NSND – đạo diễn Trọng Trinh kể chuyện làm phim “Trái tim bất hạnh”
Đạo diễn Trọng Trinh cho biết: “Bộ phim “Trái tim bất hạnh” mang một đề tài khá thời sự đó là vấn nạn bạo hành trẻ em, bạo hành học đường vốn đang là tâm điểm mà xã hội quan tâm. Tôi thật sự rất tâm huyết với bộ phim này”
Bộ phim “Trái tim bất hạnh” khai thác đề tài từ câu chuyện có thật về vụ án bạo lực trẻ em - vụ án điểm xảy ra cách đây ba năm tại TP.HCM. Bộ phim sự tham gia của dàn diễn viên tên tuổi: Oanh Kiều, Khôi Trần, Lê Hạ Anh, bé Cao Thùy Linh, bé Huỳnh Bảo Duy, Thân Thúy Hà, Trung Dũng… Với 34 tập phim hứa hẹn sẽ mang đến cho quý khán giả những cách nhìn mới khi đối diện với vấn nạn bạo lực. Phim được phát sóng vào 19:45 từ ngày 19/12/2024 trên SCTV14 – Kênh Phim Việt của Truyền hình Cáp SCTV và App SCTV Online.
Câu chuyện phim xoay quanh Hà Anh, một cô gái hiền lành xinh đẹp, nhiều năm về trước, Hà Anh từng là nạn nhân của bạo lực học đường khi bị cô bạn cùng lớp Băng Châu hành hung bắt nạt. Tuy nhiên vì gia đình nhà Băng Châu vô cùng quyền thế và mẹ Hà Anh lại mắc nợ mẹ Băng Châu nên cô đành phải nhẫn nhịn bỏ qua, chọn cách chuyển trường trong ấm ức để tránh bị bắt nạt.
Một số cảnh trong phim
Nhiều năm sau, Hà Anh quyết tâm học tập thi đỗ vào trường đại học ngân hàng và bén duyên với Hưng. Cả hai đã trở thành vợ chồng và sống hạnh phúc bên cạnh hai đứa con thơ ngoan hiền là bé Thảo và bé Hiếu.
Thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, bi kịch lại tiếp tục xảy ra với Hà Anh kể từ khi Hưng thay lòng đổi dạ, ngoại tình lén lút sau lưng cô. Người mà Hưng si mê là một cô tiểu thư nhà giàu xinh đẹp, vừa du học từ nước ngoài trở về. Hà Anh như chết lặng khi bắt quả tang chồng mình đang ân ái với kẻ thứ ba, và không ai khác đó chính là Băng Châu - kẻ chủ mưu vụ bạo lực học đường đã ám ảnh Hà Anh suốt những năm tháng học trò.
Và mặc dù Hà Anh đã cố gắng làm mọi thứ, nhất quyết không để cho Băng Châu đạt được mục đích phá hoại gia đình mình nhưng một lần nữa, Hà Anh lại thất bại thảm hại trước Băng Châu bởi vì Hưng đã lựa chọn nghiêng về phía gia thế giàu có nhà tình địch. Đau đớn hơn, Hưng còn quyết định tranh giành quyền nuôi cả hai đứa con theo lời xúi giục của Băng Châu. Hai bé Hiếu và Thảo đã bị tổn thương sâu sắc khi chứng kiến ba mẹ chúng cãi vã tranh giành quyền nuôi con. Và cuối cùng Hà Anh đành phải bất lực tuân theo sự phán quyết của tòa là hai đứa trẻ bị tách rời, Hà Anh khóc nấc đau đớn khi cô bất lực nhìn bé Thảo theo Hưng.
Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, với tính tình ích kỉ, nhỏ mọn và hiếu thắng, Băng Châu luôn tìm cách ngăn cản Hà Anh gặp con và còn lén đưa bé Thảo ra tận Nha Trang để tách biệt mẹ con hoàn toàn. Mặt khác, Băng Châu cũng nhiều lần điên tiết mà thẳng tay bạo hành bé Thảo chỉ vì vài lỗi nhỏ nhặt và tự cho mình có quyền dạy dỗ con chồng tốt hơn. Thay vì ngăn cản Băng Châu, kẻ là cha ruột như Hưng lại hoàn toàn thờ ơ, thậm chí nhắm mắt cho qua chỉ vì không muốn làm mất lòng Băng Châu, mất đi tiền tài và địa vị do tình mới mang lại.
Hậu quả nhãn tiền, một cuộc gọi điện thoại làm trái tim Hà Anh tan nát khi nghe Hưng báo tin bé Thảo đã chết đuối dưới hồ do nghịch nước. Khi Hà Anh chưa kịp đến mang xác cô con gái bé bỏng trở về thì Hưng đã vội vàng đem bé đi hỏa thiêu. Hà Anh càng suy sụp tinh thần đến trầm cảm khi nhận được cuốn nhật ký của bé Thảo. Từng lời tự sự đau đớn trong nước mắt, sự cô đơn tuyệt vọng khi bé đã phải trải qua những trận đòn roi vô tội vạ của Băng Châu khiến Hà Anh đau thắt. Cô không ngờ rằng con gái mình lại bị bạo hành từ một kẻ cũng đã bạo hành chính cô, kinh khủng hơn, chính Hưng – cha ruột của cô bé lại là kẻ đứng ra bao che cho kẻ chủ mưu đã hành hạ con gái mình. Hà Anh căm hận Băng Châu đến tột độ và quyết tìm cho ra chứng cứ để đưa cả Hưng cùng kẻ thù ra chịu tội trước pháp luật.
Đạo diễn Trọng Trinh chia sẻ: “Khi lần đầu cầm trong tay kịch bản và làm việc với biên kịch Đông Hoa, việc đầu tiên tôi quan tâm đến chính là biên kịch muốn nói lên điều gì trong kịch bản này. Tôi đã cùng trao đổi và tham gia vào việc biên tập lại kịch bản ngay từ đầu để đảm bảo cho các tình tiết cũng như tuyến nhân vật trở nên hợp lý và xuyên suốt từ đầu đến cuối.
Đạo diễn Trọng Trinh
Bộ phim “Trái tim bất hạnh” mang một đề tài khá thời sự đó là vấn nạn bạo hành trẻ em, bạo hành học đường vốn đang là tâm điểm mà xã hội quan tâm. Đặc biệt, trong phim, câu chuyện về em bé tám tuổi bị dì ghẻ bạo hành dẫn đến tử vong khiến người xem không khỏi liên tưởng đến vụ án điểm cách đây ba năm xảy ra tại Tp.HCM. Và thực tế đúng là Trái tim bất hạnh được biên kịch Đông Hoa phát triển dự trên câu chuyện có thật này.
Thế nhưng mục đích tôi thực hiện bộ phim không phải để miêu tả chi tiết câu chuyện ấy mà thông qua nó tôi muốn truyền tải một vấn đề sâu sắc hơn, ấn tượng hơn. Mỗi nhân vật, mỗi hoàn cảnh trong bộ phim là những câu chuyện mà khán giả có thể bắt gặp chính mình ở đó. Ví dụ như yếu tố “tiền căn – hậu quả” được tôi nhấn mạnh trong câu chuyện nuôi dạy con của cha mẹ Băng Châu, cô ta xử lý mọi chuyện bằng bạo lực kể cả với con trẻ mà không cần lo lắng cho hành vi phạm pháp của mình - chính là vì từ thuở nhỏ, cha mẹ cô ta đã dung túng cho hành vi bạo lực học đường của cô ta. Chính sự nuông chiều, buông thả trong giáo dục hành vi từ cha mẹ đã khiến Băng Châu lầm đường lạc lối…”
Đạo diễn Trọng Trinh trên phim trường
Đạo diễn Trọng Trinh cho biết thêm: “Tôi luôn rất thận trọng khi thực hiện những bộ phim thuộc mảng gia đình – tâm lý – xã hội, phải làm sao để cho từng câu chuyện trong bộ phim trở nên gần gũi, chân thực nhất, nếu không thì phim sẽ rất dễ bị “gãy” – tức người xem xem phim mà cảm thấy đây không phải là câu chuyện có thật.
