Thanh Tuyền: Tự tử không thành và hành trình tìm cha cho con

Có những thời điểm tuyệt vọng tìm đến cái chết nhưng bất thành, có những lúc dự định đi tìm cha cho các con mình thì ca sĩ Thanh Tuyền lại gặp mối nhân duyên mới. Thế cho nên, để nói về cuộc đời mình, ca sĩ Thanh Tuyền dùng 2 chữ 'định mệnh'.

Thanh Tuyền luôn thế, luôn hát để tìm niềm giao cảm với những ưu tư chở nặng. Cô hát như thể ngày mai không còn hát được nữa. Người phụ nữ có một cuộc đời điển hình cho hai chữ “định mệnh” đã chia sẻ những câu chuyện tưởng khó tin nhưng có thật của chính mình.

Thanh Tuyền ví cô như rượu. Một thứ rượu của chính mình. Lúc buồn nhất thì tự mình uống nó để mà say, nhưng càng uống lại càng tỉnh để nhận rõ mồn một những uẩn khúc của cuộc đời mình.

Ca sĩ hát nhạc buồn, ai cũng phải mang những nỗi niềm riêng không phải là điều khó hiểu nhưng ở một mặt nào đó, âm nhạc giống như thuốc độc. Những lúc buồn đau nhất, người nghệ sĩ tự giết mình để mang lại yêu thương cho những người nghe nó. Thanh Tuyền là thế.

Cả một cuộc đời ca hát trải qua nhiều thế hệ người nghe, đã không ít lần cô hát bằng cảm giác đó. Còn hôm nay đây, khi bình tĩnh nhìn lại những được mất, Thanh Tuyền hát như tự hóa giải cho mình.

Thanh Tuyền, Thanh Tuyền, Hoàng Nguyên Vũ, Thân phận và hào quang
Ca sĩ Thanh Tuyền

Tôi chỉ thương những người thương mình

Đã về Việt Nam nhiều lần sau 40 năm viễn xứ, lần trở về đầu tiên cách đây 20 năm mà không phải về để hát, lúc đó hình như gia đình cô có chuyện rất buồn thì phải?

Đó là lần về thọ tang mẹ, vào tháng 2-1995. Ngày đi còn mẹ, ngày về thì không. Visa xin vội vàng trong 24 giờ, về đến Việt Nam cũng không được gặp mẹ lần cuối.

Người ta bôn ba hải ngoại mong một lần về là một niềm vui, còn tôi thì về bằng một niềm cay đắng, sau bao nhiêu năm đắng cay nơi đất khách quê người…

Đắng cay ư? Ngỡ là khi sang Mỹ, cuộc đời của cô vốn rất phẳng lặng: mở một tiệm tạp hóa, thỉnh thoảng cô vẫn đi hát rồi nuôi các con khôn lớn…

Tôi vốn ít chia sẻ. Khi qua Mỹ, tôi tính quên hết tất cả những danh tiếng mình đã có và không bao giờ đi hát nữa để lo cơm áo từ hai bàn tay theo đúng nghĩa đen. Khi đi, tôi đâu phải là đi tìm cái gọi là thiên đường. Điều đơn giản tôi chỉ đi tìm cha của mấy đứa nhỏ, vì con phải cần cha.

Khi Sài Gòn thay đổi, đứa con đầu của tôi mới 6 tuổi, đứa con thứ hai 3 tuổi và đứa thứ ba mới 1 tháng tuổi. Cha nó đã bỏ đi từ khi đó để lại tôi với ba đứa con thơ như vậy, suốt 3 năm không một lời han hỏi, không một tin tức rằng còn sống hay không.

Cuộc sống ở Việt Nam lúc đó khó khăn âu cũng là tình trạng chung, nhưng một phụ nữ từ nhỏ đến lớn sống chỉ biết sân khấu, nay vừa phải làm cha vừa phải làm mẹ trong tình cảnh đó thì không biết phải diễn tả cái nỗi khổ đó như thế nào.

Khi sang Mỹ, cô đã tìm được người đó? Câu chuyện được viết tiếp là hạnh phúc hay khổ đau? Sự chờ đợi được đáp trả bằng tình yêu hay những phũ phàng?

