Th.S Nguyễn Hiếu Tín tiết lộ người Việt là một trong những dân tộc uống trà đầu tiên trên thế giới
Góp mặt trong chương trình Kính Đa Chiều, Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín tiết lộ người Việt là một trong những dân tộc uống trà đầu tiên trên thế giới. Một trong những minh chứng thuyết phục nhất là những cây trà Shan tuyết cổ thụ ở vùng Tây Bắc Việt Nam.
Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín được biết đến là tác giả của nhiều đầu sách về văn hóa Việt như Tem thư – Nghệ thuật và Khoa học, Phong vị tết – tâm hồn Việt, Thư pháp là gì?… Xuất hiện trong chương trình Kính Đa Chiều mới đây, Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín có những chia sẻ thú vị xoay quanh chủ đề Văn hóa trà Việt Nam.
Chia sẻ với MC Minh Ngọc, Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín cho biết trong quá trình tìm kiếm nguồn gốc về trà, nhiều người cho rằng trà bắt nguồn từ Trung Hoa. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ gần đây đã đưa ra nhiều minh chứng thuyết phục rằng người Việt là một trong những dân tộc uống trà đầu tiên trên thế giới.
Một trong những minh chứng xác đáng nhất đó là những cây trà cổ thụ ở vùng cao Tây Bắc Việt Nam. Những cây trà này có thân lớn, năm – bảy người ôm không xuể, có cây lên đến vài trăm tuổi. Vì những cây trà cổ thụ này mọc tự nhiên trên núi cao, quanh năm phủ sương, tuyết nên còn được gọi là trà Shan tuyết. “Shan” có nghĩa là núi, “tuyết” là từ để chỉ sương, tuyết và những lớp lông tơ trắng muốt bao phủ bên ngoài búp trà. Những cây trà Shan tuyết cổ thụ này hoàn toàn khác với giống trà được trồng ở vùng thấp tại Thái Nguyên hay Bảo Lộc.
Một minh chứng khác đó là người Việt đã tiếp xúc với trà từ khi còn nhỏ. Ngay cả người miền Nam dù không thưởng trà chuyên nghiệp như miền Trung hay miền Bắc nhưng gia đình nào trong miền Nam đều có một bộ ấm chén trà. Điều này cho thấy văn hóa uống trà của người Việt đã có từ ngàn xưa.
Clip Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín tiết lộ người Việt là một trong những dân tộc uống trà đầu tiên trên thế giới
Trong văn hóa Việt, trà còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn khi trở thành phương tiện giao tiếp, khởi đầu câu chuyện và là một món quà tặng ý nghĩa trong các dịp quan trọng. Bên cạnh đó, trà cũng là một trong những chất liệu của thơ văn Việt Nam và được xếp vào bảy thú vui tao nhã của người xưa, gồm: Cầm, kỳ, thư, họa, thi, tửu, trà. “Chén trà của nhân loại không chỉ dừng lại trong ý nghĩa văn hóa mà đỉnh cao của tinh thần đó là trà đạo. Nhắc đến trà đạo thì mọi người thường nhớ đến người Nhật nhiều hơn. Theo tôi, mỗi quốc gia sẽ có một nét văn hóa uống trà khác nhau”, Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín chia sẻ.
Đặc biệt, trong xã hội hiện đại ngày nay, trà lại càng đóng vai trò quan trọng hơn khi mang lại sự thư giãn cho con người giữa bộn bề cuộc sống. Theo quan sát của Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín, trong khoảng 5 – 10 năm trở lại đây, nhiều quán trà đạo ra đời phục vụ nhu cầu thưởng trà, tìm lại sự bình yên sau những áp lực của công việc.
Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín giải thích, kỷ nguyên ngày nay được gọi là kỷ nguyên của văn hóa thời gian rỗi. Nếu như ở thời nông nghiệp, nhàn rỗi không được xem trọng thì trong xã hội công nghiệp hiện đại, thời gian rỗi lại trở thành tài sản quý giá. Chính vì vậy mà mọi người thường tìm đến những thú vui tao nhã, mang đến giá trị tinh thần tinh túy, trong đó thưởng trà là một lựa chọn lý tưởng. Khác với ngày trước, trà Việt trong thời hiện đại không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức mà còn được mở rộng, hội nhập thế giới, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa đậm bản sắc Việt.
Kính Đa Chiều chủ đề tiếp theo Cây xanh trong đô thị với sự tham gia của host Lê Hoàng và kiến trúc sư Nguyễn Thu Phong sẽ được phát sóng vào lúc 20h ngày 28/4/2025 trên kênh VTV9. Chương trình do VTV9 phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.
Theo Minh Anh Báo GD
Có thể bạn quan tâm
- Dàn diễn viên Đất Phương Nam ngày ấy, bây giờ
- Vừa ra MV Sốc nhiệt, Hoàng Yến Chibi bất ngờ công bố sẽ phát hành EP
- Chân dung nam ca sĩ "đông vợ con nhất làng nhạc Việt", 82 tuổi vẫn phong độ