“Trái tim bất hạnh” là một kịch bản mang lại cho tôi khá nhiều cảm xúc. Ban đầu, tôi thực sự muốn thay đổi tên gọi của bộ phim, tôi muốn lấy câu nói của bé Thảo trước khi hai mẹ con rời xa nhau làm tựa đề cho phim. Đó là khoảnh khắc khi hai mẹ con nằm tâm sự bên cạnh nhau trước khi hôm sau Thảo phải theo cha về nhà dì ghẻ, Thảo đã nói “Mẹ ơi! Đừng khóc!” – Một câu nói tưởng chừng đơn giản nhưng chứa đựng biết bao nỗi niềm của một đứa trẻ hiểu chuyện quá sớm, đó là sự yêu thương, sự lo lắng của cô bé khi thấy mẹ khóc. Câu nói ấy cũng luôn vang vọng và ám ảnh những năm tháng sau này của Hà Anh khi đứa trẻ đã mất. Thế nhưng nội dung của bộ phim “nói” nhiều hơn những thông điệp khác, đó không đơn giản chỉ xoáy vào nỗi đau của Hà Anh, nó còn muốn nhấn mạnh những vấn đề xã hội đáng chú ý hơn như vấn nạn bạo lực học đường, bạo hành trẻ em, hệ lụy sau li hôn…Chính vì vậy, tựa đề Trái tim bất hạnh – đại diện cho những trái tim bị tổn thương trở nên hợp lý hơn bao giờ hết.
Đây là một bộ phim drama mang màu sắc tâm lý khá nặng, mỗi nhân vật đều có lúc phải đối diện với những khoảnh khắc đau lòng, nhiều cảm xúc. Chính vì vậy ngay từ đầu khi làm việc với ekip tôi đã yêu cầu bộ phim phải được thực hiện thu tiếng trực tiếp. Phim này không thể lồng tiếng được vì tôi đòi hỏi diễn viên phải thể hiện cảm xúc thực sự khi đối diễn trong từng phân đoạn. Tất cả diễn viên từ vai chính tới vai phụ tôi đều đòi hỏi phải điều đó, ngay cả đối với những diễn viên gạo cội như Trung Dũng hay Thân Thúy Hà. Và đặc biệt, tôi phải dành lời khen cho các bạn diễn viên nhí, nhất là bé Cao Thùy Linh (bé Thảo) và bé Huỳnh Bảo Duy (bé Hiếu) – có thể nói sự thể hiện của các bé trên cả sự mong đợi của tôi.
Trong bộ phim tôi luôn nhấn mạnh vào hai cách nhìn đó là nhân sinh quan của đứa bé khi nó nhìn vào cuộc sống và hai là cách đối xử của người lớn với những người xung quanh. Tôi mong muốn rằng thông qua bộ phim, khán giả - những người lớn chúng ta - sẽ có một lúc nào đó ngồi lại, chiêm nghiệm về những gì đã qua, để không trở thành những con người vô tâm từ lúc nào không biết”
Đạo diễn Trọng Trinh chỉ đạo trong một cảnh quay
Trong phim, Oanh Kiều vào vai Hà Anh. Vốn tin vào tình yêu sét đánh, và câu chuyện hôn nhân, mọi thứ đều thay đổi cho đến khi chúng ta mãi chạy theo cơm áo gạo tiền và gánh nặng gia đình, khiến hôn nhân không còn màu hồng. Hà Anh là người phụ nữ rơi vào tình trạng như vậy. Giành giật để bảo vệ gia đình con cái cho trọn vẹn, nhưng một mình cô thì liệu có làm được không? Đổ vỡ hôn nhân, gia đình ly tan, con cái mỗi người một nơi, và sóng gió ập tới liên tục với mẹ con cô.