Thực ra đây là những chuyện mà tôi muốn quên. Tôi đã từng tìm đến rượu để quên từ khi tôi còn ở Việt Nam. Sang đến nơi, nhờ hội Chữ thập đỏ, tôi đã tìm được cha của mấy đứa nhỏ. Xưa nay chồng thì phải tìm vợ con mình, còn tôi thì vượt biên chỉ để đi tìm cha cho mấy đứa con.

Ngày gặp lại cũng là ngày kết thúc. Tôi không muốn sống với một người từ bỏ vợ con mà đi bằng mọi giá như vậy. Tôi chỉ thương người nào thương tôi chứ không bao giờ thương những người bỏ tôi. Nhất là bỏ luôn cả các con tôi nữa.

Tôi cũng không biết gọi sự kết thúc đó là khổ đau hay không khổ đau nhưng hạnh phúc thì đương nhiên là không. Và tình yêu cũng chẳng còn, sự phũ phàng thì không phải vì còn gì nữa mà phũ phàng nhau?

Và cô bắt đầu cuộc sống của cô, bằng đôi tay chứ không phải là giọng hát, ở một nơi vừa xa, vừa lạ?

Tôi làm công nhân cho một nhà máy in bản đồ ở Mỹ. Công việc chính là người ta vẽ các bản đồ còn tôi đứng chạy máy. Từ xưa đến nay tôi biết gì về những việc đó, chỉ biết hát và hát, nhưng rồi lại phải làm việc của một lao công. Không ít ngày vừa làm vừa khóc, nhưng phải làm. Đơn giản nhưng nặng nề, là sự tồn tại của tôi và các con tôi. Tôi làm tất cả vì tương lai của con.

Nhưng năm 1982, cô đã đi hát trở lại. Xem lại trong cuốn băng cũ, cô vừa hát vừa khóc: “Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người khi mình còn đôi tay”…

Có lẽ ông trời sinh tôi ra là để hát nên tôi cũng chỉ làm công nhân trong hai năm. Hai năm ấy, khi tiếng hát nhường chỗ cho đôi tay tôi mới hiểu hơn: có đôi tay thì ở đâu cũng làm việc được, ở đâu cũng sống được. Chẳng nơi đâu là thiên đường nếu bạn không làm việc. Và chẳng có nơi nào thiêng liêng bằng đất mẹ.

Tôi sống nhiều về nội tâm, sự sống cuối cùng suy cho cùng cũng từ hai bàn tay nên tôi hiểu rõ hơn về cuộc đời sau những ngày tháng làm lụng. Ngẫm lại, tôi cảm ơn ông trời đã cho tôi giọng hát.

Tôi sinh ra trong một gia đình 15 người con mà tôi là chị cả, chính giọng hát đã giúp tôi lo lắng hết cho đứa em này đến đứa em khác. Giọng hát giúp tôi có danh tiếng, có tất cả những gì ý nghĩa của một quãng đời. Và ở đất Mỹ, giọng hát lại một lần nữa giúp tôi sống được cân bằng, biết cho và nhận, hy sinh và thứ tha. Tôi cũng không biết nếu cứ làm việc bằng đôi tay cho đến giờ, thì chẳng biết cuộc đời mình ra sao nữa.

Ồ! Trước đây, với gia đình, cô nặng gánh đến mức như thế ư?

Tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, gia đình tôi đông con và nghèo. Hồi nhỏ, mẹ tôi vẫn nói là con gái học cho biết cái chữ là đủ, rồi bỏ học mà đi buôn nhưng tôi quyết không nghe. Tôi nhận ra rằng để thoát nghèo là phải học đến nơi đến chốn. 14 tuổi, tôi lên Sài Gòn để thực hiện giấc mơ học hành chứ đâu nghĩ mình lên để ca hát rồi trôi một đời theo giọng hát của mình đâu.

