“Tân khúc nguyệt cầm” - Một dự án cải lương của sinh viên đáng chờ đợi

Nhiều sao Việt chung tay cùng với sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnich TPHCM thực hiện dự án “Tân khúc nguyệt cầm” nhằm góp phần bảo tồn, tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ

Cụ thể, dự án “Tân khúc nguyệt cầm” sẽ diễn ra vào lúc 17h ngày 31-3-2024 tại Đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, nơi thờ linh vị của nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại ( Thầy Ba Đợi) - người có công lớn ươm mầm cho nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Được biết, năm 2009, nhạc sư Nguyễn Quang Đại được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Huy chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam.

Trước đây, Lễ húy kỵ và linh vị của nhạc sư Nguyễn Quang Đại được tổ chức tại quận 8, TP.HCM. Tuy nhiên, năm 1996, linh vị của ông được thỉnh từ Nhà văn hóa quận 8 về đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An để thờ phượng theo yêu cầu và nguyện vọng của đông đảo người dân địa phương.

Nhóm sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnich TPHCM tại Đình Vạn Phước

Sinh viên Nguyễn Thị Kim Tiền, Trưởng nhóm thực hiện dự án “Tân khúc nguyệt cầm” chia sẻ: “ Có thể nói nghệ thuật văn hóa Đờn ca tài tử đã đi sâu vào đời sống con người Việt Nam, cũng đã hơn một thế kỷ xuất hiện, tồn tại và phát triển, đi qua bao nốt thăng trầm, vẫn còn ở đó đó những bài ca bất hủ, lưu danh những nghệ sĩ tài năng, tồn tại mãi những nét đẹp tinh túy từ những lời ca tiếng hát như hồn của dân tộc. Với thông điệp “Hòa điệu đờn ca - Lưu truyền văn hóa” trong dự án “Tân khúc nguyệt cầm” diễn ra lần này, nhóm sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnich TPHCM mong muốn tạo ra một chương trình nhằm tôn vinh các giá trị về văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Từ đó có thể mang đến một sự kiện mang âm hưởng Nam Bộ nói chung và nghệ thuật Đờn ca tài tử nói riêng. Đây cũng là định hướng của nhà trường khi hướng sinh viên góp phần bảo tồn, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

Không chỉ dừng lại ở đó, dự án “Tân khúc nguyệt cầm” diễn ra nhằm truyền lửa đến các bạn trẻ về loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống, đồng thời cũng là di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam cần được giữ gìn và phát huy mạnh mẽ. Với ý nghĩa tôn vinh những giá trị văn hóa cao đẹp, từ những điều cốt lõi của ông cha để lại và những kiến thức thực tế sẽ giúp các bạn trẻ hiểu thêm về dòng chảy từ Đờn ca tài tử phát triển thành nghệ Cải lương và các loại hình liên quan như hiện nay”

Mong cải lương đến gần với giới trẻ

Văn hóa Việt Nam luôn đặc sắc và đa dạng nhưng Đờn ca tài tử lại mang một nét rất riêng của văn hóa Nam Bộ từ âm điệu đến lời ca. Để có thể lột tả được những cái hay, cái độc đáo của nghệ thuật Đờn ca thì không thể không nhắc đến những nhạc sĩ, nghệ sĩ thổi hồn vào trong những lời hát.

Trước tiên phải kể đến các nghệ sĩ đờn ca tài tử của tỉnh Long An, họ sẽ trình diễn những sáng tác của nhạc sư Nguyễn Quang Đại trong phần tôn vinh ông và nghệ thuật đờn ca tài tử đó là: NSƯT Út Bù; Tài tử đờn Tư Đờn, Quốc Bảo, Mạnh Hùng; Tài tử ca Trần Thịnh, Huyền Trang, Tín Nghĩa…

