Danh ca Chí Tâm: Đam mê nghệ thuật chưa bao giờ vơi cạn!

Vai Điệp trong vở cải lương "Lan và Điệp" của soạn giả Loan Thảo đã trở thành một dấu son trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ Chí Tâm. Năm tháng dẫu hằn lên nếp nhăn và những sương gió của tháng ngày bôn ba nhưng những ký ức về quãng đời được sống hết mình với nghiệp diễn vẫn còn đọng mãi trong ông.

Thu âm đĩa Lan và Điệp trong hai ngày

Năm lên 6 tuổi, nghệ sĩ Chí Tâm đã làm quen với ca cổ. Yêu cải lương, nghiệp vận vào ông lúc nào chẳng hay. Ông nổi danh với hàng trăm vai diễn ở các đoàn hát như: Tinh Hoa, Dạ Quang Chung, Kim Chung... Trong số gia tài vai diễn của mình, bên cạnh vai Đông Sơn thiền sư trong Đường gươm Nguyên Bá, Chí Tâm được khán giả nhớ đến nhiều nhất qua vai Điệp.

Danh ca Chí Tâm

Năm 1972, máy móc phục vụ cho công việc thu âm chưa phát triển hiện đại như bây giờ nên việc thu âm của các nghệ sĩ có phần khó khăn hơn. Căn gác nhỏ trên một căn nhà ở đường Hồ Tùng Mậu là nơi nghệ sĩ Chí Tâm thường lui tới để thu âm tiếng hát của mình.

Đĩa CD cải lương "Lan và Điệp"

Chỉ vỏn vẹn trong hai ngày, nghệ sĩ Chí Tâm và Thanh Kim Huệ đã hoàn thành xong đĩa thu. Trước đó, để việc thu âm được thuận lợi, họ chỉ tập dượt với nhau đôi dòng. Thời đó, người rành kỹ thuật thu âm khan hiếm nên phải thuê người từ Hồng Kông sang để thực hiện công việc này.

Nghệ sĩ Chí Tâm và NSƯT Thanh Kim Huệ tái diễn trích đoạn Lan và Điệp trong live show "Niềm đam mê chưa cạn"

Bất đồng về ngôn ngữ, thời gian thực hiện bị bó hẹp nhưng chỉ sau một tháng phát hành, đĩa Lan và Điệp đã nổi tiếng khắp nơi. Chí Tâm cũng như nhiều nghệ sĩ cải lương đương thời, họ lao động nghệ thuật bằng một thái độ nghiêm túc và lòng say mê với nghề. Cậu học trò nhỏ ngày nào khăn gói từ quê nhà lên Sài Gòn học ca cổ với nhạc sĩ Bảy Bá tức soạn giả NSND Viễn Châu, và sau đó học với nhạc sĩ Út Châu (soạn giả Yên Sơn) đã không phụ ơn thầy. 

Danh ca Chí Tâm thời trẻ

Những vai diễn, những đĩa hát của ông đều được đón nhận và được sự đồng cảm của nhiều người. Sau bao nhiêu năm, tiếng hát đó khi cất lên vẫn khiến người ta rưng rưng xúc động. Những câu hát không chỉ thuộc về một thời. “Đến giờ, tôi vẫn giữ lại những đĩa thu âm ngày đó. Dẫu không còn đĩa nào có thể sử dụng để nghe được nhưng tôi nâng niu chúng như những món quà vô giá của thời gian”, nghệ sĩ Chí Tâm chia sẻ. Dù ông rời Việt Nam đã lâu, ngoài lớp khán giả cũ, nhiều khán giả trẻ cũng ái mộ giọng ca của ông qua những băng đĩa chủ yếu thu từ trước năm 1975 để lại. Ông nói, đời nghệ sĩ nhận được sự trân trọng từ khán giả như thế đó đã là niềm hạnh phúc lớn lao.

