MC Ngọc Lan nể phục trước hành trình biến ước mơ thành sứ mệnh của cô giáo khiếm thị Lê Thị Trang
Tập 28 Đời Rất Đẹp là câu chuyện đầy nghị lực của chị Lê Thị Trang – hành trình truyền cảm hứng của cô giáo khiếm thị.
Đến với miền ký ức đầu tiên, MC Ngọc Lan không khỏi bất ngờ khi trên tay cô là chiếc áo sơ mi – vật kỷ niệm gắn liền với tuổi thơ đam mê ca hát của chị Lê Thị Trang. Với nhiều người, áo sơ mi chỉ là trang phục thường ngày, nhưng với chị Trang, đó là nơi lưu giữ biết bao ký ức, từ những ngày cắp sách đến trường đến những lần cất cao tiếng hát trong trẻo đầu đời.
Ngay từ thuở nhỏ, Lê Trang đã ấp ủ mong ước được tham gia đội văn nghệ của trường tiểu học. Dù được thầy cô khen ngợi vì giọng hát truyền cảm, chị vẫn bị từ chối do không thể thực hiện các động tác biểu diễn như bạn bè. Chị biết mình không có thị lực như người bình thường từ rất bé, nhưng điều đó chưa từng khiến chị buồn. Điều day dứt nhất chính là việc không thể sống trọn với niềm đam mê ca hát.
Một cơ hội tưởng chừng nhỏ bé lại mở ra bước ngoặt lớn trong hành trình tuổi thơ của cô bé khiếm thị. Chị Lê Thị Trang chia sẻ: “May mắn đến với tôi vào học kỳ 2 năm lớp 4, khi trường tổ chức thi kể chuyện. Năm đó, tôi đạt giải cao ở trường, tiếp tục thi cấp huyện và tỉnh. Gia đình tuy khó khăn, nhưng lần ấy, mẹ vẫn mua riêng cho tôi một chiếc áo trắng để đi thi – và tôi đã đạt giải cao. Chiếc áo trắng trở thành kỷ niệm đáng nhớ và là bước ngoặt trong tuổi thơ tôi. Từ đó, tôi tự tin hơn, năng động hơn và học tập tốt hơn”.
Nhớ lại thời điểm phát hiện bệnh, chị Lê Thị Trang cho biết: “Khi tôi khoảng 6–7 tháng tuổi, đang chơi, tôi làm rơi viên bi vào gầm giường và bò vào tìm. Mẹ thấy tôi loay hoay sờ soạng và không nhìn thấy gì, mẹ tôi linh cảm rằng tôi có vấn đề về mắt. Khi tôi chuẩn bị vào lớp 1, cha mẹ đưa tôi đến bệnh viện khám. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị thoái hóa võng mạc sắc tố – tức là phần đáy mắt, nơi tập trung dây thần kinh thị giác, đang bị thoái hóa dần. Bác sĩ chỉ dặn rằng, hãy sống lạc quan, ăn uống đầy đủ và cứ vui vẻ. Từ lúc đó, gia đình mới thực sự hiểu tình trạng của tôi, và cũng dần tập cho tôi cách chấp nhận khiếm khuyết của bản thân”.
Việc không còn nhìn thấy ánh sáng không khiến chị Lê Thị Trang sợ, nhưng để lại trong chị nhiều tiếc nuối. Chị Lê Trang cho biết, điều khiến chị chạnh lòng nhất là không thể nhìn thấy chính mình. Với chị, đó không chỉ là việc nhìn thấy khuôn mặt, ánh mắt, chiếc mũi hay nụ cười, mà còn là thần thái – cái hồn của con người. Bên cạnh đó, việc không thể thấy được ba mẹ, những người thân yêu hay người đối diện cũng là điều mà chị vẫn luôn cảm thấy thiếu vắng trong cuộc sống hằng ngày.
Miền ký ức tiếp theo là chiếc logo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM – nơi ghi dấu hành trình theo đuổi ước mơ bắt nguồn từ thuở nhỏ. Chị Lê Thị Trang chia sẻ: “Khi còn nhỏ, tôi chỉ được nghe tivi, và từ những lần lắng nghe ấy, tôi bắt đầu bị cuốn hút bởi những chương trình phát thanh, giọng voice-off của các cô chú, anh chị MC. Tôi đặc biệt thích cách họ truyền cảm xúc chỉ bằng giọng nói – điều đó đã âm thầm nuôi dưỡng trong tôi một ước mơ trở thành phát thanh viên. Thi đậu đại học, tôi chọn theo học Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, chính thức đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường biến giấc mơ ngày nhỏ thành hiện thực”.
MC Ngọc Lan cùng hai chiếc chuông đỏ trên tay cô chính là “Miền ký ức” cuối cùng – dụng cụ giảng dạy quen thuộc của chị Lê Thị Trang trong lớp cảm thụ âm nhạc dành cho trẻ đặc biệt. Hai chiếc chuông này thuộc bộ chuông bấm địch âm, gồm 8 chuông tương ứng với các cao độ từ Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si đến Đô cao. Bộ chuông được chị Lê Thị Trang sử dụng trong các lớp cảm thụ âm nhạc cho trẻ đặc biệt. Bên cạnh đó, chị cũng dùng lục lạc – một loại nhạc cụ bộ gõ chuyên dùng để giữ nhịp. Các em sẽ cùng hòa tấu theo hướng dẫn và dàn dựng của giáo viên.