Các NSƯT Tú Sương, NSƯT Võ Minh Lâm, NS Lê Thanh Thảo, NS Điền Trung,

Trong phần 2 của chương trình, với sự biến chuyển từ nghệ thuật đờn ca tài tử, ca ra bộ thành loại hình sân khấu cải lương sẽ có sự góp mặt đặc biệt của các nghệ sĩ – ca sĩ nổi tiếng: NS Thanh Hằng, NSƯT Tú Sương, NSƯT Võ Minh Lâm, NS Lê Thanh Thảo, NS Điền Trung, Th.s  âm nhạc  -  NSƯT Huỳnh Khải, ca sĩ H-Kray, MC Xuân Hiếu…

H-Kray sẽ là ca sĩ đại diện cho thế hệ trẻ lấy đờn ca tài tử làm cái nôi để phát triển lên thành những màu sắc riêng phù hợp với thế hệ nhưng không mất đi giá trị văn hóa nghệ thuật của loại hình này.

H-Kray tên thật là Phạm Đình Huy, sinh năm 2000. Từ bé, anh được bà nội cho nghe các vở cải lương, xem các chương trình âm nhạc rồi bắt đầu nhen nhóm đam mê. Giọng ca 24 tuổi chập chững bước vào con đường âm nhạc từ năm 15 tuổi. Anh có cho mình những sáng tác nổi tiếng trên mạng xã hội như Tấm lòng son, Khuất lối…Mới đây nhất là ca khúc Phấn hoa màu son song ca cùng NSƯT Thoại Mỹ. Đây là lần đầu tiên H-Kray đưa cải lương vào âm nhạc của mình nhưng được khán giả ủng hộ rất nồng nhiệt.

H-Kray

“Dự án “Tân khúc nguyệt cầm” hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả trẻ một chương trình nghệ thuật đặc sắc. Đây sẽ là nơi tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử, nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, khơi gợi dòng chảy nghệ thuật đờn ca, niềm tự hào dân tộc trong mỗi người. Được tham gia chương trình cùng với các nghệ sĩ gạp cội, H-Kray cảm thấy rất hào hứng và vinh dự vô cùng…” – chàng ca sĩ chia sẻ!

NS Thanh Hằng

NS Thanh Hằng là một trong những nghệ sĩ cải lương tiêu biểu thuộc thế hệ đầu tiên sau năm 1975. Được yêu mến bởi giọng ca ngọt ngào, truyền cảm, lối diễn xuất đa dạng và tinh tế, cô là thế hệ thứ tư của đại gia đình Hai Núi – Tư Hélène, một trong năm đại gia đình nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam, vốn có truyền thống nghệ thuật lâu đời. Từ năm 1982 – 1997, cô liên tục giành các huy chương vàng trong những hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, và những giải thưởng do khán giả bình chọn. Đặc biệt là HCV Trần Hữu Trang năm 1991 đã khiến cô gần gũi với khán giả hơn và nhận được giải Mai Vàng năm 1997

“Trước giờ, nhiều người cho rằng cải lương cũ nhưng với tôi cải lương chưa bao giờ cũ. Gần đây, có nhiều nghệ sĩ trẻ muốn kết hợp ca khúc của họ với cải lương, tôi rất ủng hộ nhưng quan trọng là làm sao để hài hoà mọi thứ. Tôi muốn khán giả trẻ có cái nhìn khác về cải lương, yêu cải lương hơn. Tôi rất vui khi nhận lời tham gia dự án này nhóm sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnich TPHCM vì tôi luôn hy vọng bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương sống mãi và đến gần với giới trẻ hơn…”

 Thạc sĩ âm nhạc - NSƯT Huỳnh Khải ( bìa trái)

Bên cạnh đó chương trình được cố vấn bởi thạc sĩ âm nhạc - NSƯT Huỳnh Khải- Nguyên Trưởng khoa Âm nhạc của Nhạc viện TP.HCM. Ông là tác giả của nhiều sáng tác cải lương, tài tử cũng như có nhiều đóng góp khác trong việc giữ gìn và phát triển âm nhạc dân tộc Việt Nam.

MM

sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnich TPHCM , Tân khúc nguyệt cầm