Hai điều kinh ngạc về tập thơ nửa tỉ

Chất lượng của một tập thơ chỉ tầm cỡ thơ Bút Tre, có người cho là "thảm họa" nếu xem đây là thi phẩm nhưng tại sao nó lại được nhiều người có vị trí, tên tuổi trong ngành văn hóa xúm vào khen ngợi tận mây xanh?

Vài năm trước đây, có anh chàng, tạm gọi là A., tìm gặp riêng tôi, đại khái, A. cho biết sắp in một quyển tiểu thuyết và muốn có công ty kinh doanh trên bỏ tiền ra mua. Giá tiền 100 triệu đồng. Một số tiền không nhỏ trong thời điểm đó. Tôi kinh ngạc quá. Một cây bút vô danh in quyển sách đầu tay mà buộc thiên hạ mua với giá đó? A. này điên rồi à? Chẳng phải đâu. Đó là một cách PR tên tuổi rất hiệu quả.

Sự kiện này, báo chí ắt tranh giành đưa tin. A. bảo thực hiện thương vụ này, về phần A. tất nhiên không nhận xu teng nào mà còn phải tốn một số tiền trả cho công ty đứng ra mua tác phẩm đó. Qua thương vụ thực hiện bằng “động tác giả”, rất láu cá, thậm chí lưu manh này, bù lại, A. được cái tiếng ngon ơ, còn rẻ hơn chán vạn cách mua danh khác. A. có lợi mà công ty kinh doanh đó cũng được thiên hạ biết đến.

Sở dĩ nhớ lại chuyện cũ rích này vì gần đây tập thơ “Quà cho con” (NXB Hội Nhà văn) được Công ty Tân Việt Books mua với giá 500 triệu đồng. Thậm chí, một vị quan chức còn “tiết lộ” trước đó, còn có tập đoàn lớn muốn mua bản quyền: “Với giá 3 tỉ đồng, sau đó đã tổ chức họp hội đồng quản trị 3 lần, thương lượng trả giá 2 tỉ đồng”. Khiếp chưa? Oách chưa?


Bìa tập thơ có giá bản quyền 500 triệu đồng

Bìa tập "thơ" có giá bản quyền 500 triệu đồng

Không riêng gì tôi, nhiều người khác cũng có quyền phân vân tính xác thực của vụ “tập thơ 500 triệu đồng” - vì chưa được nhìn tận mắt những chứng cứ, giấy tờ pháp lý khẳng định “tiền trao cháo múc” rõ ràng. “Thuận mua vừa bán” trong trường hợp này, nếu có đi nữa, cũng không đáng quan tâm. Có 2 điều, khiến tôi lấy làm kinh ngạc.

Thứ nhất, chất lượng của một tập thơ, theo ghi nhận chung của dư luận thì nó chỉ tầm cỡ thơ Bút Tre. Mà loại thơ đó, tác giả gieo vần ngẫu hứng, không theo chuẩn mực, quy định vốn có của thơ, ngay cách sử dụng câu chữ cũng tùy hứng nên tạo ra sự ngớ ngẩn, gây cười. Thế tại sao nó lại được nhiều người xúm vào khen ngợi tận mây xanh?

Xin trích dẫn: “Cái miệng xinh xắn ngọt ngào/ Sinh ra là để xin chào, hê lô (hello)”; “Mạng in-tơ-net -on-lai/ Con ơi đừng có chơi hoài nghe con/”; “Khó khăn là chuyện bình thường/ Như xe đang chạy gặp đường mấp mô/ Dòng đời gian khổ đẩy xô/ Thường tình như thể thủ đô tắc đường”; “Kiệm để nước mạnh dân giầu/ Kiệm để không bị tụt sau dài dài/ Kiệm để không bị phí hoài/ Kiệm để biến lúa, sắn, khoai… thành vàng”… Những vần vè, câu cú hài hước, tếu táo kiểu này, nếu được chọn nhằm dạy kỹ năng cho con em nhà ta, xin hỏi, phúc hay họa? Rồi liệu nó có ích gì trong việc gieo rắc tình yêu về tiếng Việt cho lớp trẻ “ăn chưa no lo chưa tới”?

Thứ hai, cứ xem trong Lời cảm ơn, tôi thấy có nhiều vị như NSND, thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tiến sĩ, giáo sư thuộc Hội đồng Giáo dục quốc gia, nhà văn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật cấp tỉnh, cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, vụ trưởng Vụ Thư viện… Những con người tài cao, đức trọng, uyên bác này, theo tác giả cho biết “đã góp ý, sửa bản thảo, nhiệt tình hỗ trợ và đồng hành cùng tác giả trong quá trình xuất bản cuốn sách”.

Không ít người trong số các vị nêu trên đã tán dương tập thơ hết lời. Thậm chí có vị còn mạnh miệng nói đó là “hiện tượng văn học”! Xin hỏi giữa lúc có nhiều tiếng nói phê phán chất lượng của nó, chẳng hạn, theo TS Nguyễn Thanh Tâm - Phòng Văn học Việt Nam đương đại, Viện Văn học: “Nếu xem đó là một “thi phẩm” thì đây quả là một thảm họa”!; có báo gọi đây là “thương vụ khó hiểu”, vậy tại sao các vị không bênh vực cho tác giả một tiếng? Hóa ra những lời ngợi ca rôm rả trước đó chỉ là phát ngôn do ngẫu hứng hay sao, hay là vì lý do gì khác?”.

Trong một xã hội, thành trì cuối cùng để níu giữ lại nền nếp, đạo đức của mỗi cá thể, mỗi nếp nhà chính là văn hóa. Nếu lãnh vực văn hóa cũng bị thao túng nốt thì công chúng còn biết tin vào đâu?

 

Lê Minh Quốc
Tập thơ 500 triệu