Cục trưởng Xuân Bắc: 'Không ít người đang mang các cuộc thi sắc đẹp ra bày bán'

"Không thể coi các cuộc thi sắc đẹp là sản phẩm văn hóa bày bán ngoài chợ. Nếu cứ thả nổi, mạnh ai nấy làm chúng ta sẽ đánh mất bản sắc, đánh mất luôn cả giá trị thật của cái đẹp", NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ.

Tại tọa đàm Lạm phát hoa hậu do Báo VietNamNet tổ chức, NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) có những chia sẻ thẳng thắn trên cả hai vai trò: người làm quản lý và người đàn ông yêu cái đẹp.

"Tôi rất thích hoa hậu nhưng chỉ cần một hoa hậu thôi, đó là người đang ở nhà chăm ba đứa con cho tôi!”, nghệ sĩ hài hước mở đầu phần phát biểu của mình.

W-A58I5032.jpg

 

NSND Xuân Bắc. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Dưới góc nhìn cá nhân, anh cho rằng nhu cầu tôn vinh cái đẹp là rất chính đáng, kể cả ở phạm vi cộng đồng nhỏ với những tiêu chí riêng. Tuy nhiên, nếu bàn về các danh hiệu sắc đẹp mang tầm quốc gia, đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trên trường quốc tế thì không thể dễ dãi.

"Chúng ta cần một thước đo chung về giá trị sắc đẹp, không thể để tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu, mạnh ai nấy làm rồi danh xưng hoa hậu bị lạm dụng đến mức gây phản cảm", NSND Xuân Bắc nói.

Anh bày tỏ lo ngại về thực tế hiện nay, khi một số cá nhân sau khi đăng quang đã vướng phải phản ứng tiêu cực từ dư luận như: "Hoa hậu gì mà mắt trố thế?", hay bị nghi ngờ "mua giải". Theo anh, chính sự dễ dãi trong tiêu chí và cách tổ chức khiến danh hiệu vốn được trân trọng trở thành trò tiêu khiển của mạng xã hội.

Cần sớm sửa đổi hành lang pháp lý

Ở vị trí Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD), NSND Xuân Bắc cho biết cơ quan quản lý đã nhận được chỉ đạo từ Bộ trưởng Bộ VHTT&DL yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi Nghị định 144, đặc biệt là phần liên quan đến tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu.

"Nghị định hiện hành đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế. Chúng tôi đang tích cực tham vấn ý kiến từ các chuyên gia, nhà báo, đơn vị tổ chức để làm sao khi sửa đổi, phải tạo ra được một hành lang pháp lý có sức sống, vừa đảm bảo quản lý hiệu quả vừa thúc đẩy phát triển lành mạnh", anh khẳng định.

NSND Xuân Bắc cũng chỉ rõ, nghệ thuật biểu diễn không thể được xem như một loại hàng hóa thông thường bởi nó tác động trực tiếp tới nhận thức, cảm xúc của cộng đồng.

''Thật tiếc là hiện nay có không ít người coi những sản phẩm văn hóa đáng lẽ phải được trân trọng, bảo vệ lại mang ra giao lưu, bày bán như một loại hàng hóa bình thường điều đó rất nguy hiểm.

Bên cạnh những tiêu chuẩn, tiêu chí riêng ở phạm vi nhỏ như các cộng đồng, tổ chức, chẳng hạn như cuộc thi Hoa hậu của báo Tiền Phong vốn đã có uy tín lâu năm, đứng ở góc độ quản lý nhà nước và với vai trò những người quan tâm đến dư luận, phản biện xã hội, chúng ta còn có trách nhiệm định hướng.

Không thể để các cuộc thi hoa hậu bị cuốn vào môi trường cạnh tranh như thể đang cạnh tranh hàng hóa ngoài chợ. Phải biên tập, tổ chức, kiểm soát lại để bảo đảm sự phù hợp, tạo điều kiện tốt để phát huy và phát triển nhưng tuyệt đối không được buông lỏng vai trò quản lý nhà nước'', NSND Xuân Bắc nêu quan điểm.

W-A58I4778.jpg

Tổng biên tập báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá tặng hoa cho Cục trưởng Cục NTBD Xuân Bắc - một trong 3 khách mời của bàn tròn ''Lạm phát hoa hậu''. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Ai xứng đáng đại diện nhan sắc Việt Nam?

