Đạo diễn Thanh Hiệp: “Âm nhạc truyền thống không chết trên xứ người”

Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam lần IV tổ chức tại Paris – Pháp đã khép lại, đạo diễn Thanh Hiệp tham dự với tư cách đoàn nghệ sĩ đến từ TP HCM do NSND Phương Bảo làm trưởng đoàn đã có những chia sẻ về sự kiện văn hóa này.

Truyền niềm đam mê cho giới trẻ

Theo đạo diễn Thanh Hiệp, Đại hội để lại nhiều dấu ấn đẹp, nhiều lời khen ngợi cùng với nhiều kinh nghiệm quý báu cho ban tổ chức.

Đạo diễn Thanh Hiệp và nhóm FAVIC tại Pháp - gồm những người ngoại quốc hát nhạc dân ca Việt Nam.

“Hai năm một lần đại hội này được tổ chức tại một quốc gia có đông kiều bào sinh sống. Năm 2015 đại hội tổ chức tại Úc, năm nay tổ chức tại Pháp. Và năm 2019 sẽ tổ chức tại quận Cam – tiểu bang California – Mỹ. Tôi thật sự biết đến đại hội và cám ơn giáo sư Phương Oanh vì những ý tưởng nghệ thuật độc đáo để đại hội này khẳng định được nhiều vị thế. Giáo sư Phương Oanh có trên 50 giảng dạy âm nhạc truyền thống trên xứ người, từ tâm lực của bà đã gầy dựng một thế hệ nghệ sĩ, giáo sư trẻ tiếp nối truyền thống giữ gìn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt tại các nước như: Mỹ, Pháp, Canada, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh quốc…Nghệ sĩ Kim Uyên là học trò xuất sắc của giáo sư Phương Oanh, là người đã sáng lập đại hội” – đạo diễn Thanh Hiệp kể.

Chương trình hoà nhạc đêm bế mạc đại hội

Khẳng định một đại hội có chiều sâu và để lại ấn tượng đẹp khi nghệ sĩ Kim Uyên, giáo sư Phương Oanh đã tiến cứ nghệ sĩ trẻ Lý Diệu Sang làm công tác tổ chức. Đây là một người nghệ sĩ trẻ có tâm huyết với âm nhạc truyền thống, Lý Diệu Sang đã nhận được sự giúp đỡ của một ê kíp là những người học trò của Giáo sư Phương Oanh, đồng thời cũng là những thành viên đến từ 9 đoàn văn nghệ dân tộc tham dự đại hội. Trong số đó có bác sĩ, nghệ sĩ Hồng Việt Hải (trưởng đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt tại Seattle – Mỹ).

GS Phương Oanh, NS Lý Diệu Sang và NS Kim Uyên tại đại hội

Từ cầu nối đầy trách nhiệm của những người trẻ biết quý trọng âm nhạc truyền thống Việt, những khó khăn về nhiều mặt đã không bó chân họ. Đại hội lần 4 thật sự tạo tiếng vang từ những tâm huyết muốn gầy dựng và truyền trao kinh nghiệm biểu diễn, dạy học để âm nhạc truyền thống Việt không bị mai một.

Đạo diễn Thanh Hiệp và NS Thanh Lê (Đức)

“Phải nói là tinh thần của đại hội chính là truyền đam mê, nhiệt huyết cho giới trẻ, gợi cho họ sự yêu mến âm nhạc truyền thống, đờn ca tài tử, nên ngày đầu tiên với việc các giáo sư giới thiệu về âm nhạc ba miền, đã thật sự mang lại không gian ấm áp tình thầy trò, tình nghệ sĩ. Khiến quê hương rất gần dù các nghệ sĩ đang tề tựu tại kinh đô ánh sáng – thủ đô Paris tráng lệ. Tôi xúc động khi nhìn thấy các giáo sư: Ngọc Dung, Nguyễn Mai, Phương Oanh, Kim Uyên, Hồ Thụy Trang, NSND Phương Bảo, NS đàn tỳ bà Nguyễn Thanh, NS Ngọc Châu (vợ của Giáo sư Nguyễn Văn Đời) và nghệ sĩ Thanh Lê (em gái giáo sư Phạm Đức Thành) đã có các tiết mục trình tấu, đặc biệt là 3 buổi nói chuyện chuyên đề về âm nhạc 3 miền: Bắc – Trung - Nam rất phong phú. Các giáo sư đã khái quát trong việc giới thiệu cho mọi người âm nhạc truyền thống của 3 miền. Mà đối tượng khán giả tham dự đại hội khá đa dạng. Có cả khán giả Pháp đến xem và theo dõi say mê. Tất cả những điều đọng lại, chính là gợi cho giới trẻ ý thức bảo tồn những di sản văn hóa nghệ thuật của ông cha để lại, dù sống ở quốc gia nào”.

Lĩnh hội từ lời thầy

Đạo diễn Thanh Hiệp và GS Ngọc Dung tại đại hội

Buổi hội thảo thật sự là dịp tốt để các giáo sư và các đại diện của 9 đoàn văn nghệ dân tộc chia sẻ kinh nghiệm và nêu ý kiến của mình về một chủ đề: “Làm sao để âm nhạc dân tộc được duy trì và phát triển trong bối cảnh hiện tại?”.

