Nguyễn Cường: 'Tầm cao Siu Black nhiều ca sĩ không với tới'
Tác giả "Ly cà phê Ban Mê" ví giọng hát của Siu Black như núi lửa tuôn trào với tầm cao mà nhiều ca sĩ không thể với tới. Ông bảo đó là một người không dễ gì kiếm được.
- Khi Siu Black vừa chơi guitar vừa hát trong một cuộc thi âm nhạc vào năm 17 tuổi, ông đã nói “Trong vòng 20 năm nữa, chắc chắn Tây Nguyên sẽ không có một giọng hát nào được như Siu Black”. Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ ngày đó, ông thấy nhận định của mình thế nào?
- Thực ra, tôi nói là 10 năm, một khoảng thời gian mà mình ước lượng và tiên đoán như vậy chứ không phải là 20 năm như nhiều tờ báo ghi chép lại. Nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là chúng ta đã đi quá xa so với 10 năm. Và như mọi người thấy, tính đến thời điểm hiện tại, Siu Black vẫn là giọng ca nữ nổi bật nhất của núi rừng Tây Nguyên.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường. Ảnh: Quang Đức
- Ông là người có công phát hiện và đưa những giọng ca xuất sắc của Tây Nguyên như Y Moan, Siu Black đến với công chúng. Ông nghĩ gì về cuộc gặp gỡ giữa mình và Siu Black?
- Tôi coi đó là định mệnh không thể thay đổi. Mọi người thường nói, nhờ có những sáng tác của tôi mà Y Moan hay Siu Black nổi tiếng nhưng tôi lại nghĩ khác. Tôi tâm niệm nếu không có tôi cũng sẽ có những người nhạc sĩ khác đến với Tây Nguyên và sáng tác những ca khúc về nơi này. Còn Y Moan và Siu Black thì vẫn ở đó. Không có tôi, vẫn có người phát hiện ra họ và họ vẫn có vị trí của mình. Thế nên tôi mới coi đó là cuộc gặp gỡ định mệnh như một cơ duyên đã được sắp đặt.
- Vậy Siu Black có vị trí như thế nào trong chặng đường âm nhạc của ông?
- Siu Black rất đặc biệt, cách hát đặc biệt, nói tóm lại cái gì cũng đặc biệt. Tây Nguyên có Y Moan và sau có Siu Black, đi tìm cũng không thể nào ra được. Giọng hát và nội lực của Y Moan và Siu như núi lửa tuôn ra với bản năng tinh tế nhất có thể. Đó là tinh hoa âm nhạc của Tây Nguyên.
Đất nước có rất nhiều dân tộc khác nhau, dân tộc nào cũng có những làn điệu dân ca rất hay và rất riêng. Và Tây Nguyên cũng có chất riêng núi rừng không thể lẫn lộn. Ở vùng đất đó, chúng ta đã khám phá ra hai giọng hát là Y Moan và Siu Black. Khó ai có thể hát về Tây Nguyên mà bì được hai người họ, mãnh liệt như thác đổ, phun trào như nham thạch vậy.
- Nhiều người cho rằng, Siu Black hiện phải lo chuyện trả nợ và do vậy giọng hát không còn được rực lửa như xưa. Ông nghĩ sao?
- Siu hát bài nào ở đâu đó để kiếm tiền thì tôi không biết, còn khi hát nhạc của tôi, Siu vẫn luôn là Siu, chưa hề thay đổi chút nào, luôn rực lửa và hát hết mình. Cách đây khoảng một năm tôi gặp Siu và cách đây mấy tháng tôi cũng gặp Siu. Siu vẫn vậy, không khác trong âm nhạc và giọng hát.