Mong ước bình dị

Trong câu chuyện của mình, ông lại không giấu được niềm trăn trở khi khán giả ngày càng ít tìm đến với cải lương, tuồng cổ. “Việc duy trì hoạt động âm nhạc truyền thống ở nước ngoài thật không phải dễ dàng nhưng tôi sẽ cố gắng khi còn có thể. Nếu được chọn lại, tôi vẫn muốn chọn con đường âm nhạc truyền thống”, nghệ sĩ Chí Tâm bộc bạch.

Danh ca Chí Tâm trong vở "Đường gươm Nguyên Bá"

Năm 2015, nghệ sĩ Chí Tâm hội ngộ khán giả Việt Nam sau nhiều năm xa cách. Đêm diễn Niềm đam mê chưa cạn của ông để lại dấu ấn trong lòng người yêu cải lương, yêu chất giọng nhẹ nhàng như chất chứa nỗi niềm của chàng “Điệp” năm nào. Những năm định cư ở Pháp rồi qua Mỹ, nỗi niềm tha thiết về quê hương luôn đau đáu trong ông. Ở Mỹ, nghệ sĩ Chí Tâm mở phòng thu, mở lớp dạy nhạc cổ và sáng tác tân nhạc lẫn nhạc cổ. Không chỉ sở hữu giọng ca ấn tượng, Chí Tâm còn có thể chơi 5 loại nhạc cụ. Với vốn kiến thức sâu rộng về cổ nhạc và tân nhạc, trong hơn 5 năm, Chí Tâm phụ trách chương trình Tiếng tơ đồng (phát sóng mỗi thứ bảy hàng tuần trên kênh truyền hình của người Việt) giới thiệu, giảng giải âm nhạc truyền thống dân tộc đến cộng đồng người Việt khắp nước Mỹ.

Chí Tâm - Thanh Kim Huệ

Chương trình này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán, thính giả. Đây là chương trình trò chuyện về đờn ca tài tử, mỗi số đưa ra một thể điệu, phân tích nguồn gốc, xuất xứ, cách hát ra sao, sử dụng trong ngữ cảnh nào và ông cùng nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh hát minh họa. Bước qua tuổi 63, “chàng Điệp” năm nào vẫn giữ được ngọn lửa đam mê với nghề. Chí Tâm cũng đã thực hiện 6 DVD dạy guitar cổ nhạc. Những công việc đó không chỉ giúp ông mưu sinh mà còn giúp ông giữ được “hồn Việt” giữa nơi đất khách quê người. Sau những ồn ào, náo nhiệt của đời sống, nghệ sĩ Chí Tâm có những khoảng lặng dành cho nghệ thuật.

Chí Tâm viếng mộ NSND Phùng Há

Cuộc đời ông cũng không ít chật vật, lận đận. Ấy vậy mà nhắc chuyện xưa, ông chỉ nói về niềm vui với nghề chứ không nói nhiều về biến cố trên đường đời. Bởi, với ông, hiện tại đã an yên với bến đỗ bình yên bên bà Minh Tuyền cùng những người con ngoan hiền.

Chí Tâm cùng bà xã Minh Tuyền và các con

Tết Bính Thân vừa qua, hai vợ chồng trở Chí Tâm về Việt Nam để được hưởng không khí sum vầy. Có lẽ, không phút giây nào nơi xa ông nguôi nỗi nhớ quê nhà. Hỏi chuyện ông có hối tiếc những danh vọng của ngày xưa. Ông cười hiền, lắc đầu. “Một thời, tôi đã sống hết mình vì nghệ thuật. Bây giờ, dẫu không còn được đứng trên sân khấu thường xuyên như xưa nhưng với tôi, ngọn lửa đam mê chưa bao giờ vơi cạn. Vậy là đủ cho một đời”.

(Theo Yên Hà/ Giáo dục TPHCM)

Photo: Minh Hoàng

 

 

Chí Tâm