Hồ Thị Xuân Thu kể chuyện làng Tây Nguyên

Triển lãm tranh sơn mài “Nghe kể chuyện làng mình” của nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu sẽ khai mạc lúc 10h ngày 6/9 và kéo dài đến hết ngày 15/9/2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, 97A Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM

tm-img-alt

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu kể chuyện làng Tây Nguyên

“Gửi lại đôi gánh không tên

Tôi đưa bước chân người

Miền thênh thang rừng núi

Say cùng nhau chút chuyện làng” - Hồ Thị Xuân Thu cảm tác về triển lãm Nghe kể chuyện làng mình.

tm-img-alt

Hồ Thị Xuân Thu sinh năm 1960 tại Huế, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế ít lâu, mùa Đông năm 1985, chị lên Pleiku nhận nhiệm vụ. Những khó khăn, thử thách ban đầu là đương nhiên, nhưng chị cũng đã sớm hòa nhập, gắn bó với miền đất mới, đến nay gần 40 năm qua. Miền đất mới nó từ từ chạm, thấm vào trái tim chị một cách chân thực, tự nhiên, để rồi việc chị vẽ con người Tây Nguyên cũng tự nhiên như vậy, vì chị yêu thương và thấy được cái đẹp ở khắp nơi, từ cuộc sống bình dị đến văn hóa, tín ngưỡng, hồn cốt... Vì vậy mà, đến triển lãm này, chị gọi tên là Nghe kể chuyện làng mình, vì đây là câu chuyện của chính làng mình, chứ không còn là chuyện làng Tây Nguyên trong mắt một cô gái Huế, có sự cách biệt.

Sau gần 10 năm sinh sống ở vùng đất mới, với vô vàn chuyến đi vào làng và vô vàn ký họa, ghi chép, Hồ Thị Xuân Thu đã thực sự đủ chín để sáng tác về Tây Nguyên như cách nghĩ của người Tây Nguyên. Chị theo đúng tinh thần đời sống của họ, chứ không phải theo kỹ thuật, ý chí của mình. Thế nhưng, sau chừng 5 năm vẽ sơn dầu về đề tài này, chị vẫn thấy chưa thỏa mãn, nên tạm gác lại việc sáng tác và tạm xa gia đình nhỏ một thời gian để về Huế học sơn mài một cách bài bản, hàn lâm. Từ cuối thế kỷ 20, Hồ Thị Xuân Thu đã thấy sơn mài mới đúng là vật liệu và chất liệu mà bản thân đang tìm kiếm. Có lẽ tổ nghề sơn mài đã ưu ái chị, nên đã mở cho một lối đi vừa ý về một chân trời mới. Nơi đó, chị kể chuyện làng mình được thong dong hơn, sinh động hơn, sâu lắng hơn.

tm-img-alt

tm-img-alt

Thật khó diễn tả nên lời, nhưng với chị, người Tây Nguyên có sự tự do, mộc mạc, mạnh mẽ trong tự thân của họ. Đây cũng là giá trị tinh thần thực sự của vùng đất này. Sau nhiều năm tháng gắn bó, điều này biến thành nét vẽ của Hồ Thị Xuân Thu, nên chị dùng nó một cách tự nhiên, ngọt lịm, mà không cần phải quá chú tâm, cố gắng. Vì vậy, nếu tranh của chị có sự mộc mạc, tự do và mạnh mẽ, thì đó cũng chính là giá trị chân thực từ đời sống Tây Nguyên mà chị cảm nhận được, vì chị đã là một phần của hồn cốt Tây Nguyên.

tm-img-alt

Ví dụ một vài tác phẩm: Chị đã thấy cái đẹp của những tấm áo họ phơi để chờ đón ngày hội về (Chờ tháng Ba về, 80 x 200cm), hoặc cái đẹp bên bếp than nồng (Bếp nồng, 50 x 100cm), hoặc cái đẹp của những con người bình dị nằm bên nhau trong mái nhà sàn nghe sử thi (Nằm nghe kể Khan, 120 x 240cm)… Cái đẹp ấy như một khúc than hồng được ấp ủ đến lúc hé cười, sưởi ấm.

tm-img-alt

Màu sắc trong tranh của chị là tự thân khi vẽ nó tìm đến, lúc ấy cảm nhận thế nào thì vẽ thế đó. Màu sắc của tranh sơn mài là son, vàng, then… từ truyền thống, nhưng có thể khi vẽ, chị đã chạm vào chính trái tim mình, thể hiện điều cảm nhận được là đủ. Không phải câu nệ sự đúng sai của màu sắc, bố cục, vì sự ấm áp trong tranh cũng là sự ấm áp của chính tình thân, của chính câu chuyện làng mình. Chị vẽ miễn sao thấy thuận mắt và chạm vào trái tim là đủ.

