Nhạc sĩ Thuận Hồ: Nhớ cha… và “Xót xa nhớ mẹ”

Tiếng hò ngọt ngào da diết của NSUT Lam Tuyền qua ca khúc Xót xa nhớ mẹ trong phòng thu hiện đại của HGT Media đã để lại trong lòng chàng nhạc sĩ trẻ Thuận Hồ quá nhiều cảm xúc ngay từ câu hát đầu tiên, cảm giác như nức nghẹn qua từng ca từ giai điệu gợi nhớ về hình bóng người mẹ thật gần gũi thân thương trước giờ ra đi vĩnh viễn.

Và tôi đã hẹn anh vào một buổi chiều cuối tuần tại một quán cà phê nằm nép mình trong con đường nhỏ Trần Phú - Quận 5. Anh đến đúng giờ, bước vào với chiếc áo sơ mi trắng, tay ôm chiếc túi đựng bản nhạc và cây đàn guitar cũ đã sờn cạnh. Ánh mắt anh sáng lên khi nhắc đến nhạc xưa thứ âm nhạc mà anh gọi là “linh hồn”, “mạch sống”, và “bạn đồng hành” của riêng mình. Bởi với anh:Âm nhạc là hơi thở, có lúc tôi cảm thấy, nếu không còn được nghe, được sáng tác, được hát, tôi sẽ không còn là chính mình nữa."

Nhạc sĩ Thuận Hồ 

Quả thật, giữa lòng Sài Gòn náo nhiệt, khi nhịp sống hiện đại cuốn trôi mọi giá trị cũ, vẫn có một người trẻ miệt mài gìn giữ giai điệu xưa, nâng niu từng câu chữ như nâng niu một kỷ vật quý giá. Người đó là Thuận Hồ một luật sư, kế toán, và cũng là nhạc sĩ mê đắm bolero.

Tôi hỏi anh ngay từ ngụm café đầu tiên: Trong những sáng tác, ca khúc nào anh ấn tượng nhất và vì sao? Anh trả lời sau vài giây trầm ngâm: “Đó là ca khúc Xót xa mất mẹ. Thật ra đây là một bài thơ không chuyên của anh nhà báo Diệp Y do anh Tùng Linh giới thiệu. Gặp tôi, anh thấy có điều gì đó thân quen nên mạnh dạn nhờ tôi phổ nhạc. Ngay từ dòng thơ tôi thấy rất đời, lại có quá nhiều cảm xúc của một người vừa mất Mẹ. Tôi từng mất cha nên tôi cảm rất nhanh và chỉ trong hai ngày tôi đã chọn được một giai điệu khá ngọt ngào cho lời thơ sâu sắc. Và vui hơn khi bước vào phòng thu của Hồ Gia Trang Media, khi NSUT Lam Tuyền vang lên lời ngâm thơ rồi cất luôn tiếng hát, lòng tôi nhưng ngấm từng lời ca, cảm xúc cứ dâng tràng với hình ảnh người mẹ vừa đi xa…. Phải nói là rất khó tả cảm xúc lạ lùng này.

Lớn lên cùng tiếng cassette mỗi chiều mưa

Ngay từ khi còn nhỏ, Thuận Hồ đã đắm chìm trong âm nhạc xưa. Anh kể:"Nhà tôi khi ấy nghèo lắm, chỉ có chiếc cassette cũ. Ba mẹ thường mở nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Duy Khánh... Mỗi chiều mưa Sài Gòn, tiếng nhạc bềnh bồng, dai dẳng, chảy vào tai tôi như dòng nước mát. Dần dần, nó thành ký ức, thành máu thịt."

Ký ức đó trở thành nguồn cảm hứng, gieo mầm cho tình yêu nhạc xưa. Đến năm 10 tuổi, anh được ba chỉ dạy những hợp âm guitar đầu tiên, tập viết những câu nhạc nhỏ trong cuốn vở học sinh. Mỗi buổi tối, khi thành phố chìm vào im lặng, Thuận Hồ ngồi tỉ mỉ chép từng câu hát, gõ nhịp trên cây đàn gỗ cũ. "Ba là người thầy đầu tiên, là người dẫn tôi vào thế giới âm nhạc. Mãi mãi tôi biết ơn ông."

Từ cử nhân luật đến nhạc sĩ “nghiệp dư nhưng máu lửa”

Tốt nghiệp cử nhân Kế toán (ĐH Hutech) và Cử nhân Luật Kinh tế (ĐH Mở TP.HCM), Thuận Hồ hiện đang làm kế toán kiêm pháp chế tại chi nhánh tập đoàn Sumitomo Việt Nam. Công việc đòi hỏi sự chính xác, tuân thủ quy chuẩn nghiêm ngặt. Nhiều người nghĩ, con đường sự nghiệp của anh sẽ dừng lại ở những con số khô khan. Nhưng không. "Ban ngày, tôi làm luật, số liệu. Ban đêm, tôi làm bạn với giai điệu. Hai thế giới khác nhau hoàn toàn nhưng bổ sung cho nhau. Âm nhạc giúp tôi giữ sự cân bằng, nuôi dưỡng cảm xúc để không biến thành ‘cỗ máy’ vô hồn."

Nhạc sĩ Thuận Hồ và NSUT Lam Tuyền, nhà báo Lữ Đắc Long

Anh chia sẻ, có hôm tan ca trễ, về đến nhà vẫn bật đàn, viết vài câu nhạc để "giải độc" tinh thần. Những đêm khuya đó, phố xá im lìm, chỉ còn tiếng guitar và giọng hát khẽ vang trong phòng trọ.

