Nhiều văn nghệ sĩ chúc mừng “Lặng soi” của Hạnh Ngộ vào dịp Rằm Tháng Giêng

Nhân dịp chào mừng Rằm Tháng Giêng - Ngày Thơ Việt Nam 2022, Ban Nhà Văn Trẻ và Nhà hàng Chay Bông Súng vừa tổ chức thành công một buổi Ra mắt tập thơ mới Lặng Soi của nhà thơ - nhà biên kịch Hạnh Ngộ vào sáng ngày 12.2.2022, tại nhà hàng chay (số 4 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, TP.HCM). Chương trình thu hút được nhiều khách mời văn nghệ sĩ, doanh nhân, giới truyền thông đến tham dự.

Hơn 15 năm ấy - biết bao ân tình…

Tuy là một buổi ra mắt thơ cá nhân, nhưng Hạnh Ngộ được nhiều thân hữu thi ca, nhà báo, nhà biên kịch, doanh nhân ưu ái đến chung vui, chúc mừng Hạnh Ngộ. Cảm kích trước tấm lòng của anh chị em, bạn hữu, Hạnh Ngộ đã gửi lời tri ân đến từng người trong chương trình thơ. Nàng thơ hồi tưởng đến những câu chuyện từ thời sinh viên tập làm thơ và đã in được tập thơ đầu tay “Vang Vọng” (NXB Thanh Niên, năm 2004).

Tập thơ mới “Lặng soi của Hạnh Ngộ (NXB Hội Nhà Văn, 2022)

Sau một thời gian đến năm 2007, tập thơ thứ hai “Rơi ngược” (NXB Thanh Niên, 2006 ) của tác giả Ngô Thị Hạnh được trình làng trong sự kiện Chào mừng Kỷ niệm Ngày Thơ Việt Nam 2007, được Ban Nhà Văn Trẻ - Hội Nhà Văn TP.HCM tổ chức, tại Thảo Cầm Viên TP.HCM Cũng từ dấu ấn “Rơi ngược” trong thơ lần đó, Hạnh Ngộ được hai người anh lớn là nhà thơ Trần Hữu Dũng và nhà thơ Vũ Trọng Quang giới thiệu vào làm hội viên Hội Nhà Văn TP.HCM. Cứ thế, Ngô Thị Hạnh bấy giờ tiếp tục trình làng các tập thơ mới vào những ngày Ngày Thơ Việt Nam, đó là tập thơ “Nắng từ những ngón chân” (NXB Thanh Niên, năm 2010); Thơ tình với Sài Gòn (NXB Thanh Niên, năm 2014). Có những năm tác giả không xuất bản tập thơ mới, nhưng vào những Ngày Thơ Việt Nam hàng năm, Ngô Thị Hạnh vẫn không ngừng sáng tác những bài thơ hay và tích cực tham gia các hoạt động tổ chức chương trình giao lưu thơ trẻ với các anh chị em tại Sân thơ trẻ của Ban Nhà Văn Trẻ (81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP.HCM).

Quang cảnh buổi ra mắt

Là một nhà thơ trẻ đa tài, tên tuổi Ngô Thị Hạnh còn được biết đến trong vai trò nhà biên kịch. Chị luôn tâm niệm, muốn đi xa hơn thì không đi một mình. Trong nghề biên kịch chị là 1 trong những thành viên đầu tiên sáng lập và điều hành Bút nhóm Nắng Sài Gòn và bây giờ là nhóm biên kịch Hạnh Ngộ. Bút nhóm Nắng Sài Gòn tồn tại hơn 8 năm với gần 20 tác phẩm phim truyện truyền hình. Hiện tại nhóm Hạnh Ngộ do chị làm trưởng nhóm đã sáng tác kịch bản trên 5 năm và có những tác phẩm như: Bán Chồng (VTV3), Nơi ngọn gió dừng chân (Vĩnh Long 1, 2021), Vũ khúc đón xuân (Vĩnh Long 1, 2022),... Có giai đoạn nhà thơ Ngô Thị Hạnh từng là Ủy viên Hội Điện Ảnh TP.HCM nên phải tập trung nhiều thời gian cho bên phim, điện ảnh hơn thơ, nhưng không bao giờ tác giả ngưng làm thơ. Nhà biên kịch Ngô Thị Hạnh với nhóm của mình đã khẳng định được năng lực trong các bộ phim truyền hình ăn khách như Tóc rối (HTV7, 2009), Gia đình số đỏ (phát HTV7, 2010), Độc thân tuổi 30 (Today TV, 2012), Sống gượng (HTV9, 2019), Bán chồng (VTV 3, 2019)… Đặc biệt là seris chuyện Cổ tích Việt Nam – phim hoạt hình 3D đang phát mỗi tuần 5 tập cho các bạn nhỏ ở truyền hình Vĩnh Long 1…