tm-img-alt

Có lẽ với Hồ Thị Xuân Thu, khi một bức tranh có sự tương đồng về mặt cảm xúc với người vẽ, thì sẽ dễ dàng nhận ra sự giao thoa, hòa quyện. Ngay lúc ấy, tranh đã có cái hồn của nó. Khi cảm nhận được sự ấm nồng từ tranh thì nó đã xong, còn khi nó chưa giúp mình chạm được sự ấm nồng thì chị còn vẽ tiếp. Sự rực rỡ, bóng lộn trong tranh của chị là ở tình cảm, chứ không phải ở bảng màu hoặc bề mặt tác phẩm. Cái hồn trong tranh chị có thể nhận ra từ các nhân vật đang hỏi thăm nhau, dải khăn quấn đang hỏi thăm nhau, những bàn chân cũng đang hỏi thăm nhau… Và trong tranh có âm thanh rì rào, các giai điệu trầm bổng xa xa cũng đang hỏi thăm nhau. Vì vậy, sự tỏa sáng trong tranh của chị chính là sự rực rỡ về tình cảm giao hòa, là các câu chuyện giữa người với người Tây Nguyên, là chuyện làng mình.

tm-img-alt

Nếu tính luôn triển lãm Hai nữ họa sĩ Huế: Hồ Thị Xuân Thu & Dương Tuyết tại Gallery Lotus (TP.HCM) vào năm 2005, thì từ năm 2004 đến nay, Hồ Thị Xuân Thu đã có 4 triển lãm cá nhân sơn mài, chứng tỏ sức làm việc rất bền bỉ. Với vật liệu và chất liệu sơn mài, vốn kỳ công và nặng nhọc, không phải muốn vẽ là có thể vẽ, nếu không đủ lực về sức khỏe và tinh thần sáng tạo.

tm-img-alt

Ngay triển lãm cá nhân đầu tiên năm 2004 là Sắc màu Tây Nguyên tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, Hồ Thị Xuân Thu đã tạo được ấn tượng rất tốt với giới làm nghề và giới sưu tập, khi mang đến một không khí sơn mài “ít giống ai”. Năm 2012, triển lãm sơn mài Sắc màu Tây Nguyên tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, Hà Nội cũng rất thành công, ngỡ như con đường sơn mài của chị sẽ rất thênh thang. Khoảng 2016, chị cũng đã mở xưởng vẽ riêng tại Pleiku, muốn tập trung cho sáng tác. Nhưng vài năm trước đó, từ trái tim nhạy cảm của người mẹ, chị muốn tạm gác một chút công việc sáng tác để tập trung lo cho con cái ăn học, nên mãi đến khi Covid-19 xảy ra, lúc con cái cũng đã tạm trưởng thành, chị mới nhen nhóm trở lại việc sáng tác trong 3 năm gần đây. Hiện nay xưởng vẽ của chị chỉ ưu tiên cho việc sáng tác, các công việc khác như quảng cáo thì tạm gác lại hoặc chuyển sang một địa chỉ khác, bàn giao phần lớn cho nhân viên lo liệu. Chỉ 3 năm thôi, vừa quán xuyến việc nhà, lo cơm nước cho gia đình, vừa vẽ sơn mài, nhưng chị đã vỡ vạc ra nhiều lối đi, đã và đang hoàn chỉnh nhiều tác phẩm, đủ để làm 2-3 triển lãm cá nhân trong vài năm tới.

Trong những năm tới đây, Hồ Thị Xuân Thu dự định sẽ mang tranh sơn mài về quê nhà ở Huế để làm một triển lãm cá nhân, trước đó sẽ là một triển lãm cá nhân tại quê hương thứ hai Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Những chia sẻ của đồng nghiệp, học trò:

Họa sĩ Lê Vấn: “Tranh của Hồ Thị Xuân Thu có sự phát triển liền mạch trong một thời gian dài, thể hiện cảm xúc của họa sĩ trước hiện thực Tây Nguyên bằng việc khai thác chất liệu sơn mài truyền thống. Bảng màu trong một số tranh mới sáng tác của Xuân Thu có xu hướng thoát khỏi hài hòa đậm thường thấy của chất liệu này; sử dụng nhiều sắc độ của vàng quỳ, xám, trắng của bạc, trắng cẩn trứng,… tạo ra hiệu quả lạ mắt, nhẹ nhàng; gây ấn tượng khác về Tây Nguyên. 

tm-img-alt

Loạt tranh này cũng chuyển hóa tinh thần của tạo hình truyền thống Tây Nguyên, nhưng ít lệ thuộc vào những mẫu thức, họa tiết trang trí thường thấy; mà ở tầng sâu hơn là nhịp điệu chuyển động, không gian sống. Đây có thể là cảm thụ và thể hiện của một họa sĩ nhiều năm sống ở Tây Nguyên. Những hiệu quả thẩm mỹ này bù đắp được cho những phần có thể không phải là thế mạnh của Xuân Thu, ví dụ như nét nhấn, độ nhấn...”.

Họa sĩ Lê Hùng: “Đề tài Tây Nguyên luôn có mặt trong các tác phẩm của chị. Hình tượng các cô gái bản địa, những mái nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, tượng mồ, những cây rừng của đại ngàn, luôn ám ảnh trong dòng cảm xúc thẩm mỹ của chị, trong sự cuồng si về hiện thực Tây Nguyên, về cao nguyên đại ngàn, nơi chị đã không tiếc nuối cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình. Và, hiện tại, chị vẫn trụ lại nơi đây để sống, để tiếp tục bền bĩ sáng tác về đề tài này.

