nhận lời nói về “thầy Tùng” sau khi tạm qua đi cơn bàng hoàng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cô vẫn nấc nghẹn khi nhắc lại những kỷ niệm xưa.
Sau buổi sáng chìm trong bàng hoàng, ca sĩ Mỹ Hạnh tạm thời lấy lại sự bình tĩnh. Cô gọi nhạc sĩ Thanh Tùng một tiếng “thầy Tùng”, hai tiếng cũng “thầy Tùng” vì trước đây là một trong những học trò đầu tiên được ông dìu dắt. Lúc đó vào khoảng năm 1988 – 1989, Mỹ Hạnh chỉ mới vừa bước chân vào nghề đã có cơ hội gặp gỡ nhạc sĩ Thanh Tùng – khi đó đang làm việc tại Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng. Ông trực tiếp đảm nhận vai trò hướng dẫn ca sĩ trong đoàn. Cô kể, từ lúc mới quen ông cho đến sau này, nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn hay xưng hô với học trò là “mày – tao” rất thân thiết. Theo dòng hồi tưởng của giọng ca trầm đẹp nhất Việt Nam, giữa thầy trò có vô số kỷ niệm mà theo cô là không thể đếm hết hay kể hết. Và chỉ trong một buổi sáng nghe tin thầy mất, tất cả những kỉ niệm đó đã ùa về trong tâm trí cô.
Thầy khó tính, trò “tài tử”
Đó là ký ức vào những ngày cô mới chập chững đi hát. Lần đầu tiên đi lưu diễn ở Đà Lạt, lúc đó Mỹ Hạnh chỉ mới là thiếu nữ 17 tuổi và không đi được xe. Mọi người trong đoàn bèn bảo cô đi nhờ xe của nhạc sĩ Thanh Tùng – một chiếc Mẹc màu xanh 4 chỗ – cho đỡ bị say xe. Nhưng thực tế là cuối cùng cô bị say xe rất nặng, nôn thốc nôn tháo từ lúc khởi hành cho đến lúc tới Đà Lạt. Thế là cứ đi được khoảng 5 km thì nhạc sĩ Thanh Tùng phải dừng xe để … xịt nước. Ông càu nhàu: “Nó ói kiểu này chắc lên tới nơi cái xe của tao không còn gì luôn”. Đến lúc về, mọi người trong đoàn hỏi Mỹ Hạnh còn muốn lên xe thầy Tùng nữa thôi, cô lắc đầu nguầy nguậy: “Dứt khoát thầy có cho em cái gì em cũng không lên đâu, cái xe của thầy đi gớm quá!”.
NS Thanh Tùng thời trẻ |
Cả hai thầy trò cũng có những kỷ niệm không thể quên trong chuyến đi lưu diễn kéo dài 3 tháng ở Lào vào khoảng năm 1989. Dù cách nay hàng chục năm trời nhưng Mỹ Hạnh vẫn nhớ rõ như in. Đó cũng là thời điểm nhạc sĩ Thanh Tùng viết bài Mưa ngâu trong một đêm mưa ở Savannakhet. Cũng chính vì trời mưa mà đêm diễn bị huỷ. Mỹ Hạnh khi ấy chỉ là một cô gái mới lớn nên tính cách còn rất trẻ con. Thấy thế, nhạc sĩ Thanh Tùng bèn nói: “Con nhỏ nầy tánh nó tài tử quá, amateur quá! Nó thích làm gì làm à, ngộ ghê!”.
Nói xong, ông đưa một bài hát cho Mỹ Hạnh và nói: “Tao vừa làm xong bài này. Mày nghe thử xem có giống mày không nghen?”. Cô nghe vậy cười đáp: “Ơ? Mắc mớ gì mà giống em được?”. Tuy nhiên, chỉ nghe vài đoạn đầu, Mỹ Hạnh đã thích ngay bài ca tình yêu không thành của một cô gái trong sáng, hồn nhiên trong bài. Cô lập tức xin thầy và được chấp thuận ngay. Mưa ngâu cũng là bài nhạc sĩ Thanh Tùng chọn cho cô đi thi đơn ca nhạc nhẹ chuyên nghiệp toàn quốc năm 1991.
