Họa sĩ nhí 11 tuổi từ Lạng Sơn vào TP.HCM làm triển lãm cá nhân

“Những linh hồn ẩn giấu”là triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của Hoàng Nhật Quang ( học sinh lớp 5A1, Trường TH&THCS Lê Quý Đôn, TP Lạng Sơn) – họa sĩ nhí 11 tuổi vừa nhận giải “Khát vọng Dế Mèn” tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023. Triển lãm do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), Huyen Art House cùng gia đình thực hiện thực hiện, trưng bày khoảng 25 bức tranh.

Tài không đợi tuổi

Họa sĩ Hoàng Văn Điểm, bố của Hoàng Nhật Quang cho biết, mục đích chính của triển lãm này là giới thiệu các tác phẩm tươi mới của Quang đến với giới thưởng lãm tại TP.HCM, cũng là cách mà Giải thưởng Dế Mèn đồng hành với tác giả được giải, nhất là các tác giả thiếu nhi. Hoàng Nhật Quang và gia đình cũng muốn trích một phần tiền bán tranh để góp vào quỹ “Vì mái trường cho em”. Quỹ này hướng đến việc cải tạo, xây mới các lớp học cho thiếu nhi ở các địa bàn còn khó khăn, thiếu thốn. Quỹ đã xây mới và bàn giao sử dụng một lớp học tại tỉnh Sơn La, sắp tới đây là khởi công một lớp học mới tại xã Quế Sơn, Quảng Nam. Mỗi lớp học khoảng 300 triệu đồng.

Họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang bên tác phẩm tranh của mình 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 khẳng định: “Hoàng Nhật Quang là phát hiện thú vị nhất của giải Dế Mèn năm nay và của cả giải Dế Mèn từ trước đến nay”.

Tác phẩm “Nối những vòng tay” của Hoàng Nhật Quang

Tác phẩm “Cưỡi rồng” của Hoàng Nhật Quang

"Tôi cũng từng chấm nhiều giải tranh thiếu nhi, tôi có thể khẳng định Hoàng Nhật Quang là một hiện tượng đặc biệt. Tranh của em có những nét hồn nhiên đúng chất trẻ thơ nhưng đồng thời cũng có những ý niệm, suy nghĩ rất già dặn, rất hoành tránh của một nghệ sĩ thực thụ chứ không phải chỉ là một đứa trẻ con. Đó là điều làm cho tôi và nhiều người giật mình trước tác phẩm của cháu", họa sĩ Thành Chương - thành viên hội đồng giám khảo Giải thưởng Dế Mèn nhận định!

Theo họa sĩ kỳ cựu này, việc Nhật Quang vẽ những bức tranh khổ lớn, số lượng nhiều như vậy thì ngoài sự đam mê, ở em phải có tài năng. Ông tin tưởng và hy vọng Nhật Quang sẽ tiến xa trên con đường hội họa, rất có thể trở thành một tài năng của hội họa Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cho biết: “11 tuổi. Đúng bằng tuổi mình khi học năm thứ nhất, sơ trung 7 năm (Cao đẳng mỹ thuật). Thật sự là tài năng! Bởi, sau 50 năm làm nghề, mình hiểu, ở tuổi đó, vẽ được như vậy, chắc chắn là khả năng thiên phú. Ở tuổi đó, tư duy hình tượng được như vậy, là thiên phú!”.

Hoàng Nhật Quang sinh 2012, người Tày, các môn học yêu thích của Quang là mỹ thuật và lịch sử. Quang bắt đầu vẽ tranh thường xuyên từ năm 9 tuổi, đến nay đã vẽ được khoảng 40 tranh hoàn chỉnh, trong đó có nhiều tranh khổ lớn. Quan điểm sáng tác của họa sĩ nhí này là: “Tất cả các sinh vật đều có linh hồn, ngay trong những thực thể sống, mỗi bộ phận nhỏ cũng sẽ có tiếng nói riêng”.

