Hạnh Ngộ - Hơn 15 năm vẫn chung tình với thơ

“Lặng soi” là tập thơ mới nhất của nhà thơ Hạnh Ngộ (bút danh mới của Ngô Thị Hạnh), được chắt lọc khá kỹ theo chủ đề “Lặng” từ hơn 200 bài thơ đã viết rải rác trong suốt 8 năm qua để còn 62 bài thơ với nhiều thể loại khác nhau.

Bén duyên với thơ từ thời sinh viên, Ngô Thị Hạnh đã xuất bản được tập thơ đầu tay là “Vang vọng”, tính đến nay khoảng 20 năm. Sau đó, tác giả đã “sinh được thêm 3 đứa con thơ” tinh thần là: “Rơi ngược”, “Nắng từ những ngón chân”, “Thơ tình với Sài Gòn”. Sau 8 năm không in sách, năm nay tác giả lại ra mắt tập thơ mới nhất  “Lặng soi” để Chào mừng Ngày Thơ Việt Nam 2022  và mang ý nghĩa kỷ niệm 15 năm với Ngày Thơ Việt Nam cùng Ban Nhà Văn Trẻ - Hội Nhà Văn TP.HCM. Hạnh Ngộ (bút danh mới của Ngô Thị Hạnh) còn được biết đến là một nhà biên kịch trẻ tài năng, luôn bận rộn với nhiều dự án biên kịch phim, xuất bản nhưng tác giả vẫn luôn chung tình với thơ, chưa bao giờ ngưng làm thơ…  

  “Chân dung 5 đứa con thơ tinh thần” của nàng thơ Hạnh Ngộ: Vang vọng,  Rơi ngược, Nắng từ những ngón chân, Thơ tình với Sài Gòn, Lặng soi.

Lặn sâu… trong tập thơ mới “Lặng soi”

 Nhà thơ – Nhà biên kịch Hạnh Ngộ trải lòng: “Với cuộc sống bận rộn và nhiều áp lực hiện nay, cá nhân tôi phải nỗ lực hoàn tất bản thảo và tìm kiếm sự kiện để xuất bản tập thơ của mình, nếu không, thời gian cứ trôi đi và không có tập thơ mới nào được xuất bản, như 8 năm vừa qua… Tuy bận nhiều dự án bên phim cũng như xuất bản sách cho các đối tác của mình, nhưng với tôi thơ luôn là “người yêu muôn thuở, là tiếng lòng, hơi thở của mình nên tôi chưa bao giờ ngừng yêu thơ và ngưng làm thơ!”.

“Lặng soi” là tập thơ mới nhất của nhà thơ Hạnh Ngộ (bút danh mới của Ngô Thị Hạnh), được chắt lọc khá kỹ theo chủ đề “Lặng” từ hơn 200 bài thơ đã viết rải rác trong suốt 8 năm qua để còn 62 bài thơ với nhiều thể loại khác nhau. Trong đó, thể thơ Lục bát là thể thơ trước đó Hạnh Ngộ chưa từng làm, thì nay đã được “trải nghiệm” ở Lặng soi với những bài thơ ngắn. Tập thơ này in dấu chân tác giả ở nhiều nơi – nhiều cung bậc cảm xúc – nhiều vai trong 1 thân phận người: làm con – làm bạn - làm người tình – làm mẹ và làm 1 lữ khách giữa mùa đông nước Nhật lạnh giá…

Nhà báo, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: “Ngô Thị Hạnh là một gương mặt nữ tiêu biểu của văn chương trẻ ở TP.HCM suốt 20 năm qua. Chị không chỉ đam mê sáng tác, mà còn cổ vũ nhiều bè bạn cùng nỗ lực sáng tạo, trong cả thơ, văn và kịch bản phim. Sau 4 tập thơ ký bút danh Ngô Thị Hạnh, tập thơ “Lặng soi” lại xuất hiện với một bút danh khác là Hạnh Ngộ. Sự thay đổi bút danh cũng kèm theo sự thay đổi bút pháp. Nếu như trước đây thơ chị chủ yếu kể lể suy tư, thì “Lặng soi” lại phản ánh cảm giác. Nghĩa là Hạnh Ngộ tìm thấy biên độ thẩm mỹ quan trọng hơn của thơ giữa cuộc sống bộn bề, và có được những câu thơ rung động về sự tương tác giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với xã hội, giữa con người với con người”.

