Trần Trung Lĩnh dùng pop-art nói chuyện với Van Gogh

Triển lãm cá nhân Van Gogh ở Sài Gòn của nghệ sĩ Trần Trung Lĩnh sẽ được khai mạc vào chiều ngày 13.5 tại SiLart Station, 139 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, Q. Bình Thạnh, TP.HCM. Van Gogh ở Sài Gòn là một cuộc giao thoa, nơi hai tâm hồn có phần đồng điệu, dạo chơi ở một thành phố đầy cảm xúc.

Trên thế giới, đã, đang và sẽ còn có nhiều triển lãm lấy cảm hứng từ tác phẩm hoặc cuộc đời của danh họa Van Gogh. Chỉ cần vô mạng gõ cụm từ có liên quan thì sẽ thấy hiện nay có nhiều triển lãm như vậy đang diễn ra.

Triển lãm cá nhân Van Gogh ở Sài Gòn của nghệ sĩ Trần Trung Lĩnh 

Triển lãm cá nhân Van Gogh ở Sài Gòn không dừng lại ở việc lấy cảm hứng, hoặc sáng tạo phái sinh, mà dùng ngôn ngữ/bút pháp pop-art (tạm dịch: nghệ thuật đại chúng) để đưa Van Gogh về Sài Gòn, cùng ông dạo phố, sinh hoạt như người Sài Gòn.

Họa sĩ với sự nhạy cảm của mình luôn phóng chiếu tầm mắt và tâm hồn để ghi nhận đời sống ở xung quanh vào tranh. Van Gogh từng làm vậy với Nuenen, Paris, Arles, đặc biệt với Saint-Rémy, dù ở thời gian ngắn ngủi. Thậm chí với 70 ngày cuối đời ở Auvers-sur-Oise, Van Gogh cũng không muốn bỏ sót điều gì. Chính vì vậy, dù tại thế có 37 năm, nhưng trong khoảng một thập niên cuối, ông đã sáng tác hơn 2.100 tác phẩm, trong đó có khoảng 860 tranh sơn dầu, hầu hết được vẽ trong hai năm cuối đời.

Triển lãm cá nhân Van Gogh ở Sài Gòn của nghệ sĩ Trần Trung Lĩnh kéo dài đến ngày 23/5/2023.

Trần Trung Lĩnh cũng từng làm vậy với Sài Gòn mùa dịch Covid-19. Và lần này, Trần Trung Lĩnh lại cưỡng đoạt bảng màu của Van Gogh, đi đôi giày giống như Van Gogh, nhìn góc nhìn như Van Gogh… để nhìn về Sài Gòn theo phong cách pop-art.

Trần Trung Lĩnh theo đuổi phong cách pop-art với thủ pháp cưỡng đoạt rất đặc trưng. Pop-art vốn rất hiện đại, hợp thời và phá cách, nhưng anh lại chịu ảnh hưởng nhiều của hội họa biểu hiện, chia sẻ với Van Gogh về cách bóp méo nhân vật rất đặc trưng. Màu sắc cũng vậy, những tông màu của Lĩnh thường dùng là những tông màu mạnh. Lĩnh vẽ với tốc độ rất nhanh, để dồn nén cảm xúc vào tranh vẽ. Và thứ ảnh hưởng rõ rệt nhất của Van Gogh lên Trần Trung Lĩnh là việc dùng các hình ảnh trong tranh của Van Gogh như là những pop-icon, cưỡng đoạt (impasto) nó để đưa vào một ngữ cảnh mới, câu chuyện khác. Các hình ảnh starry night, hoa hướng dương… được thể hiện dưới bút pháp impasto của Van Gogh trong tranh Trần Trung Lĩnh rất sống động.

Trần Trung Lĩnh dạo chơi với cuộc đời, bay nhảy như một chú sơn dương trên núi đá. Chú sơn dương ấy cũng tách mình ra với số đông, cô độc theo cách rất riêng, treo mình trên đá, trên rock. Những người thân thuộc với Lĩnh, hiểu rõ sự đắm đuối về cái đẹp của hội họa bên trong con người Lĩnh. Cá tính hội họa của Lĩnh mạnh, từ biểu hiện cho tới trừu tượng, nhưng cá tính lớn nhất và dấu ấn lớn nhất Lĩnh tạo ra vẫn là pop-art với những cú cưỡng đoạt mạnh bạo cùng những ý tưởng rất đương đại. Nếu mối quan hệ dừng ở mức sơ giao với Lĩnh, cũng sẽ cảm nhận ngay được tình cảm của Lĩnh dành cho Van Gogh, cũng như những ảnh hưởng của Vincent lên Lĩnh. Những tác phẩm của Lĩnh như Spray for Peace với nền là hoa hướng dương và bầu trời đầy sao (starry night) của Van Gogh, hoặc bức Van Meo cũng dùng sắc màu xanh và bút pháp impasto là những thứ đập vào mắt…

