Trò chơi bóng tối: Nhiều cú “twist nghẹt thở, bóng tối dần lộ diện
Sau những tập đầu mở ra thế giới đầy bí ẩn xoay quanh cái chết của Linh Đan và sự xuất hiện mơ hồ của tên sát nhân mang biệt danh "Bóng ma", từ tập 10 trở đi, bộ phim Trò chơi bóng tối chính thức bước vào giai đoạn cao trào, với hàng loạt nút thắt được mở ra và nhiều cú “twist” khiến khán giả nghẹt thở.
Ngay từ những tập giữa phim, câu chuyện bắt đầu khai thác chiều sâu tâm lý của các nhân vật chính. Tâm – người thợ sửa xe trầm lặng – ngày càng thể hiện sự bất ổn nội tâm, dằn vặt vì mất Linh Đan và những ký ức chập chờn ám ảnh. Trong khi đó, Ái Phương – nữ chủ tịch tập đoàn Hoàng Hoa – quyết định rút lui khỏi thương trường để tập trung điều tra các manh mối liên quan đến vụ án bạn thân bị sát hại.
Kịch tính đẩy lên cao khi xuất hiện cuốn nhật ký bí ẩn của Linh Đan, chứa đựng những chi tiết quan trọng vạch trần một đường dây tội phạm lớn có liên quan đến cả người trong cuộc lẫn những thế lực ngầm.
Trong lúc Ái Phương bận điều tra, Phú (diễn viên Huỳnh Quý )– em trai nuôi của cô – cấu kết cùng Tuân và băng nhóm Đại Dũng để thao túng nội bộ công ty. Hắn dựng video giả, tung tin sai lệch trên mạng, bôi nhọ danh tiếng của Ái Phương, từng bước đẩy chị mình vào thế yếu. Một mặt là doanh nghiệp bị lũng đoạn, mặt khác là hiểm họa từ những kẻ giấu mặt – Phương đứng giữa hai chiến tuyến mà kẻ thù đôi khi lại chính là người thân.
Ở một diễn biến khác, đại úy Yến Chi – nữ cảnh sát hình sự mang mối thù với “Bóng ma” – chính thức phối hợp cùng Ái Phương trong quá trình điều tra. Sự kết hợp của hai người phụ nữ mạnh mẽ nhưng khác biệt này tạo nên sự đối lập đầy thú vị và xúc động.
Bóng tối trỗi dậy – Lằn ranh giữa thiện và ác
Những diễn biến tiếp theo đánh mạnh vào xung đột tâm lý và bạo lực hành động. Loạt án mạng tiếp diễn – bé Liên bị giết, Việt Trinh bị sát hại ngay tại lớp học tình thương. “Bóng ma” xuất hiện nhiều hơn, tàn nhẫn hơn, gây hoảng loạn trong cộng đồng.
Ai là “Bóng ma”?
Cao trào bùng nổ khi danh tính thật sự của “Bóng ma” được hé lộ, nhưng sự thật tàn nhẫn là như thế nào? Thông điệp khép lại: Bóng tối nào rồi cũng sẽ tan, hận thù, tham lam, dối trá không thể tạo nên hạnh phúc. Từ một bộ phim trinh thám – tâm lý tưởng chừng “giải trí thuần túy”, Trò chơi bóng tối đã chứng minh rằng: truyền hình Việt vẫn đủ sức chạm tới những tầng sâu cảm xúc và nhân văn – nếu câu chuyện được kể bằng tất cả sự chân thật và niềm tin vào giá trị con người.
Diễn viên Quang Sự vai Tâm
Trong dòng chảy của phim truyền hình Việt Nam, hiếm có nhân vật nào lại khiến khán giả rơi vào trạng thái vừa sợ hãi vừa thương cảm như Tâm – nhân vật phản diện trung tâm trong bộ phim Trò chơi bóng tối. Ẩn sau khuôn mặt trầm mặc, hiền lành của một kỹ sư sửa xe là một bí mật kinh hoàng: Tâm chính là "Bóng ma", sát nhân hàng loạt từng gieo rắc nỗi ám ảnh kinh hoàng trong giới hình sự suốt nhiều năm qua.
“Tôi không muốn làm điều đó. Nhưng có những lúc, tôi không còn là tôi nữa...” – Tâm
Tâm không sinh ra để giết người. Anh từng là một chàng trai lương thiện, yêu Linh Đan bằng cả trái tim, là niềm tự hào của người mẹ – bà Bình. Thế nhưng, một cú vỡ trong quá khứ – cuộc tình đầu tan trận cùng những tổn thương bị dồn nén – đã âm thầm kích hoạt một nhân cách mới: Bóng ma. Nhân cách này không có đạo đức, không có giới hạn, và không có sợ hãi.