Đạo diễn Thanh Hiệp hội ngộ NS Gérard (Pháp) đàn kìm

Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản, nhưng lại chất chứa biết bao tâm sự muốn được chia sẻ từ người dạy và người học. Giáo sư Ngọc Dung nói: “Nhiều em tìm đến tôi chỉ muốn học một vài bài để áp dụng cho việc hòa âm phối khí những bài hát mang âm hưởng ngũ cung, nhưng tôi nói muốn áp dụng cái đó vào âm nhạc hiện đại thì phải học 3 nam, 6 bắc và 20 bài bản tổ của đờn ca tài tử, nghe qua các em thấy sợ, nhưng sau khi học thì mê, và theo luôn”. NSND Phương Bảo chia sẻ thêm: “Dạy và học âm nhạc truyền thống hiện nay rất cần cái Tâm. Thầy dạy cũng phải nương theo sở thích của trò, không quá rập khuôn. Nhất là luôn cập nhật giáo trình giảng dạy. Với kinh nghiệm hơn 50 năm gắn bó với bục giảng, mỗi thầy đều có những cách dạy riêng, làm sao để các học trò bền bỉ với nghề và học một cách có bài bản, cảm thụ từng ngón đờn, nhấn nhá mang hơi thở của tâm hồn Việt”.

Đạo diễn Thanh Hiệp và NS Kim Uyên, Hồng Việt Hải 

Bác sĩ – nghệ sĩ Hồng Việt Hải có 16 năm gầy dựng đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt tại Seattle Mỹ (anh đã được bảo tàng tượng sáp Việt vinh danh bằng bức tượng ngồi cạnh giáo sư Phương Oanh – người học trò xuất sắc của GSTS Trần Văn Khê): “Có nhiều em học giữa chừng vì công việc gia đình, học tập đã nghỉ, tôi vẫn thuyết phục, liên lạc thường xuyên, để khi em có thể sắp xếp thì quay lại học đàn. Cứ thế 16 năm qua, tôi có rất đông học trò, họ làm nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng đều đặt trái tim vào âm nhạc truyền thống. Hàng năm chương trình “VN sắc hương xưa” tổ chức tại Seattle, thì họ lại tụ họp về. Tôi mời nhiều nghệ sĩ trong nước sang cùng giao lưu biểu diễn, đó là một hướng đi để chúng tôi góp phần bảo tồn âm nhạc truyền thống trên xứ người” – đạo diễn Thanh Hiệp thuật lại.

Đạo diễn Thanh Hiệp và các NS tham dự đại hội

Đạo diễn Thanh Hiệp quá xúc động khi chứng kiến 80 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ các đoàn văn nghệ dân tộc: Hướng Việt, Phượng Ca, Tiếng Vọng Quê Hương, Tiếng Tơ Đồng, Tre Việt, FAVIC đã cùng biểu diễn chương trình nghệ thuật trong đêm bế mạc. Nhiều khán giả đã bậc khóc khi nghe học trò của Giáo sư Ngọc Dung ca vọng cổ do chính thầy mình đệm. Tại đại hội còn có cuộc thi đàn tranh với hơn 20 thí sinh đến từ nhiều quốc gia, hệ 5 năm giải nhất thuộc về em Nguyễn Thị Lan Anh (16 tuổi, bị khiếm thị) đến từ quận Bình Tân – TP HCM. Hai em Ly Ly và Quỳnh Như đoạt giải nhất đồng hạng hệ đào tạo 3 năm. “Tôi quá xúc động vì đại hội đà thực hiện được một điều thiêng liêng, đó là trao truyền cho thế hệ trẻ những giá trị cần phải gìn giữ, đó là chuẩn mực trong đàn và ca, để thế hệ trẻ tự tin tiếp nối con đường ươm mầm tài năng, từ đó nhân rộng hiệu quả trên khắp các quốc gia có đông kiều bào sinh sống” – đạo diễn Thanh Hiệp nhấn mạnh.

NS Huỳnh Phi Thuyền và hai con đến từ Oslo - Na Uy

Quay về VN với niềm vui sau những ngày tham dự đại hội, với đạo diễn Thanh Hiệp, điều anh lưu luyến chính là rồi đây khi những thầy cô tóc đã ngã màu bạc, có còn đồng hành với học trò. Nhưng anh tin chắc dòng chảy bảo tồn và ươm mầm âm nhạc truyền thống trên xứ người sẽ mãi mãi tiếp nối.

MC Minh Hiệp và NSND Phương Bảo tại đại hội

GS Phương Oanh và các NS tham dự đại hội

NS Lý Diệu Sang và NS Hồ Thụy Trang

Đạo diễn Thanh Hiệp và các NS đến từ Canada

 

Những người dốc sức vì âm nhạc truyền thống VN

Trong ê kíp của nghệ sĩ Lý Diệu Sang, anh đã nhận được sự giúp đỡ của các cộng sự như: Hạnh Dung, Vân Anh, Thùy An, Minh Khai, Béatrice, Anh Tiến, Quang Long, Hiếu Vincent, Nam Anh, Alex Hoàng Tuấn, Nhất Lập, Thi Nwin, Anh Sang, Quốc Khánh, Minh Hiền, Ngọc Ánh, Phạm Hải, Duy Anh, Nghiêm Quân, Hiệu Constant …trong đó còn có những người Pháp như: Tarik, Anojh, Ange, Mohamed Atlas và hai MC Phương Khanh (Pháp) và Minh Hiệp (Na Uy) đã dẫn chương trình chương trình rất sinh động và duyên dáng.

Uyên Uyên

Đạo diễn Thanh Hiệp