Trần Trung Lĩnh cũng dùng tâm hồn nhạy cảm của mình để nhìn nhận những mảnh đời xung quanh, ở Sài Gòn. Những mảnh đời ấy này mưu sinh, hiển hiện khắp nơi, nhưng chỉ nhìn thấy rõ khi sở hữu một tâm hồn nhạy cảm, bằng một sự cảm thông không cần cúi xuống, mà là bằng sự kề vai thấu cảm. Lĩnh từng làm điều đó với Sài Gòn mùa dịch, bộ tranh digital, làm bật lên tính chịu thương chịu khó, tính người trong cơn bĩ cực. Là một cú lẳng lặng chìa tay trao phần cơm hộp đỡ đói, là cha cõng con đầy thương yêu trong cuộc mưu sinh khốn khó. Những hình ảnh được khắc họa lên tranh ấy, nó không chỉ đơn thuần tạo ra những cảm xúc đồng cảm với sự xúc động giản đơn, nó còn khiến người ta suy ngẫm rằng, sự cao đẹp của tính người nó hiện diện bất chấp điều kiện xã hội ra sao.

Và anh nói thêm: “Kể cả bây giờ, trong một cuộc dạo chơi nho nhỏ của Van Gogh ở Sài Gòn, một trong muôn ngàn gương mặt khác nhau của con đường pop-art, Lĩnh muốn sống lại quãng đường cũ bằng một cái nhìn khác, bình dị thôi, như chính con người của Van Gogh, để yêu thương nhiều hơn, như là cái cách mà cuộc đời của ông đã cống hiến cho thế giới này, đẹp bình thường, giản đơn”.

Trần Trung Lĩnh kết luận: “Tôi nghĩ, Vincent đã vẽ trong tiếng ong ong của cuộc đời chẳng bằng phẳng, như có đàn ong vây quanh tai mình, rồi màu sắc và những nhát cọ cứ thế uốn lượn trên mặt toan,  tự sắp xếp theo một tâm thế chẳng khi nào ổn định. Còn tôi, tôi vẽ trong tiếng nhạc rock quay cuồng, với những âm thanh cao độ, dồn dập, chát chúa, vẽ trong tiếng còi xe của dòng người ngoài kia, tôi thấy vậy thì gần cuộc sống hơn. Trong tâm thế đó, tôi cứ vậy phết màu lên tranh như tôi vẫn thường nhắc mình, sự cuồng nộ trong tâm trí thường làm tôi điếc đặc hơn những tạp âm lổn nhổn bên ngoài, thì tại sao mình không đảo ngược lại, rồi tôi bình yên vẽ”.

Sự đồng điệu rất mực ấy làm nảy sinh ý tưởng. Van Gogh, như là một pop-icon, đưa vào hình ảnh của ông vào tranh thì hẳn là việc thường làm của các họa sĩ, và Lĩnh cũng thường vậy. Nhưng lần này có khác đi một chút. Sự cưỡng đoạt chính Van Gogh, chính tâm hồn Van Gogh, lồng vào trong tâm hồn mình, đi đôi giày của chính ông, nhìn cuộc sống chung quanh bằng tâm hồn đó, vẽ chúng lại bằng những dồn nén đau đớn đó, để tôn vinh tình yêu với Van Gogh chính là điều Lĩnh đang làm ở đợt triển lãm lần này.

Nghệ thuật, xét như là một năng lực lý tính thực hành, mỗi khi nó trỗi dậy ở trong một cá thể thì nó sẽ ám ảnh người sở hữu nó bằng cách này hoặc cách khác. Hai tâm hồn của hai người nghệ sĩ, dù sống ở hai thời kỳ rất khác nhau, một người cuối thế kỷ 19, một người cuối thế kỷ 20, nhưng có những sự đồng điệu, tương quan rất mực. Cả hai đều chịu ám ảnh từ trong suy tư, từ trong cảm nhận, từ trong những nỗi đau đáu nhân sinh, trong những nỗi buồn vu vơ, lẫn những nỗi hoài niệm. Van Gogh, mãnh liệt hơn, bởi sự cô độc, bởi sự không hợp thời, bởi đời sống vật chất buồn tẻ. Trần Trung Lĩnh vô tư hơn, bởi dù gì điều kiện sống của Lĩnh cũng rất khác, nhưng vẫn có cái sự đau đáu và cô độc vốn có của một nghệ sĩ.

