Táo Quân bất ngờ dừng phát sóng sau 16 năm: Nguyên nhân vì đâu?
Nhiều người còn tỏ ra hoang mang vì không biết giao thừa sắp tới sẽ phải xem chương trình gì. Và toàn bộ công chúng đều đang thắc mắc về nguyên nhân dừng phát sóng Táo Quân.
Mới đây, VFC đã thông báo sẽ ngừng phát sóng Táo Quân 2020.
"VFC năm nay không sản xuất Táo quân 2020, thay vào đó sẽ là một chương trình hoàn toàn mới nhưng chúng tôi xin phép giữ bí mật đến đầu tháng 12" - đại diện VFC cho biết.
Lời thông báo này của đại diện VFC đồng nghĩa với việc Táo Quân sẽ chính thức dừng lại sau 16 năm phát sóng.
Thông tin này ngay lập tức đã gây xôn xao dư luận và thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, gây nhiều ý kiến trái chiều. Đa số khán giả đều bất ngờ và tiếc nuối vì Táo Quân đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến xuân về.
Nhiều người còn tỏ ra hoang mang vì không biết giao thừa sắp tới sẽ phải xem chương trình gì. Và toàn bộ công chúng đều đang thắc mắc về nguyên nhân dừng phát sóng Táo Quân.
Sự cạnh tranh gay gắt từ game show truyền hình
Ở thời điểm Táo Quân ra đời cách đây 15 năm, gameshow truyền hình còn rất ít và chưa đa dạng. Các gameshow quen thuộc thời điểm bấy giờ chỉ có Chiếc nón kỳ diệu, Ở nhà chủ nhật, Trò chơi âm nhạc…
Đặc điểm của các gameshow lúc bấy giờ là khá "lành", không drama, không nhiều nghệ sĩ tham gia và cũng ít tính hoạt náo, chủ yếu thực hiện trong trường quay, người chơi thi thố để giành giải thưởng.
Bởi vậy, sự xuất hiện của Táo Quân với tiếng cười chảy nước mắt và dàn nghệ sĩ hoạt náo với đủ hỉ nộ ái ố đã khiến khán giả thích thú, gây ấn tượng mạnh.
Nhưng càng ngày, thị trường gameshow ngày càng mở rộng. Việc các công ty truyền thông tư nhân nhảy vào làm gameshow đã tạo ra tính cạnh tranh mạnh mẽ. Điều này giúp các gameshow trở nên đa dạng, phong phú, được đầu tư công phu, cầu kỳ.
Các nhà sản xuất đẩy mạnh việc sử dụng người nổi tiếng trong gameshow để thu hút khán giả, hay tạo drama kịch tính câu khách. Một số gameshow lại được xây dựng theo hướng truyền hình thực tế, trải nghiệm ngoài cuộc sống thực chứ không bó gọn trong trường quay.
Gameshow ngoài tiếng cười vui còn có đủ hỉ nộ ái ố, nước mắt, giận dữ, đau buồn…, giúp khán giả được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Các nghệ sĩ tham gia gameshow cũng linh hoạt, diễn xuất nhiều hơn. Họ biết hoạt náo, biểu lộ cảm xúc theo lối over của phương Tây, tự tạo ra những drama hài hước, gay cấn với nhau để lôi cuốn người xem. Nghệ sĩ không ngại "bóc phốt", "tố", "kể xấu" nhau trên truyền hình để khán giả thấy vui.
Đặc biệt, gameshow kéo dài quanh năm và vẫn phát sóng liên tục cả vào dịp tết. Điều này khiến khán giả bị phân tán sự chú ý, không còn đổ dồn về Táo Quân như trước đây.
Dù Táo Quân vẫn là chương trình không thể thiếu đêm giao thừa, nhưng bên cạnh đó, khán giả vẫn còn nhiều gameshow khác nhau để thưởng thức.
Công nghệ và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ gây khó khăn cho người làm truyền hình
Ngày nay, công nghệ thông minh phát triển mạnh mẽ. Chỉ cần một chiếc điện thoại, máy tính bảng hay smart tivi, người ta đã có thể vào mọi trang mạng xã hội để theo dõi thông tin và xem clip, hoặc đăng tải clip của chính mình lên cho mọi người xem.
Công chúng có nhiều lựa chọn hơn, chứ không chỉ có truyền hình như trước đây. Thay vì xem truyền hình, người ta có thể xem các kênh Youtube hay trang Facebook.
Thị trường tự do của mạng xã hội giúp mỗi cá nhân đều có thể tự phát hành kênh truyền thông của riêng mình và gây dựng thành công không thua kém bất cứ tổ chức truyền thông nào. Một kênh Youtube cá nhân cũng đạt tới lượt theo dõi ngang kênh Youtube của đài truyền hình.