Chị Lê Thị Trang là người bắt đầu đi làm khá sớm và luôn năng nổ. Tuy nhiên, có thời điểm, chị nhận ra mình không còn cảm thấy thỏa mãn. Dù công việc vẫn ổn định, nhưng cuộc sống của chị dần trở nên gò bó và thiếu đi điều gì đó khó gọi thành tên. Nhận ra sự mất cân bằng ấy, chị quyết định thay đổi. Những ngày cuối tuần, thay vì tiếp tục chạy theo công việc kiếm tiền, chị bắt đầu tham gia các hoạt động thiện nguyện. Trong đó, có một công việc giúp chị tìm lại được cảm hứng: dạy kỹ năng giọng nói cho các bạn khiếm thị, giúp họ tự tin hơn trong giao tiếp.
Theo thời gian, chính những hoạt động thiện nguyện đã giúp chị Lê Thị Trang có cơ hội theo đuổi công việc hiện tại. Chị chia sẻ: “Tôi tình cờ gặp lại cô võ sư môn Aikido trong một dự án cộng đồng. Cô đã thành lập một trung tâm dạy thể thao và năng khiếu cho trẻ đặc biệt. Khi biết tôi có thể hát và từng tham gia sinh hoạt âm nhạc, cô gợi ý tôi đến hỗ trợ như một tình nguyện viên. Lần đầu tiếp xúc với các em, tôi bất ngờ vì sự gần gũi và tình cảm mà các bạn dành cho mình, khiến tôi cảm nhận được một sự kết nối đặc biệt. Lớp học không chỉ có những bạn nhỏ, mà còn có các bạn 10 tuổi, 20 tuổi, thậm chí 40 – 50 tuổi”.
Chứng kiến những bậc phụ huynh đã ngoài 70 tuổi vẫn kiên trì đưa con đến lớp mỗi ngày khiến chị Lê Thị Trang không khỏi xúc động. Tình yêu thương thầm lặng ấy đã thôi thúc chị muốn gắn bó lâu dài hơn với các bạn nhỏ đặc biệt. Khi bắt đầu dạy lớp nhạc đầu tiên, phụ huynh không chỉ ủng hộ mà còn đề nghị mở thêm lớp thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư, thứ năm. Họ sẵn sàng đóng học phí để chị có thể duy trì việc giảng dạy. Và từ đó, công việc thiện nguyện ban đầu dần trở thành công việc chính của chị Lê Thị Trang.
Bộ môn cảm thụ âm nhạc là một phương pháp giáo dục còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng đã phát triển rộng rãi ở châu Âu từ giữa thế kỷ 19. Theo chị Trang, đối với trẻ em bình thường, cảm thụ âm nhạc không chỉ giúp các em làm quen với hát, đàn, nhịp điệu và tiết tấu, mà còn hỗ trợ phát triển trí nhớ, cảm xúc và ngôn ngữ.
Tuy nhiên, với trẻ đặc biệt – như các em mắc hội chứng tự kỷ, tăng động hoặc chậm phát triển – tác động của âm nhạc đôi khi đến chậm, nhưng lại vô cùng ý nghĩa. Chị kể lại trường hợp một học viên tự kỷ, khi mới đến lớp luôn chọn ngồi ở bàn cuối, tách biệt hoàn toàn với bạn bè và không có bất kỳ sự tương tác nào. Thế nhưng, sau quá trình kiên trì học nhạc, bạn bắt đầu chủ động chào hỏi thầy cô, tự tin khoe chiếc áo mới mẹ vừa mua và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động cùng lớp.
Một trường hợp khác khiến chị Trang không thể quên là một học sinh tăng động – ngày đầu tiên đến lớp đã ôm chầm lấy chị và cắn. Tuy có chút lo lắng, nhưng chị không bỏ cuộc. Nhờ sự hỗ trợ từ âm nhạc, hành vi của bạn dần được cải thiện. Chị Lê Thị Trang chia sẻ: “Những thay đổi dù nhỏ thôi, nhưng đối với tôi, đó là cả một thành tựu – còn quý hơn cả tấm bằng đại học mà tôi từng vất vả mới có được”.Tập 28 chương trình Đời Rất Đẹp với khách mời chị Lê Thị Trang sẽ được phát sóng vào lúc 19h15,thứ Bảy, ngày 26/7/2025 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 và Jet Studio phối hợp thực hiện
.
Minh Anh
Có thể bạn quan tâm
- Dàn diễn viên Đất Phương Nam ngày ấy, bây giờ
- Vừa ra MV Sốc nhiệt, Hoàng Yến Chibi bất ngờ công bố sẽ phát hành EP
- Chân dung nam ca sĩ "đông vợ con nhất làng nhạc Việt", 82 tuổi vẫn phong độ