 Nhà thơ, nhà báo Lê Thiếu Nhơn – đại diện Hội Nhà Văn TP.HCM chúc mừng ngày ra mắt tập thơ mới “Lặng soi” của nhà thơ, nhà biên kịch Hạnh Ngộ

 Nhà thơ – Nhà biên kịch trẻ Hạnh Ngộ trả lời phỏng vấn và ký tặng sách cho khách mời tham dự chương trình Ra mắt tập thơ mới “Lặng soi” vào sáng 12.02.2022, tại Nhà hàng chay Bông Súng

Kỷ niệm 15 năm Ngày Thơ Việt Nam tại Sân thơ trẻ TP.HCM

Sân khấu giao lưu của Sân thơ trẻ - tổ chức ngày 3/3/2007 tại Thảo Cầm Viên TP.Hồ Chí Minh: Từ bên phải qua: Nhà thơ Phan Trung Thành, Bùi Thanh Tuấn, Trương Gia Hòa, Trần Lê Sơn Ý, Nguyệt Phạm, Lê Thị Kim, Thục Linh, Tú Trinh, Phan Hoàng cùng 2 người cầm mic giao lưu là: Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn và Ngô Thị Hạnh

Hơn 15 năm trước, tác giả Ngô Thị Hạnh xuất bản tập “Rơi ngược” (2006), lúc đó, tâm thế không phải là để cùng tham gia hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam như tập “Lặng soi” bây giờ nhưng lại rất “tình cờ” được tham gia Ngày thơ năm 2007 ngay sau đó một cách sôi nổi và trở thành 1 kỷ niệm khó quên. Hoạt động đó đã nuôi dưỡng và tạo động lực cho tác giả xuất bản những tập thơ tiếp theo như: “Nắng từ những ngón chân”, “Thơ tình với Sài Gòn” và “thích” tham gia hoạt động Ngày thơ của Ban Văn Trẻ - Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2007, tại Thảo Cầm Viên, Ngày thơ Việt Nam được hầu hết những tác giả trẻ tham gia. Thế hệ 7X có: nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Bùi Thanh Tuấn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Trung Thành, Song Phạm, Trần Lê Sơn Ý, Trương Gia Hòa, Ngô Liêm Khoan,… Thế hệ 8X lúc đó có: Thục Linh, Tú Trinh, Ngô Thị Hạnh, Nguyệt Phạm, Lê Thùy Vân…

Điều đáng nhớ là trước Ngày Thơ Việt Nam năm 2007, tôi trở thành hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh trẻ nhất - nên được ưu tiên trở thành người “kết nối” với những cây bút trẻ chưa vào Hội nhưng có năng lực viết và đã có thơ đăng báo. Ngày Hội Thơ được tổ chức cả ngày, Sân thơ trẻ có chương trình giao lưu, đọc thơ trên sân khấu vào buổi chiều tầm 3 giờ. Từ chiều ngày hôm trước, anh em tụ tập “trang hoàng” sân thơ Trẻ: Poster, hoa, sách thơ, gánh thơ, chiếu thơ, trà thơ… Công việc vui nhất là treo các poster chân dung các bạn thơ trẻ. Trước đó, ban nhà văn trẻ đã tập hợp nội dung, năm đó, nhà thơ Song Phạm thiết kế Poster thơ – thật trân trọng trong tâm trạng  háo hức chờ đợi ngày thơ… như “mối tình đầu” đối với thơ ca. Hoạt động ngày thơ năm đó khiến tôi năng nổ hơn trong việc kết nối cây bút trẻ đến với Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh. Sau đó thường niên, cứ ngày thơ là Ban Nhà văn trẻ tổ chức Sân thơ trẻ ngay tại trụ sở Hội Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật (81 Trần Quốc Thảo, Phường 7, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh). Có năm còn cho ra mắt độc bản thơ viết về Thành phố Hồ Chí Minh của 40 cây bút trẻ đang sống và làm việc tại Thành phố khiến Sân thơ trẻ trở nên sôi nổi hơn, có nhiều poster thơ, chiếu thơ, lều thơ hoặc các chương trình để tôn vinh thơ, kết nối các bạn trẻ yêu thơ, làm thơ...

Tại sân thơ trẻ - Thảo Cầm viên năm 2007, các poster của Nhà thơ trẻ: Lê Thùy Vân, Phan Trung Thành, Nguyệt Phạm, Song Phạm. Bàn các nhà thơ trẻ ký tặng  sách thơ: Nhà thơ Trương Gia Hòa & Ngô Thị Hạnh.

Chân dung tác giả Ngô Thị Hạnh trước Poster tác phẩm Thơ Tình Với Sài Gòn của mình. Bên cạnh là Poster của Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cũng được giới thiệu trong buổi giao lưu các nhà thơ trẻ tại Sân thơ trẻ - 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP.HCM, nhân dịp Chào mừng Ngày Thơ Việt Nam - Rằm Tháng Giêng, đầu Xuân 2014.

Kỷ niệm về những tập thơ & Ngày thơ Việt Nam như những mối nhân duyên trong “đời thơ” và nghiệp cầm bút. Bản thân tác giả có thể sáng tác không phụ thuộc vào sự kiện nào, có cảm hứng sáng tác là cầm bút, nhưng để xuất bản thơ thì cũng cần một động lực. Đối với Hạnh Ngộ, Ngày Thơ Việt Nam hàng năm luôn tạo động lực để mỗi năm tác giả tự hỏi “thơ mình năm nay có gì mới không?”.

Thanh Xuân

 

Hạnh Ngộ , chung tình với thơ , ra mắt tập thơ Lặng soi