Đông Dương ngày ấy: "Chiêm nghiệm cuộc sống người Đông Dương"

Đông Dương ngày ấy là cuốn du ký, cũng là dòng hồi ức của tác giả Claude Bourrin về những năm 1898 – 1908. Tác phẩm đưa chúng ta trở về thời xưa cũ và chiêm nghiệm cuộc của những người sống vào thời kỳ đó

Tác phẩm có nhiều chi tiết thú vị, hài hước, lối kể chuyện dung dị, hóm hỉnh, nhẹ nhàng thể hiện cái nhìn cảm thông của tác giả với người dân Đông Dương. Một tư liệu quý cho bất cứ ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử theo một hướng nhìn mới lạ.

Khác với những cuốn sách khác về lịch sử, Đông Dương ngày ấy thực sự là một cuốn du ký thời “ông bà tôi” về xứ Đông Dương dưới nhãn quan của một nhà kịch nghệ, qua lăng kính của một con người làm nên nghệ thuật, thế giới xung quanh trở nên thú vị đến bất ngờ.

 Bạn có thể tìm thấy những trích đoạn hài hước, vui vẻ như: “Tôi khuyên ông không nên mua bánh ở cửa hàng Tầu A Pou Sium. Xin nói để ông biết họ đánh bóng bánh của họ như đánh bóng sàn nhà. Bánh như thế rất có hại cho bụng…” đến những nhận xét bất ngờ qua kinh nghiệm tuyển đầu bếp mà người Pháp dành cho người An Nam xưa: “ Nếu bạn cần đầu bếp, bạn đừng có thuê đầu bếp, chỉ cần tìm một người An Nam là được. Tìm rất dễ, cứ đứng bên cửa sổ, khi thấy người An Nam đầu tiên nào đi qua thì đó chính là đầu bếp mới của bạn đấy. Tất nhiên, người đó phải chấp nhận các điều kiện. Những phần việc còn lại là chỉ cần làm mẫu cho người đó hai hay ba lần là đủ.”

Chưa kể, những bất đồng ngôn ngữ giữa những người phụ nữ An Nam và các đấng quan lớn cũng là những chuyện bi hài “cười ra nước mắt” qua cách kể chuyện của Claude Bourrin “Thú tiêu khiển thích nhất ở Đồ Sơn là uống rượu khai vị bên suối. Để tới suối, những người châu Âu thường thuê những phụ nữ An Nam to khỏe cáng mình trên những chiếc cáng. Đó là những phụ nữ nói luôn miệng và khi tin chắc khách trên cáng không hiểu tiếng An Nam, họ liền nói vung lên, so sánh người trên cáng với những con vật mang ra chợ bán. Các vị du khách phục phịch hãnh diện về sự An Nam hóa của mình nhiều khi tưởng được gọi là quan-lon (quan= lớn) nhưng thực ra chỉ là con-lon (con lợn). Tiếng cười của những người đàn bà vui vẻ, sung sướng vì được chế giễu những vị khách Pháp, chắc chắn sẽ buộc người ngồi trên cáng phải cẩn trọng đối với sự chuyển ngữ.”

Không chỉ có những ghi chép kiểu bông đùa, hóm hỉnh, Claude Bourrin còn cẩn thận, tỉ mỉ ghi lại những vùng đất, con người nơi ông đi qua, sinh sống và làm việc. Từ Hải Phòng – Đồ Sơn  rồi đến đường sắt ở Thượng du Bắc Kỳ cho đến Lạng Sơn, Sài Gòn… mỗi một bước chân đi qua, là một câu chuyện được lưu lại.

Từ chợ hoa, nhà hát, sân khấu kịch, từ những tầng lớp bần cùng như người phu xe…đến tầng lớp quan lại, trí thức, vua Thành Thái… hiện lên trong Đông Dương ngày ấy với nhiều màu sắc “Thế là chúng tôi đã ở Huế. Khâm sứ chính là ông Levecque. Không hiểu người ta nghĩ thế nào khi cho rằng một người không có khả năng làm giám đốc quan thuế sẽ dễ dàng được chấp nhận giữa những tranh chấp của một triều đình châu Á. Tàn bạo, cục bộ và nhất là chẳng hiểu biết gì về chính trị bản xứ, con người sản phẩm của công cử này có lẽ nên là người cuối cùng ngồi ở một vị trí tế nhị như vậy vì ông ta luôn luôn mang quyền của mình ra đối đầu với một hoàng đế khó tính mà đúng ra không nên xúc phạm một cách hệ thống. Khi chúng tôi tới kinh đô, thành phố huyền bí này đang sôi lên sùng sục. Do mấy ngày trước đó, ông Levecque đã ra lệnh xoá bỏ khuê cung của ông hoàng Thành Thái và khắp nơi ở Huế có thể gặp các cô gái xinh đẹp lịch sự. Các cô được người châu Âu ở đây xưng tụng là công chúa chắc chắn do tính dễ dãi mà thôi”.

Chắc chắn độc giả sẽ tìm thấy những thông tin thú vị hay những tư liệu quý cho việc tham khảo hoặc nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thời kì Pháp thuộc qua góc nhìn của một nghệ sĩ sân khấu kịch như lời nhận xét của nhà nghiên cứu Corinne Flicker, tiến sĩ khoa học Đại học Aix-Marseile khẳng định: “ Kế hoạch của Claude Bourrin là trả lại nhiều hơn công lý cho công chúng thuộc địa mà đôi khi người ta tưởng rằng đó là những kẻ không thưởng thức nổi những tác phẩm có giá trị văn học”.

Tác phẩm Đông Dương ngày ấy được xuất bản đầu tiên vào năm 2008 do NXB Lao Động xuất bản, được dịch từ cuốn Choses et gens en Indochine 1898-1908 của Claude Bourin, do NXB Aspar ở Sài Gòn xuất bản năm 1940.

Năm 2017, Huy Hoàng Bookstore cho tái bản cuốn sách ngoài việc bổ sung những phần thiếu và sửa chữa những chỗ sai trong lần xuất bản đầu, dịch giả Lưu Đình Tuân còn bổ sung một số ảnh minh họa cho nội dung các đoạn văn, sắp xếp, bổ sung các chú cho dễ hiểu và tiện cho quá trình tra cứu của độc giả.

Tác giả Claude Bourrin quê ở vùng Lorient, ông đến Đông Dương năm 1898, làm công chức sở Hải quan, nhưng với lòng say mê nghệ thuật, ông đã tích cực truyền bá nghệ thuật kịch Pháp vào Đông Dương, đặt nền móng cho sân khấu kịch Việt Nam.

Claude Bourrin là một trong những người có công lớn trong việc đưa nghệ thuật kịch nói tại Đông Dương lên một tầm cao mới.

Các tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là Đông Dương ngày ấy 1898-1908 (Choses et gens en Indochine 1898-1908, nguyên gốc nghĩa là Sự việc và các nhân vật tại Đông Dương 1898-1908) và Xứ Bắc kỳ xưa 1884-1889, 1890-1894 (Le Vieux Tonkin 1884-1889, 1890-1894).

Song Minh 

sách