Những yếu tố đáng mong chờ trong phim “Yêu trong đau thương”

Thuộc dòng phim xưa, Yêu trong đau thương lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ thập niên 1960. Bộ phim được ekip dành nhiều tâm huyết đầu tư dàn dựng bối cảnh và chuẩn bị đạo cụ để bám sát bối cảnh lịch sử giai đoạn đó.

Yêu trong đau thương xoay quanh Hương Thảo (Bella Mai) - mồ côi cha mẹ, sống với anh trai là Nghĩa (Thanh Thức). Là cô gái xinh đẹp, dịu dàng nên được nhiều người để mắt tới nhưng từ lâu trong lòng Thảo từ lâu đã ghi khắc hình bóng của một người: Chí Kiên (Đăng Dũng Bino).

Chí Kiên con nhà giàu, đẹp trai, miệng lưỡi ngọt ngào, ga-lăng, lịch sự nên được rất nhiều cô gái thầm thương trộm nhớ. Chí Kiên cũng mồ côi sau khi cha mẹ mất trong 1 tai nạn, hiện sống với bà nội (bà Hai – NSND Kim Xuân) và một đứa em cùng cha khác mẹ tên Bình (Hoàng Nguyên) - kết quả của mối tình dan díu của ba Kiên năm xưa. Tuy nhiên, nếu Chí Kiên được lên Sài Gòn học, được cả nhà yêu thương thì Bình chẳng khác nào người ở trong nhà.

Mang tiếng lên Sài Gòn đi học nhưng Chí Kiên lao vào ăn chơi, qua lại với ca sĩ phòng trà tên Lan Chi (YeYe Nhật Hạ) - cũng xuất thân là cô gái mồ côi cha mẹ, từng bị cuộc đời dập vùi trước khi theo nghề "xướng ca vô loài". Tuy nhiên, khi về quê Chí Kiên vẫn đóng vai thanh niên lành mạnh, người cháu hiếu thảo. Ngay cả Nghĩa (Thanh Thức) - anh trai Hương Thảo, bạn thân Chí Kiên cũng không hề hay biết.

Yêu nhưng không được đáp trả, phải lấy người mình không có tình cảm đã đẩy các nhân vật đến bên bờ vực của sự tuyệt vọng. Trong vòng luẩn quẩn với ranh giới mong manh giữa yêu và hận ấy, mỗi người trong số họ hoặc sẵn sàng bất chấp tất cả, thậm chí làm những việc thất đức để giành giật những thứ vốn không thuộc về mình hoặc chấp nhận hy sinh bản thân.

Thông qua câu chuyện với biết bao hỷ-nộ-ái-ố đó, phim muốn gửi gắm thông điệp lòng thù hận chỉ khiến con người mờ mắt, mất nhân tính. Tiền tài, vật chất cuối cùng chỉ là vật ngoài thân. Điều cuối cùng còn đọng lại chính là tình yêu thương. Yêu thương đủ lớn sẽ thứ tha cho mọi lỗi lầm, để hàn gắn vết thương do chính mình gây ra. Sự tỉnh thức đúng thời điểm giúp con người quay về bản ngã của chân-thiện-mỹ. Chỉ khi làm được những điều đó mới nhận về sự thanh thản trong tâm hồn.

Thuộc dòng phim xưa, Yêu trong đau thương lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ  thập niên 1960. Bộ phim được ekip dành nhiều tâm huyết đầu tư dàn dựng bối cảnh và chuẩn bị đạo cụ để bám sát bối cảnh lịch sử giai đoạn đó. Xem phim, khán giả sẽ choáng ngợp với bối cảnh ngôi nhà cổ của gia đình Chí Kiên; những cánh đồng thẳng cánh cò bay; bối cảnh làng quê mộc mạc, giản dị… Từng đạo cụ cũng được ekip chăm chút kỹ lưỡng để khớp với giai đoạn lịch sử thời đó. Một lần nữa, khán giả sẽ có cơ hội sống lại không khí mang đầy màu sắc hoài niệm. Dòng phim xưa với rất nhiều tác phẩm xuất sắc, ghi dấu ấn thời gian gần đây trong đó không thể không nhắc đến Tiếng sét trong mưa (đạo diễn Nguyễn Phương Điền) cho thấy sức hút của nó với khán giả, đặc biệt khán giả khu vực miền Tây.

Câu chuyện của Yêu trong đau thương dù không thực sự mới mẻ nhưng dưới ngòi bút của biên kịch Nguyễn Thị Mộng Thu chắc chắn không làm khán giả thất vọng. Đường dây câu chuyện phim được xây dựng lớp lang, logic không chỉ nêu bật tính cách, số phận nhân vật mà còn có nhiều nút thắt – mở, cao trào được sắp xếp với các tình tiết hợp lý. Sự xuất hiện của các nhân vật trong từng bối cảnh, thời điểm cũng được tính toán kỹ lưỡng vừa đảm bảo sự liền mạch đồng thời giúp họ tạo nên dấu ấn riêng. Và đặc biệt, thông điệp sự thù hận nếu không được hóa giải bằng yêu thương, độ lượng sẽ mãi mãi không thể chấm dứt chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Sự tỉnh thức chưa bao giờ là muộn màng. Sự trả giá cũng là lẽ tất yếu. Và tình yêu sẽ giúp hàn gắn mọi vết thương dẫu nó không thể đưa mọi thứ trở lại như xưa.

