Siêu phẩm “Hậu Duệ Mặt Trời” đã giúp Hàn Quốc thu về lợi ích "khủng" như thế nào?

Cơn sốt “Hậu Duệ Mặt Trời” đã mang lại nhiều nguồn lợi về xuất khẩu, du lịch và chi tiêu nội địa cho Hàn Quốc.

Nhằm cải thiện ngành du lịch và xuất khẩu trì trệ trong những tháng gần đây, Hàn Quốc đã đưa ra không ít biện pháp kích thích tiêu dùng, song không một phương án nào mang lại hiệu quả tức thì và mạnh mẽ như việc quảng bá hình ảnh đất nước thông qua các bộ phim truyền hình. Cơn bão đang càn quét châu Á Descendants Of The Sun (Hậu Duệ Mặt Trời) đã trở thành "cổ phiếu blue-chip không ngờ" giúp vực dậy nền kinh tế chậm chạp của quốc gia này.

Các nhà theo dõi thị trường cho biết, 16 tập phim của Hậu Duệ Mặt Trời sẽ mang về cho kinh tế Hàn Quốc hơn 261 triệu USD (khoảng 5,8 nghìn tỉ VND) nhờ vào việc xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới. Con số này có thể chưa là gì so với nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới với tổng sản phẩm quốc nội lên tới 1.43 nghìn tỉ USD. Tuy nhiên, với vốn đầu tư sản xuất 11,1 triệu USD (khoảng 252 tỉ VND), hiệu quả mà Hậu Duệ Mặt Trời mang lại là rất có ý nghĩa.

Độ nổi tiếng của bộ phim đã giúp cho làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc, khiến hàng loạt sản phẩm rơi vào tình trạng cháy hàng. Một số nhà kinh tế Hàn Quốc tin rằng, người tiêu dùng châu Á luôn thèm muốn được mua các mặt hàng xuất hiện trong những bộ phim truyền hình xứ kimchi.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hyundai, nhu cầu về những mặt hàng này sẽ có tác động tích cực tới tình hình xuất khẩu của Hàn Quốc, đồng thời kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất. Sức ảnh hưởng của Hậu Duệ Mặt Trời cũng được kì vọng sẽ còn vượt xa những bộ phim bom tấn trước đây. Tập 10 của phim phát sóng vào ngày 24/3 ghi nhận tỉ suất người xem lên tới 36.4% cho khu vực Seoul, và 31.6% cho toàn quốc.

Tại Trung Quốc, Hậu Duệ Mặt Trời đã đạt 440 triệu lượt xem trên trang phát hành chính thức iQiyi. Chính phủ Trung Quốc thậm chí còn cảnh báo về mức độ nguy hiểm của bộ phim này tại đất nước họ. Theo đó, Hậu Duệ Mặt Trời được đánh giá là bộ phim có nguy cơ gây phá hoại hạnh phúc.

Lấy bối cảnh tại một đất nước giả tưởng, Hậu Duệ Mặt Trời là câu chuyện tình yêu quân nhân – bác sĩ, với sự tham gia của hai diễn viên nổi tiếng Song Joong Ki và Song Hye Kyo. Khác với cốt truyện truyền thống của nhiều dự án Hallyu khác, tác phẩm lần này của biên kịch Kim Eun Sookđược đánh giá cao bởi nội dung mang đậm tính nhân văn và không thiếu phần lãng mạn. Hậu Duệ Mặt Trời cũng cho thấy sự phát triển của khoa học kĩ thuật tại Hàn Quốc với các máy móc thiết bị hiện đại, như việc sử dụng năng lượng mặt trời cho lĩnh vực y tế.

Lí do khiến các nguyên thủ quốc gia – trong đó có cả Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye - để mắt tới Hậu Duệ Mặt Trời chính là việc bộ phim có khả năng mang hàng loạt mặt hàng của Hàn Quốc ra thế giới, trong đó có điện thoại Samsung, ô tô Hyundai SUV và son môi AmorePacific.

Sức mạnh của quảng cáo

Hậu Duệ Mặt Trời đã giúp các công ty quảng bá thương hiệu ra thế giới một cách nhanh chóng. Hyundai Motor, công ty sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc, nhận định, lợi nhuận mà bộ phim thu về từ quảng cáo là khoảng 110 tỉ won (hơn 2 nghìn tỉ VND). Ngoài ra, Hậu Duệ Mặt Trời còn giúp công ty này mở rộng thị trường tại Trung Quốc. Đây chỉ là một trong số rất nhiều công ty đã đầu tư vào bộ phim.

"Chúng tôi kí kết một hợp đồng quảng cáo với nhà sản xuất như một phần trong chiến lược phát triển Hyundai tại thị trường Trung Quốc. Đây là bộ phim có sự tham gia của hai ngôi sao Hallyu là Song Hye Kyo và Song Joong Ki, cũng như được Trung Quốc mua bản quyền phát sóng", Baek Byung Uk, đại diện Hyundai Motor, cho biết.

Trung Quốc là mục tiêu xuất khẩu chính của Hyundai. Tuy nhiên, công ty sản xuất ô tô hiện đang đứng thứ tư với 10% thị phần này vẫn luôn tìm kiếm giải pháp để nâng cao tầm ảnh hưởng lẫn danh tiếng tại thị trường đại lục. Baek Byung Uk nói: "Chúng tôi xuất khẩu sang Trung Quốc rất nhiều, song chúng tôi cần có thêm danh tiếng để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài khác như Audi và BMW."

