Cơ Hội Đến Tập 15: Dự án đến từ 3 người chơi đề cao lợi ích xã hội

Tập 15 Cơ Hội Đến vừa được lên sóng vào tối ngày 29/09 đã mang đến cho khán giả phần đối đầu đầy kịch phần kịch tính đến từ 3 dự án kinh doanh khác nhau.

Các người chơi đã đưa ra những kế hoạch kinh doanh chi tiết để thuyết phục nhà tư vấn để giành được số vốn từ chương trình. Kế hoạch chi tiết, rõ ràng cùng những ý tưởng hấp dẫn, các người chơi đã tạo được sự ấn tượng với nhà tư vấn thông qua những phần tranh luận nảy lửa. Để chạm tay đến số vốn hỗ trợ của chương trình, người chơi phải trải qua 3 cấp độ thi gồm: Thuyết phục, Thu phục và Chinh phục.

Đến với vòng thi đầu tiên mang tên Thuyết phục, 3 người chơi phải trình bày về kế hoạch kinh doanh của mình để có thể mang đến cho nhà tư vấn có một cách nhìn tổng quát về từng dự án. 

Người chơi đầu tiên là bạn Thanh Nguyên, 24 tuổi đến từ Kiên Giang. Tốt nghiệp ngành quản trị nhà hàng khách sạn, Thanh Nguyên ấp ủ ý tưởng kinh doanh này từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là dự án Lin Cleaning - dịch vụ vệ sinh dọn dẹp trọn gói. Mô hình được thực hiện và phát triển tại Kiên Giang với mục đích tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Với lợi thế về ngành học, Thanh Nguyên tự tin nắm được quy trình dọn dẹp, vệ sinh một cách đúng tiêu chuẩn. Cô nàng hy vọng khi tham gia chương trình, mô hình sẽ được nhiều người biết đến, tạo việc làm cho học sinh, sinh viên, người lao động. Đồng thời nếu nhận được số tiền hỗ trợ từ chương trình, người chơi sẽ mua thêm đồng phục, thẻ tên, trang thiết bị, hóa chất dọn vệ sinh phục vụ cho dự án.

Tiếp theo là người chơi Phan Văn Chao với dự án phát triển dự án khô cá đồng Phan Chao. Lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, nơi có nhiều sông, kênh, lượng cá đồng lớn, anh Phan Chao đã tận dụng và từ đó phát triển mô hình khô cá đồng của mình. Giá thành sẽ là một yếu tố cạnh tranh hấp dẫn của dự án vì nguồn nguyên liệu được thu mua trực tiếp từ người dân đánh bắt.  Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được anh Chao chú trọng hàng đầu. Nếu nhận được hỗ trợ, anh sẽ sử dụng cho việc mua sắm thiết bị cụ thể là tủ đông, tiếp theo là xây dựng website, đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Cuối cùng là dự án đến từ chị Mỹ Dũng với mô hình kinh doanh may gia công tại Vĩnh Long. 12 năm trong nghề may mặc và thành thạo nhiều khâu, mặt hàng khác nhau, chị Mỹ Dung tự tin với các sản phẩm do cơ sở mình sản xuất. Đơn hàng ổn định vì giá cả gia công hợp lý, tay nghề thợ cao, chị Mỹ Dung mong nhận được hỗ trợ để mua sắm thêm máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu.

Sau phần trình bày về mô hình kinh doanh và hướng phát triển của từng dự án, người chơi sẽ đến với phần tranh luận. Đây là lúc để nhà tư vấn có thêm nhiều dữ kiện và cơ sở để tạo tiền đề đưa ra quyết định xem đâu là dự án xứng đáng nhận được sự hỗ trợ từ chương trình.

Kết thúc phần tranh luận, mỗi đội chơi chỉ được chọn 1 đội duy nhất mà chúng ta dành sự ủng hộ cho dự án của đội đó. Mỗi đội chơi chỉ có 1 phiếu ủng hộ, riêng nhà tư vấn có được 2 phiếu ủng hộ. Hai người chơi nhận được số phiếu ủng hộ cao nhất sẽ bước tiếp vào vòng sau với cấp độ 2 vòng thi Thu phục.