Dàn diễn viên tham gia Yêu trong đau thương cũng là những cái tên được ekip tuyển chọn kỹ lưỡng. Một NSND Kim Xuân dạn dày kinh nghiệm từng nhiều lần đảm nhận các vai diễn nặng ký tiếp tục có cơ hội phát huy thế mạnh của mình với vai diễn bà Hai. Sự tham gia của NSND Thanh Nam hay NS Ngân Quỳnh dù chỉ là các vai nhỏ nhưng cũng góp phần nâng đỡ các diễn viên trẻ tỏa sáng.

Ở tuyến chính, Bella Mai có cơ hội thỏa sức vẫy vùng với vai Hương Thảo. Là gương mặt ngày càng được yêu thích qua hàng loạt các vai chính trong những dự án truyền hình thời gian gần đây, Bella Mai cho thấy sự hóa thân đa dạng, đặc biệt là các vai diễn nặng về tâm lý. Từ một cô gái quê hiền lành, chất phác vì hận thù, vì yêu mà biến mình thành người khác khán giả trông chờ vào sự đột phá của Bella Mai ở dự án lần này.

Hai người đàn ông cô yêu và yêu cô lần lượt do Đăng Dũng Bino (vai Chí Kiên) và Hoàng Nguyên (vai Bình) cũng là những gương mặt không còn xa lạ với màn ảnh nhỏ. Sở hữu ngoại hình điển trai và khả năng diễn xuất đã và đang được kiểm chứng qua nhiều dự án, với Yêu trong đau thương cả hai cũng được hứa hẹn sẽ làm tốt vai diễn của mình. Trong khi đó, vai cô ca kĩ Lan Chi do YeYe Nhật Hạ thủ vai. Là gương mặt được yêu thích từ dự án Gia đình phép thuật, Yêu trong đau thương là cơ hội để Nhật Hạ có thể chứng minh khả năng diễn xuất và vượt qua những vai diễn đình đám trong quá khứ của chính mình. Phim còn có sự tham gia của Thanh Thức với vai Nghĩa, Kiều Khanh vai Út Mận hay Thanh Bình vai Mạnh…

Đạo diễn Chu Thiện chia sẻ: “ Khi ra trường tôi có cơ hội đi theo làm phó đạo diễn cho đạo diễn Hồ Ngọc Xum nên có cơ hội học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm về phim xưa, về cách thể hiện của nhân vật để làm sao cho ra chất miền Nam. Bên cạnh đó, tôi là đứa con của miền Nam, tôi sinh ra ở miền Tây Nam bộ. Khi nhận bộ phim này cùng với tác giả kịch bản tốn nhiều thời gian chỉnh sửa. Nhưng may mắn khi quay nhận được hỗ trợ của họa sĩ thiết kế Mã Phi Hải. Anh cùng tôi bàn bạc, chuẩn bị bối cảnh miền Nam xưa. Gần như chúng tôi phải kĩ lưỡng từng chi tiết. Trước đó từ 2017-2019 vì có việc riêng nên tôi ít nhận phim. Mong bộ phim sẽ mang đến cảm giác tốt cho khán giả…”

Khi được hỏi, thời gian gần đây các phim xưa trở lại khá mạnh mẽ và được khán giả đón nhận. Không biết khi bộ phim lên sóng NSX đặt kỳ vọng như thế nào?, bà Vũ Thị Bích Liên cho biết: “Trước khi Mega GS làm quyết định phim xưa chiếu trên VTV có thăm dò thị trường. Nhiều người hỏi khán giả phía Bắc có thích phim xưa hay không. Khi Tiếng sét trong mưa phát sóng người miền Tây biết là đương nhiên vì kênh truyền hình Vĩnh Long rất mạnh khu vực này. Nhưng ngay cả khán giả miền Bắc hỏi tôi cũng rất nhiều, tôi nhớ có không ít 10 người. Thậm chí họ còn hỏi tôi tại sao không chiếu trên VTV để mọi người cùng xem được. Nhiều người mê và muốn xem lại trên internet nhưng THVL không phát lại. Điều đó khiến tôi cũng rất tiếc nhưng nó giúp tôi củng cố thêm niềm tin với dòng phim này. Do đó tôi càng thích được làm dòng phim này.