Hạnh Ngộ cùng các vị khách mời giao lưu sáng ngày 12.2.2022 

Trước khi dịch Covid xuất hiện bùng phát, vào cuối năm 2019 (trước Tết Nguyên Đán 2020), Ngô Thị Hạnh có duyên với Không gian thơ – nhạc tại Salon Sài Gòn do nhạc sỹ Nguyễn Lê Tuyên giới thiệu. Lúc đó, chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là tết, Ngô Thị Hạnh đang phân vân không biết tổ chức ra mắt thơ lúc này có gấp quá hay không, đang định để dời lại sau tết tổ chức, thì họa sỹ – biên tập viên Đỗ Thiên Hương – người bạn đồng hành với Hạnh Ngộ trong nhiều năm tổ chức sự kiện, đã khuyến khích và hào hứng ủng hộ tinh thần việc Hạnh Ngộ nên tổ chức đêm thơ nhạc ngay trước tết nguyên đán 2020. Đêm thơ nhạc hôm đó diễn ra trong hội trường của biệt thự cổ Salon Sài Gòn, sang trọng, với hơn 100 khách mời trong nước và người nước ngoài. May mắn cho tác giả Ngô Thị Hạnh, vừa làm xong chương trình ra mắt thơ nhạc lần đó thì một tuần sau đó là cận tết Nguyên Đán 2020, Việt Nam phát hiện ra dịch bệnh Covid 19 đã xuất hiện và đang bùng phát lần đầu tiên, căng thẳng từ những ngày đầu xuân năm 2020. Cũng từ cột mốc Covid xuất hiện, bùng phát và biến đổi phức tạp từ thời điểm đó cho đến ngày hôm nay, đã hơn 2 năm qua, khiến các chương trình kỷ niệm Chào Mừng Ngày Thơ Việt Nam ở các tỉnh thành trong nước vào những năm 2020, 2021, 2022 vẫn chưa được tổ chức lại.

8 năm không xuất bản thơ… Hạnh Ngộ bỗng xuất thần trong “Lặng Soi”

Lại thêm một sự tình cờ thú vị, trong dịp đầu xuân năm nay, mùa dịch Covid vẫn chưa lắng xuống nhưng nàng thơ Hạnh Ngộ vừa xuất bản được một tập thơ mới mang tên Lặng soi (NXB Hội Nhà Văn, 2022), sau 8 năm lặng im không xuất bản thơ... “Lặng soi” vừa in xong chưa kịp tặng ai, thì nhà thơ Hạnh Ngộ tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Thanh Thúy – Hội trưởng Hội Quán Các Bà Mẹ đã kết nối tác giả với Nhà hàng Chay Bông Súng để làm buổi tiệc chay, giới thiệu tập “Lặng soi” trong một không gian nhỏ, ấm cúng, thanh tịnh.

Hạnh Ngộ cùng các vị khách mời giao lưu sáng ngày 12.2.2022 

Nhà báo, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: “Ngô Thị Hạnh là một gương mặt nữ tiêu biểu của văn chương trẻ ở TP.HCM suốt 20 năm qua. Chị không chỉ đam mê sáng tác, mà còn cổ vũ nhiều bè bạn cùng nỗ lực sáng tạo, trong cả thơ, văn và kịch bản phim. Sau 4 tập thơ ký bút danh Ngô Thị Hạnh, tập thơ “Lặng soi” lại xuất hiện với một bút danh khác là Hạnh Ngộ. Sự thay đổi bút danh cũng kèm theo sự thay đổi bút pháp. Nếu như trước đây thơ chị chủ yếu kể lể suy tư, thì “Lặng soi” lại phản ánh cảm giác. Nghĩa là Hạnh Ngộ tìm thấy biên độ thẩm mỹ quan trọng hơn của thơ giữa cuộc sống bộn bề, và có được những câu thơ rung động về sự tương tác giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với xã hội, giữa con người với con người”.