Siu vẫn như xưa, thậm chí chính sự kìm nén lâu ngày với nhiều tâm sự khiến Siu có nhu cầu muốn được phun ra, như núi lửa cần đến lúc tuôn trào. Năng lượng ở Siu vẫn đong đầy và không hề vơi cạn. Đó là lý do tôi trực tiếp gọi điện mời Siu tham gia đêm nhạc Tuổi thơ tôi Hà Nội vào ngày 13, 14/8 và Siu vui vẻ nhận lời ngay. Trong đêm nhạc, tôi không cần Siu vươn đến tầm cao mới nào cả vì chỉ cần tầm cao cũ của Siu thôi cũng đã không ai với tới rồi. Tầm cao vốn có của Siu đã quá cao so với nhiều ca sĩ khác.
Siu Black là giọng ca nữ gắn bó mật thiết với âm nhạc Nguyễn Cường.
- Nhiều người luyến tiếc cho một giọng hát “trời cho ai nấy hưởng” như Siu Black vì chị ấy chỉ gắn bó với âm nhạc của ông mà ngại khai phá những “vùng đất” khác để phát huy hết giọng hát của mình. Ông nghĩ gì?
- Tôi lại nghĩ không phải như vậy. Ở nước ngoài, khi hỏi một nhạc sĩ, người ta sẽ bảo bài của ông ca sĩ nào hát. Còn khi hỏi một ca sĩ, người ta sẽ bảo bài đó là sáng tác của ai, tác giả nào viết bài đó, chứ không có chuyện một ca sĩ, nhạc sĩ giời ơi, đất hỡi nào đó.
Âm nhạc cần phải tạo thành một hệ thống thì mới có thể gây ấn tượng. Và tôi nghĩ nhạc sĩ luôn cần phải có ca sĩ ruột của mình và ngược lại. Nhưng tất nhiên, như một quy luật được cái nọ thì mất cái kia. Giống như anh yêu một cô gái và anh yêu 10 cô gái. Nếu anh yêu một cô, bao sắc hương người đó sẽ dành cho anh, còn nếu anh yêu 10 cô thì có lẽ mỗi cô chỉ cho anh một chút hương vị mà thôi.
Siu Black mà hát một loạt các sáng tác khác thì có thể chúng ta sẽ không có một Siu như bây giờ. Còn chuyện luyến tiếc hay không, tôi nghĩ mỗi người luôn phải chấp nhận, không ai được tất cả và cũng không ai mất tất cả. Chúng ta luôn cần phải có sự lựa chọn cho riêng mình.
- Những ca khúc về Tây Nguyên của ông đã vượt ngoài phạm vi của một vùng địa lý và được khán giả của cả nước yêu mến. Nhiều người bảo không có ông thì sẽ không có Siu Black nhưng chắc hẳn chị ấy cũng đóng góp rất lớn trong việc phổ biến những ca khúc về núi rừng của ông. Quan điểm của ông thế nào?
- Nói chung, tôi không quan tâm chuyện ấy, đúng hơn tôi không quan tâm tác phẩm của tôi như thế nào sau khi sáng tác. Khi tôi sáng tác xong, được ca sĩ hát là tôi hoàn thành công việc, còn ca khúc đi đâu, số phận thế nào đó là việc của chính nó như chàng trai, cô gái 18 tuổi được tự quyết con đường của mình.
Ví như chuyện tôi viết một ca khúc cho sinh viên trường mỏ địa chất, tôi cũng không nghĩ rằng 40 năm sau, bài hát đó lại được hát ở tận Bắc Kạn, lại do một chủ tịch xã người Dao hát. Một ca khúc không được in ấn gì cả mà nó đã tự đi như thế. Thế nên, việc ca khúc đến với công chúng là tự nó và người nhạc sĩ muốn cũng không được.
Theo Zing
Có thể bạn quan tâm
- Dàn diễn viên Đất Phương Nam ngày ấy, bây giờ
- Vừa ra MV Sốc nhiệt, Hoàng Yến Chibi bất ngờ công bố sẽ phát hành EP
- Chân dung nam ca sĩ "đông vợ con nhất làng nhạc Việt", 82 tuổi vẫn phong độ