Khi làm phim xưa, chúng tôi có lợi thế là mua lại rất nhiều kịch bản cải lương ngày xưa. Mình mua lại câu chuyện đó và viết lại. Ngay sau phim này chúng tôi sẽ đưa vào sản xuất một phim gần trùng như thế. Nếu làm phim cứ phải tránh, phải làm hiện đại nhưng khán giả không xem sẽ phí công mình. Chúng tôi cố gắng làm phim khán giả thích trong giai đoạn hiện tại. Tất nhiên, sản xuất những bộ phim như thế này chi phí sản xuất cao hơn. Nhưng ngược lại khi gửi kịch bản cho đạo diễn, cho họa sĩ Mã Phi Hải anh rất thích, Về mặt diễn viên họ rất thích. Tôi vẫn hay nói đùa, diễn viên khi đi làm có lúc họ làm vì tiền và có lúc làm vì công việc mình thích. Tôi chắc chắn những kịch bản hay họ sẽ không nề hà. Khi họ chấp nhận mức cat-xê vừa phải mình lại có tiền đầu tư vào bối cảnh, đạo cụ. Không biết các NSX khác như thế nào nhưng tôi làm phim nhiều năm nếu nói không có lời là không đúng. Nhưng kinh doanh nghề này mà đòi hỏi tỷ lệ lợi nhuận cao khó làm lắm, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều người chắc chắn sẽ sẵn sàng bỏ giờ phát sóng ngay cả với các gameshow. Nhiều đơn vị có kí kết với đài cũng bỏ cuộc chơi. Riêng với tôi tôi chưa phụ lòng với các đài truyền hình. Các công ty khác không hy vọng trám phim vào khung giờ phát sóng của tôi. Kể cả ngày xưa khi một ngày chúng tôi có 2-3 tập phim cùng lên sóng, 1 năm khoảng 1.000 tập tôi cũng chưa bao giờ bị cháy sóng. Khi cháy sóng có 2 vấn đề hoặc thấy doanh thu không ổn phải xin rút 1 giai đoạn hoặc kế hoạch sản xuất bị chậm so với phát sóng. Một bộ phim để lên sóng mất 6 tháng từ quay đến phát sóng chưa kể khâu chuẩn bị kịch bản, chọn diễn viên"

Diễn viên Ngân Quỳnh cũng chia sẻ: “Hiện tại các phim ngoại quốc, phim Hàn, phim Ấn quá nhiều. Phim Việt Nam trở lại phim xưa để khán giả biết con người, xã hội được phản ánh như thế nào. Đó là điều Ngân Quỳnh rất thích. Gần đây tôi cũng thấy khán giả hưởng ứng nồng nhiệt thể loại phim xưa. Đã vào vai các bà mẹ hiện đại, khi vào vai phim xưa thích cái chân chất từ hành động, trang phục đều hoàn toàn khác. Làm diễn viên được thay đổi tính cách nhân vật của mình là điều hạnh phúc. Với phim này, anh Chu Thiện chỉn chu từng chi tiết, từng lời thoại. Vì thu trực tiếp các diễn viên phải thuộc. Mỗi lời thoại thốt ra phải ăn nhập với diễn xuất. Với bộ phim này ai cũng cố gắng để hoàn thành tốt nhất vai diễn của mình”

Diễn viên Bella Mai kể cô có nhiều kỷ niệm, vui, buồn khó khăn. “Bộ phim này tôi đóng vai chính, thời gian quay xuyên suốt. Có một khó khăn rất lớn, tôi là người Quảng Ngãi, phim yêu cầu thu tiếng trực tiếp và lời thoại phải chính xác 99% mà tính tôi nói nhanh, không tròn vành rõ chữ nên để đúng vần điệu không đơn giản.

Khó khăn thứ hai về tạo hình nhân vật. Tôi sợ giống các nhân vật trước đó. Vai diễn này tôi có thay đổi nhiều nhưng riêng về kiểu tóc có đến 5 kiểu khác nhau. Có ngày quay tôi phải thay đổi đến 5 kiểu tóc khác nhau, hết kéo, uốn, duỗi mà tôi không thể xài tóc giả vì sợ bị giả. Quay phim, thời tiết cũng khá khó khăn. Có một cảnh sau khi cả ngày phải quay trời nắng tối đến tôi lại phải dầm mưa. Buổi tối đó quay tôi muốn ngất xỉu, thậm chí không đứng nổi phải bấu tay vào đùi, run quá sợ không diễn nổi và thoại được. Lúc đó, tôi có kêu chị phục trang đến và nói pass điện thoại vì sợ mình ngất chị sẽ biết để báo tin cho gia đình. May mắn là mọi người quan tâm khi quay xong được đốt lửa sưởi ấm, lau khô người, ăn mì nóng... “

“Yêu trong đau thương” dài 38 tập sẽ lên sóng lúc14g thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3, bắt đầu từ ngày 1/8.

Minh Minh/Theo VTV

 

Yêu trong đau thương , VTV