Nói đến đây tôi nhớ thêm, ba tôi cực kỳ ghét tôi theo ca hát. Mấy lần trốn ba đi hát, về bị đánh lên đánh xuống. Ba nói, cái nghề bạc như vôi, hôm nay làm vua, mai thất thểu ngoài đường chán không tả nổi. Nhưng điều ông không chấp nhận là các nghệ sĩ, tình duyên lận đận, nay lấy người này mai lấy người khác.

Sau này khi tôi đi hát lo toan cho gia đình, có lần tôi hỏi ba: “Sao ba thành kiến với ca hát đến vậy? Ba thấy con đi hát đã mấy năm như thế, con có hỏng không?” thì ba mới nói rằng: “Con là đứa con gái làm ba thay đổi nhiều suy nghĩ”.

Tôi bắt đầu được biết đến từ năm 1964 và có tất cả mọi thứ cũng từ đó. Tôi không nghĩ gia đình là nặng gánh bởi vì hồi đi hát tôi kiếm rất nhiều tiền và đã lo lắng cho mọi người một cách hết trách nhiệm, chẳng có gì làm tôi suy nghĩ nó nặng hay không nặng. Chỉ tiếc rằng tôi chỉ học đến khi thi tú tài, rồi theo nghiệp cầm ca. Chắc là trời sắp đặt vậy rồi.

Thanh Tuyền, Thanh Tuyền, Hoàng Nguyên Vũ, Thân phận và hào quang
 

Sự lạc nhau định mệnh

Trở lại với chuyện cũ. Quãng thời gian từ 1975-1978, một mình cô và ba con nhỏ không có người đàn ông bên cạnh, cô đã vượt qua mọi thứ như thế nào, thưa cô?

Tôi đi hát ở đoàn Kim Cương, cuộc sống cũng không lấy gì làm dư dả nhưng tình trạng chung là vậy. Đêm về, ba đứa con nhỏ, người mẹ 25 tuổi tự nuốt nước mắt vào trong khi thấy căn nhà của mình tự nhiên nó rỗng một cách đáng sợ.

Sự đợi chờ ngày càng vô vọng và sự cô đơn cứ lấp đầy. Nhiều lúc, tôi tìm quên trong men rượu nhưng càng uống lại càng cảm thấy đắng.

Nổi tiếng và lại sống thiên về tình cảm, không lẽ cô không mở lòng với một người đàn ông nào khác ư khi họ đến với cô?

Tìm kiếm thì không. Tuy nhiên những lúc ấy, định mệnh đã sắp xếp cho tôi gặp được một người…

Thực hư thế nào thưa cô?

Tôi và anh biết nhau qua một người bạn. Hồi đó, anh có nhiều xe đạp và thường mang xe qua nhà tôi gửi. Rồi một lần đi nhậu, anh chở tôi về. Vào thăm nhà, anh nhìn thấy tôi và ba đứa con nheo nhóc, anh đã động lòng thương và chúng tôi gần gũi nhau hơn như những người bạn. Anh hơn tôi gần 20 tuổi, đã có gia đình, con cái cũng lớn. Thế nên, những khi còn ở Việt Nam, chúng tôi là bạn bè của nhau, không có gì đi quá giới hạn.

Chú ấy có thích nghe cô hát không?

Lần quen nhau tôi có hỏi thì anh nói, trước đây không nghe tôi hát bao giờ, chỉ thích nghe Thái Thanh thôi.

Tóm lại là chú đến với cô không phải vì giọng hát của cô?

Có chứ! Một lần, tôi thấy trong túi xe anh có băng Thuyền xa bến đỗ của tôi. Tôi hỏi: “Anh không thích nghe em hát sao lại có cái băng của em?”. Anh thú thật: “Trước đây anh đọc báo, có tin viết em uống thuốc tự tử, anh mới chạy ra đường Nguyễn Huệ mua cái băng về xem mặt mũi em ra sao, hát hò thế nào mà đang nổi tiếng như vậy lại dại dột tìm đến cái chết”.

Và rồi anh nghe, anh nói cái giọng hát càng nghe càng ghiền và anh thích tôi từ khi chưa gặp. Giờ thấy đúng là duyên số do trời sắp đặt, không thể chạy trốn đi đâu được.

Cô đã từng tự tử ư? Vì sao vậy?