Trên màn ảnh, người xem sẽ chứng kiến hai con người tồn tại trong cùng một thân xác: Nếu những kẻ ác trong phim thông thường đến từ thế giới bên ngoài, thì Bóng ma là hiện thân của cái ác từ nội tâm – nơi con người bị bẻ gãy trong cô độc. Anh không phải là một con quái vật, mà là một nạn nhân tâm lý – của sự bỏ rơi, của tổn thương không được chữa lành, của những ám ảnh âm ỉ từ quá khứ.
Khán giả sẽ không thể không rùng mình khi thấy sự tàn bạo của Bóng ma, nhưng cũng không thể cầm lòng trước ánh mắt đầy hối lỗi của Tâm mỗi khi nhân cách thật quay về.
Điều khiến Tâm trở nên ám ảnh chính là việc anh biết mình đã làm gì – nhưng không thể ngăn lại. Anh gào thét trong câm lặng, tìm kiếm sự tha thứ bằng cách cố gắng sống tốt, giúp mẹ dạy học, yêu Linh Đan một lần nữa. Nhưng rồi, khi “con quỷ” trong anh thức dậy, mọi nỗ lực trở nên vô nghĩa.
Chính Tâm đã ra tay sát hại cả Linh Đan và mẹ ruột – bà Bình, người cuối cùng còn tin vào phần thiện trong anh.
Với vai diễn này, diễn viên Quang Sự đã có màn hóa thân đầy nội lực. Từ ánh mắt day dứt, vẻ mặt đờ đẫn sau mỗi lần nhân cách “tỉnh lại”, đến sự biến đổi khi “Bóng Ma” trỗi dậy – tất cả đều được thể hiện một cách thuyết phục, khiến người xem vừa căm ghét vừa thương cảm. Đây chắc chắn sẽ là một trong những vai diễn nặng ký và đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của nam diễn viên.
Trò chơi bóng tối không tạo ra một phản diện (phần “con” và phần “người”) để khán giả phán xét, mà dựng nên một con người để chúng ta nhìn lại chính mình. Tâm – Bóng Ma – là lời cảnh báo: sự tổn thương nếu không được chữa lành sẽ trở thành tội ác.
Chia sẻ về vai diễn của mình, diễn viên Quang Sự cho biết: “Thật lòng, trước giờ Quang Sự là người rất thích được tham gia vào những nhân vật có chiều sâu tâm lý phức tạp, đặc biệt là dạng nhân vật có xu hướng kiểu đa nhân cách. Tâm là một nhân vật kiểu như vậy (có 2 nhân cách trái ngược hoàn toàn đó là Tâm và Bóng ma). Có thể nói Tâm là một nhân vật khá thú vị, Quang Sự cảm thấy rất hứng thú với nhân vật này. Như thường lệ khi đọc xong một kịch bản, Quang Sự vẫn thường lên hồ sơ, lí lịch nhân vật, công việc, hoàn cảnh... đó là những bước cơ bản để chuẩn bị cho một nhân vật. Ban đầu khi đọc xong kịch bản, Sự cảm nhận thấy động cơ để nhân vật Tâm trở thành nhân vật Bóng Ma chưa được thuyết phục lắm, Sự đã chia sẻ với đạo diễn Võ Ngọc và bản thân anh Võ Ngọc cũng có cùng quan điểm với mình. Cuối cùng thì đạo diễn, mình và tác giả kịch bản đã thống nhất xây dựng thêm động cơ cho nhân vật để việc chuyển biến tâm lý của Tâm trở nên logic và hợp lí hơn. Với mình động cơ nhân vật là một trong những điều hết sức quan trọng, nó ảnh hưởng đến hành vi hiện tại của nhân vật.
Một trong những loại sách mình rất thích đọc đó là những cuốn có nội dung về đề tài tâm lí học tội phạm, những nội dung về bệnh tâm lý, hay kiểu đa nhân cách... những kiến thức đó ít nhiều cũng hỗ trợ cho mình trong việc chuẩn bị, hóa thân thành nhân vật Tâm (Bóng ma).
Có khá nhiều phân cảnh ấn tượng ở trong phim nhưng những phân cảnh khiến mình ấn tượng nhất là sự mâu thuẫn, đối đầu giữa hai con người trong nhân vật Tâm: giữa con người thiện (là Tâm) và ác (là Bóng ma). Những phân cảnh đó vừa được thỏa mãn về diễn xuất, vừa rất người, theo cá nhân mình thì trong mỗi con người chúng ta đều có những lúc như kiểu đa nhân cách vậy.