Thần tượng, thầy truyền cảm hứng và “bài học thói đời”

Tôi hỏi: “Nếu phải chọn một thần tượng anh chọn ai? Thuận Hồ trả lời không do dự: nhạc sĩ Trúc Phương."Tôi mê nhất bài Thói đời. Có người trẻ nghe thì cười, bảo sến, cũ. Nhưng tôi nghe như thấy bóng mình, thấy cuộc đời, thấy nỗi đau và cả sự tỉnh ngộ. Những bài như thế giúp tôi không sa ngã, luôn giữ chân thật."

Ngoài ra, nhạc sĩ Y Vũ là người dạy anh nhạc bài bản, còn ca - nhạc sĩ Tuấn Quang chính là “ngọn đèn soi lối” trên con đường sáng tác. "Anh Tuấn Quang không chỉ chỉnh sửa từng câu nhạc mà còn động viên: ‘Em phải tin vào cảm xúc, dám đi con đường riêng’. Chính anh ấy giúp tôi đủ tự tin phát hành các bài hát đầu tiên."

Hỏi tôi tiếp về sáng tác, Thuận Hồ cười hiền:"So với các nhạc sĩ chuyên nghiệp, tôi còn nhỏ bé lắm. Nhưng mỗi bài hát với tôi là một đứa con, dù thành công hay không." Và danh sách ca khúc của anh dần dài ra: Xót xa mất mẹ - NSƯT Lam Tuyền, Thương nghệ sĩ nghèo - Chế Thanh, Thu Hồng, Em xinh - Em gái Tây Ninh - Tùng Linh, Khúc ca Tết trao em - Tuấn Quang, Xe bus số 50 - Ân Thiên Vỹ, Mồ côi cha - Đan Phương, Ngắm lục bình trôi - Tiến Vinh, Cô học trò và hoàng hôn - Đông Nguyễn - Thảo Xa Xôi... Có bài anh viết chỉ trong vài giờ, có bài ấp ủ cả năm trời. Mỗi bài gắn với một kỷ niệm riêng, một nỗi niềm riêng.

NSƯT Lam Tuyền chia sẻ:"Khi tôi nhận ca khúc Xót xa mất mẹ, tôi thấy giai điệu ngọt ngào nhiều cảm xúc, một người trẻ mà viết lời sâu sắc, nhân văn vậy, tôi tin cậu ấy sẽ còn đi xa."

Ca sĩ Tùng Linh người từng hát Em gái Tây Ninh nhận xét:"Thuận Hồ rất thật. Nhạc của anh mộc mạc, không màu mè, nhưng càng nghe càng thấm. Cách anh giữ nhạc xưa giữa thời hiện đại đáng trân trọng."

Nhiều khán giả, đặc biệt là thế hệ trung niên, bày tỏ bất ngờ và xúc động khi biết ca khúc bolero da diết lại do một chàng trai 9X sáng tác."Tôi nghe ‘Thương nghệ sĩ nghèo’ trên YouTube, không tin nhạc sĩ lại còn rất trẻ. Cảm giác như đang nghe nhạc xưa thật sự!" Cô Lan, khán giả quận Tân Phú chia sẻ.

Những “bí mật” hậu trường

Anh kể, có bài hát phải chỉnh đi chỉnh lại gần 10 lần, thậm chí có lúc muốn bỏ vì cảm giác "không đủ hay". Mỗi lần như vậy, anh lại hẹn café với Tuấn Quang, nghe góp ý, rồi về viết lại. "Có bài tôi phải dừng cả tháng, để cảm xúc ‘chín’, rồi mới viết tiếp. Vì tôi quan niệm, ca khúc phải thật, phải đọng được điều gì đó, chứ không thể chỉ là giai điệu lướt qua tai."

Có lần, khi tập với ca sĩ bạn, anh phải tự tay chỉnh từng nhấn nhá, từng luyến láy:"Thật ra, tôi không muốn ép ai hát y chang ý mình. Nhưng tôi muốn mỗi câu hát đi ra phải đúng tinh thần bài hát, không bị ‘lai’ hiện đại quá. Tôi sợ khán giả nghe xong không còn nhận ra linh hồn nhạc xưa."

Nhạc sĩ Thuận Hồ và các đồng nghiệp làm thiện nguyện 

Giữ lửa và đi tiếp

Trong thời đại công nghệ, nhiều người chọn đi theo nhạc thị trường, sản xuất nhanh, viral mạnh. Thuận Hồ không vội. "Mỗi bài hát của tôi nếu thật lòng, sẽ có khán giả riêng. Tôi muốn họ nghe chậm, ngẫm, rồi thương, vậy là đủ vui rồi."

Hiện anh ấp ủ một album riêng, tập hợp các sáng tác bolero và slow, dự kiến ra mắt cuối năm nay. Ngoài ra, anh luôn sẵn sàng hỗ trợ muốn học sáng tác, cách viết lời, cách giữ hồn bài hát.

Khi hỏi: "Nếu một ngày buộc phải chọn giữa luật và âm nhạc, anh sẽ chọn gì?", Thuận Hồ trầm ngâm rồi trả lời:"Luật giúp tôi sống, âm nhạc giúp tôi tồn tại. Nhưng nếu phải chọn, tôi sẽ chọn âm nhạc. Vì nó là một phần máu thịt, không thể tách rời."

Kết thúc buổi trò chuyện, anh ôm đàn ra về, nắng chiều rọi xuống con hẻm nhỏ, bóng anh dài trên vỉa hè. Tôi nhìn theo, chợt nhớ câu anh nói:"Có thể khán giả không biết tôi, nhưng chỉ cần một người nghe, tôi vẫn viết, vẫn hát, vẫn giữ hồn nhạc xưa sống mãi."

Diệp Y Nhân

Tin liên quan

Nhạc sĩ Thuận Hồ , Xót xa nhớ mẹ