Mặc dù không phải là người trực tiếp dạy nốt nhạc hay ký xướng âm nhưng với Mỹ Hạnh, ông vẫn mãi mãi là người thầy của mình. Bên ông, Mỹ Hạnh học được rất nhiều điều. Từng bài cô hát lúc đó đều là tự tay nhạc sĩ Thanh Tùng chọn cho. Ông thường bắt học trò hát thử, nếu không được thì ông không cho hát. Năm đó, Mỹ Hạnh ghi danh thi đơn ca nhạc nhẹ chuyên nghiệp toàn quốc, chính cô đề nghị được hát 2 bài là Mưa ngâu và Em ơi Hà Nội phố. Sau thoáng chốc lưỡng lự, nhạc sĩ Thanh Tùng đề nghị cô hát thử. Nghe xong, ông chỉ nói vỏn vẹn hai câu: cứ giữ nguyên như vậy đem đi thi, không thay đổi gì. Đúng như lời dặn, Mỹ Hạnh năm đó đạt giải nhất cuộc thi cùng với diva Hồng Nhung.
Ca sĩ Mỹ Hạnh |
Đối với cô, câu “cứ giữ nguyên như vậy, không thay đổi gì” của thầy đã là lời khen hiếm hoi nhất. Mỹ Hạnh cho hay nhạc sĩ Thanh Tùng là người rất khó và nóng tính. Trước mặt học trò ông chỉ có chê và la mắng, thậm chí “không bị mắng không phải trò thầy”. Bản thân Mỹ Hạnh từng bị nhạc sĩ Thanh Tùng mắng té tát khiến cô rất bực. Cô ví von chuyện đó như việc cha mắng con, có thể ban đầu nghe sẽ dễ cảm thấy tự ái, dỗi hờn vì đụng chạm cái tôi nhưng kể cả cách la mắng của ông cũng khiến người bị mắng phải nghĩ lại. Có người cho rằng xưng “mày – tao” và mắng học trò như vậy là sỗ sàng nhưng với Mỹ Hạnh, cách xưng hô như vậy lại gần gũi, thân mật như người trong gia đình với nhau.
Năm đó nhạc sĩ Thanh Tùng cùng cha đưa Mỹ Hạnh đi thi. Trước giờ thi, ông còn cẩn thận dặn cha cô đừng nên nói gì tác động thêm và cứ để Mỹ Hạnh thoải mái để thể hiện cảm xúc của mình. Ngoài âm nhạc, nhạc sĩ Thanh Tùng cũng dạy cô rất nhiều điều trong cuộc sống. Chương trình cuối cùng cô được làm việc cùng nhạc sĩ Thanh Tùng là liveshow Trò chuyện với hoa hồng vào đầu tháng 10/2005. Trong đêm nhạc, cô hát hai bài là Lời chim đỗ quyên và Ngôi sao cô đơn.
Thanh Tùng là người đàn ông… đẹp
Trong mắt Mỹ Hạnh, nhạc sĩ Thanh Tùng là một người đàn ông … đẹp. Cô tiết lộ lần nào ông xuất hiện đều phải thật đẹp, thật lịch lãm, chỉn chu. “Những lúc xấu thầy không cho ai gặp đâu, nên cũng khó thăm lắm” – Mỹ Hạnh “kể xấu” thầy. Không chỉ muốn mình đẹp trong mắt phái nữ, ông còn là người rất thích phụ nữ đẹp. Đẹp ở đây không chỉ là hình thức mà còn có thể bắt nguồn từ bất cứ đâu và đến từ bất cứ ai. Cái tài tình của người nhạc sĩ chính là bắt lấy cái đẹp ấy đưa vào trong bài hát. Nên tình yêu trong nhạc Thanh Tùng không chỉ bó hẹp trong phạm vi tình yêu trai gái; cái đẹp trong nhạc ông cũng là cái đẹp của tất cả mọi người.
