Tiến sĩ ngành dược Trần Lê Phượng Loan: 17 năm cho một tập thơ

Tiến sĩ – dược sĩ Trần Lê Phượng Loan vừa ra mắt tập thơ “Bên kia nỗi nhớ” sau 17 năm ấp ủ.

Bìa tập thơ

Tác giả Trần Lê Phượng Loan làm thơ từ năm 2001, tức từ khi cô sang Mỹ định cư và vì quá nhớ nhà nên cô đã làm thơ để nói lên nỗi lòng của mình. 17 năm qua, Phượng Loan đã sáng tác gần 100 bài thơ, nhưng chị chọn lọc 63 bài thơ, trong đó có 4 bài thơ bằng tiếng Anh, để đưa vào trong tập thơ đầu tay này.

Tác giả Trần Lê Phượng Loan

Phần lớn thơ của Phượng Loan là nỗi nhớ tình quê, tình gia đình, cha mẹ anh chị em, tình yêu đôi lứa và có rất nhiều hình ảnh của tình cảm thầy trò.  Bài thơ “Vườn cây tri thức” là bài thơ được giải bình chọn “Bài thơ yêu thích nhất của độc giả Thi Đàn Việt Nam” trong cuộc thi sáng tác thơ về Ngày 20/11 năm 2016.

Tác giả Trần Lê Phượng Loan ký tặng tập thơ cho độc giả

Đã có một số bài thơ của Phượng Loan đã được phổ nhạc như: Thương lắm Gò Công, Chia tay áo trắng học trò, Em là ai, Kết nối… và được giới thiệu trên YouTube do các ca sĩ Thùy Dương, Đông Nguyễn, Quốc Duy… thể hiện.

Tác giả Trần Lê Phượng Loan và cô giáo Thanh Nguyên

Trong đêm trước khi lên Sài Gòn, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nguyên đã thức từ 1g sáng để viết bài phát biểu, hay nói đúng hơn là bài cảm nhận về những bài thơ cũng như về người học trò cũ mà cô thương nhất. Bài phát biểu đã gây xúc động mọi người và nhất là học trò cũ của cô là Trần Lê Phượng Loan trong buổi ra mắt tập thơ “Bên kia nỗi nhớ”. Được biết cô Nguyễn Thị Thanh Nguyên là NGUT - Nguyên hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang; Nguyên hiệu phó Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, Thủ Đức, TP.HCM; Nguyên hiệu trưởng & và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường VStar School, Quận 7, TP.HCM. Trần Lê Phượng Loan là học trò mà cô thương nhất khi còn học ở Gò Công.

Dưới đây là những đoạn trích bài phát biểu cảm động mà cô Nguyễn Thị Thanh Nguyên đã đọc với tất cả tình cảm thân thương mà cô dành cho học trò cũ của mình trong buổi ra mắt tập thơ “Bên kia nỗi nhớ’

Trần Lê Phượng Loan - nhà thơ mới nổi lên gần đây trên mạng xã hội Facebook mà tôi thường nói vui: "Phượng Loan – em là một hiện tượng trong lĩnh vực thơ văn mất rồi…!”. Em đã làm xôn xao trong giới yêu thơ, em sáng tác thơ như hơi thở, như những cơn sóng dâng trào… và đã làm cho bao trái tim thổn thức khi nhớ lại những cuộc tình đã lỡ, hay những đôi vợ chồng dù cuộc sống đang hạnh phúc như thế nào đi nữa, mà những cảm xúc về tình yêu đầu đời của một thời trai trẻ bỗng trổi dậy, để thấy tình yêu nồng nàn hơn, đằm thắm hơn, sâu lắng hơn, phủ lấp những lăn tăn phải có trong cuộc sống thường tình…

 “Giữ giùm em chút tình tuổi mới lớn

Nét chân quê, e ấp má thanh tân

Để mai sau khi tóc điểm phong trần

Còn lại chút bâng khuâng thời xuân sắc!”

(Chút tình cho anh)

Thơ em không chỉ gói gọn ở mảng tình yêu đôi lứa mà còn trãi rộng nhiều lĩnh vực của cuộc sống! Em rời xa quê hương để lập thân, lập nghiệp, nhưng tình yêu quê hương luôn ẩn giấu trong lòng em để rồi những bài thơ em viết về quê hương – về Gò Công đã làm những người con xa xứ bỗng thấy nhớ nơi chôn nhao cắt rốn đến quay quắt, đến lạ kì, chỉ muốn quay trở về, ôm chầm lấy lòng đất mẹ… mà vì cuộc sống phải rời xa! Tôi đã từng đọc những lời comment của chính “ông xã” Phượng Loan: “Em, ngày mai mình mua vé về VN đi em"!

 “Gió ơi xin ghé lại nhà ta

Mang chút tình quê cũ mặn mà

Gửi về miền biển thân thương ấy

Mảnh đất Gò Công vang tiếng ca.

Lúa trổ đòng đòng ngậm mù sương

Dưa hấu thơm ngon, ngọt lạ thường!

Tôm cá nghêu sò ôi quá xá!

Sơ ri chín đỏ ngạt ngào hương…”.

(Gò Công quê tôi)

 Thơ của em còn trãi rộng đến ngôi trường, đến thầy cô… Em là người học sinh luôn biết kính trọng người Cô, người Thầy mà em đã trót mang nặng ân tình. Bài “Vườn cây tri thức” đã làm chúng tôi – những người như kiếp con tằm cảm thấy ấm áp khi phải rút ruột ươm tơ cho đến khi nhắm mắt:

 “Thầy tôi mãi miết vun trồng

Những cây tri thức trên đồng tương lai

Phấn là cuốc, bút là cày

Thửa ruộng – sách, bảng… Thầy say sưa bừa

Bục giảng là chú Trâu xưa

Gian nan sớm tối, nắng mưa mỗi ngày!

Một cây giờ lại Hai cây,

Dốc tâm thầy bón đất đầy, nước phân…”

Quả thật, trong em là cả nguồn cảm xúc dạt dào luôn tuôn chảy, tôi nghĩ đó là nhựa sống để nuôi dưỡng tâm hồn của người thi sĩ xuất thân từ lãnh vực khoa học tự nhiên! Tiến sĩ – dược sĩ Trần Lê Phượng Loan, người học trò giỏi của Trường Trương Định mà ngày xưa tôi nào biết trong con người em có nguồn văn chương, nghệ thuật đang tiềm tàng mãnh liệt…!...”

- Tham gia biểu diễn trong buổi ra mắt tập thơ “Bên kia nỗi nhớ” còn có ca sĩ Thùy Dương, nghệ sĩ diễn ngâm Ngọc Sang, Bích Ngọc, nhà thơ – nhà giáo Hố Tịnh Văn, TS văn học Hà Thanh Vân…

Tiến sĩ Hà Thanh Vân

Nhà thơ- nhà giáo Hồ Tịnh Văn từ Đồng Nai lên chúc mừng tác giả Trần Lê Phượng Loan

Minh Anh

 

Trần Lê Phượng Loan