Tập cuối “Cân mẹ”: Lòng mẹ bao dung biết bể nào bằng?

Vừa được phát hành ngày 9/5 trên kênh Youtube chính thức của nghệ sĩ Việt Hương, tập ba và cũng là tập cuối của dự án phim ngắn “Cân Mẹ” với tên gọi “Út mới là số 1” đã nhận được những phản hồi tích cực của khán giả.

Tập phim cũng khép lại hành trình của 3 người con với những “âm mưu” về tài sản của mẹ mình, qua đó tôn lên giá trị của tình mẫu tử, đạo làm con. Đây là món quà mà nghệ sĩ Việt Hương gửi tặng khán giả trong “ngày của mẹ” năm nay.

Ba anh em vì muốn giành phần hơn trong cuộc chiến tranh gia tài mà đi đến quyết định bất nhẫn: Ai nuôi mẹ lên ký nhiều hơn trong vòng 1 tháng sẽ được nhận 80% gia sản. Từ đó, mỗi người nát óc nghĩ ra cách để vừa dụ ngọt, vừa ép buộc người mẹ già ăn nhiều nhất có thể, bất chấp bà nhiều lần van nài xin được nghỉ ăn vì quá mệt mỏi.

Nếu anh cả ép cân mẹ đến bội thực bằng bào ngư, chị ba bắt mẹ chơi thể thao, ăn đồ chiên xào và hạn chế đi toilet đến kiệt sức thì anh con út mới là “đỉnh cao” của “mưu hèn kế bẩn”: nuôi mẹ bằng thuốc tăng trọng không dành cho người.

Mở đầu tập ba, anh con út làm nhiều người bất ngờ với thái độ chăm sóc mẹ ân cần, tận tuỵ. Những tưởng anh đã nhận ra sai lầm và muốn bù đắp cho mẹ, nhưng không, anh dùng chính sự nghèo khổ và những giọt nước mắt giả tạo để người mẹ cảm thấy áy náy và vui vẻ, tự nguyện để anh tẩm bổ bằng “thuốc bổ xương”. Kế hoạch đã hoàn thành đến hơn 90%, người mẹ hiền lành, thương con ấy không một giây phút nghi ngờ động cơ của những đứa con mình. Để rồi, phút cuối cùng, sự thật tàn nhẫn phơi bày, những chiếc mặt nạ rớt xuống, đó cũng là khi lòng mẹ tan nát, rối bời. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau bị chính những đứa con mình đứt ruột đẻ ra đối xử tàn tệ chỉ vì một chữ: tiền.

Ngày xưa mẹ cân con vì thương

Nay con cân mẹ là phường bất nhân

Ngày xa xưa, cũng vì không có tiền mua thịt, mua cá cho con ăn, người mẹ tảo tần rớt nước mắt nhìn những đứa con thơ ăn cơm chan nước lã. Những đứa trẻ ngây thơ ngày ấy nào biết câu “để mẹ tính” và dĩa thịt, cái trứng trên mâm cơm ngày hôm sau của chúng phải đánh đổi bằng chính mái tóc dài mượt của mẹ. Ngày ấy ở quê, có ai cắt tóc ngắn như mẹ cơ chứ. Mẹ không sợ người khác chê cười, dị nghị, mẹ chỉ cần các con có được bữa ăn ngon, cái áo đẹp và mỉm cười rạng rỡ. Niềm hạnh phúc của mẹ chỉ xoay quanh các con và các con mà thôi.

Kể chuyện ngày xưa, mẹ cũng có cái cân và một cuốn sổ nhỏ để ghi chép cân nặng của các con. Khi con khoẻ mạnh, lên cân đều đều, mẹ cười hạnh phúc. Khi con ốm đau, mẹ oằn mình ẵm con lội sông đi tìm sự sống. Cùng là cái cân, cuốn sổ mà sao mẹ cân con thì thương quá đỗi, con cân mẹ lại bất nhẫn thế này.

Lời nhắc nhớ về đạo nghĩa làm con

Sau tất cả, dẫu tan nát cõi lòng, người mẹ khốn khổ ấy vẫn không nỡ trách các con mình. “Nếu có kiếp sau, má vẫn muốn là má của các con”, câu nói nhẹ bẫng nhưng mang sức nặng vô biên, đánh thẳng vào lương tri của mỗi người.

Sự tàn nhẫn của những đứa con và lòng bao dung vô bờ bến của người mẹ chính là lời cảnh tỉnh cho những ai còn đang toan tính thiệt hơn với chính đấng sinh thành của mình.

Được chuyển thể từ vở kịch đình đám với hàng trăm suất diễn tại nhiều sân khấu, “Cân Mẹ” qua bàn tay nhào nặn và tâm huyết của nghệ sĩ Việt Hương, đạo diễn Trung Lùn đã được khoác tấm áo mới với các tình tiết, cách xây dựng nhân vật và lối diễn nhiều biến hoá của các nghệ sĩ gạo cội trong nghề như NSƯT Phi Điểu, danh hài Việt Hương, Đại Nghĩa, Tấn Hoàng, Hoài Tâm,...

Vỏn vẹn chỉ ba tập phim với tổng thời lượng hơn 90 phút nhưng phim ngắn “Cân Mẹ” đã nhận được rất nhiều lời khen chân tình từ khán giả vì sự chỉn chu và cách đặt vấn đề trực diện về đạo nghĩa làm con. Rất nhiều khán giả bình luận chia sẻ rằng họ đã rơi nước mắt từ những chi tiết nhỏ và rất tinh tế của phim.

Minh Anh/Theo GD

 

Cân Mẹ , Việt Hương