Trần Trung Lĩnh kể, suốt quãng thời gian sinh viên mỹ thuật, cuối thế kỷ 20, những tháng ngày lê la chép lại tranh của các danh họa như một phần của mưu sinh, mang lại cảm giác chán ngấy và đáng ghét. Trần Trung Lĩnh là một “tay trùm” chép tranh Van Gogh thời bấy giờ, nhiều bức chép đến “thuộc lòng”. Nhưng khi trưởng thành, đã rời bỏ chuyện chép tranh từ lâu, để dần sống được với công việc sáng tạo, khi nhìn lại những năm tháng chép tranh đến chán chường ấy, thấy đó vô tình lại là một kinh nghiệm quý báu. Gần như là một phương thức lặp lại hành động của các bậc thầy, tất nhiên trong chừng mực kỹ thuật nào đó, nó sẽ bổ sung cho quãng đường sáng tác về sau này rất nhiều. Để bây giờ lấy cảm hứng sáng tạo nên câu chuyện Van Gogh ở Sài Gòn, bày 13 tranh được tuyển lựa trong các sáng tác gần đây.

“Hơn 20 năm sau, một ngày lật từng trang sách tranh của các bậc thầy, mà cụ thể là Van Gogh, một họa sĩ lúc sôi nổi tuổi trẻ Lĩnh nghĩ đó chính là thần tượng của mình, cảm giác nổi loạn của màu sắc trở lại. Cảm giác ấy khi xưa bị mình ruồng bỏ bao nhiêu thì bây giờ nó sống động, gần gũi hơn bấy nhiêu. Những gam màu cuồn cuộn tuôn chảy trở lại. Van Gogh điên ư, không, chính mình chưa đủ độ để hiểu sự điên loạn trong hành vi nghệ thuật đó. Cũng những trang sách khi xưa, bây giờ là một mối dây liên hệ khác trong tâm tưởng của mình khi cảm nhận tranh của Vincent. Màu cam đó, màu vàng đặc trưng đó, đặt cạnh màu xanh tím đó là một nỗi khắc khoải cao độ mà lúc sinh viên chẳng ai có thể chỉ cho mình thấy được, bởi nó là cảm giác, không phải bài học nào cả” – Trần Trung Lĩnh chia sẻ.

Trần Trung Lĩnh sinh năm 1977 tại Hội An, sau khi rời quê nhà vào học Đại học Mỹ thuật TP.HCM, thì chọn thành phố này làm chốn định cư. Khoảng 5 năm sau đại học, con đường sáng tác mới bắt đầu. Qua một vài triển lãm trong nước, tại quê nhà, cũng như ở Bali (Indonesia), Trần Trung Lĩnh bắt đầu chuyển xu hướng sang trào lưu hội họa pop-art, chịu ảnh hưởng của Andy Warhol và Damien Hirst… Vẽ đến năm 2013, Trần Trung tạm dừng hoạt động triển lãm tranh để dành thời gian chuyên sâu vào những dự án dài hơi, vẽ những bộ tranh mất hàng 7-8 năm mới hoàn thành. Anh cũng dành nhiều thời gian hơn cho điện ảnh, với nhiều vai trò khác nhau, từ họa sĩ thiết kế cho đến đạo diễn, viết kịch bản… Đối với anh, một nghệ sĩ đa phương diện/tiện không thể chỉ là “chơi lướt qua”, mà với mỗi hình thái, thể loại, người nghệ sĩ phải học, phải yêu, phải nhuần nhuyễn các thao tác, các kỹ thuật để trở thành thứ vũ khí thuần thục, thì sáng tác mới có độ sâu về chuyên môn.

Bên cạnh những tác phẩm, những thứ gây dấu ấn lại nằm chính trong sự đồng điệu của hai tâm hồn đau đáu về hội họa, về hình ảnh, về đời, về những sự gần gũi của đời sống nhưng rất đối xuyến xao. Sự nhìn nhận, nâng niu và đồng cảm với Van Gogh như một thực thể con người trước thực thể nghệ sĩ, khiến những gì Trần Trung Lĩnh bày ra mang tính nhân bản người với người, tâm hồn tới tâm hồn, tạo dựng nên Cái Đẹp: nét đẹp trong tâm hồn.

Tựu trung lại, Van Gogh ở Sài Gòn là một cuộc giao thoa, nơi hai tâm hồn có phần đồng điệu, dạo chơi ở một thành phố đầy cảm xúc.

Triển lãm cá nhân Van Gogh ở Sài Gòn của nghệ sĩ Trần Trung Lĩnh kéo dài đến ngày 23/5/2023.

MM

 

Trần Trung Lĩnh , pop-art , Van Gogh , Van Gogh ở Sài Gòn