Từ đó dẫn tới sự nở rộ của thị trường Vlog, với hàng loạt kênh cá nhân lớn như Thơ Nguyễn, NTN, Bà Tân… Các kênh Youtube này thu hút mối quan tâm của khán giả, kéo họ ra khỏi truyền hình.
Chưa kể, hàng loạt người nổi tiếng hiện nay đều tham gia làm Vlog, với lượt theo dõi rất cao và đăng tải clip đều đặn mỗi ngày, khiến khán giả càng có nhiều cái để xem.
Thậm chí, ngay cả gameshow sau khi lên sóng truyền hình cũng được phát lại ngay trên mạng xã hội.
Hệ quả tất yếu là sự giảm sút lượt xem của các chương trình truyền hình. Táo Quân dù là một trong những chương trình hot nhất, cũng không thể tránh được quy luật đó.
Chẳng hạn, nếu trước đây người ta thường tập trung xem Táo Quân thì bây giờ đã có nhiều khán giả chọn xem Vlog, Livestream đón tết, đón giao thừa của người nổi tiếng, hoặc các kênh Youtube lớn.
Mặt khác, chính việc nở rộ các kênh mạng xã hội đã khiến các nhà tài trợ giãn dần khỏi truyền hình. Thay vì tập trung quảng cáo trên truyền hình, họ có thể tìm đến các kênh Youtube , Fanpage lớn.
Điều này gây khó khăn lớn với các chương trình truyền hình, trong đó có Táo Quân. Nếu không có tài trợ hoặc tài trợ ít đi, sẽ khó có đủ kinh phí để sản xuất chương trình.
Chính giám đốc Điền Quân - ông Bửu Điền đã phải tuyên bố dừng chương trình Hát mãi ước mơ vì không có nhà tài trợ.
Danh hài Hoài Linh cũng nói: "Vấn đề tài chính bây giờ khó khăn. Ngày xưa tài trợ nhiều, bây giờ họ chuyển qua các kênh Youtube hết nên sản xuất gameshow truyền hình khá khó khăn".
Khó khăn chung này ít nhiều tác động đến Táo Quân về lượt theo dõi và tài chính.
Những nghịch lý khó giải quyết của Táo Quân
Ở thời điểm mới ra đời, Táo Quân luôn được khen ngợi. Nhưng trong nhiều năm gần đây, không mùa Táo Quân nào lại không vấp phải ý kiến trái chiều từ công chúng, với người khen người chê đủ điều.
Mạng xã hội phát triển mạnh khiến người ta có nhiều đòi hỏi khắt khe hơn và sẵn sàng bộc lộ ý kiến của mình mọi lúc mọi nơi, dẫn đến hàng loạt tranh cãi. Điều này khiến nhà sản xuất trở nên đau đầu hơn và ảnh hưởng tới nhiệt huyết của người làm nghề.
Mặt khác, việc mạng xã hội phát triển mạnh khiến mọi vấn đề xã hội luôn được đem ra mổ xẻ, bình luận thường xuyên. Công chúng không cần phải đợi đến cuối năm để được tổng kết lại bằng một chương trình. Điều này cũng làm giảm đi sức hút của Táo Quân.
Hơn nữa, suốt 15 năm qua, mô típ kịch bản Táo Quân vẫn giữ nguyên, không thay đổi, khiến công chúng có cảm giác nhạt dần, dù có thể nội dung vẫn chất lượng. Từ nhiều năm qua đã có hàng loạt ý kiến đòi thay đổi kịch bản khác.
Thế nhưng, việc thay đổi mô típ, kết cấu kịch bản cho Táo Quân là rất khó. Nghịch lý ở đây là, nếu làm khác quá sẽ bị chê trách vì mô típ cũ đã trở thành kinh điển trong tiềm thức công chúng, mà không làm lại bị chê là cũ.
Một nghịch lý khác là dàn diễn viên Táo Quân nhiều năm qua không thay đổi, khiến họ bị chê là nhàm và quen mặt, thiếu bất ngờ, nhưng cũng không thể tìm được ai thay thế họ xứng đáng vì bản thân họ đã trở thành một phần tiềm thức của khán giả. Thế hệ diễn viên trẻ cũng chưa đủ kinh nghiệm, năng lực để thay thế họ.
Những yếu tố trên chưa hẳn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc dừng lại của Táo Quân, nhưng cũng tác động ít nhiều đến nhà sản xuất.
Dù sao đi nữa, Táo Quân vẫn xứng đáng là một trong những chương trình kinh điển, ăn sâu vào tiềm thức khán giả. Táo Quân vắng mặt sẽ để lại một khoảng trống lớn trong lòng công chúng.
Theo Trí thức trẻ
Có thể bạn quan tâm
- Dàn diễn viên Đất Phương Nam ngày ấy, bây giờ
- Vừa ra MV Sốc nhiệt, Hoàng Yến Chibi bất ngờ công bố sẽ phát hành EP
- Chân dung nam ca sĩ "đông vợ con nhất làng nhạc Việt", 82 tuổi vẫn phong độ