“Cóc linh tuệ giác” của Nguyễn Hiếu Tín - Sự hiểu muôn chiều về văn hóa Việt

Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín (Trưởng Bộ môn Du Lịch, Trường đại học Tôn Đức Thắng) vừa cho ra mắt đứa con tinh thần thứ ba của mình với tác phẩm “Cóc Linh Tuệ Giác” do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín hiện là Trưởng Bộ môn Du Lịch, Trường đại học Tôn Đức Thắng, TPHCM

Vốn là một giảng viên chuyên giảng dạy về văn hóa Việt Nam, hơn nữa tác giả cũng là một nhà sưu tập có tiếng với khá nhiều hiện vật, vật phẩm liên quan đến văn hóa dân tộc, điều này đã trở thành nguồn tư liệu dồi dào, là động lực, thôi thúc anh phải khám phá, tìm hiểu, học tập và kết quả anh cho ra đời tác phẩm này với những điều khao khát đó.

Tác giả Nguyễn Hiếu Tín cùng “đứa con tinh thần” thứ ba của mình “Cóc Linh Tuệ Giác”

Quyển sách “Cóc linh tuệ giác”, gồm 7 bài viết với những sự vật, hiện tượng khá gần gũi, bình dị với chúng ta, như những chủ đề về: con cóc, con rùa, ông Địa, nụ cười của Bờm, lũy tre làng, mặt nước quê hương,..  Có thể thấy đó là những hình tượng văn học xen kẽ hình tượng mỹ thuật và cả hình tượng văn hoá dân gian mà chỉ cần ai đó nhắc đến là ta đã hình dung ra các nét khôi hài cũng như trang trọng của nó. Sự kết hợp các hình tượng này đem đến những suy tư nhiều chiều khi khám phá trong những cái tưởng như là “tầm thường” thậm chí “ngô nghê” nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt như: trí tuệ của cóc, linh thiêng của rùa, nụ cười minh triết của Bờm,.. 

Bìa sách 

Theo tác giả Nguyễn Hiếu Tín, tiền nhân không dạy con cháu mình bằng hệ thống lý luận, nhưng bằng những hình ảnh, những câu chuyện kể, đã khắc sâu vào tiềm thức và siêu thức của nhiều thế hệ. Những câu nói sắc gọn, dễ hiểu dễ nhớ, những câu chuyện nghe vui tai nhưng thâm thúy, những hình tượng giản dị, quen thuôc nhưng gửi gấm những ước vọng, ý nghĩa thanh cao, tốt đẹp. Thiết nghĩ, nếu được tiếp cận, học tập với lối tư duy giáo dục bằng những hình ảnh ẩn dụ đó của tiền nhân, thì thế hệ trẻ càng lớn càng học hỏi thì hình ảnh ấy càng bật sáng trong suy tư và hành động. Nhà văn Võ Diệu Thanh đã chia sẻ về tập sách: “Tôi tự hỏi đọc bao nhiêu sách, đi bao nhiêu nơi, nghiền ngẫm bao nhiêu đời sống thì tác giả mới làm nên cuốn sách này. Hình như là phải mất mấy mươi năm dưới một con mắt tinh nhạy và đầy mong muốn, đầy hòa nhập cũng đầy sự thấu hiểu. Thật sự  đúng là tốn mấy mươi năm. Hẳn là trong  hồ lô của một thầy giáo ham học suốt nhiều năm dài có nhiều thứ giá trị  khác nữa nhưng chắc chắn trong đó có quá nhiều món liên quan tới cóc, rùa, nước , bờm, về lũy tre làng hay những đề tài khác có trong sách”.

Thế giới đang mở rộng ra trước mắt các bạn trẻ và tuổi trẻ là tuổi khám phá. Các bạn hãy khám phá cái mới trước mắt, nhưng đôi lúc cái mới nhiều khi nằm ngay nơi bước chân khởi hành của mình, và điều kỳ diệu hơn cả - cái mới lại chính là cái cũ - những di sản văn hóa của tiền nhân mà chúng ta cần phải khám phá. Quyển sách này với mong muốn khiêm tốn là được san sẻ với các bạn trẻ sự khám phá vô cùng thích thú đó. Hy vọng tác phẩm này sẽ là lời mời gọi, gợi mở, tìm kiếm sự đồng cảm của các bạn trẻ hướng về cội nguồn văn hóa Việt.

Anh Anh

 

Cóc linh tuệ giác , Nguyễn Hiếu Tín , Trường đại học Tôn Đức Thắng