Qua phần bỏ phiếu từ người chơi, người chơi Mỹ Dung là người chơi đầu tiên bước vào cấp độ 2 khi nhận được 3 phiếu ủng hộ (1 phiếu nhà tư vấn và 2 phiếu từ người chơi). Vì cùng nhận được cùng số phiếu là 1, quyền đi tiếp của người chơi Thanh Nguyên và Phan Văn Chao sẽ phụ thuộc vào quyết định nhà tư vấn. Cuối cùng, người chơi Phan Văn Chao nhận được cái gật đầu của nhà tư vấn. Điều đó đồng nghĩa người chơi Thanh Nguyên phải nói lời chia tay chương trình và nhận được một món quà nhỏ cùng lời góp ý từ nhà tư vấn.

Giữ vai trò nhà tư vấn cho tập 15 Cơ Hội Đến chính là doanh nhân - NSƯT Vũ Thành Vinh. Anh hạnh phúc khi chương trình Cơ Hội Đến ra đời kịp thời, đúng lúc, giúp đỡ được phần nào cho nhiều đối tượng vượt qua sự khó khăn trong cuộc sống, giúp họ có thêm vốn để kinh doanh, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh vô cùng khó khăn như hiện tại.

Với câu hỏi “kinh nghiệm giúp ích gì cho việc kinh doanh?”, chị Mỹ Dung cho biết nó giúp cho chị tạo ra được sản phẩm chất lượng. Phía anh Phan Văn Chao thì cho rằng kinh nghiệm giúp anh nhìn được toàn diện mô hình, từ đó có những hoạch định cho tương lai.

Ngoài kinh nghiệm, chị Mỹ Dũng nghĩ rằng thái độ với người lao động, chuyên môn lĩnh vực, lợi ích xã hội mà mô hình mang lại là một phần không thể thiếu giúp thành công trong kinh doanh. Anh Phan Văn Chao thì chú trọng đến mô hình kinh doanh, sự tử tế và giá trị tạo ra cho xã hội.

Nhà tư vấn NSƯT Vũ Thành Vinh bổ sung, ngoài kinh nghiệm, ý tưởng, vốn, mục tiêu, thị trường thì yếu tố quản trị cũng rất quan trọng trong 1 doanh nghiệp.

Xem xét từng dự án, doanh nhân - NSƯT Vũ Thành Vinh gợi ý anh Phan Chao nên nuôi cá theo phương pháp mới mà vẫn đảm bảo chất lượng vì nguồn nguyên liệu tự nhiên là có hạn. Đồng thời, nên tập trung tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm. Với chị Kim Dũng, nhà tư vấn mong chị sẽ mở rộng tầm nhìn và nên đặt tên cho cơ sở kinh doanh của mình.

Kết thúc cấp độ 2, nhà tư vấn quyết định lựa chọn mô hình của chị Mỹ Dung bước vào cấp độ 3. Chương trình đành nói lời chia tay với người chơi Phan Văn Chao. Người chơi nhận được một món quà nhỏ cùng lời góp ý từ nhà tư vấn.

Tại cấp độ 3, người chơi Mỹ Dung đã lựa chọn ngẫu nhiên 1 trong 3 cánh cửa tương ứng với số vốn là 20 triệu, 25 triệu và 30 triệu đồng. Cuối cùng, người chơi nhận được số vốn 25 triệu đồng từ chương trình.

Sau 15 tập phát sóng, chương trình Cơ Hội Đến đã mở ra nhiều cơ hội cho những nhiều đối tượng từ kinh doanh hộ gia đình đến những người trẻ đầy đam mê và nhiệt huyết. Không chỉ “cứu cánh” nhiều dự án đang đứng trước những khó khăn trong mùa dịch bệnh, Cơ Hội Đến còn mang đến những câu chuyện đằng sau đầy thú vị, đôi khi là những giọt nước mắt đầy xúc động. Không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất, chương trình còn lan tỏa nhiều thông điệp giá trị trong kinh doanh lẫn cuộc sống, khích lệ người kinh doanh, người lao động tận tâm, chí thú làm ăn, vượt khó khăn thoát nghèo khó.

Cơ Hội Đến do Đài truyền hình TP.HCM và Công ty Truyền thông Khang phối hợp sản xuất

Song Minh theo HTV

Tin liên quan

Cơ Hội Đến , lao động nghèo , covid