Quan điểm của mình thì không ai xấu hoàn toàn và cũng không ai là hoàn hảo. Tâm là nhân vật vừa đáng lên án, vừa đáng thương. Hành vi tàn nhẫn của nhân vật Tâm trong nhân cách Bóng ma là hành vi không thể chấp nhận và đáng lên án. Nhưng ở góc độ nào đó nhân vật này cũng là nạn nhân của số phận, với những tổn thương tâm lí từ quá khứ. Thật sự những nhân vật như Tâm thường ít có biểu hiện cảm xúc ra bên ngoài nên ngoài đời cũng không dễ nhận diện được. Nhưng nếu có cơ hội được gặp những người như Tâm ở bên ngoài, việc đầu tiên mình muốn làm là lắng nghe họ đã. Trở thành một người bạn sẵn sàng lắng nghe thì họ mới chia sẻ những nỗi niềm bên trong, từ đó mình mới biết vấn đề của họ là gì, rồi mới có thể đưa ra lời khuyên được”
Là một người đọc khá nhiều sách về những vấn đề bệnh tâm lí con người nên ngay từ khi đọc kịch bản, Tâm ít nhiều đã khiến mình đồng cảm với nhân vật. Ở phân cảnh cuối, trong trại giam Tâm đã rơi những giọt nước mắt hối hận muộn màng cho những tội lỗi mà mình gây ra - đó cũng là giọt nước mắt của mình dành cho nhân vật Tâm.
Bộ phim Trò chơi bóng tối không chỉ kể về hành trình điều tra một vụ án, mà còn là một lời nhắc: Mỗi con người đều có “bóng ma” trong chính mình – nếu không được yêu thương, không được lắng nghe, nó có thể trỗi dậy và hủy hoại tất cả. Vì vậy chúng ta nên quan sát, quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh ta nhiều hơn, đặc biệt là đối tượng trẻ em để tránh những điều xấu tác động lên quá trình hình thành nhân cách của trẻ.
Diễn viên Huỳnh Quý và vai diễn lột xác từ “em trai ngoan” thành “kẻ phá đám”
Trong bộ phim truyền hình Trò chơi bóng tối, nhân vật Phú là một trong những nhân vật phản diện được xây dựng sắc sảo và nhiều lớp tâm lý nhất. Không mang bề ngoài hung dữ hay đẫm máu, Phú đại diện cho kiểu ác nhân hiện đại: tri thức, toan tính, thâm sâu và đầy mâu thuẫn.
Một nhân vật phản diện không dao súng – nhưng đầy nguy hiểm
Là con nuôi của ông Đồng và bà Hương – cha mẹ ruột của Ái Phương, Phú từng là niềm kỳ vọng lớn của gia đình. Tốt nghiệp ngành kinh tế tại nước ngoài, thông minh, sắc sảo, lịch thiệp – tưởng như Phú là người thừa kế sáng giá cho tập đoàn Hoàng Hoa. Nhưng mọi thứ sụp đổ trong anh khi biết số cổ phần thừa kế của mình thua xa Ái Phương, và mình chỉ mãi là “em nuôi” trong mắt xã hội. Chính cú sốc này là mầm mống âm ỉ của sự đố kỵ, tổn thương và dần biến thành thù hận.
Mặt nạ của sự tử tế – và bàn tay nhuốm tội ác
Bề ngoài, Phú vẫn đóng vai người em hiền lành, quan tâm, trầm ổn. Nhưng thực chất, hắn chỉ chờ thời cơ để chiếm quyền kiểm soát tập đoàn và hạ bệ người chị “hoàn hảo” luôn đứng trên mình. Khi Ái Phương tạm rời công ty để thâm nhập khu lao động điều tra vụ án, Phú bắt đầu tung kế hoạch lật đổ.
Điều khiến Phú trở nên khác biệt là hắn không phải kiểu phản diện “xấu từ đầu đến cuối”. Hắn từng là một người có lý tưởng, có năng lực, có hoài bão. Nhưng khi lòng đố kỵ và khao khát được công nhận không được điều tiết, Phú trở thành người đánh mất định hướng đạo đức, sẵn sàng phản bội những người từng yêu thương mình nhất.
Nếu Ái Phương là biểu tượng của lòng kiên định và bao dung – người chọn yêu thương dù mang nhiều tổn thương, thì Phú là mặt còn lại: ích kỷ, giấu nỗi đau bằng thủ đoạn, chọn cách đáp trả bằng tội ác. Hai người – cùng lớn lên trong một mái nhà, cùng có những tổn thương riêng – nhưng chính lựa chọn khác nhau đã quyết định số phận của họ.