Một trong những câu hỏi lớn được NSND Xuân Bắc đặt ra là: ai cho phép một cá nhân được xưng danh “đại diện nhan sắc Việt Nam” tại các đấu trường quốc tế?

Anh cho biết từng nhiều lần đặt câu hỏi khi thấy báo chí giật tít: "Nhan sắc Việt chinh chiến quốc tế", "Hoa hậu Việt Nam tỏa sáng ở Miss... gì đó". Nhưng thực chất, nhiều người trong số này không được cơ quan có thẩm quyền công nhận hay cử đi.

"Nếu không có tiêu chuẩn chung, đúng ra chỉ nên gọi là 'đại diện của công ty A đến từ Việt Nam'. Còn nếu đã xưng danh là đại diện quốc gia, người đó phải có trí tuệ, bản lĩnh và bản sắc văn hóa của phụ nữ Việt hiện đại chứ không thể tùy tiện", NSND Xuân Bắc nói rõ.

Anh cũng cho rằng nhiều danh hiệu hiện nay bị "loạn xưng", gây nhầm lẫn trong dư luận. Một số đơn vị tổ chức các cuộc thi mang danh quốc tế nhưng chưa minh bạch về pháp lý, khiến việc chọn đại diện đi thi trở nên méo mó.

"Liệu ta đang 'pha loãng' hay muốn 'đậm đặc' hoa hậu. Nếu gọi là 'pha loãng' thì hiện nay đã đủ loãng chưa, hay cần đến... 80 nàng hậu mỗi năm mới gọi là loãng? Ngược lại, nếu hướng tới một sự 'đậm đặc', có giá trị thì cần rõ ràng bao nhiêu cuộc thi, bao nhiêu danh hiệu mỗi năm là đủ, để đảm bảo tôn vinh đúng nghĩa? Ở đây, không phải là 'tôn thờ' hoa hậu mà là tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của vẻ đẹp đó. Và khi xã hội xác định được những giá trị ấy là đáng trân trọng, đáng được ghi nhận khi ấy, những cuộc thi sắc đẹp mới có ý nghĩa đúng đắn", NSND Xuân Bắc phân tích. 

Anh cho biết Cục NTBD thường xuyên nhận được văn bản xin ý kiến từ các địa phương khi tổ chức thi người đẹp. Với tinh thần cầu thị, đồng hành, cơ quan này luôn hướng dẫn cụ thể trong phạm vi thẩm quyền.

"Tôi không đổ lỗi cho địa phương. Thực tế nhiều cán bộ, chuyên viên ở Sở làm việc rất tận tâm. Khi các địa phương gặp vướng mắc trong quá trình tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu, họ luôn chủ động gửi văn bản xin ý kiến Cục NTBD. Nếu vấn đề thuộc phạm vi quản lý của chúng tôi, đặc biệt liên quan đến Nghị định 144, do Cục tham mưu để Bộ trình Chính phủ ban hành, chúng tôi đều có văn bản hướng dẫn kịp thời. Vấn đề là thực tế phát sinh ngày càng nhiều tình huống mới, vượt ngoài dự liệu của các quy định hiện hành. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi kịp thời, không để mọi thứ trượt dài rồi mới xử lý", anh nói thêm.

NSND Xuân Bắc cho rằng đã đến lúc cần tổ chức lại hệ thống cuộc thi sắc đẹp ở cả hai khía cạnh: pháp lý và nhận thức xã hội.

"Một văn bản pháp lý chỉ phát huy giá trị khi nó thực sự đi vào cuộc sống, tạo động lực phát triển. Chúng tôi không làm luật để trói tay đơn vị tổ chức mà để định hướng, tạo điều kiện cho cái đẹp được phát huy đúng cách", anh nói.

Anh cũng cho biết ngay sau buổi bàn tròn của VietNamNet, Cục NTBD sẽ tổ chức các buổi làm việc chuyên sâu với báo giới, chuyên gia, đơn vị tổ chức để lắng nghe thêm ý kiến.

"Tôi tin rằng, nếu tất cả cùng có trách nhiệm cùng muốn hướng tới giá trị thật trong tương lai gần, chúng ta sẽ không còn phải nghe những cụm từ như 'loạn hoa hậu', 'hoa hậu mua giải' nữa. Thay vào đó, sẽ là niềm tin vào những cuộc thi sắc đẹp tử tế, bài bản và xứng đáng", NSND Xuân Bắc khẳng định.

Theo VietNamNet

Cục trưởng Xuân BắC , cuộc thi sắc đẹp ra bày bán