Thôi, chuyện quá khứ rồi. Chút bốc đồng nghệ sĩ và sự dại dột của bản thân. Sau này nhìn lại tôi thấy sự hủy hoại mình là điều không chấp nhận được. Đã có những lúc tôi căng thẳng đến độ không muốn sống nữa, thà chết đi cho thanh thản còn hơn. Nhất là khi sống với những điều vô vọng. Nhưng rồi ông trời cũng bù đắp những mất mát và đến giờ tôi tin số phận luôn công bằng.

Chú ấy là người chồng hiện nay của cô?

Còn hơn như thế nữa. Một người chồng, một người bạn, một người cha tốt của các con tôi và cũng như một người thầy trong cuộc sống của tôi.

Cô nói, lúc đó anh đã có gia đình. Chắc hẳn cũng có nhiều rắc rối khi cô và chú ấy thành vợ chồng của nhau?

Ngược lại, mọi chuyện tốt đẹp, như là định mệnh đã sắp đặt vậy đấy. Anh giúp mẹ con tôi sang Mỹ. Trước đó anh có nói với vợ con anh là giúp mẹ con tôi sang Mỹ và vợ con anh cũng đi cùng. Nào ngờ ra giữa biển, ghe của vợ con anh bị lạc trong những ngày lênh đênh trên biển. Họ sang Pháp, tôi và anh qua Mỹ.

Sang Pháp một thời gian vợ anh cũng có lương duyên khác còn anh thì sang Mỹ với mẹ con tôi. Tình cảm chân thành đã đến và chúng tôi đã có nhau trong cuộc đời từ ngày đó cho đến tận bây giờ.

Đúng là định mệnh. Sau này, cả ba bên gặp lại nhau, cảm giác mọi người ra sao, thưa cô?

Gặp lại lúc con gái anh lấy chồng. Mỗi người có một cuộc sống riêng nên chuyện cũ cũng thành kỷ niệm và cả ba nhìn nhau bằng sự cảm thông và trân trọng.

Thế còn với người chồng cũ của cô, cả ba có nhìn nhau bằng sự trân trọng như thế không?

Có rất nhiều cách quên một cái gì đó. Quên để sống với nhau đẹp hơn cũng là một cách. Quên hẳn như xóa hết tất cả cũng là một cách. Những gì là đau buồn nên xóa đi chứ! Như tôi đã nói, tôi chỉ thương những người thương mình. Còn những ai không thương mình đương nhiên làm sao tôi thương lại. Tôi rất khó quên một điều gì đó nhưng khi quên được cũng đồng nghĩa với việc không còn gì.

Người trên chuyến ghe định mệnh đã lo lắng cho các con tôi như một người cha lớn. Tôi sang Mỹ để tìm cha cho các con thì đó, đó mới là người cha thực sự. Bây giờ các con tôi đã thành công hết cả và ông trời đã ban hạnh phúc cho tôi. Cảm ơn định mệnh đã sắp đặt như vậy.

Cô từng về Việt Nam nhiều lần để làm từ thiện chứ không phải để hát. Việc làm này xuất phát từ suy nghĩ cho và nhận của định mệnh với chính mình?

Thực ra càng sống tôi càng thấy đau khổ lùi dần. Một giọng hát có thể mất đi trong tích tắc. Khi mình còn hát được có nghĩa là trời còn thương mình thì hãy biết chia sẻ tình thương đó với những người kém may mắn. Tôi làm từ thiện suốt gần 30 năm qua một cách âm thầm với quan niệm: khi mình có bát cơm đầy đủ thức ăn, nên nghĩ đến những người vẫn đang ăn bát cơm chỉ với vài cọng rau muống. Biết đâu kiếp sau mình cũng khổ như họ nên bây giờ hãy trả nợ cho kiếp sau bằng tấm lòng thành thật, thì mọi khổ đau sẽ được đẩy lùi thôi.

Xin cảm ơn cô!

Trích đăng bài phỏng vấn ca sĩ Thanh Tuyền của nhà báo Hoàng Nguyên Vũ trong cuốn sách "Thân phận và Hào quang" do Alpha Books phát hành.

Thanh Tuyền