“Hoàng Nhật Quang được tiếp xúc với hội họa từ nhỏ, do tôi và họa sĩ Cao Thanh Sơn có xưởng vẽ chung, nên tôi thường đưa con đến xưởng chơi. Vốn có tính tò mò, thích khám phá, nên Quang thường cầm cọ và màu để vẽ. Khoảng 4 tuổi thì Quang đã hoàn thành những bức tranh đầu tiên trên giá vẽ. Lúc đó gia đình cũng chỉ nghĩ Quang vẽ vui chơi thôi. Sau đó, Quang vẽ nhiều tranh màu sáp trên giấy, để khuyến khích con, tôi đã mua lại mỗi bức tranh con vẽ hoàn chỉnh là 10.000 đồng, xem như tiền quà vặt hàng ngày. Mãi đến năm 9 tuổi, Quang mới vẽ những bức tranh khổ lớn hơn bằng chất liệu acrylic. Hiểu được bản tính hiếu kỳ và có chút ngang ngang của con, tôi thử đặt thêm thử thách qua mỗi bức vẽ. Nhưng rồi gia đình cũng khá bất ngờ, dù kích thước tranh to dần thì Quang vẫn vẽ rất nhẹ nhàng, vẽ như chơi, không có cảm giác choáng ngợp trước khổ tranh lớn, thậm chí còn yêu cầu tăng thêm. Gia đình thấy con còn nhỏ phải đứng trên ghế, trèo lên thang để hoàn thành những bức tranh 4 mét vuông thì cũng rất lo cho sự an toàn, nhưng thấy Quang quá yêu thích, nên đành chiều theo và luôn ở bên cạnh để bảo vệ cho con” - họa sĩ Hoàng Văn Điểm bật mí!

Chủ đề trong tranh rất tự do

Chủ đề trong tranh của Quang cũng rất tự do, không có định hướng, thích cái gì thì vẽ cái đó. Thi thoảng lên hình xong, thấy không ưng ý, thì dùng màu xóa toàn bộ, xong lại vẽ ý tưởng khác. Cách dùng màu của Quang lúc đầu cũng theo bản năng, dùng rất nhiều màu, nhưng sau khi được góp ý về màu sắc và hướng dẫn kỹ thuật vẽ acrylic, thì biết sử dụng ít màu hơn, theo gam màu nóng lạnh rõ ràng hơn, về kỹ năng tô màu và đi nét cảm cũng hợp lý hơn.

Những tác phẩm của Hoàng Nhật Quang

Khi hỏi Quang vẽ gì trong tranh? Quang trả lời là “Con không biết, con thích thì con vẽ thôi”. Nhưng khi xem tranh và quan sát hình, thấy Quang luôn muốn nhân hóa mọi thứ, muốn đưa tiếng nói vào các vật thể vô tri. Cho dù vẽ tĩnh vật hoặc những vật vô tri khác, Quang thường vẽ thêm mắt mũi, chân tay cho sinh động. Có những bức thì mắt, mũi, miệng, tai, tay, chân, thân… vẽ cho giống người, nhưng cũng có những bức thì không.

So với các bức acrylic đầu tiên, các bức sau này cho thấy Hoàng Nhật Quang đã biết phân tích gam màu, chồng màu nhiều lớp, biết tạo chất, tạo nhịp điệu màu, tạo sắc độ, biết đi nét... Họa sĩ Hoàng Văn Điểm thỉnh thoảng cho con biết thêm về lịch sử mỹ thuật, dạy lồng ghép qua từng bức vẽ của con, hoặc khi có thời gian rảnh thì cho con xem tranh qua các thời kỳ. Từ mỹ thuật nguyên thủy, mỹ thuật cổ đến các danh họa tiêu biểu cho những xu hướng nghệ thuật như cổ điển, tân cổ điển đến nghệ thuật đương đại của thế giới và Việt Nam. Để cho Quang có một cái nhìn sơ lược, ở mức độ làm quen, có thể không cần nhớ chính xác, nhưng đủ để hình dung và đủ tự tin.

 Triển lãm “Những linh hồn ẩn giấu”của họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang diễn ra từ ngày 8 – 6 đến 18-6-2023 tại Huyen Art House (8A, Đặng Tất, Q.1, TP.HCM)

AM

Họa sĩ nhí 11 tuổi , Họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang , Lạng Sơn , Những linh hồn ẩn giấu