Nghệ thuật tạo hình của chị là lối tạo hình hiện thực, nhưng chị không bao giờ tìm cách miêu tả sự thật hiển nhiên, mà là chị diễn tả hình ảnh sự thật được lý tưởng hóa. Chính vì vậy, tranh của chị luôn tạo cho người xem những cung bậc cảm xúc lạ lẫm, thi vị, khi thì xa xăm, trống vắng, khi thì chênh vênh, phiêu lãng, như những cô gái Tây Nguyên miên man dạo bước trên những sườn đồi.

tm-img-alt

Tây Nguyên mãi mãi là máu thịt, là hơi thở nồng nàn từ trái tim và tâm thức của chị. Nghệ thuật tạo hình của chị là một lối tạo hình mang phong cách hiện đại. Các tác phẩm của chị luôn có những bố cục được xây dựng , sắp xếp dàn trải rất hợp lý mang tính ước lệ, trang trí. Những vũ điệu cồng chiêng, múa xoan được khắc họa chi tiết, chân thực, hòa quyện với kỹ thuật sơn mài tinh tế, thuần thục, tạo nên những mảng màu có hòa sắc lạ lẫm, gây những hiệu ứng thẩm mỹ ấn tượng”.

Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh: “Tôi thích cách chị dựng bố cục, mảng miếng hình khối cô đọng một cách khỏe khoắn, ở một số bức bố cục đứng rất thú vị, các hình tiết lớp lang cao thấp xa gần rất hay, đường nét, màu sắc cảm giác như một số tranh truyền thống của Nhật Bản, rất mềm mại và nhiều chất thơ trong tranh. Chị đã miệt mài làm nên các tác phẩm trong nhiều năm nên một số bức cho ta cảm nhận sự khác biệt, những bức càng về sau càng đơn giản nhưng nhuần nhuyễn, màu sắc đẹp trang nhã hơn. Tuy vẽ về đề tài Tây Nguyên nhưng màu sắc và đường nét nhìn vào là thấy chất nữ tính ngay trong tranh của chị, cảm giác đầu tiên khi ngắm là tranh rất tình cảm. Loạt tranh của chị xem là thấy tình cảm của một người đứng quan sát lâu năm về các bản làng, về cách sinh hoặt ăn ở của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, những cô gái đi rẫy về, những gùi nước trên lưng, khung cảnh tắm rửa giặt giũ bên bờ suối… Đâu đó còn nghe dư âm của tiếng cồng chiên trong đêm khuya của lễ hội bỏ mả, lễ hội lúa mới của đồng bào Gia Rai, Ê-đê, Ba-na… Tranh của Hồ Thị Xuân Thu ít thấy những vật vả phồn thực loã lồ như một số tác giả khác, có lẽ do chị là một phụ nữ Huế, nên còn đâu đó trong mình chút bẽn lẽn chăng”.

tm-img-alt

Họa sĩ Châu Ái Vân: “Nói đến cô Hồ Thị Xuân Thu thì tất thảy những người làm nghệ thuật trên mảnh đất Gia Lai đều biết đến. Cô Thu là một tấm gương điển hình, là nguồn động lực cho các thế hệ trẻ về sức lao động và nhiệt huyết trong công việc. Cô đã ngoài 60 nhưng năng lượng làm việc vẫn tràn trề. Một số tác phẩm của cô có kích thước khủng mà những họa sĩ trẻ cũng phải nể phục. Các họa sĩ trẻ khi sáng tác gặp khó khăn gì, hỏi cô, cô sẵn sàng chỉ bảo nhiệt tình. Kể cả những vấn đề trong cuộc sống mà có khúc mắc gì cô cũng nhẹ nhàng khuyên bảo. Cô như một người thầy, một người tiền bối, một người mẹ vậy”.

Họa sĩ Mai Thị Kim Uyên: “Cô luôn làm chủ được chất liệu sơn mài. Trái tim cô như bếp than hồng đang hừng hực lửa sau 3 năm chủ động nhen nhuốm trở lại. Tình cảm chân thành cô dành cho người bản địa nơi đây thật nồng đượm. Tâm của cô tịnh hơn sau Covid-19, càng nhận ra giá trị thật của cuộc sống, nên trí tuệ, cảm xúc của cô được khai mở. Trời đất, cảnh vật, con người và tâm khảm của cô giao cảm, hòa quyện. Cô nhìn đâu cũng thấy đẹp, thấy hay, rung động trước những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhặt trong cuộc sống.

tm-img-alt

Cô thoát ra khỏi những khái niệm đúng sai, đẹp xấu trong sáng tác, vượt lên trên sự khen che, được mất để toàn tâm vẽ theo tinh thần “góp thêm chút gì đáng yêu cho cuộc sống này”. Nên giờ cô vẽ như chơi, chơi mà là vẽ, rất sâu lắng, rung động”.

Theo Minh Anh Báo Giáo dục

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu , kể chuyện làng Tây Nguyên