Cũng là vai diễn “em trai” nhưng nhân vật Phú lần này của diễn viên Huỳnh Quý lại khác hẳn với hình tượng những cậu “em trai” trước mà anh từng đảm nhận, Huỳnh Quý chia sẻ:
Phú là một vai diễn rất thú vị với Quý, vì đây là lần đầu tiên Quý được khai thác sâu khía cạnh tâm lý của một nhân vật có nội tâm phức tạp và nhiều mâu thuẫn. Điều thu hút Quý nhất ở Phú là sự chuyển biến cảm xúc liên tục – bên ngoài thì lạnh lùng, bất cần nhưng bên trong lại rất nhiều tổn thương và khao khát được công nhận.
Khi đọc kịch bản, Quý cảm được liền cái “chất” của Phú và thấy mình có thể “chạm” tới nhân vật này. Đó là lý do Quý rất muốn thử sức, muốn được lột xác với một hình ảnh hoàn toàn khác so với những gì trước đây mình từng thể hiện. Dường như Huỳnh Quý rất có duyên với các vai diễn là “em trai”, Quý cũng hay nói vui là chắc mình có “gương mặt em út” nên toàn được giao vai em trai. Nhưng lần này thì lại là một “em trai” rất khác – không còn hồn nhiên hay dễ thương nữa mà là một người nhiều tổn thương và phản kháng. Quý đã chọn cách khai thác vai diễn từ chính cảm xúc thật – tưởng tượng nếu mình là Phú, từng trải qua những điều như nhân vật thì mình sẽ phản ứng ra sao. Chính vì vậy, cách thể hiện lần này mang nhiều chiều sâu và “nặng tâm lý” hơn.
Vào vai phản diện đúng là thử thách, vì Quý phải học cách tiết chế biểu cảm, không để lộ quá nhiều cảm xúc ra bên ngoài mà vẫn khiến khán giả cảm nhận được sự giằng xé bên trong. Có những cảnh phải quay đi quay lại nhiều lần để giữ đúng cái “chất” lạnh lùng nhưng không bị khô cứng. May mắn là Quý có những bạn diễn rất ăn ý và nhiệt tình hỗ trợ nhau trên trường quay. Không khí đoàn phim rất vui, thân thiện, nên tụi mình dễ dàng kết nối và tạo được cảm xúc chân thật cho từng cảnh quay.
Một cảnh mà Quý nhớ mãi là phân đoạn đối đầu giữa Phú và chị gái – lúc đó cả hai phải bung hết cảm xúc, vừa giận dữ, vừa đau lòng. Sau khi đạo diễn hô “cut”, cả hai vẫn còn run run vì cảm xúc quá thật. Đó là lần đầu tiên Quý cảm thấy như mình thực sự “sống” trong nhân vật. Ngoài ra còn một cảnh Phú bắt cóc Wendy tại khu nhà hoang, Quý có cơ hội để thể hiện được bản chất mưu mô toan tính, với nhiều mặt cảm xúc, nét diễn khác nhau thông qua nhân vật. Cùng với sự kết hợp ăn ý của Dương Châu Uyên, Quý nghĩ đây cũng là 1 trong những cảnh đặc sắc của nhân vật Phú.
Phú không chỉ là một phản diện kịch tính trong câu chuyện, mà còn là lời cảnh báo sâu sắc về sự méo mó của lý tưởng khi thiếu đạo đức dẫn đường. Nhân vật này góp phần làm nổi bật ánh sáng từ nhân vật chính, đồng thời phơi bày mặt tối của những cuộc đua quyền lực lạnh lùng trong xã hội hiện đại.
Với sự tham gia của dàn diễn viên tên tuổi: Quang Sự, Chu Anh, Ngân Quỳnh, Huỳnh Quý, Châu Uyên, Xuân Hiệp, Ngọc Thảo, Trần Anh Huy, Karen,… Trò chơi bóng tối không đơn thuần là cuộc đấu tranh giữa thiện – ác mà là hành trình đi tìm sự thật, giải mã chính mình. Bộ phim Trò chơi bóng tối được phát sóng vào 19:45 hằng ngày từ 25/4/2025 trên SCTV14 – Kênh Phim Việt của Truyền hình Cáp SCTV và App SCTV Online.
Theo Minh Anh Báo giáo dục
Có thể bạn quan tâm
- Dàn diễn viên Đất Phương Nam ngày ấy, bây giờ
- Vừa ra MV Sốc nhiệt, Hoàng Yến Chibi bất ngờ công bố sẽ phát hành EP
- Chân dung nam ca sĩ "đông vợ con nhất làng nhạc Việt", 82 tuổi vẫn phong độ