Trong phim, Oanh Kiều vào vai Hà Anh.
Khi đọc kịch bản Oanh Kiều đã tâm niệm mình phải thể hiện được vai diễn này. Vì nhân vật quá thực tế, với tình trạng hôn nhân trong xã hội như hiện nay. Oanh Kiều muốn đem đến cho khán giả những cảm xúc, những nỗi lòng và đặc biệt là khi mọi người xem phim xong sẽ cảm thấy cần yêu thương, chăm sóc, chia sẻ cùng gia đình mình nhiều hơn, hãy vì nhau nhiều hơn để bảo vệ hạnh phúc của chính gia đình mình.
Oanh Kiều đã chọn cách thể hiện nhân vật của mình qua cách ứng xử. Những lúc cần bảo vệ gia đình, Hạ Anh sẽ hạ mình, cam chịu, những lúc tự vực dậy chính mình cô sẽ là người phụ nữ mạnh mẽ.
Và mặc dù ở ngoài đời, Oanh Kiều chưa làm mẹ nhưng trong vai diễn lần này thì Oanh Kiều đã vào vai là một người mẹ mà không chỉ vậy còn là một người mẹ phải chịu nhiều nỗi đau khi mất con. Vốn dĩ câu chuyện của nhân vật trong kịch bản đã rất kịch tính, Oanh Kiều chỉ cần cảm hết những gì trong kịch bản, ở đó đọc từng câu chữ, từng lời thoại đã cho mình quá nhiều cảm xúc rồi. Cho đến khi mình gặp hai đứa con của mình trong phim, các bé đã cho mình cảm thấy các bé chính là những đứa con ruột thịt do mình sinh ra, cho mình cảm giác đây là gia đình, chúng yêu thương mình, từng lời các con nói ra đã khiến trái tim mình tan chảy.
Các con vô cùng ngoan và hiểu chuyện. Vai diễn mình thành công một phần phải nhờ các con (bé Cao Thùy Linh vai Thảo, bé Huỳnh Bảo Duy vai Hiếu). Chúng khiến mình yêu các con rất nhiều. Các con là những diễn viên giỏi và đầy cảm xúc, mình có những người bạn diễn rất tuyệt vời.
Trong phim Trái tim bất hạnh, Oanh Kiều phải thực hiện khá nhiều các cảnh quay mang yếu tố tâm lý nặng. Hầu như ngày nào lên phim trường cũng có cảnh khóc, có hôm khóc từ sáng đến khuya, khóc đến nỗi mình không còn sức lực, không còn nước mắt để khóc. Về đến nhà cả trong giấc ngủ mình cũng mơ thấy cảnh diễn. Hầu như xuyên suốt hai tháng phim trường mình không giây phút nào thoát vai, cơ thể mình trầm lắng, nặng nề. Mình biết vai diễn này chỉ cần mình một phút không tập trung thì mình sẽ vuột mất tâm lý, mà đối với Kiều phân đoạn nào cũng quan trọng. Có rất nhiều người trong đoàn nói sao Kiều nó buồn hoài vậy, hay Kiều nó có chuyện gì hả?. Thật ra thì một phần diễn xong cơ thể mình đã mệt lả rồi. Cho đến khi phim ghi hình xong, Kiều phải mất một thời gian để lấy lại tinh thần vui vẻ trở lại, trở về bên ba mẹ, bên gia đình để chữa lành tâm lý mà mình đã mang của Hạ Anh.
Theo Anh Minh Báo giáo dục
Có thể bạn quan tâm
- Dàn diễn viên Đất Phương Nam ngày ấy, bây giờ
- Vừa ra MV Sốc nhiệt, Hoàng Yến Chibi bất ngờ công bố sẽ phát hành EP
- Chân dung nam ca sĩ "đông vợ con nhất làng nhạc Việt", 82 tuổi vẫn phong độ