Điều nữa khiến cô không thể quên ở thầy chính là tình yêu dành cho con. Nhạc sĩ Thanh Tùng là người rất yêu con, đặc biệt là cô con gái út Bạch Dương. Còn bà xã rất ít khi ông chia sẻ với học trò. Mỹ Hạnh bồi hồi nhớ lại: “Lúc nghe cô Minh (vợ nhạc sĩ Thanh Tùng – PV) mất bọn tôi ai cũng sững sờ. Thầy viết bài Một mình xong liền rơi vào trạng thái khủng hoảng. Nó là một cú sốc lớn. Mặc dù đang ở trên đỉnh cao nhưng thầy hoàn toàn rút về, suốt một thời gian không nghe tin tức, không thấy sáng tác gì. Sau quãng thời gian đó, thầy dồn hết mọi thứ vào gia đình. Những sáng tác, sự xuất hiện của thầy cũng ít hẳn đi”.
Nữ ca sĩ Đâu phải bởi mùa thu rất kính trọng nhạc sĩ Thanh Tùng. Với cô, từ “nhạc sĩ” là chưa đủ để miêu tả vì những gì về ông trong lòng cô còn lớn hơn như thế. Không chỉ đẹp hình thức, Mỹ Hạnh cho rằng nhạc sĩ Thanh Tùng còn là người đẹp trong lối sống và tính cách với chính con người trong các sáng tác của ông.
Biết đâu thầy sẽ vui trở lại?
Kể lại các kỉ niệm, Mỹ Hạnh không khỏi rùng mình trước sự đời vô thường. Mấy năm trước, khi ca sĩ Duy Quang mất, có khi cả năm sau cái chết đột ngột của anh vẫn còn ám ảnh cô. Và bây giờ là sự ra đi của người thầy cũ. Mỹ Hạnh buồn bã thừa nhận có khi với số bệnh tình nhạc sĩ Thanh Tùng mang trong người, việc ông ra đi có lẽ sẽ nhẹ nhàng hơn, đến một nơi nào đó và gặp những người bạn của mình. “Biết đâu thầy sẽ vui trở lại?” – Mỹ Hạnh nghẹn ngào tự trấn an. Tuy nhiên, sự ra đi của thầy cũ lần này vẫn ám ảnh cô không kém.
Những ngày cuối đời, do bệnh trở nặng mà nhạc sĩ Thanh Tùng phải ngồi xe lăn. |
Mỹ Hạnh bàng hoàng khôn xiết vì mọi thứ quá trùng hợp. Buổi tối hôm trước cô tự dưng có suy nghĩ rằng sáng hôm sau bằng mọi giá phải tìm địa chỉ nhà nhạc sĩ Thanh Tùng để thăm ông. Không riêng Mỹ Hạnh mà nhiều ca sĩ khác muốn thăm nhạc sĩ Thanh Tùng đều rất khó tìm gặp. Cô tự hỏi: “Bây giờ lên thăm chắc thầy không nói gì được. Có nước hát cho thầy nghe thôi. Mà hát gì bây giờ?”. Đến khoảng 2 giờ rưỡi, cô bỗng nhiên bị giật mình thức giấc. Sáng dậy đầu cô vẫn còn lởn vởn suy nghĩ đó, vừa định tìm hỏi địa chỉ thì thấy tin ông mất. Mỹ Hạnh liền đưa tay lên đầu thảng thốt, miệng lắp bắp không nói được gì vì không thể tin vào mắt mình nữa.
“Tại sao lại như vậy? Có thể trễ hơn một tí thôi mà …”, cô bỏ lửng câu nói.
Theo Vietnamnet
Có thể bạn quan tâm
- Dàn diễn viên Đất Phương Nam ngày ấy, bây giờ
- Vừa ra MV Sốc nhiệt, Hoàng Yến Chibi bất ngờ công bố sẽ phát hành EP
- Chân dung nam ca sĩ "đông vợ con nhất làng nhạc Việt", 82 tuổi vẫn phong độ