Nhà thơ, nhà báo Lê Thiếu Nhơn chúc mừng Hạnh Ngộ với tập thơ mới Lặng soi.

Doanh nhân, nhà thơ Trần Lê Khánh ấn tượng về những câu thơ xuất thần của Hạnh Ngộ

Doanh nhân, nhà thơ Trần Lê Khánh cũng bất ngờ trước những câu thơ xuất thần của Hạnh Ngộ trong tập thơ mới Lặng soi. Anh chia sẻ: “Những tập thơ trước của Ngô Thị Hạnh tôi cảm giác như những dòng sông chảy cuồn cuộn cảm xúc, chảy đều đặn và trôi xa... Nhưng khi đọc tập thơ mới “Lặng soi” của Hạnh thì tôi thấy vẫn là dòng chảy ngày xưa nhưng có gì rất đột ngột, khiến cho tôi như lọt thỏm, rơi vào trong đó vì những câu thơ xuất thần, nó làm cho không gian, thời gian yên lặng lại, vắng lặng lại... Thông qua tập thơ Lặng soi này, tôi cũng thấy như soi lại chính mình trong sự yên lặng đó, như câu thơ mở đầu của bài thơ Giọt trong: “Nước trong một thuở. Em soi mình. Mùa đông đóng băng chiếc bóng”. Câu thơ “Mùa đông đóng băng chiếc bóng” thật xuất thần, vì khi nói về chiếc bóng có cảm giác mơ hồ, khó nắm bắt nhưng chiếc bóng bị đóng băng thì tôi chưa thấy hình ảnh đó ở đâu mà chỉ tìm thấy trong thơ Hạnh Ngộ. Đây cũng chính là xuất phát từ tâm tư, hành trình tìm lại mình, như câu thơ: “Thôi em tập làm em...” thì phải có sự khao khát mãnh liệt đó, Hạnh Ngộ mới bật ra được những câu thơ như vậy, đó là quan điểm của tôi...”.   

Họa sỹ – Giám đốc Truyền thông Công ty Cổ phần Hosha cảm nhận về chất thiền trong tập thơ “Lặng soi” của tác giả Hạnh Ngộ

Họa sỹ Đỗ Thiên Hương – Giám đốc Truyền thông Công Ty Cổ Phần HOSHA – là người đồng hành với Hạnh Ngộ trong nhiều sự kiện ra mắt thơ ca nhiều năm qua, tâm sự: “Theo tôi, Hạnh Ngộ mượn thơ ca để chia sẻ mọi cung bậc cảm xúc rất mộc của lòng nàng trong những cung bậc về tình yêu, tình thân, gia đình và cuộc sống... Nhìn chung, trong các tập trước luôn ẩn hiện những cơn sóng lòng buồn miên man, vời vợi, đan xen tâm trạng hờn dỗi... khi quá khứ quay về, ký ức lại “chạm trán” về những kỷ niệm dấu yêu nhưng không trọn vẹn một thời... Nhưng trong tập thơ mới “Lặng soi” lần này của Hạnh Ngộ, tôi cảm nhận được biên độ tỉnh thức trong trái tim nàng bao dung hơn và tự tại hơn trước mọi sự đổi thay của tình – đời, người yêu... Nàng không còn để cảm xúc bay bổng, xáo trộn hay phụ thuộc, bị động trước sự biến đổi của những hoàn cảnh khách quan, mà ngược lại nàng đang lặn dần trong im lặng... để tìm cách làm mới bản thân mình qua việc tự soi chiếu lại tâm thức. Chất thơ của nàng sâu lắng hơn, thể hiện được sự kiên định hơn trong hành trình tìm lại chính mình, hiểu mình hơn... Năm mới, tôi xin chúc mừng Hạnh Ngộ đã có sự chuyển mình thật sâu sắc trong thi phẩm mới. Qua việc thay đổi bút danh mới là Hạnh Ngộ, tôi hình dung ra một người có hạnh nhẫn nại, hạnh bao dung cùng với sự tỉnh ngộ bên trong, một người đang mượn thơ ca, nghệ thuật là phương tiện để tự soi sáng lòng mình, lòng người một cách thi vị hơn...”.

Ngọc Thi

Lặng soi , nhà thơ Hạnh Ngộ , vào dịp Rằm Tháng Giêng