Riêng doanh thu của mẫu xe thể thao Hyundai Tucson mà nam diễn viên Song Joong Ki sử dụng trong phim đã tăng tới 10% tại thị trường địa phương.

Hãng mĩ phẩm AmorePacific với dòng thương hiệu Hàn Quốc nổi tiếng Laneige cũng kiếm bộn tiền nhờ Hậu Duệ Mặt Trời. Công ty này tiết lộ, "Số lượt tìm kiếm mặt hàng được gọi là "son Song Hye Kyo" đã tăng gấp 11 lần so với trước khi phim lên sóng. Laneige’s Two-tone Lip Bar đã trở thành sản phẩm bán chạy nhất trong tháng Ba và khiến nhiều cửa hàng cháy hàng".

Theo 11st Street, một cửa hàng bán lẻ Hàn Quốc có website tiếng Trung, doanh thu của sản phẩm kem che khuyết điểm Laneige BB Foundation Cushion đã tăng gấp 10 lần từ ngày 14/3 đến 20/3.

Yoo Sang Woo, giám đốc bán hàng tại website tiếng Trung của 11st Street cho biết: "Các bộ phim Hàn Quốc thường được phát sóng tại Trung Quốc ít nhất vài tháng sau khi phim hết nên doanh thu tăng chậm. Nhưng vì Hậu Duệ Mặt Trời được phát sóng song song tại hai nước, nên phản ứng của người tiêu dùng gần như tức thời".

Đến cả các sản phẩm sức khỏe cũng bán đắt như tôm tươi nhờ thành công của phim. Theo Tập đoàn Nhân sâm Hàn Quốc Korea Ginseng, doanh thu của sản phẩm gói tinh chất hồng sâm 10ml Cheong Kwan Jang Red Ginseng Everytime đã tăng 176% so với 1 năm trước. Sản phẩm này được các nhân vật trong phim sử dụng như thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Quá trình sản xuất

Hậu Duệ Mặt Trời được sản xuất bởi Next Entertainment World (NEW), theo hình thức ghi hình 100% trước khi phim lên sóng. Việc huy động và bảo đảm lượng vốn lên tới 13 tỉ won là không hề dễ dàng với một công ty giải trí, đặc biệt là những đơn vị ít có liên kết với các tập đoàn, các công ty đầu tư.

Các ngân hàng thương mại thường lưỡng lự khi cho các công ty liên kết "yếu" vay tiền vì tài nguyên của những đơn vị này ko đủ để thế chấp đảm bảo nguồn vốn vay. Đó là chưa kể tới những rủi ro tự nhiên trong các hoạt động kinh doanh giải trí.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã sớm nhận ra tác động tích cực của phim truyền hình lên du lịch và xuất khẩu. Từ cuối những năm 2000, nhiều chương trình hỗ trợ làn sóng hallyu đã được vận hành, trong đó có việc cho các công ty vay vốn sản xuất phim với lãi suất thấp nhất. Theo báo cáo, NEW đã nhận được số tiền đầu tư là 3 tỉ won (khoảng 58 tỉ VND) từ các đơn vị quảng cáo và được chính phủ Hàn hỗ trợ một phần.

Cuối năm ngoái, Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu Hàn Quốc đã cho công ty sản xuất của Hậu Duệ Mặt Trời vay 3 tỉ won với lãi suất thấp. Đại diện ngân hàng tiết lộ, không phải đơn vị nào cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ phía ngân hàng. Quyết định sẽ được đưa ra sau khi xem xét khả năng thành công của bộ phim và danh tiếng của dàn diễn viên.

"Rất khó để chọn ra được viên ngọc sáng", cơ quan tài chính có nhiệm vụ bồi dưỡng các công ty sản xuất phim hallyu giàu tiềm năng, đại diện ngân hàng cho biết thêm. Ngân hàng này đã quyết định thêm một khoản vay cho NEW để giúp Hậu Duệ Mặt Trời tấn công thị trường Trung Quốc.

Hiện tại, bộ phim đã được xuất khẩu sang 27 nước. Con số này được dự đoán sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Trung Quốc và Nhật Bản đã mua bản quyền phát sóng Hậu Duệ Mặt Trời với giá cho mỗi tập phim lần lượt là 250.000 USD (khoảng 5,6 tỉ VND) và 100.000 USD (khoảng 2.2 tỉ VND). Một số nước đã mua bản quyền: Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Đức, Nga, Ả Rập Saudi…

Để phát triển ngành du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc và Tổ chức Du lịch Hàn Quốc cũng đã tổ chức họp báo giới thiệu các địa danh xuất hiện trong Hậu Duệ Mặt Trời. Đó là Taebaek, trước là một thành phố mỏ thuộc tỉnh Gangwon và Camp Greaves tại Paju, phía bắc Seoul, nơi quân đội Mỹ từng đóng quân. Tuy nhiên, không phải lúc nào đời thật cũng thú vị như trên phim.

Một khách du lịch đến Taebaek thất vọng chia sẻ: "Tôi đi cùng con mình nhưng nơi đây trống trải quá vì chẳng có gì cả. Trông cứ như một địa điểm bị bỏ hoang vậy. Không thể tin được đây lại là phim trường của Hậu Duệ Mặt Trời." Các tổ chức hiện đang kêu gọi chính phủ hỗ trợ nhằm xây dựng lại Taebaek trở thành một địa danh du lịch thực sự.

( Theo Kênh 14)

 

Hậu duệ của mặt trời